Những hoạt động diễn ra trong bộ não và cơ thể khi bạn ngủ

Ngày 10/09/2015 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Mỗi người chúng ta dành khoảng 1/3 thời gian cuộc đời cho việc ngủ, nghĩa là nếu bạn sống đến 75 tuổi, thì hết 25 năm bạn khò khò rồi.

 Nhiều ý kiến cho rằng thật phung phí thời gian chỉ để ngủ khì, trong khi còn biết bao việc phải làm trước khi tuổi già ập đến.

Tuy nhiên, bạn có biết cơ thể vẫn hoạt động trong lúc chúng ta đang say giấc nồng? Vậy điều gì xảy ra trong cơ thể và não bộ khi chúng ta ngủ nhỉ? Cùng tìm hiểu nào.

 

1) Hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh nhất khi bạn say giấc

Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học quan sát thấy rằng: cơ thể của những bệnh nhân cảm cúm đã được tiêm vắc-xin nhưng thiếu ngủ không phát triển kháng thể ngăn chặn virus cúm bằng những người được ngủ đủ giấc. Điều này chứng minh rằng, hệ miễn dịch trong cơ thể hoạt động mạnh mẽ nhất lúc bạn nghỉ ngơi. Đó là lí do bạn được nghỉ phép, được khuyên nghỉ ngơi sớm khi có dấu hiệu không khỏe đấy.

 

2) Khò khò ít phút ban ngày cũng tốt cho sức khỏe lắm

Dù là sâu ngủ thì bạn cũng đừng nên bắt chước công chúa ngủ trong rừng mà nhắm tịt mắt liên miên quên trời đất. Người Việt thường có thói quen đánh một giấc ngắn buổi trưa để tỉnh táo giải quyết công việc buổi chiều. Thật ra các nhà khoa học cũng ủng hộ những giấc ngủ ngắn như vậy vì chúng có lợi cho não bộ, giúp đầu óc minh mẫn và phục hồi ký ức. Một giấc mỏng mỏng cho buổi trưa khoảng 15, 20 phút là quá ổn luôn.

Cách đây hơn 500 năm, danh họa Leonardo Da Vinci đã áp dụng phương pháp chợp mắt 15 phút sau mỗi 4 tiếng làm việc, nhờ đó, ông có đủ thời gian và minh mẫn giải quyết khối công việc đồ sộ. Tuy phương pháp này còn nhiều tranh cãi, nhưng cũng không thể phủ nhận hiệu quả mà những giấc ngủ ngắn mang lại.

 

3) 30% số người trong chúng ta bị ảnh hưởng bởi hiện tượng ngưng thở trong lúc say giấc

Trong lúc say giấc, một số người không thể nhận ra mình đang bị ngưng thở. Nguyên nhân của hiện tượng này là do tắt nghẽn khí quản vì béo phì, bị các vật che mũi, miệng hoặc do các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp khiến việc hít thở khó khăn... Nếu có các triệu chứng như ngáy to, mệt mỏi sau khi tỉnh giấc,... bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để giảm thiểu nguy cơ ngừng thở khi đang zZz nhé.

 

4) Bộ não tranh thủ sắp xếp dữ liệu khi bạn chợp mắt

Sau một ngày hoạt động, bạn dung nạp rất nhiều thông tin vào não bộ. Về đêm, bạn ngáy o o còn “trung tâm xử lí dữ liệu” vẫn phải thức hoạt động, sắp xếp lại những dữ kiện quan trọng để dành xài về sau, rồi xóa xổ những thông tin không cần thiết, đồng thời tạo các kết nối thần kinh mới.  Bởi vậy, bạn nên ngủ đủ giấc và nhường thời gian đó cho anh bạn não bộ làm việc, bạn không muốn nhớ nhớ quên quên, lẩn thơ lẩn thẩn phải không nào?

 

5) Tất cả tế bào cơ thể phục hồi trong lúc bạn say ngủ

Khi được thư giãn, các bộ phận trong cơ thể bạn cũng bắt đầu quá trình tái tạo, sửa chữa những hư hỏng sau một ngày làm việc mệt mỏi. Vì vậy ngủ đúng và đủ giấc là nền tảng cho một sức khỏe tốt. Nếu bạn bị chứng khó ngủ, hãy thử những phương pháp được khuyên dùng để nhanh chóng chìm vào giấc mộng đẹp, như đếm cừu chẳng hạn.

 

6) Bạn tỉnh giấc từ 5 đến 15 lần mỗi giờ

Nhiều khi những lần thức tỉnh này chóng vánh đến nỗi bạn không nhận ra, nhưng thực sự chúng ta không đánh một giấc thẳng cẳng suốt 7 tiếng mỗi đêm đâu. Bạn sẽ giật mình vì tiếng động, vì cơn ác mộng hoặc khi trở mình cho đỡ mỏi... Nhưng thường bạn sẽ nhanh chóng khò khò lại vì đang buồn ngủ díp mắt mà.

 

7) Cơ thể phản ứng theo tâm trạng trong vô thức

Theo các nhà khoa học nghiên cứu hành vi cơ thể con người, bạn thường mang luôn những căng thẳng, lo lắng trong cuộc sống thường nhật vào giấc ngủ. Chúng ám ảnh bạn tới mức cơ thể bạn phản ứng trong vô thức bằng những hành động như co rúm người lại chẳng hạn.

 

8) Khi khò khò, thân nhiệt của bạn sẽ giảm

Khi tỉnh táo, cơ thể bạn đốt cháy calo để cung cấp năng lượng cho các hoạt động nên thân nhiệt cũng cao. Còn lúc bạn say giấc nồng, cơ thể bạn mát hơn vì không cần nhiều năng lượng lắm.

 

9) Thời điểm tốt để thanh lọc cơ thể

Không cần thức uống detox, cơ thể bạn cũng có chức năng thanh lọc độc tố, đảm bảo chức năng của các tế bào và cơ quan trong cơ thể. Miễn bạn ngủ say thật say và cố gắng khò khò đủ 7 tiếng một đêm nhé.

 

Cơ thể con người thật kỳ diệu phải không! Ngay cả khi ngủ, các bộ phận trên thân thể chúng ta đều hoạt động chăm chỉ để tái tạo, làm sao để thân chủ của nó thức dậy với một tâm thế sảng khoái, khỏe mạnh, chuẩn bị tiếp tục một ngày làm việc căng thẳng.

Vì thế, dù bạn có bận tối mắt tối mũi thì hãy cố dành thời gian ngủ nghỉ hợp lý. Đừng hành hạ bản thân bằng việc thức trắng đêm nhiều ngày liền, làm rối loạn đồng hồ sinh học của bạn nhé, không tốt tí nào đâu.

Tuy nhiên nhiều khi muốn ngủ lắm mà không được vì bên cạnh có bao người phá đám, ức chế cực! Như clip siêu hài dưới đây nè, xem để giải trí nha.

 

 

Chia sẻ bài viết này để mọi người cùng ngủ đủ giấc nào!

Nguồn: tổng hợp từ internet

Bài viết liên quan: