Xác sống côn trùng: những zombie của thế giới sâu bọ

Ngày 19/11/2016 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Những bộ phim kinh dị về zombie luôn làm chúng ta sợ hãi nhưng cũng không kém phần hào hứng vì độ ghê rợn.

Suy nghĩ xem nếu một ngày trên phố bỗng xuất hiện vài thây ma như thế va vào bạn thì chúng ta sẽ như thế nào? Ôi dào, sẽ không có chuyện đó đâu nên việc gì phải nghĩ. Nhưng thật ra là có đấy, chỉ có điều không xuất hiện gớm ghiếc trước mặt chúng ta, chúng chỉ giấu mình trong xác sống côn trùng thôi.

Biến những con côn trùng đó thành những zombie của thế giới sâu bọ. Hãy xem những thây ma đó hành hạ vật chủ như thế nào nhé!

 

10) Ký sinh trong ốc sên

ốc sên

Đây là một con sán lá gan tên khoa học là Leucochloridium, sống ký sinh trong gan động vật như trâu, bò, chim. Trứng sán theo phân của những con này ra ngoài, những con ốc sên ăn phải sẽ nở ra trong cơ thể ốc. Giai đoạn đau đớn nhất cuộc đời ốc bắt đầu khi các ấu trùng nở ra. Chúng di chuyển lên hai mắt và bắt đầu đục khoét thị giác của ốc sên và làm nó bị mù. Khi gặp ánh sáng Mặt Trời, ký sinh trùng Leucochloridium bắt đầu cử động và biến đổi đầy màu sắc làm cho mắt ốc như một con sâu bướm óng ánh. Lúc này ốc sên trở thành mục tiêu ẩm thực cho các con chim hoặc trâu, bò quanh đó. Cuối cùng vòng đời của loài sán Leucochloridium lại tiếp tục.

 

9) Sống trong bụng kiến đen

kiến bụng đỏ

Đây là loài kiến trượt khổng lồ sống trong các tán rừng nhiệt đớ ở Trung Mỹ, chúng xây tổ trên các ngọn cây cao (tầm 40 mét). Với độ cao như vậy, nếu chẳng may sảy chân rơi xuống đất, con kiến sẽ chết trước khi quay trở lại tổ vì thế chúng “trang bị” thêm đôi cánh để có thể bay lượn linh hoạt.

Và ký sinh trong cơ thế kiến bự con này là Myrmeconema neotropicum, nó là một dạng giun tròn. Sống trong bụng của kiến tạo nên một màu đỏ như quả mọng nước ngọt ngào.

Vào năm 2005, các nhà khoa học trong một chuyến khảo sát ở vùng Panama, họ thấy có gì đó khác biệt ở đầu phía sau của một số con kiến, vốn dĩ bụng kiến phải màu đen mới đúng. Sau đó họ mới mổ xẻ bụng kiến để tìm hiểu và thấy trong đó chứa toàn ký sinh trứng giun tròn. Điều này đã làm bụng kiến trở nên đỏ ửng.

Một số loài chim tưởng những con kiến là quả mọng ngon lành nên ăn và bị nhiễm luôn ký sinh trùng vào cơ thể. Lúc này trùng Myrmeconema neotropicum mới bắt đầu đẻ trứng và theo phân chim thải ra ngoài. Rồi đàn kiến bự con kia ăn phải phân chim và tiếp tục trở thành những zombie bị trùng Myrmeconema neotropicum sai khiến.

 

8) Thây ma đầu móc

bọ vỏ cứng

Động vật đầu móc thuộc ngành ký sinh trùng, cấu tạo cơ thể là các cạnh ngang để bám chặt vào cơ thể vật chủ. Làm cho vật chủ bị tổn thương nhiều hơn để nó tiếp tục vòng đời trên loài khác. Loài ăn bám này chủ yếu sống trong cơ thể của động vật không xương sống, cá, các loài lưỡng cư, chim, động vật có vú.

 

7) Ký sinh trùng của ruồi và kiến

kiến vàng

Không thể nói bộ cánh vuốt Myrmecolacidae là loài ký sinh trùng tàn bạo nhất trong danh sách này, nhưng về độ ăn bám độc lạ thì nó là số 1. Khoảng 600 loài ruồi và kiến là ngôi nhà lý tưởng để chúng trú ngụ, vì sao phải có tới hai con ruồi và kiến nhỉ? Bởi vì con đực Myrmecolacidae sống trong kiến còn nàng cái ở trong cơ thể ruồi, và cả châu chấu hoặc dế nữa cơ.

