Những tranh vẽ biếm họa của họa sĩ Nga mà bạn xem hai lần mới hiểu

Ngày 24/02/2016 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Tranh vẽ biếm họa vốn là một hình thức nghệ thuật không đòi hỏi người vẽ phải được đào tạo chuyên sâu, hoặc không nhất thiết phải thông qua trường lớp đào tạo bài bản nào cả.

Bởi vì những nét vẽ tranh biếm họa rất đơn giản, không cần phải thật đẹp, thật cầu kỳ. Điều quan trọng là qua nét vẽ đơn giản của mình, họa sĩ phải thể hiện được hàm ý nào đó để người xem có thể suy luận và tự hiểu ra.

Bởi vậy, người vẽ cần phải có khả năng tư duy logic, biết cách sắp xếp bố cục hình ảnh, cùng với sự am hiểu sâu sắc những vấn đề thường gặp trong cuộc sống của con người.

Cái tài tình của người họa sĩ là biến tấu sao cho từ những nét vẽ mộc mạc, cô đọng, kết hợp lại thành bức tranh có hồn, mang một ý nghĩa đặc biệt để truyền tải đến người xem.

Tranh vẽ biếm họa thì cũng được chia ra thành nhiều thể loại khác nhau. Có những tranh vẽ vui, ngộ nghĩnh, tạo ra sự thư giãn, gây cười cho người xem. Có loại tranh thì châm biếm những thói hư, tật xấu của một số người trong cuộc sống, nhằm giúp họ nhận ra sai lầm của mình để sửa đổi. Và thể loại còn lại thuộc trường phái đả kích, thường được dùng trong chính trị. Tuy có những mục đích khác nhau, nhưng điểm chung giữa chúng là đều có chi tiết hài hước, làm cho người xem phải bật cười khi hiểu ra được ý nghĩa ẩn sâu bên trong.

Một trong những nghệ sĩ vẽ tranh biếm họa có tiếng trên thế giới là Anton Gudim, họa sĩ đang sinh sống tại nước Nga. Các bức ảnh biếm họa của anh đều phản ánh được những khía cạnh trong xã hội. Để hiểu rõ ý nghĩa từ bức ảnh mà anh vẽ, đôi khi phải nhìn double lần và vắt óc ra mà suy nghĩ, xem tới xem lui, xem đi xem lại, bạn mới có thể nhận ra được đấy!

Cùng LaLung.vn xem những tranh vẽ biếm họa của họa sĩ Nga mà bạn xem hai lần mới hiểu nhé!

 

1) Thai nhi trong bụng mẹ

Thai nhi

Nhìn vào bức vẽ này, bạn có nhận ra được hàm ý của tác giả? Bên phải là người đàn ông đang chú tâm dán mắt vào màn hình máy tính. Còn bên trái là hình vẽ một thai nhi đang cuộn người lại. Tư thế của thai nhi với hai bàn tay gập lại, nhìn trông rất giống với tư thế của người đàn ông. Liệu có phải tác giả muốn nói rằng, có những thứ đã được lập trình và quy định sẵn ngay từ khi còn trong bụng mẹ?

Hoặc ta cũng có thể hiểu một hàm ý sâu xa hơn rằng, với thời đại công nghệ hóa ngày nay, con người như bị cuốn vào guồng quay của công việc, của thiết bị điện tử. Đến nỗi mà ngay cả một đứa trẻ cũng đã chuẩn bị sẵn tư thế hội nhập một cách máy móc như vậy ngay từ khi chưa lọt lòng.

 

2) Sống ảo

Sống ảo

Nhân vật trong hình tuy đang bị chìm dưới lòng đại dương, nhưng vẫn cố gắng lấy điện thoại ra tự sướng, rồi mỉm cười sung sướng chờ lượt like của mọi người. Đây là hình ảnh phản ánh rất rõ hiện trạng của một bộ phận sống ảo trên mạng xã hội. Họ nghiện mạng xã hội đến mức luôn cập nhập trạng thái, hình ảnh của mình mọi lúc, mọi nơi, bất kể thời gian và không gian.

Ngay cả khi rơi vào tình huống nguy cấp, thì những người sống ảo này vẫn không quên cập nhập tình trạng của mình lên mạng xã hội. Thực tế, đã từng có vài trường hợp một số người đứng bên cạnh hiện trường vụ tai nạn để tự sướng. Hoặc thậm chí, có người gặp phải tai nạn trên một chuyến xe, vẫn vô tư rút điện thoại ra chụp hình khi còn đang nằm dưới… gầm xe. Quả là bó tay toàn tập!

 

3) Vở kịch hoàn hảo

Vở kịch

Tấm hình nhỏ ở phía trên là hình ảnh thơ mộng của hai bàn tay đan vào nhau dưới bầu trời hoàng hôn. Nếu chỉ nhìn vào tấm ảnh này, thì ai cũng nghĩ rằng đây là một khung cảnh thật có ý nghĩa, mang đậm màu sắc lãng mạn. Nhưng hãy khoan đã, thử ngắm nghía bức họa anh chàng bên dưới nào! Bạn có nhận thấy điều gì trùng lặp không?

Thật ra thì đó là hai bàn tay của anh chàng này tự nắm vào nhau, dưới phông nền là chiếc áo in hình cảnh vật hoàng hôn. Đây cũng là bức tranh minh họa cho việc có một số người luôn muốn tạo ra một vở kịch hoàn hảo để đánh lừa mọi người. Những người như vậy thường tạo một bộ mặt khác ngoài xã hội. Họ luôn tỏ ra cho người khác thấy những điều đẹp đẽ nhất, nhưng sự thật thì chỉ là một kịch bản do họ tự biên tự diễn mà thôi.

 

4) Lầm đường lỡ bước

Lầm đường lỡ bước

Một con quỷ có hình dạng giống con người đang tiến bước về phía trước, với khung cảnh hoang tàn, núi lửa. Có những người đang bị chìm sâu trong biển lửa, cố gắng thoát ra khỏi nơi đó. Liệu người nghệ sĩ muốn gửi gắm điều gì thông qua khung cảnh này nhỉ?

Chỉ cần nghĩ sâu xa hơn một chút, ta sẽ biết rõ được ngụ ý mà Anton Gudim muốn truyền đạt. Thực ra, con quỷ này vốn là hình ảnh tượng trưng cho một người bị lầm đường lạc lối, đang càng lúc càng tiến bước về con đường sai lầm. Khi họ mất đi chính mình như vậy, rất cần một bàn tay của ai đó kéo họ đi đúng hướng. Bởi vì, nếu cứ tiếp tục đi chệch hướng thì họ sẽ không còn đường lùi. Với những người đã mắc phải quá nhiều sai lầm, họ chẳng có được một kết cục tốt đẹp. Vậy nên, người ta mới thường khuyên nhau rằng: đứng trước vực thẳm, quay đầu là bờ.

 

5) Người đàn ông đọc sách

Đọc sách

Nhìn vào bức hình ở trên, ta thấy trong năm người đàn ông đang ngồi, hết bốn người là chăm chăm vào màn hình điện thoại, chỉ có người ở giữa là ngồi đọc sách thôi. Có lẽ nếu chỉ cần nhìn như vậy, ai cũng sẽ chỉ có thiện cảm với người này, và nghĩ rằng đây là một người có trí thức.

Khoan vội đánh giá như vậy nào bạn! Có những người, hoặc sự việc mà bạn không thể chỉ nhìn phiến diện, nhìn một mặt mà biết hết được. Nhìn tấm hình ở dưới, ta mới hiểu ra rằng người đàn ông đó chỉ giả vờ, tỏ ra mình là người trí thức mà thôi. Với chiếc máy tính bảng đặt giữa cuốn sách, anh ta đã đánh lừa con mắt của người xem nếu họ chỉ nhìn từ phía bên ngoài. Qua đó, ta càng thấm nhuần triết lý khi đánh giá một con người, và bản chất thật sự của một số người trong xã hội.

 

6) Thời trang mặc như không mặc

Thời trang

Một cô gái không mặc quần đang đu dây từ trên cao xuống. Cô ấy nhúng đôi chân của mình vào thùng sơn, và khi nhảy ra, cô ta đã có quần để mặc. Chúng ta có thể hiểu được điều gì qua hình vẽ này nhỉ?

Thực ra, Anton Gudim muốn phản ánh thời trang phản cảm của giới trẻ trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Một số cô gái thường có sở thích diện những bộ đồ nhạy cảm, làm người khác phải ái ngại khi ngước nhìn. Nhất là mấy cái quần mỏng ôm bó sát vào đôi chân, khiến cho người ta có cảm tưởng như họ không mặc gì. Mặc mà như không mặc là như vậy đấy!

 

7) Ngủ nướng

Ngủ nướng

Đây là một bức tranh rất hài hước, minh họa việc ngủ nướng mà chúng ta thường hay mắc phải. Khi bất chợt thức giấc, chúng ta thường đưa tay dụi mắt để được tỉnh táo và nhìn rõ mọi thứ. Và thứ đầu tiên ta thường muốn nhìn sau khi tỉnh giấc đó là chiếc đồng hồ. Nếu nhận ra thời gian đã trễ, sự căng thẳng bắt đầu dồn lên tới... não, lúc đó chỉ biết vắt chân lên cổ chạy cho thật nhanh mà thôi.

Từ con mắt đang nhắm nghiền, cho đến khi vừa he hé, rồi tới lúc con ngươi căng ra vì sợ trễ giờ, họa sĩ người Nga đã khắc họa được khoảnh khắc ngủ nướng trông thật thú vị.

 

8) Cư dân FA

Cư dân FA

Tại sao tác giả lại điền chữ forever vào số 8, còn số 1 lại ghi chữ alone? Forever alone có nghĩa là mãi mãi cô đơn, với ký hiệu viết tắt là FA, vốn dành để chỉ những người không có người yêu. Liệu nó có mối quan hệ gì với con số 81 nhỉ?

Thật ra, số 8 nếu viết nằm ngang thì có ký hiệu giống với giới hạn vô cực trong toán học. Đây là một khái niệm vô tận, không có điểm dừng. Nên ta có thể hiểu số 8 mang một biểu tượng cho sự mãi mãi.

Còn số 1 thì dễ hiểu hơn một xíu, nó có thể tượng trưng cho sự duy nhất, lẻ loi, đơn độc. Vậy thì mấy mem đã hiểu rằng vì sao tác giả đã lấy con số 81 làm biểu tượng cho dân FA rồi nhỉ?

Hình vẽ phía dưới là hình ảnh anh chàng mang áo in số 81, như chứng minh ta đây thuộc cư dân FA. Tuy ế nhưng vẫn phải tự tin, và chứng tỏ cho thiên hạ thấy ta đây là... ế.

 

9) Vô cảm với mọi thứ

Vô cảm với mọi thứ

Thấy có cảnh đánh nhau, người đàn ông áo xám không những không tới hòa giải, mà còn rút điện thoại ra chụp lại khung cảnh đó. Bức ảnh này thể hiện sự vô cảm đến đáng sợ của một số người trong xã hội trước mọi thứ diễn ra xung quanh.

Không chỉ đơn giản là khung cảnh đánh nhau như thế này. Có một số người còn tỏ ra phớt lờ trước những hoàn cảnh đáng thương của đồng loại. Họ không dang tay ra giúp đỡ, mà chỉ biết cười trên nỗi đau của người khác. Lấy nỗi khổ của đồng loại để làm trò mua vui cho bản thân mình, đây là điều cần phải bị lên án và cảnh tỉnh. Hiện trạng này không hề hiếm gặp trong cuộc sống, nhất là ở thời đại văn minh như ngày nay. Khi người ta chỉ chạy theo những thứ xa hoa, phù phiếm, thì các giá trị thực trong cuộc sống lại bị họ bỏ quên.

 

10) Thật giả khó đoán

Thật giả khó đoán

Bức ảnh này trông có vẻ khó hiểu nhỉ? Bình tĩnh nào, cứ từ từ nhìn kỹ từng hình một, rồi bạn sẽ chiêm nghiệm được điều gì đó ngay ấy mà!

Với hai bức hình ở trên, ta thấy một cô gái dùng tay vuốt bộ râu trông thật hài hước, sau đó lại giơ ngón tay ra làm ký hiệu. Ngón tay cái của cô gái dài đến mức kỳ lạ và khó hiểu. Nhưng khi nhìn vào tấm hình bên dưới, ta mới nhận ra, thì ra cô ấy đã cầm một cái thanh cây dài kèm theo một cái tay giả. Ngó đến tấm hình cuối cùng, hẳn ai cũng phải bật ngửa vì tất cả chỉ là một sản phẩm do một người khác dàn dựng. Và hãy dòm kỹ người đứng đằng sau tất cả kìa, trông có giống một quái vật đáng sợ không?

Rốt cuộc thì người xem sẽ hiểu được điều gì đằng sau bức tranh này nhỉ? Có thể tác giả muốn cho chúng ta nhận ra rằng, những thứ mà ta thấy trước mắt đôi khi lại khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Đằng sau một số sự việc luôn có sự tính toán đầy mưu mô mà ta khó có thể nhận biết. Chỉ khi vở kịch được hạ màn, bộ mặt thật của người đó mới được hé lộ mà thôi.

 

11) Cân bằng giữa công việc và gia đình

Cân bằng giữa công việc và gia đình

Anton Gudim đã vẽ một cái điện tâm đồ, nhưng phần nhịp tim lại chèn chữ ngôi nhà và công việc vào. Ta có thể hiểu được ngụ ý của anh rằng, công việc và ngôi nhà là hai phạm trù thường gắn liền với chúng ta trong cuộc sống.

Công việc chính là sự nghiệp, thứ rất quan trọng đối với mỗi người, ai cũng luôn cố gắng không ngừng để đạt được những mục tiêu mà mình mong muốn. Còn ngôi nhà là hình ảnh tượng trưng cho gia đình, nơi mà mọi người thường quay về sau một ngày dài làm việc. Dù có thành công trong sự nghiệp đến mấy, gia đình cũng là bến đỗ, là nơi tìm về bình yên cho chúng ta. Bởi vậy, ta nên biết cách cân bằng hai thứ này để có được một cuộc sống hạnh phúc hơn.

 

12) Lý trí và trái tim

Lý trí và trái tim

Trái tim và lý trí đôi khi lại không “hòa thuận” với nhau cho lắm. Và bức tranh của họa sĩ Nga cũng đã thể hiện rõ cho chúng ta thấy điều này. Một trái tim đang tràn trề nhiệt huyết, hoặc niềm yêu thương, thì lý trí là thứ đã dập tắt đi ngọn lửa đam mê đó.

Thật ra, có một vài trường hợp là lý trí đúng, nhưng cũng có khi sự mách bảo của trái tim là đúng. Đôi khi, trái tim của chúng ta đặt sai hướng, thì lý trí sẽ là thứ giúp ta suy xét và nhìn nhận lại vấn đề.

Nhưng có lúc, sống một cách lý trí và thực tế quá cũng chưa hẳn là tốt. Bởi vì nếu quá thiên vào lý trí, sẽ dễ dẫn tới những suy nghĩ máy móc, vô cảm và khô khan trong tâm hồn. Để giải quyết một số vấn đề, ta cần kết hợp cả hai thứ này lại.

Tóm lại, chúng ta nên sống bằng một cái đầu lạnh và một trái tim nóng, biết cách cân bằng hai thứ, như vậy cuộc sống sẽ được hài hòa hơn.

 

13) Mở cửa trái tim

Mở cửa trái tim

Chàng trai cầm trên tay chiếc chìa khóa để mở cửa trái tim một cô gái, nhưng rồi anh ta lại làm cho trái tim của cô ấy bị rỉ máu. Vì sao vậy?

Hãy cân nhắc trước khi bắt đầu tình yêu đối với một người nào đó! Đây dường như là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm cho chúng ta thông qua bức ảnh này. Trong tình yêu, bạn cần có sự suy xét cho thật kỹ. Đừng vội mở lời yêu ai đó nếu như bạn chưa sẵn sàng, chưa thật sự có tình cảm dành cho họ. Khi bạn quá vội vàng, thì sẽ dễ gây đau khổ cho người ta và có khi là chính bạn.

Nhất là đối với các chàng trai thường có sở thích chinh phục các cô gái. Mấy anh chàng này thường bị gán mác là Sở Khanh, cứ thích tán tỉnh lung tung, gieo rắc tình cảm và gây đau khổ cho các cô gái.

 

14) Nhân vật đẳng cấp

Nhân vật đẳng cấp

Trong một đàn chó đang đứng, có một con trông thật khác biệt với bộ da khoác trên người, đeo đôi kính đen, cái đuôi thì được cột lại. Đây là hình ảnh minh họa cho việc một số người thích mình được nổi bật giữa đám đông. Đây không hẳn là điều xấu. Nhưng việc thể hiện đẳng cấp, cá tính, thời trang một cách thái quá, chứng tỏ mình quá khác người, sẽ dễ làm cho họ trở nên lố bịch trong mắt mọi người xung quanh.

Bộ ảnh này tuy hình vẽ rất đơn sơ nhưng tốn rất nhiều chất xám của chúng ta để suy nghĩ, phải không nào? Những tranh vẽ biếm họa của họa sĩ Nga mà bạn xem hai lần mới hiểu, quả thật đã làm nhiều người phải động não lắm mới nhận ra được hàm ý của chúng. Anton Gudim rất tài tình khi đã vẽ ra các bức tranh vừa hài hước lại vừa mang ý nghĩa sâu cay như vậy.

 

Xem thêm video những tranh vẽ biếm họa khiến chúng ta phải suy ngẫm nhé bạn!

Chia sẻ những tranh vẽ biếm họa của họa sĩ Nga mà bạn xem hai lần mới hiểu đến mọi người xung quanh bạn nào!

Nguồn hình: @Anton Gudim

Bài viết liên quan: