Khi những điều bí ẩn hằng ngày được giải thích bằng video

Ngày 20/01/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Người ta vẫn hay nói trăm nghe không bằng một thấy, một hình ảnh nặng hơn ngàn con chữ. Chính xác là như thế, mọi thứ đều được giải quyết trong vòng một nốt nhạc khi những điều bí ẩn hằng ngày được giải thích bằng video.

Bạn chỉ cần dành vài giây để xem chúng thì từ những hoạt động cơ học phức tạp, các phản ứng sinh học kỳ lạ đến dăm ba công thức khó hiểu sẽ sáng tỏ như ánh đèn huỳnh quang. Vậy còn điều gì khiến bạn chần chừ không kéo chuột xuống xem bài?

 

1) Định lý Pytago

Nếu năm nay bạn 20 tuổi, thì đã 7 năm kể từ cái ngày định mệnh bạn “gặp gỡ” định lý Pytago. Công thức toán học này nằm trong chương trình lớp 7. Nó chỉ ra mối liên hệ giữa 3 cạnh của một tam giác vuông trong hình học phẳng. Bất cứ học sinh lớp 7 nào cũng phải thuộc làu định lý: “Trong một tam giác vuông, bình phương của cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông”.

Có thể bạn biết công thức này được đặt theo tên của Pytago - một nhà vật lý, một nhà toán học, đồng thời là một triết gia người Hy Lạp, sống vào thế kỷ thứ 6 TCN. Cũng có thể một vài bạn biết nó xuất hiện từ rất lâu trước khi Pytago công bố, cụ thể, người ta tìm thấy nó trong Chu bễ toán kinh (khoảng năm 500 – 200 TCN) hay Các nguyên tố (năm 300 TCN). Thế nhưng, đã bao giờ bạn nghĩ cơ sở nào khiến các nhà toán học đưa ra định lý đó? Thực tế, nó rất đơn giản, chỉ cần xem clip là bạn có thể ngộ ra chân lý ngay lập tức mà không cần mò mẫm những trang giáo trình dày đặc chữ, với đủ thứ các giả sử, tỉ dụ.

 

2) Cách các khóa kéo hoạt động

Phéc-mơ-tuya là thứ bạn nhìn thấy mỗi ngày. Chúng ở trên quần áo, váy vóc, balo túi xách hay giày dép với đủ hình dạng, màu sắc, kích cỡ. Chúng được phát minh vào năm 1893 bởi Whitcomb L. Judson. Công dụng của các dây kéo này là để khóa. Ngày nào bạn cũng kéo rẹc rẹc nhưng bạn có tò mò vì sao chúng đóng kín được không? Với mô tả phía trên, chúng sẽ không còn khó hiểu.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy chúng thường có rất nhiều “răng” bằng kim loại hoặc nhựa gắn vào hai dải vải, khoảng cách giữa chúng rất đều. Một con trượt sẽ được kéo dọc hai dãy “răng”. Bên trong con trượt ấy là một rãnh hình chữ Y. Tùy vào hướng di chuyển của con trượt mà khóa kéo đóng hay mở.

 

3) Số Pi (π)

Pi là hằng số liên quan mật thiết đến đường tròn. Khi học toán học, bạn được thầy cô dạy số Pi xấp xỉ 3,14. Thực tế, ai cũng biết con số siêu việt này là một số vô tỷ, không tuần hoàn. Nó đã khiến biết bao khối óc thiên tài lao đầu vào tìm hiểu.

Đến ngày 11/9/2000, người ta đã tìm ra được con số thứ 1 triệu tỷ sau dấu phẩy là số 0. Một cách đơn giản nhất để hiểu về con số huyền bí này là: nó là tỷ số giữa chu hình tròn và đường kính. Tuy nhiên, bạn có bao giờ thắc mắc vì sao nó lại được dùng để tính chu vi vòng tròn không? Để hiểu được điều đó thì có khi bạn phải mất vài ngày nghiên cứu các tài liệu của William Jones, John Machin, William Oughtred hay một vài người khác. Thế nhưng, hôm nay, bạn chỉ cần nhìn vào đoạn phim ngắn chưa đầy một giây kia thì câu trả lời đã bày ra trước mắt.

 

4) Siêu lập phương trông như thế nào?

Siêu lập phương hay còn gọi là tesseract hoặc cube 4 chiều. Thực tế thì chúng ta khó lòng tưởng tượng siêu lập phương trông như thế nào vì bộ não chúng ta bị giới hạn trong không gian 3 chiều. Con người thường phải dùng các hình chiếu vuông góc để nhìn thấy nó. Điều khó giải thích ấy sẽ được đơn giản hóa, sẽ được làm cho dễ hiểu với clip trên. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm đôi mắt bạn “tổn thương” bởi độ ảo diệu của mình.

 

5) Cách máy may làm việc

Nhìn từ bên ngoài, chiếc máy may dường như chứa một ma thuật. Bằng cách nào đó mà cây kim cứ chạy lên chạy xuống thì đường may hình thành. Thật khó giải thích. Và đây, LaLung.vn sẽ cho bạn thấy điều gì diễn ra bên trong máy may khi cây kim đang “nhảy múa”.

Một móc vòng kéo sợi chỉ vàng vòng qua con suốt. Khi sợi vàng chạm sợi xanh, nó tạo thành điểm kết nối, khiến chúng bị ràng buộc với nhau. Nguyên lý hoạt động của nó không có gì phức tạp cả. Thế nhưng, làm cách nào mà các sợi chỉ kết nối với nhau một cách chính xác như thế thì vẫn còn là bí ẩn.

 

6) Bài toán mã đi tuần

Bài toán này đưa ra câu đố hóc búa, làm cho quân mã đi hết một vòng bàn cờ vua (đi qua đủ 64 ô), và dĩ nhiên, mỗi ô nó chỉ được đi qua 1 lần. Câu đố bất khả thi này sẽ cực kỳ khả thi nếu bạn làm theo cách trên. Cách đơn giản nhất.

Bài toán chúng ta đang tìm hiểu là hành trình mở (hành trình đóng là quân mã phải kết thúc tại ô bắt đầu). Có hàng ngàn lời giải cho câu hỏi này. Thế nên, hãy thử xem, biết đâu bạn lại tìm được cách giải tuyệt vời hơn thì sao.

 

7) Cách lò xo xoắn ốc Slinky rơi xuống

Slinky quá quen thuộc, nó là một phần tuổi thơ của chúng ta. Nó là một trong những món đồ chơi nổi tiếng nhất mọi thời đại. Món đồ này do Richard James – một kỹ sư cơ khí sáng chế vào năm 1943. Thực tế thì ban đầu, kỹ sư này định chế tạo một lò xo giảm xóc cho tàu, nhưng thật vô tình, một lò xo rơi xuống và “nhảy” khắp nơi, trông khá vui mắt. Thế là, Slinky ra đời. Nó nhanh chóng làm mưa làm gió trên thị trường đồ chơi của thế kỷ 20. Đến giờ, đột hot của nó vẫn không giảm.

Ban đầu, nó được làm bằng sắt, về sau người ta làm bằng nhựa dẻo. Một trong những lý do khiến món đồ này được yêu thích là vì nó có thể “bước” xuống cầu thang. Thế chuyện gì đã xảy ra khi chúng ta thả Slinky xuống để nó “nhảy”? Điều kỳ lạ đó sẽ được làm rõ ngay lập tức. Bình thường Slinky rơi quá nhanh nên bạn không thấy nhưng với đoạn phim quay chậm mà LaLung.vn cung cấp thì mọi thứ rõ như ban ngày.

 

8) Kiến đi như thế nào?

Chúng ta nhìn thấy kiến rất thường xuyên. Nó là loài côn trùng cổ nhất vẫn còn tồn tại đến nay và di chuyển khá nhanh nhẹn. Kiến ta có 6 chân, hẳn là bạn biết điều đấy. Khá nhiều người tò mò, với 3 cặp chân thì con côn trùng này đi thế nào? Bạn có vậy không? Kiến rất bé, kích thước chỉ từ 0,75 đến 52 milimét. Thế nên, chân hắn ta cũng vô cùng khiêm tốn, nó lại đi nhanh nên khá khó để mọi người nhìn thấy nó bước thế nào.

Hãy nhìn vào video trên, cách nó đi cực kỳ vui nhộn. Và, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên tột độ khi với cách đi quái lạ đó mà nó không vấp té.

 

9) Chuyện gì xảy ra bên trong ổ khóa khi bạn cắm chìa và xoay?

Trong các phim Hollywood, bạn vẫn hay thấy một vài nhân vật mở khóa bằng sợi thép hay chiếc kẹp tăm chỉ trong 10 giây. Hết sức nhẹ nhàng nhỉ? Tuy nhiên, đó chỉ là phim, cấu tạo của chúng khá phức tạp. Nghiêm túc đấy nhé!

Một ổ khóa gồm 6 phần, theo thứ tự từ trên xuống dưới là lò xo, chốt trên, đường sinh, chốt dưới, trục và chìa. Khi ổ đang ở trạng thái “khóa” thì đường sinh không thẳng hàng, chốt trên, chốt dưới lộn xộn. Khi cắm chìa vào, các răng của chìa đẩy các chốt lên để đường sinh thẳng hàng. Lúc này, chỉ cần xoay là ổ “mở” thôi. Clip trên sẽ lý giải cho bạn thấy. Vài trăm từ diễn giải cũng không bằng một giây bạn xem tận mắt đúng không?

 

10) Chó uống nước

Bạn đã bao giờ thấy chó uống nước chưa? Cứ thấy chúng chúc mõm xuống mà chẳng biết nó hút nước lên kiểu gì trong khi cái miệng kiểu đấy thì làm sao mà giữ nước được nhỉ?

Với cái mõm dài ngoằng thế kia thì mấy em cẩu chẳng thể nào uống nước như chúng ta được đâu. Nó sẽ đưa lưỡi xuống nước, uốn cong lưỡi ra phía sau tạo thành hình gần giống cái vá múc canh của chúng ta rồi rút lưỡi lên rất nhanh. Lực do lưỡi của những con thú nuôi trung thành này kéo lên mạnh gấp 8 lần trọng lực. Quả nhiên khi những điều bí ẩn hằng ngày được giải thích bằng video thì nó rất dễ hiểu.

 

11) Vì sao mùa hè ở Bắc Cực, Mặt Trời không lặn?

Bạn đã từng nghe nhắc đến hiện tượng “ban ngày vùng cực” chưa? Nó đang nói đến một số ngày mùa hè ở vùng cực Bắc Mặt Trời không lặn. Mùa hè, càng đi về cực Bắc thì ngày càng dài, tại cực thì sẽ có 6 tháng ngày, 6 tháng đêm (Nam Cực cũng thế, nếu 6 tháng Bắc Cực đang là ngày thì cực Nam là đêm). Thế nên, tại 2 cực của Địa Cầu, mỗi năm, Mặt Trời chỉ mọc và lặn một lần duy nhất. Điều này được lý giải là do trục Trái Đất nghiêng 23 độ 27 phút. Hạ đến, cực Bắc sẽ nghiêng về phía Mặt Trời. Xem clip để rõ hơn về điều kỳ diệu này nhé!

 

12) Khuôn mặt con người hình thành thế nào trong tử cung?

Thực tế là chúng ta khá xấu xí trước khi chui ra khỏi bụng mẹ đây nhé! Khuôn mặt chúng ta không có sẵn rồi lớn lên như bạn vẫn nghĩ đâu. Khi người mẹ mang thai những tháng đầu, khuôn mặt chỉ hình thành những vách ngăn phân chia mắt, mũi, miêng. Từng bộ phận trên đó sẽ “thân ai nấy lo”, chúng phát triển riêng biệt. Phần trên sẽ hình thành trước, miệng là bộ phận cuối cùng. Sau 3 tháng đầu thì khuôn mặt thai nhi cơ bản đã rõ nét. Nếu có bất cứ “lỗi kỹ thuật” nào, khiến một bộ phận trên mặt không phát triển trong giai đoạn này, thì vĩnh viễn sẽ không hoàn thiện trong những tháng sau đó.

 

13) Bạch tuộc là bậc thầy về ảo ảnh quang học và ngụy trang

Nếu LaLung.vn mà không nói thì chắc chắn bạn sẽ không biết sinh vật trong video kia là bạch tuộc đâu. Ngoài trí thông minh đáng nể, chúng còn được coi là ảo thuật gia siêu đẳng trong việc “biến hình”. Loài động vật có xúc tu này có thể thay đổi màu sắc và kết cấu da để ngụy trang, gây ảo giác để đánh lừa kẻ thù. Chúng có khả năng cải trang thành 15 loài sinh vật biển khác nhau lận đấy.

 

14) Cách đậu ô tô hoàn hảo

Nếu bạn mới sắm được một em xế hộp và chưa thành thạo trong việc đỗ xe thì clip này là dành riêng cho bạn. Thực tế thì việc đỗ xe vào chỗ trống giữa 2 chiếc xe khác là một thử thách khá khó khăn đấy.

Thế nhưng, nếu thực hiện như chỉ dẫn thì cũng đơn giản lắm. Hãy cho xe chạy lên song song với xe phía trên, sao cho chúng cách nhau 60 cm và đuôi xe của bạn thì ở phía sau đuôi xe trước một chút. Bẻ lái sang trái, lùi xe đến khi góc phải đầu xe bạn lái ngang với đuôi xe trước. Tức là lúc này bạn đang ở góc 45 độ. Sau đó bẻ lái sang phải, lùi xe vào chỗ trống và chỉnh khoảng cách so với 2 xe là xong.

 

15) Điều gì xảy ra khi chúng ta nuốt thức ăn

Dĩ nhiên là ai cũng biết khi nuốt thì thức ăn sẽ xuống cổ họng, nhưng đã ai tưởng tượng quá trình đó diễn ra như thế nào chưa? Theo nghiên cứu thì thức ăn khô sẽ mất 8 giây để đi qua thực quản, chất lỏng thì nhanh hơn. Clip này là hình ảnh chụp X-ray một người đang nuốt chất lỏng. Không cần phân tích hay giảng giải dài dòng, chỉ cần xem là hiểu ngay và luôn.

 

16) Cách những chiếc bánh Pop-Tarts ngon lành được hoàn thành

Nếu đang đói bụng mà phải xem đoạn phim ngắn này thì đúng là cực hình nhỉ? Pop-Tarts ra đời vào năm 1960. Hiện nay, nó là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất tại Mỹ do công ty Kellogg sản xuất. Nếu là fan của những chiếc bánh ngọt thơm ngon này thì bạn không nên bỏ qua cách người ta làm ra chúng với đủ các hương vị đâu.

 

17) Quá trình lột xác của cua nhện

Đây là clip ghi lại màn lột xác ngoạn mục của một con cua nhện. Vì là động vật giáp xác nên để phát triển, nó phải rời khỏi lớp vỏ cũ. Chúng thu các phần cơ thể lại cho đến khi thoát khỏi “bộ giáp” cũ. Giây phút nó chui ra khỏi vỏ của mình là quá tuyệt vời. Hãy thừa nhận đi, có phải bạn đã vô cùng kinh ngạc và thỏa mãn trước màn thoát xác ấy.

 

18) Nhện đấu sĩ săn mồi

Loài nhện này sống đông đúc ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Để tóm gọn những con mồi, nhện đấu sĩ giăng tơ thành tấm lưới có hình dáng giống vó bắt cá và dùng nó vồ lấy nạn nhân. Có thể nói rất khó để con mồi thoát được những cú chụp chuẩn xác ấy. Rất ấn tượng phải không nào. Giờ thì hết thắc mắc cách nhện đấu sĩ săn mồi rồi nhé!

 

19) Cách máy ép thuốc viên vận hành

Hiện nay, thuốc tây khá dễ uống đúng không nào? Các viên thuốc có kích thước vừa vặn, dễ nuốt. “Ngoại hình” cũng khá xinh xắn. Vậy bằng cách nào chúng có hình dạng như thế? Cách sản xuất những viên thuốc này khá giống cách sản xuất bánh kẹo. Một hỗn hợp thuốc được chuẩn bị sẵn, các khuôn sẽ được lấp đầy bởi hỗn hợp dược phẩm. Chúng được nén và đẩy ra ngoài. LaLung.vn nói thì sẽ hơi dài dòng và khó hiểu, các tình yêu chỉ cần xem video là thông ngay.

 

20) Cách đọc trị số đo trên thước kẹp Caliper

Thước kẹp thường dùng trong các ngành kỹ thuật cơ khí. Người ta dùng chúng để đo đường kính hình tròn và chiều sâu của lỗ. Nếu những ai học chuyên sâu về cơ khí thì được dạy rất kỹ về thước cặp. Tuy nhiên, nếu chỉ để biết dùng loại thước này thì không cần phải tham gia những khóa học ấy. Video này sẽ mách bạn.

Trước tiên, mỏ đo lớn dùng để đo đường kính ngoài, mỏ đo nhỏ phía trên dùng để đo đường kính trong. Thanh thước dài là thước chính. Thanh thước nhỏ phía dưới là thước phụ hay còn gọi là du xích. Trị số trên du xích sẽ là số nằm sau dấu phẩy. Khi kẹp một con ốc vào, số 0 trên du xích trùng với vạch nào trên thước chính thì đó là trị số trước dấu phẩy. Trị số sau dấu phẩy cũng tính bằng cách nhìn vạch trên du xích và thước chính trùng nhau. Ở thước trong clip trên, chúng trùng nhau ở vạch số 7 và sai số của thước là 0,01 nên trị số sau dấu phẩy lúc này là 0,07.

 

Khi những điều bí ẩn hằng ngày được giải thích bằng video thì rất thú vị phải không nào? Dưới đây là một số bật mí về cách hoạt động của nhiều thứ xung quanh bạn. Hãy bấm vào để xem ngay nhé!

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hãy thích và chia sẻ nó để ủng hộ LaLung.vn. Các mem cũng có thể bình luận để cùng trao đổi ý kiến với mọi người.

Cuối cùng, các bạn đừng quên theo dõi fanpage LaLung.vn để xem thêm nhiều thông tin thú vị khác, đồng thời cập nhật những tin tức hay ho một cách nhanh nhất.

Bài viết liên quan: