Những nhân vật lịch sử nổi tiếng đã kiên cường chiến thắng nghịch cảnh

Ngày 28/10/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Vị thủ tướng từng ba lần thi rớt đại học của nước Anh, Winston S. Churchill từng có câu nói bất hủ như thế này: "Thành công không phải là cuối cùng; thất bại không phải là chết người: can đảm đi tiếp mới quan trọng". Trong lịch sử, có những nhân vật mà trước khi đạt được thành công, trở thành người nổi tiếng, họ đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ. Cuộc đấu tranh của họ có thể được tóm gọn trong hai từ “phi thường” và đó cũng là minh chứng cho sự kiên trì đến cùng để theo đuổi đam mê ngay cả khi phải đối mặt với hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã.

Khi thế giới hét vào họ rằng có hàng triệu lý do để bỏ cuộc thì những người này đã chứng minh điều ngược lại: hoàn cảnh chưa bao giờ là rào cản ngăn cách họ với thành công. Dưới đây là chân dung 10 nhân vật phi thường như vậy trong lịch sử, những người đã kiên cường chiến thắng nghịch cảnh.

 

1) Frederick Douglass

Frederick Douglass sinh ra trong thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ. Bị bắt phải xa mẹ khi còn nhỏ, là một nô lệ nhưng Douglass vẫn tự mình tìm cách học chữ bất chấp bị chủ đánh đập dã man. Một thời gian sau, người nô lệ da đen hôm nào đã trở thành nhà lãnh đạo phong trào bãi nô và nổi tiếng với những cuốn tự truyện viết về cuộc đời và sự đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.

Frederick Douglass là một nhà cải cách xã hội người Mỹ gốc Phi, sinh ra ở Maryland trong khoảng thời gian đen tối - khi nước Mỹ vẫn coi nô lệ vẫn một thứ gì đó hoàn toàn hợp pháp. Là con của nữ người hầu nên theo lệ, Douglass đã bị tách khỏi mẹ từ khi còn rất nhỏ và bị đưa tới Baltimore. Khi lên 12 tuổi, Douglass được người vợ chủ và thầy giáo dạy học cho nhà chủ dạy cách đánh vần nhưng việc này nhanh chóng bị ông chủ phát hiện và cấm đoán. Mặc dù không được tiếp tục song với bản tính hiếu học, Douglass vẫn có cách tiếp nhận kiến thức của riêng mình. Ông bắt đầu quan sát cách đọc và viết của những người đàn ông nơi mình làm việc và từ những đứa trẻ da trắng trong khu phố, sau đó về nhà luyện tập trong bí mật.

Sau khi chuyển đến một đồn điền nọ, Douglass bắt đầu dạy các nô lệ khác học đọc chữ. Khi Douglass bị phát hiện, họ đánh đập vào giao ông cho một người chuyên tra tấn nô lệ. Đó là những ngày tháng khốn khổ nhất cuộc đời ông: Những trận đòn roi, mắng chửi thậm tệ và những ngày làm việc quần quật vất vả tưởng chết đi sống lại. Ngày 3/9/1838, Douglass leo lên tàu và trốn thoát thành công tới New York. Tại đây, ông bắt đầu cuộc sống mới, lấy vợ và đổi tên thành Douglass.

Không lâu sau đó, Douglass tham dự vào các cuộc họp của những người phản đối chế độ nô lệ và bắt đầu trở thành một nhà hùng biện, đi khắp nơi, từ Ireland đến nước Anh xa xôi để nói về những ngày tháng mất tự do đầy tủi nhục của mình trong các nhà thờ và nhà nguyện. Lý lẽ và những lập luận sắc bén đầy tính thuyết phục trong những bài giảng của mục sư Douglass thu hút rất đông quần chúng đến nghe làm những cơ sở - nơi đón ông về thuyết giảng luôn đầy nghẹt người.

Một năm sau đó, Douglass cho xuất bản cuốn tự truyện đầu tiên của mình với tựa đề “Chuyện kể về cuộc đời của Frederick Douglass, một người nô lệ Mỹ” (Narrative of the Life of Frederick Douglass, An American Slave). Ngay khi lên kệ, cuốn sách lập tức trở thành “lý luận” kinh điển cho phong trào bãi nô và trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất thời bấy giờ. Mười năm sau, cuốn tự truyện thứ hai nói về tình cảnh “sống như chết” của nô lệ và ánh sáng tự do tiếp tục được Douglass hoàn thành.

Từ một nô lệ thấp hèn trở thành một nhà cải cách, nhà hùng biện và lãnh đạo phong trào bãi nô, thành công và danh tiếng của Frederick Douglass chính là minh chứng hùng hồn để một số người còn hoài nghi về khả năng trí tuệ của người da đen phải thay đổi.

 

2) Claudius

Claudius là một trong những ông hoàng vĩ đại nhất của đế chế La mã cổ đại. Ông nổi tiếng là người đã kiên cường chiến thắng bệnh tật. Ông đã trải qua một tuổi thơ không mấy êm đềm. Từ nhỏ, ông đã mắc khá nhiều các loại bệnh nên thường xuyên bị gia đình của mình hất hủi, xa lánh. Về sau, ông trở thành hoàng đế bắt đầu công cuộc chinh phục nước Anh vốn được coi điều không thể lúc bấy giờ.

 

Claudius sinh ra trong một gia đình quý tộc La Mã nhưng bất hạnh mắc phải nhiều chứng bệnh như nói lắp, đi khập khiễng, thính lực kém ngay từ khi chào đời nên ông luôn bị chính gia đình mình dè bĩu, ghét bỏ. Không chỉ vậy, Claudius  còn bị mẹ gọi là quái vật và luôn lấy ông ra làm trò cười như một tấm gương ngu dốt mỗi khi răn dạy hai người anh chị là Germanicus và Livilla. Đó là lý do tại sao ông thường xuyên bị đẩy về ngoại trong nhiều năm, không hề cảm nhận được tình mẫu tử.

Khi đến tuổi trưởng thành, Claudius trở thành quan chấp chính tối cao dưới triều vua Caligula, cũng là người chú của ông. Mặc dù có mối quan hệ thân thiết nhưng không ít lần Caligula đã đem cháu mình ra làm trò đùa và hành hạ một cách tàn nhẫn trước mặt nhiều người. Số phận của Claudius thay đổi vào ngày 24/1/41 sau khi vua Caligula và vợ con bị đâm chết trên đường rừ rạp hát trở về bởi Praetorian. Claudius may mắn thoát chết vì không ai trong số toán sát thủ tin rằng chàng trai ốm yếu đang run rẩy trước mặt là một mối đe dọa. Qua hôm sau, người ta tìm thấy Claudius trốn đằng sau một tấm rèm, run rẩy và lo sợ cho cuộc sống của mình. Tuy nhiên, vì không còn ai kế vị nên người cháu trước đó đã được Caligula nhận làm con nuôi bỗng dưng được tôn lên làm hoàng đế vào ngày 25, chỉ sau một hôm sau ngày Caligula bị ám sát.

Ngay khi lên ngôi, Claudius tỏ ra là một vị hoàng đế anh minh với mệnh lệnh đầu tiên được ban ra là truy lùng những kẻ đã ám sát Caligula. Bản thân ông quan tâm đến pháp luật, đã ban hành nhiều điều luật, thiết lập một trật tự mới về lên đất đai và củng cố hòa bình. Trong thời đại trị vì, Claudius tiến hành kế hoạch trướng, lấy lại một số vùng đất bị mất và mở rộng đế chế về phía Trung Đông và Balkans. Một trong những cuộc chinh phạt nổi tiếng nhất của hoàng đế Claudius là việc ông đã trực tiếp chỉ huy quân đội đánh chiếm đảo Anh.

 

3) Franklin Delano Roosevelt

Franklin D. Roosevelt đã được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ suốt bốn nhiệm kỳ mặc dù ông bị liệt nửa người, từ thắt lưng xuống do bệnh bại liệt. Trong suốt quá trình này, ông luôn cố gắng tìm cách chiến thắng bệnh tật, bao gồm tập đi bộ một quãng đường ngắn bằng những thanh sắt kẹp vào hông và chân, cùng sự trợ giúp của một cây gậy và không bao giờ để người dân thấy mình xuất hiện trên xe lăn.

 

Franklin D. Roosevelt được coi là một trong ba vị tổng thống vĩ đại nhất xứ cờ hoa. Ông nổi tiếng với kỷ lục nắm giữ chức vị cao nhất nước Mỹ trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp. Mặc dù bị bại liệt từ năm 1921 nhưng ông chưa bao giờ chịu đầu hàng trước căn bệnh của mình.

Trong chuyến đi nghỉ phép với gia đình đến Canada, Franklin D. Roosevelt bất ngờ bị bại liệt khiến nửa thân dưới vĩnh viễn không thể cử động. Điều ngạc nhiên là quãng thời gian đó, Roosevelt đang trong cuộc vận động tranh cử chạy đua vào Nhà trắng để chứng minh rằng mình là người xứng đáng nhất. Dù không thể đi lại được và phải dùng xe lăn, nhưng ông không bao giờ để mình xuất hiện trước công chúng với hình ảnh phải dựa dẫm vào một thiết bị hỗ trợ di chuyển.

Bằng nỗ lực phi thường, không chịu đầu hàng trước căn bệnh mình đang mang trong người, Roosevelt đã sử dụng những thanh sắt kẹp vào chân và hông, một bên chống gậy miệt mài tập đi bộ trên những quãng đường ngắn. Ý chí sắt đá và những ngày tập luyện chăm chỉ đã giúp ông có thể tự đi một vài bước mà không cần phải có người kèm bên cạnh. Trước công chúng, Roosevelt thường xuất hiện trong tư thế đứng thẳng người, đứng kế bên là một phụ tá hoặc một trong những người con trai của ông.

 

4) Wilma Rudolph

Nghe có vẻ khó tin nhưng nữ vận động viên Mỹ gốc Phi, Wilma Rudolph, được lịch sử Olympic vinh danh là “Người phụ nữ nhanh nhất thế giới” với ba tấm huy chương vàng điền kinh từ nhỏ đã phải hứng chịu nhiều chứng bệnh. Trong số đó, căn bệnh bại liệt đã tước đi những năm tháng tuổi thơ được tung tăng chạy nhảy cho đến khi điều kỳ diệu xảy ra lúc Wilma lên 9 tuổi.

 

Ngày 23/6/1940, Wilma chào đời trong một gia đình nghèo khó đông con ở Clarksville thuộc tiểu bang Tennessee (Mỹ). Ngay từ khi lọt lòng, không ai nghĩ cô nhóc chỉ nặng khoảng 2kg Wilma có thể sống sót. Yếu ớt từ nhỏ lại thiếu sự chăm sóc y tế nên cô bé tí hon này phải hứng chịu nhiều căn bệnh nguy hiểm như như ho gà, sởi, thủy đậu, viêm phổi. Năm lên bốn, sau một trận sốt phát ban và viêm phổi nặng, các bác sĩ tuyên bố chân trái của Wilma sẽ không thể cử động được nữa. Từ đó, cô bé tội nghiệp luôn phải đeo một cái nẹp kim loại và ngước nhìn trong thèm muốn qua ô cửa sổ những đứa bạn cùng trang lứa đang chạy nhảy vui chơi bên ngoài.

Bệnh tật quái ác không khiến Wilma nản lòng. Nghe lời mẹ và các anh chị em động viên, Wilma luôn tự nhủ mình không thể để người thân thất vọng nên luôn cố gắng miệt mài tập đi mỗi ngày dù chân trái không hề có dấu hiệu tiến triển trong một thời gian dài. Sau cùng, mọi nỗ lực cũng được đền đáp, vào cái ngày chủ nhật tươi đẹp đó, người ta thấy một Wilma tự tin từng bước bước vào nhà thờ trong tiếng vỗ tay của những người chứng kiến. Cô bé tội nghiệp năm nào đã chiến thắng số phận và tạo nên kỳ tích đầu tiên trong cuộc đời mình trước khi trở thành một người không thể tin được.

Sau hai năm tập đi lại, Wilma bắt đầu vào học và tham gia vào câu lạc bộ bóng rổ tại trường tiểu học Cobb ở Clarksville. Chẳng bao lâu, khả năng chạy nhanh của cô được phát hiện và bồi dưỡng bởi huấn luyện viên Ed Temple thuộc trường Đại học Tennessee State. Năm 1956, trong lần tham gia Thế vận hội mùa hè đầu tiên của mình, nữ vận động trẻ tuổi nhất năm đó đã mang về cho tuyển Mỹ tấm huy chương đồng ở cuộc đua chạy tiếp sức 400 mét.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Wilma vào học tại trường đại học bang Tennessee và bắt đầu chính thức tham gia vào đợt huấn luyện cho mùa Olympics tiếp theo. Trong suốt Thế vận hội năm 1960, tên tuổi của Wilma tỏa sáng khi mang về ba tấm huy chương vàng với những kỷ lục được thiết lập ở những nội dung thi đấu cá nhân 100 mét, 200 mét và đua tiếp sức 4 x 100 mét, chính thức trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên giành được ba huy chương vàng trong một kỳ Thế vận hội.

 

5) Harland David Sanders

Đại tá Sanders, người sáng lập chuỗi cửa hàng gà rán Kentucky Fried Chicken (KFC) bỏ học ở tuổi 13, trải qua nhiều biến động trong đời, bị vợ bỏ và thậm chí phải sống nhờ tiền trợ cấp tuổi già ở tuổi 65 cho đến khi món gà rán và lòng kiên trì biến ông thành tỷ phú vào năm 88 tuổi.

 

Harland David Sanders, còn được biết đến với cái tên thân thương là "Đại tá Sanders" sinh ngày 9/9/1890 tại Indiana (Mỹ). Cha qua đời khi chỉ vừa lên 6, mẹ phải đi làm cả ngày nên trong nhà ông chính là người nấu ăn và thay mẹ chăm sóc hai em nhỏ. Năm 10 tuổi, ông bắt đầu bắt đầu công việc đầu tiên tại một nông trại gần nhà với số tiền là 2 USD/1 tháng (khoảng 50 nghìn đồng). Ba năm sau, khi mẹ tái giá, ông rời nhà và bắt đầu làm nghề đánh xe ngựa để kiếm sống.

Năm 1906, Sanders khai gian tuổi để được gia nhập quân đội Hoa Kỳ. Vào tháng 2/1907, khi rời doanh trại, ông chuyển về sống với chú của mình ở Alabama. Tại đây, Đại tá đã trải qua rất nhiều nghề khác nhau như thợ rèn, vệ sĩ cho đến một anh lính cứu hỏa. Năm 1909, công việc nhân viên hỏa xa tại tuyến đường sắt phía Tây Norfolk đã giúp ông gặp và kết hôn với vợ mình là bà Josephine King. Nhưng sau cái chết của con trai và bị thất nghiệp, vợ dắt con gái bỏ đi. Sau đó, ông bắt đầu hành nghề luật sư nhưng công việc này cũng nhanh chóng kết thúc sau một cuộc cãi vã với khách hàng trong phòng xử án.

Ở tuổi 40, Sanders quay lại với công việc nấu nướng gắn bó từ nhỏ của mình. Dùng tiền dành dụm, ông mua lại một quán cà phê nhỏ và bắt đầu kinh doanh các món ăn tự tay nấu với một quầy bán đồ ăn nhỏ đặt tại trạm xăng của khu phố Corbin. Với khả năng nấu nướng và những sáng kiến không ngừng trong các món ăn, đặc biệt là món gà chiên, quán của ông ngày một đông khách, tên tuổi của người đầu bếp Sanders nổi tiếng đến mức nó trở thành một trong những đặc trưng của bang Kentucky.

Nhưng thành công không kéo dài lâu, ở tuổi 65 ông đã phải bán nhà hàng của mình do suy thoái kinh tế và phải chấp nhận mức trợ chấp 105 USD một tháng (khoảng 2,4 triệu đồng) từ quỹ An Sinh Xã Hội. Thay vì nản lòng, người đàn ông trắng tay ở tuổi xế chiều tiếp tục vay một ít tiền, kiên trì chạy đi gõ cửa hàng nghìn nhà hàng để được chế biến và chào mời cộng tác kinh doanh món gà rán. Sau tất cả mọi nỗ lực đó, cuối cùng ông cũng nhận được một cái gật đầu đầu tiên, mở một nhà hàng mới vào năm 1959 tại Shelbyville. Ngay sau đó, gà rán KFC trở nên phổ biến và trở thành một trong những thương hiệu có giá trị thị trường và nổi tiếng khắp toàn cầu với hơn 600 cửa hàng chuyên kinh doanh gà rán được chế biến theo công thức của Đại tá Sanders.

Năm 1962, do tuổi già sức yếu, không còn gánh vác xuể việc kinh doanh cộng thêm yếu tố thị trường phức tạp, cụ Sanders bán chuỗi cửa hàng của mình với giá 2 triệu USD, tương đương 15,4 triệu USD ngày nay (khoảng 350 tỷ đồng) và lùi về đảm nhận chức vụ Đại sứ của KFC - Kentucky Fried Chicken Corporation. Hiện nay, ông chính là một trong hai gương mặt được nhận diện nhiều nhất trên thế giới.

 

6) Helen Keller

Helen Keller bất hạnh bị mù và điếc từ khi còn nhỏ nhưng bằng nghị lực phi thường cùng sự trợ giúp của những vị cứu tinh tốt bụng, bà đã hoàn thành khóa học và trở thành người khiếm thị đầu tiên trên thế giới nhận bằng đại học rồi trở thành một tác giả, nhà hoạt động chính trị, giảng viên trường đại học Đại học Harvard danh tiếng và được diện kiến nhiều nguyên thủ quốc gia.

 

Câu chuyện về cuộc đời Helen Keller, một cô gái Mỹ không thể thấy và không thể nghe gì vượt qua bệnh tật để trở thành một nhà văn, nhà hoạt động chính trị và giảng viên chính là bằng chứng về sự vươn lên không biết mệt mỏi của con người. Cuốn sách cho chính bà viết mang tên “Cuộc đời tôi” đã làm xôn xao giới văn đàn thế giới, thu hút hàng triệu người tìm đọc trên khắp thế giới.

Helen Keller là người Mỹ gốc Đức, sinh ngày 2/6/1880 và là một bé gái khỏe mạnh trong 19 tháng đầu đời. Nhưng trong một trận sốt cao, căn bệnh bại não quái ác đã cướp đi vĩnh viễn khả năng nghe và nhìn của cô. Mất đi những kỹ năng giao tiếp quan trọng nhất của một con người, cuộc đời của bé gái xinh xắn dường như khép lại cùng sự tuyệt vọng của cha mẹ. May thay, thời gian chìm trong bế tắc không kéo dài, họ sau đó đã nhận ra không thể để đứa con gái bé bỏng của mình sống một cuộc đời mù lòa như vậy. Điều này quá bất công và tàn nhẫn với một sinh linh bé bỏng chỉ mới vừa đến với thế giới tươi đẹp này.

Năm 1886, vào năm lên 6 tuổi, Helen Keller được cha mẹ gửi vào một trường trẻ em điếc. Tại đây nhờ sự giới thiệu của người thầy Alexander Graham Bell  và cô Anagnos – Hiệu trưởng Học viện Y khoa Perkins kiêm Giám đốc Bệnh viện tâm thần Massachusetts, Helen đã có cơ hội gặp được vị cứu tinh của đời mình – Anne Sullivan, người được mệnh danh là “thiên sứ ánh sáng”, đã giúp cô bé thoát khỏi sự cô độc trong thế giới vô thanh vô ảnh. Lúc nhận lời giúp đỡ cô bé Helen, cô giáo Sullivan, lúc đó mới 20 tuổi cũng đã từng bị khiếm thị. Chính vì thế, hơn ai thế, bà thấu hiểu nỗi đau của một người phải sống trong bóng tối.

Thật khó nói hết những vất vả, niềm hy vọng cả sự tuyệt vọng của hai cô trò trong những buổi học đầu tiên. Nhưng trái tim nhân hậu, kiến thức sư phạm, sự đồng cảm của người cô đã giúp cô trò nhỏ biết thế nào là hy vọng, là không đầu hàng trước số phận. Một ngày nọ, khi đang đi dạo trong khu vườn nhà, Sullivan viết lên tay Helen từ “water” (nước) và bắt đầu rót một dòng nước mát vào bàn tay còn lại của cô bé. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, cô bé Helen hiểu được mỗi vật thể trên đời đều có ý nghĩa và tên gọi của riêng nó. Sau đêm ấy, sự bí ẩn của ngôn ngữ như được hé mở, cô trò nhỏ cảm nhận được một cảm giác bỗng chốc nhen nhóm và bùng lên trong mình. Rất nhanh sau “water”, Helen đã học được thêm 30 từ nữa.

Sau cái ngày trọng đại đó, Helen nhanh chóng tìm lại được sự hứng thú trong việc học và tỏ ra mình là một đứa trẻ có năng khiếu. Đến năm 10 tuổi, cô bé được cô Sullivan dạy học chữ nổi Braille, học máy đánh chữ dành cho người khiếm thị và được học cách nói chuyện. Đây cũng là lúc sau chín năm im lặng, cô bé mù và điếc giã từ thế giới không tiếng nói.

Đến năm 16 tuổi, Helen vào học trường nữ sinh Cambridge rồi trở thành cô sinh viên mù, điếc đầu tiên của trường Đại học Radcliffe. Tốt nghiệp năm 1904, ngay sau đó, cô bé tàn tật hôm nào đã trở thành một trong những phụ nữ nổi bật nhất thế giới. Bà đã đi đến các nước khác nhau để giảng dạy, viết sách và chia sẻ kinh nghiệm về cuộc sống của mình cho những người có cùng cảnh ngộ trên khắp thế giới.

 

7) Karoly Takacs

Karoly Takacs, tay súng ngắn hàng đầu thế giới đã vượt qua nghịch cảnh để biến bàn tay cầm súng không thuận sau vụ tai nạn mất tay phải trở thành vũ khí giúp ông giành được tấm huy chương vàng Thế vận hội 1948 và 1952 về cho đất nước.

 

Là một xạ thủ bắng súng số một ở cự ly súng lục nhanh 25 mét, cũng giống như bao người khác, Karoly Takacs luôn hy vọng mang thành tích cao nhất về cho quốc gia. Ông đăng ký tham gia thi đấu tại Olympic mùa hè năm 1940 ngay khi ủy ban thế vận hội đưa ra luật mới cho phép nhiều hơn các đối tượng tranh tài.

Năm 1938, khi đang phục vụ trong quân đội Hungary và tập luyện cho cuộc thi sắp tới, Karoly Takacs bất ngờ gặp tai nạn. Một quả lựu đạn cầm tay phát nổ đã thổi bay tay phải đồng thời cũng là bàn tay cầm súng của ông. Không còn tay thuận, cánh cửa Olympic và tấm huy chương vàng của ông dường như vĩnh viễn khép lại.

Nhưng trong suốt một tháng nằm viện điều trị, chưa lúc nào Karoly để bản thân rơi vào tình trạng chán nản, tuyệt vọng và từ bỏ ước mơ của mình. Ông luôn tâm niệm phải theo đuổi nó và bắt đầu lại với cánh tay khỏe mạnh còn lại bằng tất cả những gì mình có thể. Ra viện, Takacs bắt đầu tập bắn bằng tay trái mà không nói nói bất cứ ai. Với quyết tâm và ý chí vượt khó, không chịu đầu hàng trước số phận, ông đã khiến tất cả mọi người phải nể phục khi đánh bại người đồng hương của mình và giành chức vô địch cuộc thi bắn súng lục quốc gia vào năm 1939.

Nhận thấy tay trái vẫn có thể giúp mình mang về vinh quang cho đất nước, Karoly không ngừng tập luyện để có đủ tư cách ghi danh thi đấu kỳ Olympic năm 1940 với hy vọng có thể trở thành một xạ thủ tay trái hàng đầu thế giới. Nhưng con đường đến với tấm huy chương vàng của ông vẫn còn lắm gian nan. Năm 1940 và 1944, Olympic bị hoãn vì chiến tranh thế giới thứ II.

Cơ hội đến với ông ở Olympic 1948, nơi ông đã giành huy chương vàng ở nội dung súng ngắn bắn nhanh 25 mét. Ông tiếp tục giành huy chương vàng ở nội dung thi đấu tương tự tại Olympic năm 1952 tổ chức tại Helsinki. Câu chuyện tuyệt vời về lòng kiên trì và quyết tâm phi thường của Karoly đã được Ủy ban Olympic quốc tế vinh danh và gọi ông là một trong "Những người hùng Olympic".

 

8) Paul Revere Williams

Mồ côi từ nhỏ, Paul Revere Williams, một người da đen đã trở thành một trong những kiến trúc sư hàng đầu, tác giả của nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng ở Los Angeles và khắp đất Mỹ.

 

Paul Revere Williams sinh ngày 18/2/1894 ở Los Angeles. Cha mất khi ông 2 tuổi, hai năm sau mẹ cũng qua đời, Williams, khi đó mới bốn tuổi đã được gửi đến trại trẻ mồ côi và được một gia đình nhận nuôi. May thay, người mẹ nuôi của ông rất thương yêu và luôn cố gắng làm mọi thứ có thể để con trai được đến trường như bao đứa trẻ da trắng khác. Ở trường tiểu học, Williams là học sinh người Mỹ gốc Phi duy nhất thế nên những ánh mắt dè bĩu và lời lẽ châm chọc thường xuyên là thứ mà cậu nhóc phải hứng chịu.

Lên trung học, Williams lần đầu tiên nhận ra thành kiến về sự phân biệt chủng tộc khi bị chính giáo viên của mình phản đối việc ông theo đuổi nghề kiến trúc vì lo ngại ông có thể gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng là người da trắng. Nhưng với niềm tin quyết đoán vào đam mê của mình, Williams đã quyết tâm theo đuổi kiến trúc đến cùng và điều này giúp ông có được một chân trong những công ty hàng đầu của Los Angeles. Thành tích nổi bật từ những cuộc thi sau này cũng giúp ông học và phát triển kỹ năng vẽ ngược trứ danh của mình. Nhiều người da trắng lúc đó tỏ vẻ coi thường người đàn ông da đen đang đứng trước mặt cho đến khi họ nhìn thấy các bản vẽ của Williams .

Khi tích lũy đủ những kinh nghiệm càn thiết, Williams bắt đầu tham gia nhiều hơn vào những cuộc thi lớn về kiến trúc. Những bản vẽ và khả năng sáng tạo trong những tác phẩm của ông luôn tạo được sự bất ngờ và thán phục đến từ ban giám khảo. Kể từ đó, tên tuổi của chàng kiến trúc sư da màu trở nên nổi tiếng và tất nhiên, không hề kém cạnh các đối thủ là người da trắng khác, Williams cũng có một công ty của riêng mình vào năm 25 tuổi.

Năm 1923, Williams trở thành thành viên người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ (AIA). Ông cũng chính là tác giả đã thiết kế ngôi nhà của rất nhiều những người nổi tiếng từ Cary Grant, Lon Chaney, Frank Sinatra cho đến Lucille Ball và Charles Correll. Trong suốt sự nghiệp kiến trúc của mình, ông đã thiết kế hơn 2.500 tòa nhà, tập trung chủ yếu ở Los Angeles.

Những ngôi nhà được vẽ bởi Williams luôn có một cái gì đó độc đáo, khác biệt và cao siêu hơn so với những công trình khác. Đó cũng là lý do khiến bất động sản được ông thiết kế luôn có giá trị và tốc độ thanh khoản phải nói là như “điện xẹt” trên thị trường. Thậm chí cho đến nay, chỉ cần là chủ của những ngôi nhà do Williams thiết kế, bạn sẽ không bao giờ phải lo không bán được mua dù có hét giá cao đến đâu đi nữa. Tuy nhiên, với những công trình độc đáo đến vậy, thường rất ít người chịu bán nó ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng. Bởi vậy nên ngoài mức giá đắt đỏ thì nhà “design by Williams” luôn là một trong những món hàng quý hiếm trên thị trường nhà đất Mỹ.

 

9) Jean Dominique Bauby

Sau cơn bạo bệnh ở tuổi 43, Jean Dominique Bauby, nguyên tổng biên tập tạp chí Elle trở thành người thực vật, mất hoàn toàn khả năng cử động. Miệng, cánh tay và chân của ông bị tê liệt, chỉ duy nhất cơ mắt trái có thể nhấp nháy. Vượt lên tất cả, nỗ lực phi thường đã giúp Bauby hoàn thành cuốn sách “Chiếc áo lặn và con bướm”, sau này trở thành một trong số những cuốn sách bán chạy nhất châu Âu, được chuyển thể thành một bộ phim nổi tiếng với nhiều giải thưởng danh giá.

 

Ngày 8/12/1995, cuộc đời của nhà biên tập tạp chí Elle của Pháp, Jean Dominique Bauby thay đổi hoàn toàn theo một chiều hướng vô cùng xấu. Một cơn đột quỵ bất ngờ, ông rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Hai mươi ngày sau, thức dậy trong bệnh viện, Bauby bàng hoàng nhận thấy cơ thể mình đã có những thay đổi bất thường. Không thể cựa quậy, ăn uống, nói chuyện, thậm chí việc hít thở đối với ông cũng là một vấn đề nếu không có sự giúp đỡ từ người khác. Các chức năng của Bauby đã bị liệt hoàn toàn, ngoại trừ cơ mắt bên trái.

Theo chuẩn đoán của các bác sĩ, Bauby đã mắc phải "hội chứng khóa trong", một tình trạng thần kinh mà trong đó các nhóm cơ trong cơ thể hoàn toàn không thể cử động, ngoại trừ mắt. Điều này khiến một trí óc bay bổng của một cây bút trứ danh của tờ Elle bị mắc kẹt trong chính cơ thể mình, cũng tức là não của Bauby vẫn hoạt động bình thường trong khi cơ thể của ông lại trong trạng thái thực vật.

Trong vòng 20 tuần đầu sau sau cơn bạo bệnh, Bauby sụt đến 27 kg. Nhưng không gì có thể làm người đàn ông nước Pháp này gục ngã. Nằm trên giường bệnh, Bauby bắt đầu tìm cách giao tiếp với mọi người xung quanh bằng cách nhấp nháy mắt. Ông bắt đầu thuật lại câu chuyện cuộc đời và ước mơ trong cuốn sách của mình theo cái cách kỳ công, độc đáo và lạ lùng nhất thế giới. Nhưng trong một cơ thể bị liệt hoàn toàn, Bauby đã viết sách như thế nào?

Với sự trợ giúp của người phụ tá, ông chọn từ mình muốn bằng cách nhấp nháy mắt trái của mình một lần, từ chối nháy hai lần và cứ thế từng chữ ghép lại thành từ rồi thành câu hoàn chỉnh. Sử dụng phương pháp này cùng 200.000 cái nháy mắt., sau cùng cuốn “Chiếc áo lặn và con bướm” đã hoàn thành. Cuốn sách được xuất bản vào ngày 7/7/1997 như một sự đền đáp cho những nỗ lực phi thường của Bauby.

Sau khi ra mắt, tác phẩm này lập tức trở thành một hiện tượng trên văn đàn, liên tục nằm trong top những cuốn sách bán chạy nhất để rồi sau đó được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên nổi tiếng với nhiều giải thưởng quốc tế danh giá như: phim nước ngoài hay nhất giải Quả cầu vàng 2008, giải đạo diễn xuất sắc nhất Cannes 2007 hay bộ phim đoạt giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Mathieu Amalric) vào năm 2008…

 

10) Abraham Lincoln

Abraham Lincoln sinh ra trong một gia đình nghèo khó, thiếu thốn đủ thứ và chính bản thân ông phải nếm trải rất nhiều thất bại trong những năm tháng tuổi trẻ từ mất việc làm, kinh doanh thất bại cho đến tám lần thua cuộc bầu cử trước khi trở thành Tổng thống lần thứ 16 của Hoa Kỳ.

 

Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ được coi là một trong những vị Tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử xứ cờ hoa. Cuộc sống của ông, cả trước và sau khi trở thành tổng thống đều là nguồn cảm hứng về sự tự lập, lòng kiên trì vượt khó cho tất cả mọi người.

Lincoln mồ côi mẹ vào năm chín tuổi, cha đi bước nữa. Trong thời gian này, được tiếp xúc với sách, đặc biệt là sách luật, ông nhận thấy ngành luật chính là con đường mà mình muốn hướng tới thay vì suốt đời quanh quẩn khiêng vác hay bán đồ trong một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Năm 1831, Lincoln rời khỏi nhà lúc 23 tuổi, cùng một người bạn hùn vốn mở một cửa hàng tạp hóa tại một thị trấn nhỏ nhưng rất nhanh sau đó phải bán đi vì kinh doanh thua lỗ.

Tháng 3/1832, với vốn kiến thức không chính thức về luật đọc được trong những cuốn sách, ông bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình bằng cách tranh cử vào Nghị viện Illinois nhưng không đắc cử, chỉ về hạng tám trong số mười ba ứng cử viên. Suốt thời gian sau đó, khi quay sang làm trưởng bưu điện New Salem, rồi đo đạc địa chính. Thời gian này, Lincoln đặc biệt quan tâm đến luật. Ông bắt đầu nghiên cứu sách luật và quan sát các phiên tòa. Năm 1834, ông giành được một ghế trong cơ quan luật pháp tiểu bang.

Năm 1835, mối tình đầu của Lincoln, con gái một chủ quán rượu, Ann Rutledge qua đời vì bệnh thương hàn đã khiến ông vô cùng đau đớn, suy nhược thần kinh, thậm chí từng có ý định chết theo người tình. Một năm sau đó, ông được nhận vào làm việc tại một quán bar của Illinois rồi bắt đầu hành nghề luật. Từ năm 1840 đến năm 1858, sự nghiệp chính trị của Lincoln liên tục gặp thất bại từ việc tranh vị trí Chủ tịch Hạ viện cho đến nỗ lực phấn đấu vào danh sách ứng cử viên của Quốc hội và nhiều cuộc tranh cử khác đều không thuận buồm xuôi gió. Cuối cùng, vào năm 1860, những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông đã được đền đáp. Sau 8 lần chạy đua vào Nhà trắng thất bại, Abraham Lincoln đã trở thành tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ.

 

Cuộc sống không bao giờ hoàn hảo, nhưng bạn có thể khiến nó hoàn hảo theo cách riêng của mình, và những nhân vật trong clip sau đã khiến cả thế giới nể phục bởi nghị lực phi thường:

Chia sẻ bài viết này để có thêm động lực vượt qua những khó khăn phía trước bạn nhé!