Khi con cái tìm thấy một con chấu chấu hoặc ruồi ưng ý, nó sẽ bám vào đó và dùng enzym tiết ra để đốt cháy một lỗ trên bụng châu chấu, sau đó nó trèo vào và tạo một túi mô riêng để bảo vệ mình trong cơ thể châu chấu. 90% con châu chấu không hề hay biết sự tồn tại của ký sinh trùng trong bụng mình.

Đầu của Myrmecolacidae cái nhô ra khỏi bụng châu chấu và tiết chất pheromone (là dạng hocmon hấp dẫn sinh dục, được tiết ra bởi con cái, phân tán trong không khí để dụ con đực) để thu hút con đực sống trong người của kiến.

Về phần con đực Myrmecolacidae khi sống trong bụng kiến sẽ tiết chất sai khiến con kiến rời tổ. Khi phát hiện con cái nó sẽ bay ra khỏi bụng kiến và đến thụ thai. Con đực Myrmecolacidae không bao giờ ăn, nó chỉ sống trong vòng hai giờ đủ để giao phối và sau đó chết đi.

 

6) Bào tử nấm mọc lên trong xác kiến

nằm trong ống

Bạn thích ăn nấm. Tuyệt vời! Vì nó rất tốt cho sức khỏe. Nhưng ngoại trừ nấm độc ra bạn cần biết thêm một loại nấm lạ lùng nhất Quả Đất và đừng bao giờ thử ăn nó, đó là nấm sát thủ. Nghe tên là ớn ớn rồi phải không?

Bởi vì nó mọc ra từ xác con kiến. Chu trình của nó như sau: trong rừng rậm nhiệt đới ở Brazil rất phổ biến loại nấm này. Bào tử của nó sau khi lây lan vào kiến, có khả năng điều khiển con vật, biến kiến thành những xác sống biết đi. Các bào tử nấm sai con kiến leo lên một ngọn cây, cắn lủng mặt dưới một chiếc lá và chết. Xác kiến vẫn gắn chặt vào lá, lúc này nấm sát thủ mới sinh ra một đoạn cuống dài, xuyên qua đầu kiến, nhô ra ngoài, tiếp tục phun bào tử nấm tùm lum để tìm con kiến xấu số mới.

Ngoài ra bào tử nấm còn trổ thêm các cuống nhỏ hơn ở các khớp chân kiến. Tuy nhiên một số loài kiến Camponotus rufipes ở rừng mưa nhiệt đới Brazil và kiến thợ ở Thái Lan đã ý thức được mối nguy hiểm này nên nó vuốt ve, chải chuốt cho nhau để bảo vệ bầy đàn khỏi mắc chứng bệnh này. Và tất nhiên nấm sát thủ cũng bị giới hạn khả năng lây lan.

 

5) Ruồi đẻ trứng trong bụng ong

ruồi trong ong

Năm 2006, tại các nơi ở Mỹ như vịnh San Francisco, cũng như các tổ ong nuôi ở bang California và South Dakota, hàng triệu con ong bị chết hoặc biến mất một cách bí ẩn. Khi các nhà khoa học vào cuộc tìm hiểu thì phát hiện loài ong ở khu vực Bắc Mỹ đã bị nhiễm một loại ký sinh có tên Apocephalus Borealis hay còn gọi ngắn gọn là Phoridae. Chúng là loại ruồi ký sinh trong cơ thể con ong. Nó sẽ bay vào một con ong nào đó và tiêm trứng vào bụng ong. Khi trứng nở và gặm nhắm gần hết nội tạng của con ong thì cũng là lúc con ong mất phương hướng, phát điên, rời tổ ong vào nửa đêm, bay vòng vòng và đâm sầm xuống đất mà chết. Khoảng một tuần sau đó, những con ruồi con sẽ chui ra khỏi xác ong và tiếp tục chu trình kiếm một xác sống khác.

 

4) Ấu trùng ruồi trong người ong vò vẽ

ruồi và ong vò vẽ

Một thủ phạm ăn bám khác là ruồi Conopid, xuất hiện ở Canada và châu Âu. Nạn nhân của nó gồm nhiều loại côn trùng nhưng yêu thích nhất là ong vò vẽ. Đa số các con ruồi này có màu đen hoặc vàng, chúng sống quanh các cây hoa, có vòi dài để hút mật giống như loài ong. Nhưng ấu trùng của ruồi Conopid thì sống trong cơ thể con ong.

Tới kỳ sinh sản, ruồi Conopid mẹ sẽ hạ cánh trên lưng con ong và nhanh nhẹn bơm một quả trứng vào đó. Khi nở ra, ấu trùng bắt đầu ăn dần ăn mòn con ong, khiến ong vò vẽ mất kiểm soát hành vi, di chuyển như một thây ma, vài ngày sau thì nội tạng ong tan biến. Sau 10 ngày, các ấu trùng buộc ong rơi xuống đất và chết. Ấu trùng sống trong xác ong rỗng như một con nhộng ở trong kén cho đến khi nó thành ruồi trưởng thành.

 

3) Virus tàn ác nhất trong cơ thể sâu róm

sâu bướm

Baculovirus là một chủng gây bệnh tàn ác nhất trong thế giới sâu bọ, thủ thuật của chúng là kiểm soát và làm tan chảy vật chủ. Nạn nhân xấu số mà chúng chọn là sâu bướm.

Khi mắc Baculovirus, sâu bướm bị virus này điều khiển như một xác sống, leo lên những ngọn cây, nằm ở đấy và virus bắt đầu gặm nhắm các mô của sâu để tái tạo ra các virus mới. Baculovirus làm con sâu bướm dần dần bị hóa lỏng, nhỏ dịch xuống lá của cây, những con sâu bướm khác vô tình ăn được và tiếp tục mắc bệnh.

 

2) Virus trong sâu bắp

sâu bắp

Virus Hz-2v thường gây bệnh cho sâu bướm ăn bắp. Nếu bạn từng ăn ngô và bên trong những hạt sâu sẽ có con sâu bướm này. Đó là mục tiêu của virus Hz-2v. Nó sẽ đi vào ấu trùng của sâu và sống đến khi con sâu lớn.

Khi trở thành bướm đêm, lúc đó con virus mới gửi tín hiệu buộc sâu bướm cái giao phối liên tục, bởi virus chỉ lây truyền qua đường tình dục, nên nó làm vậy để tăng tốc độ lây bệnh. Lúc đó nó sẽ phá vỡ các trung tâm sản xuất pheromone, làm con cái tiết hocmon hấp dẫn bạn tình tăng lên gấp 7 lần so với bướm đêm bình thường. Lúc này nhiều con đực bị hấp dẫn và đến giao phối với con sâu bệnh, từ đó virus Hz-2v có điều kiện phát tán rộng rãi.

 

1) Bọ rùa nuôi kén ong

bọ rùa

Những con bọ rùa bé tí nổi bật với cặp cánh màu đỏ tươi và những đốm đen đậu trên những cành cây hay chiếc lá trông thật ngộ nghĩnh. Nhưng bạn có biết nếu màu sắc chúng càng rực rỡ thì đó là dấu hiệu cho kẻ thù biết rằng “tui có độc” hoặc ăn cũng chẳng ngon lành gì. Và đó là lý do vì sao loài ong dinocampus coccinellae lại chọn bọ rùa để bảo vệ con của chúng.

Nếu một con ong mẹ tìm thấy một con bọ rùa thích hợp, nó sẽ tiêm một quả trứng vào dạ dày của con bọ rùa. Vài ngày sau, trứng nở thành ấu trùng và hưởng những chất dinh dưỡng mà bọ rùa ăn được vào bao tử mà không làm vật chủ chết.

Đến khoảng một tháng, ấu trùng cắt bụng bọ rùa chui ra và xây một cái kén giữa hai chân bọ rùa. Hiện giờ bọ rùa vẫn còn sống và mang theo “đứa con của người ta”, nó vẫn tìm kiếm thức ăn và đi lại, mặc dù không còn tốt như ban đầu bởi đang là thây ma mà. Sau 6 đến 9 ngày tiếp theo, các con ong đã trưởng thành, bức ra khỏi cái kén và trả tự do cho con bọ rùa. Có thể nói con bọ rùa phải vượt qua được khoảng 40 ngày để con ong lớn và “đường ai nấy đi”. Xem ra đây là loài ký sinh nhân đạo nhất trong danh sách này vì không làm chết vật chủ.

 

Sau đây là vài loài ký sinh khác có khả năng thu phục côn trùng và biến vật chủ thành zombie vô hồn, mời bạn xem qua video sau:

Chia sẻ bài viết lý thú này và những ý kiến riêng của bạn trên trang fanpage LaLung. Chúng tôi mong đợi những comment hay, góp ý chính xác để xây dựng những bài viết hoàn thiện hơn.

Bài viết liên quan: