Những nơi bán bánh canh bánh xèo ngon nhất Việt Nam

Ngày 22/05/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Dù đi đâu, về đâu, đang sống ở chân trời nào thì hễ là người Việt Nam chúng ta cũng không thể quên những món ăn quê mình.

Trên dải đất hình chữ S có ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi miền lại có những tỉnh làm được vài món ngon nào đó để rồi nó trở thành đặc sản.

Đến khi những người xa quê vì cuộc sống mưu sinh trên thành phố hoặc xứ người thì nỗi nhớ hương vị quê nhà không thể nào nguôi, nên ta thấy có rất nhiều hàng quán bán thức ăn đặc sản khắp vùng miền Việt Nam ở Sài Gòn, Hà Nội, hay Mỹ, Pháp rất được ưa chuộng. Có nhiều lúc chúng tôi tự hỏi “Sao đồ ăn nước mình ngon thế?” Và thay vì đi tìm câu trả lời hóc búa đó, chúng tôi thích bôn ba tìm địa chỉ quán ăn hơn.

Hai món mà chúng tôi đang cảm thấy ngon nhức nhối nhất lúc này là bánh canh và bánh xèo. Nếu bạn có cùng chí hướng, hãy đọc tiếp nhé!

 

Bánh canh, bánh xèo, vùng miền, hương vị, Việt Nam

Bánh canh là một món ăn dân dã của Việt Nam. Món này có mặt ở Miền Trung và Nam Bộ. Tuy nhiên theo từng vùng miền, khẩu vị và nguyên phụ liệu phổ biến khác nhau mà mỗi nơi có cách biến tấu khác nhau. Chính nhờ như vậy món ăn vừa trong vừa lành này bản thân nó cũng phong phú và đa dạng lắm chứ không đơn giản ở một cái tên. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu đất Việt có những loại bánh canh nào nổi tiếng nhé!

 

1) Bánh canh Trảng Bàng Tây Ninh

Bánh canh, bánh xèo, vùng miền, hương vị, Việt Nam

Vốn là món ăn dân dã nên tô bánh canh đầu tiên không xuất phát từ nhà hàng nào đó mà là ở những gánh hàng rong trên các con đường thị trấn Trảng Bàng thời xưa. Để rồi cứ theo thời gian, qua nhiều thế hệ món ăn này trở thành một đặc sản được nhiều người yêu thích bên cạnh muối tôm hay bánh tráng phơi sương.

Cách làm món ăn dạng sợi này rất đơn giản. Sợi bánh canh làm từ bột gạo, đường kính lớn hơn sợi bún. Nước lèo chính là linh hồn của món ăn, nó được làm từ nước hầm xương heo, thời gian ninh xương phải đủ để nước dùng có vị ngọt thịt mà không bị đục. Một nồi nước dùng trong veo, không béo mỡ, ngọt thanh làm nên thành công 70% của thức ăn này.

Một tô múc ra cho khách thành phần chính sẽ có bánh canh, vài lát thịt nạc và một cái móng giò ú nụ, nước dùng chan lên cùng một ít hành lá cho dậy mùi. Nhưng để nói sự khác biệt của bánh canh Tây Ninh so với chỗ khác chính là phần rau sống. Rau gồm có xà lách, húng quế hoặc quế vị, ngò rí. Chưa hết, còn có một một chén nước chấm chua nhẹ để giúp món ăn thêm một tầng gia vị, ngon miệng mà không bị ngấy.

Nếu có cơ hội đến Tây Ninh, bạn hãy ghé bất cứ quán bánh canh nào đó ven đường để thưởng thức món ăn trứ danh này. Còn nếu ở Sài Gòn hay Hà Nội, bạn hãy đến hệ thống nhà hàng Hoàng Ty, nơi này chuyên nấu các món đặc sản Trảng Bàng Tây Ninh hoặc các quán nhỏ bán đặc sản Tây Ninh. Chẳng hạn:

70 - 72 Võ Văn Tần, P. 6,  Quận 3; 106 Cao Thắng, P. 4,  Quận 3, TP.HCM.

Một chỗ duy nhất tại Hà Nội: 65 Đỗ Quang, quận Cầu Giấy.

 

2) Bánh canh chả cá

Bánh canh, bánh xèo, vùng miền, hương vị, Việt Nam

Khỏi phải nói, cá là nguồn thực phẩm dồi dào nhất đối với người dân xứ miền Trung quanh năm nắng nóng. Chính vì muốn giữ cá được lâu và làm phong phú món ăn nên ngoài phơi khô người ta còn xay thịt cá làm chả. Và chả cá xuất hiện rất nhiều trong những món ăn ở những tỉnh duyên hải miền Trung từ Đà Nẵng đến Bình Thuận như bánh mì chả cá, bánh canh chả cá. Tùy vào từng địa phương mà có loại cá nào phổ biến nhất để làm thành chả, ví dụ chả cá cờ, cá thu, cá nhồng… Để làm chả cá phải trải qua rất nhiều công đoạn công phu lắm.

Đầu tiên phải lựa cá tươi để thịt đủ độ dai, ngon. Làm sạch cá, cạo phần thịt và lọc lựa hết xương. Cho gia vị như hành, tiêu, đường, muối trộn đều và cho vào cối giã nhuyễn, quết bằng tay cho dai, săn miếng chả. Sau đó tới phần tạo hình, có thể vo viên nhỏ hoặc ép thành miếng tròn như hambuger.

Một phần chả đem chiên vàng, một phần hấp chín có phủ thêm chút lòng đỏ trứng lên mặt cho đẹp. Tiếp theo đến phần nấu nước dùng. Ta sẽ dùng đầu cá thu hoặc đầu cá ngừ, nêm nếm gia vị vừa ăn. Trụng bánh canh bột gạo, rải chả cá chiên, cá hấp lên mặt sau đó chan nước dùng lên. Rải ít hành phi, đầu hành trắng cắt sợi dài, hành lá và ngò rí thái nhỏ, rắc tiêu xay, vắt chanh. Món này ăn chan với nước mắm ớt nữa là trên cả tuyệt vời. Ôi, mới kể ra mà thèm chảy nước miếng rồi bạn ơi!

Bạn có thể ăn món này khi du lịch ở Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết từ những quán bình dân hay nhà hàng đều rất ngon. Nếu ở Nha Trang bạn hãy đến chợ Đầm, đầu đường Hai Bà Trưng. Ở Phan Rang bạn đi rà rà những quán trên đường Ngô Gia Tự và khu vực chợ Tấn Tài.

Đến Phan Thiết món này được bán hà rầm ở đường Tuyên Quang; quán Cô Xí ở 298 Huỳnh Thúc Kháng, P. Mũi Né, Tp. Phan Thiết được Foody đánh giá cao bởi giá rẻ, phục vụ tốt, nước lèo đậm đà còn chả cá thì dai dai, xực xực ăn là ghiền.

Còn những mem nào nổi cơn ghiền bất tử món này ở Sài Gòn có thể đến những quán bánh canh đặc sản Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết như ở 740/18 Sư Vạn Hạnh,  Quận 10, TP. HCM;

Uyên Phương - Bánh Canh & Chả Cuốn - 24 Lê Đức Thọ, P. 7,  Quận Gò Vấp, TP. HCM… và cứ search từ khóa “bánh canh chả cá” trên Google rồi xông đến đó triển ngay luôn nhé!

 

3) Bánh canh ghẹ, cua

bánh canh ghẹ

Món này gây phải lòng thực khách ở cái nhìn đầu tiên. Tại sao chúng tôi dám nói như vậy? Bởi vì khi nhìn vào tô bánh canh nóng hổi vừa bưng đến bạn, bạn sẽ thấy một màu cam lóng lánh của nước lèo, một con cua hoặc ghẹ đặt nổi trên mặt, màu xanh của hành lá và ngò rí. Bên dưới là màu trắng của những sợi bánh. Húp thử một miếng nước dùng, bạn sẽ cảm nhận ngay nhiều tầng hương vị: mùi nước ghẹ hoặc cua ngọt đậm đà hòa quyện hợp lý với nấm rơm, dầu điều, vị béo bùi của trứng cút. Khi ăn nhất định phải kết hợp một ít rau thơm.

Chà, bao nhiêu vị ngon ngọt, cay, ấm, chua thanh trôi từ lưỡi bạn xuống đến bao tử mà còn thấy lưu luyến vô cùng tận đấy. Món ăn vừa đẹp mắt vừa ngon miệng thế này đương nhiên rất nhiều người ái mộ và họ đến những quán này rất đông, như ở Sài Gòn nổi tiếng có quán Muối Ớt Xanh - 484 Nguyễn Tri Phương, phường 9, Quận 10, Hồ Chí Minh. Ghẹ ở quán rất tươi vì lấy trực tiếp ở biển Phan Thiết, Vũng Tàu đem vào thả vào hai hồ nước lớn, khi khách gọi món mới lấy những con ghẹ sống lên chế biến để đảm bảo vị tươi ngọt tự nhiên.

Ngoài ra phải kể đến quán Ba Sạch - 66 Hoa Cúc, P. 7,  Quận Phú Nhuận, khung cảnh được trang trí theo phong cách đại dương, cho thực khách cảm giác như đang du ngoạn biển thật sự. Còn nước dùng được nấu từ xương và ghẹ nên rất ngọt, cọng bánh dẹp, dai, không nát. Thịt ghẹ bóc ra chấm với muối tiêu chanh thì bá cháy bồ chét luôn.

Dù là món ăn miền Nam nhưng cũng gây không ít thương nhớ với người Bắc và món này cũng đã có mặt ở Hà Nội tại các quán Út Còi (2B Quang Trung) 69 Ô Chợ Dừa…

 

4) Bánh canh cá lóc

Dù là cùng một nguyên liệu nhưng thức ăn ngon lành này lại có hai công thức theo vùng miền, một miền Trung và một miền Tây.

Bánh canh, bánh xèo, vùng miền, hương vị, Việt Nam

Không một người Huế nào không biết món ăn đậm đà với nhiều loại gia vị, mà còn đại diện cho món ăn miền Trung này.

Bột bánh làm từ bột gạo trộn với bột lọc tỉ lệ 2:1 (nghĩa là bột gạo 200 gr thì bột lọc 100 gr). Một con cá lóc. Xương heo, mỡ lợn. Cá làm sạch hấp trên xửng, đập dập 2-3 củ hành khô đã nướng cho cùng cá để dậy mùi thơm.

Hấp cá khoảng 5 phút để da cá vừa nứt là được. Sau khi cá nguội, dùng dao lọc thịt, xương, bộ lòng ra bát riêng. Lưu ý không để cá bị vụn. Ướp gia vị như hành, muối, tiêu, đường , dầu ăn, nước mắm cho thịt cá. Phi vàng tóp mỡ rồi trút ra tô riêng, lấy mỡ đã thắng cho thịt cá vào rim lửa nhỏ để thấm vị.

Nấu một nồi nước hầm xương cùng chút mắm ruốc Huế, đến khi ăn cho bánh canh vào, cho vài tép mỡ, thịt cá đã rim sẵn, có thể cho thêm vài trứng cút luộc, chan nước dùng lên và thưởng thức. Món này ăn mùa lạnh sẽ thấm được vị cay ấm, đậm đà, lạ miệng trong tiết trời se se lạnh là đúng điệu luôn.

 

Bánh canh, bánh xèo, vùng miền, hương vị, Việt Nam

Còn theo cách chế biến của người Miền Tây thì bánh canh làm từ bột gạo và bột năng, nhưng nước hầm hoàn toàn từ cá lóc. Cá làm sạch, cắt khúc vừa ăn. Bắt đầu chăm chút đến nồi nước lèo: cho khoảng 3 tô nước lạnh vào nấu sôi, tiếp tục cho hành tây, gừng, muối, sả vô cùng với cá vào nồi.

Luộc 5 phút rồi vớt cá ra, lọc lại cặn của nước dùng rồi đổ nước vào nồi mới. Về phần cá đã luộc bạn gỡ bỏ xương, ướp cá với một muỗng canh nước mắm, một chút tiêu, bột nêm, đường, hành tím thái lát, ớt xắt lát rồi trộn đều lên, ướp 10 phút. Nấu sôi lại nồi nước lèo, sau đó cho cá vào nấu thêm 7-10 phút.

Tiếp theo phi thơm hành băm nhuyễn, cho một chút màu điều vào đảo đều, cho hỗn hợp này vào nồi nước lèo. Cuối cùng thì múc các thứ ngon lành này vào tô, thêm chút hành ngò, ớt, tiêu và thưởng thức. Ui chà, ăn mà thấy tái tê cõi lòng luôn nha.

Điểm danh các địa chỉ ăn ngon nè:

Bánh Canh Cá Lóc - Trường Sa ở 720 Trường Sa, P. 14,  Quận 3, TP. HCM, quán tuy nhỏ nhưng rất đông khách nhờ nước dùng thơm ngon, ngọt thịt cá tự nhiên, không bột ngọt. Điều quan trọng là rất an toàn vệ sinh thực phẩm. Bạn chỉ thấy được điều đó khi đến quán trải nghiệm thôi.

Tiếp theo là quán Uyên ở 75B Thiên Phước, P. 15,  Quận 11, TP. HCM, quán sạch sẽ, khang trang. Nước dùng ngọt, béo và sánh, nhiều hành lá nên rất thơm. Có thêm các món ăn kèm bên cạnh như bánh bột lọc, bánh bèo, chả lá.

 

5) Bánh canh Nam Phổ xứ Huế

Bánh canh, bánh xèo, vùng miền, hương vị, Việt Nam

Nhắc đến món ăn này, hẳn những người con xa xứ ở Huế không khỏi bùi ngùi vì nhớ cái phong vị quê hương. Vị sánh đậm đà của thịt tôm, vị thơm thơm của các loại rau thái nhỏ, nhưng trên hết vẫn là màu sắc hấp dẫn của món nước chỉ có duy nhất ở đất Cố Đô này. Tuy món nấu rất cầu kỳ và tốn thời gian nhưng các bà, các o, mệ vẫn tỉ mỉ, trau chuốt cho nồi bánh canh đặc sản của mình một cách hết lòng. Vậy thì bảo sao nó không ngon cho được. Nguyên liệu làm món ăn như sau:

Bột gạo, bột năng, tôm, giò sống, thịt heo ba rọi xay nhuyễn, hành tím, ớt, màu hạt điều, chút xíu ruốc Huế, hành lá, ngò rí, rau răm và các gia vị nêm nếm cơ bản.

Đầu tiên tôm làm sạch đem đi luộc, sau đó bóc vỏ, thịt tôm cho vào cối đá giã nhỏ. Nước luộc tôm hãy giữ lại để làm nước chan. Thịt ba rọi bỏ da, cắt nhỏ và xay nhuyễn luôn.

Bắt tay vào quết nhưn nè: thịt xay, giò sống, tôm giã trộn vào, thêm hành tím băm, tiêu, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, màu điều rồi trộn đều lên nhé. Quết chúng thật dẻo rồi để thấm trong 30 phút.

Tiếp đến làm màu dầu điều. Cho hạt điều màu vào chén nhỏ, nấu sôi dầu rồi chế vào chén hạt điều, lọc bỏ hạt điều đi. Cho ruốc Huế vào một nửa chén nước lạnh, khuấy tan ra.

Công đoạn kết tiếp là làm bột bánh: một quá trình cũng công phu ra phết vì không sử dụng bánh canh mua sẵn. Trộn bột gạo và bột năng vào, cho lên nồi nước cách thủy và quậy từ từ cho bột chín, dẻo và trong hơn (người Huế gọi là dáo bột). Sau đó cho bột vào bịch nilon, cắt nhỏ ở chóp đáy bịch rồi nặn từng sợi bột rơi xuống một nồi nước đang sôi khác. Đây là cách làm sợi bún theo kiểu món ăn này. Sau đó quậy thêm chén bột năng cho nước bột sánh lại. Nhấc nồi luộc sợi ra khỏi bếp, đậy nắp lại để yên trong vòng 1 giờ để sợi nở và mềm hơn.

Tiếp đến là nấu nước nhưn: cho nước luộc tôm ban đầu lên bếp, ruốc gạn lấy cặn vào theo (cho lúc nước luộc tôm còn nguội). Châm thêm ít nước lạnh (có thể có hoặc không thêm nước tùy theo khẩu phần) rồi nấu sôi. Phần nhân tôm, thịt, giò sống đã quết lúc nãy vò lại thành viên tròn to.

Dùng ngón cái và ngón trỏ bắt một mẫu nhỏ ép dẹp thành miếng, xong hết nhân rồi thì thả toàn bộ chúng vào nồi nước luộc tôm, phi thơm hành củ bỏ vào, pha bột năng cho vào để tạo độ sánh. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Cho vài lát ớt cắt nhỏ, rau răm, ngò rí, hành lá. Chan nồi nước dùng vừa nấu vào nồi bánh canh đã luộc lúc nãy, chú ý ta chỉ chan một góc nồi thôi nha và không quậy chung với nhau. Chỉ khi dọn lên ăn ta múc một muỗng bánh canh, múc thêm miếng nước chan bên cạnh mới đúng phong cách món ăn làng Nam Phổ, Phú Vang, Huế.

Đồ ăn này dễ xơi đối với nhiều người, nhất là người già và trẻ nhỏ. Mùa hè ăn cũng được mà mùa đông thì càng ngon. Hương vị thì tuyệt diệu miễn bàn và lôi cuốn nhiều thực khách phương xa đến Huế thưởng thức.

Vì là món ăn vùng miền nên món này chỉ có ở những quán ăn nho nhỏ hay trên những gánh hàng rong tại Huế thôi. Cho bạn vài địa chỉ để khi đến Huế không bỏ lỡ nhé:

Quán Thúy, 16 Phạm Hồng Thái,  Tp. Huế. Ở đây đồ ăn giá rất hạt dẻ nha, chỉ 10-15 nghìn một món. Ngoài bánh canh một tô nhỏ nhưng đầy thịt, nêm nếm vừa miệng còn có những món rất Huế như: bánh ướt tôm cháy, bèo, lọc… mặc sức mà chén.

Quán Mệ Sau - Chợ Dinh, Chi Lăng, P. Phú Hậu,  Tp. Huế. Hãy đến và cảm nhận nhé!

 

6) Bánh canh vịt miền Tây

Bánh canh, bánh xèo, vùng miền, hương vị, Việt Nam

Vịt là một loại đạm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong vịt có khoảng 25 g protein, cao gấp nhiều lần heo, bò, dê, gà, cá. Thịt vịt có tính hàn, nên món ăn phải kèm theo gừng để cân bằng lại độ ấm. Loại gia cầm này thịt có vị ngọt, hơi mặn, có tác dụng dưỡng khí, bồi bổ cơ thể, giải độc. Cho nên tại sao người ta phải làm lơ nó mà không cho vào bánh canh chứ?

Nguyên liệu chính dĩ nhiên là một con kêu biết kêu “cạp cạp” rồi. Sau đó là các loại rau thơm như: ngò rí, hành lá, ớt, gừng, rượu trắng và các gia vị cơ bản. Một lọ nước cốt dừa nữa nha. Đầu tiên vịt rửa sạch rồi xoa hỗn hợp rượu trắng với gừng lên da để bớt hôi. Sau đó rửa lại bằng nước sạch. Cho vịt vào nồi luộc đến chín vừa, không để quá chín sẽ mất ngọt, nêm nếm chút gia vị.

Vịt đã chín ta vớt ra, cho một xíu nước cốt dừa vào nước luộc vịt đun sôi lại rồi tắt bếp. Chuẩn bị múc ra tô ta trụng bánh canh, chan nước dùng vịt lên, vịt chặt từng miếng vừa ăn bỏ lên, rải một nhúm rau thơm, ít ớt cắt miếng, hạt tiêu. Trộn tất cả lên và xơi ngay thôi nào. Để tăng hương vị cho món ăn, ta có chén nhỏ nước mắm gừng để chấm thịt, đừng quên bỏ qua nó, ngon xuất sắc đấy nhé!

Không khó để kiếm được chỗ bán đồ ăn nước này ở Sài Gòn, vài chỗ cho bạn tham khảo nè:

Bánh Canh Vịt Cai Lậy, 347/5 Minh Phụng, P. 2,  Quận 11, TP. HCM. Nước lèo ngon đáo để nha, ăn một miếng là muốn bưng tô lên húp luôn. Đặc biệt có tặng kèm gỏi miễn phí.

Quán Vịt Chạy Đồng, 150B Đồng Đen, P. 14,  Quận Tân Bình, TP. HCM. Nước dùng Ok, rau tươi, vịt mềm, quán sạch sẽ. Nước trái cây ngon và rẻ.

 

7) Bánh canh Bến Có

Bánh canh, bánh xèo, vùng miền, hương vị, Việt Nam

Bến Có là một địa danh thuộc tỉnh Trà Vinh, nếu đến đây mà không thưởng thức món ăn này coi như chưa biết Trà Vinh. Nhiều cái rất đặc sắc phải liệt kê trong món này dù nhìn bề ngoài rất đơn giản. Đầu tiên là loại bột làm bánh. Nó phải làm từ lúa dài mùa thu hoạch từ tháng 10 đến tết Nguyên Đán ở địa phương mới được.

Bởi chất gạo lúc này nó mới ra bột dẻo, thơm hơn hẳn các loại bột bánh ở thành thị. Thức ăn dân dã ở vùng đất tây Nam Bộ này ngoài thịt nạc thì có thêm lòng heo, giò, bắp heo, móng… Nước dùng làm từ xương ống heo ninh nhừ. Để nước trong phải vớt bọt liên tục và không bao giờ đóng nắp nồi. Góp phần đưa món ăn lên đỉnh cao hương vị chính là chén nước mắm mặn thuần túy kèm vài lát ớt xắt mỏng để chấm thịt và lòng heo. Hình thức bên ngoài có vẻ đơn điệu, nhưng cứ thử húp nước lèo một phát coi, chà chà… bạn sẽ tự hỏi tại sao nhìn vậy mà nó ngon đến thế.

Là dân Sì Gòn hãy phi ngay đến quán Bánh Canh Bến Có - Trần Hưng Đạo, 112 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP. HCM.

Còn ở Trà Vinh ư? Quá dễ ở Ngay Cầu Bến Có - ngoại Ô TP. Trà Vinh, nhé! Bạn sẽ thấy sung sướng khi húp xì xụp một món nước đặc sản chất lượng mà giá cả còn phải chăng nữa.

Cũng là một món ăn bình dân, đậm đà bản sắc nước Việt khác là món bánh xèo. Người Mỹ gọi là Pizza của người Việt, tiếng Anh là Pancako.

 

bánh xèo

Có hai loại chính là bánh xèo giòn và bánh xèo dai. Dĩ nhiên tùy từng địa phương mà chúng ta lại được dịp ăn những hương vị khác nhau. Món này phổ biến nhất là ở miền Trung và miền Tây Nam Bộ. Sự khác biệt lớn nhất chính là phần nhân.

Nếu ở miền Trung nhân bánh gồm tôm, mỡ heo, mực, giá đậu thì miền Nam có tôm, thịt ba chỉ, giá đỗ, đậu xanh hấp chín. Còn ở miền bắc ngoài các thành phần tương tự đó còn có thêm củ sắn cắt mỏng hoặc khoai môn cắt sợi. Đặc biệt nước chấm mỗi vùng cũng khác nhau nhưng nhìn chung hễ ăn thì kiểu gì cũng ngon bá cháy. Bây giờ cùng đi vào chi tiết nhé!

 

1) Bánh xèo xứ Huế

Bánh canh, bánh xèo, vùng miền, hương vị, Việt Nam

Hay còn gọi là bánh khoái. Vì đâu lại có cái tên như vậy? Theo chúng tôi được biết vì khi chế bột vào chảo thì khói bốc lên, và theo cách phát âm của người Huế thì “khói” đọc là “khoái”. Mà ăn rồi đúng là khoái khoái thật. Nhở!!! Vỏ được làm từ bột gạo trộn cùng bột năng, chút xíu xiu bột nghệ và tí ti muối, để vỏ dai, tróc không thể thiếu hai quả trứng, chút bột nở nữa nha. Sau khi khuấy bột thành hỗn hợp loãng ta để bột nghỉ độ 30 phút.

Trong thời gian đó hãy chuẩn bị nước chấm. Thành phần gồm gan heo băm nhỏ, tương hột, đậu phộng rang giã nát, thêm đường vào, nấu với một ít nước trên lửa nhỏ liu riu. Sau đó hòa một ít bột năng vào cho sánh. Đến làm nhưn nè. Tôm bóc vỏ, rửa sạch xào chín tới với thịt nạc vai xay, nêm chút gia vị vừa ăn.

Xong đâu đó ta múc một muỗng nước bột đã trộn khi nãy vào chảo gang sâu lòng đáy vuông đã có sẵn dầu ăn. Cho giá sống, tôm, thịt vào một ½ bánh. Đậy nắp một lát cho chín rồi gập bánh lại. Vậy là xong. Yêu cầu thành phẩm là vỏ mềm, xốp chứ không giòn, tôm nhiều, thịt nhiều. Món này ăn với nước chấm gan heo và đậu tương, kèm theo rau thơm, dưa leo, khế nữa thì hết sẩy ba số bảy nhé các tình yêu.

Đến Cố Đô phải ghé những nơi này: Bánh khoái Hạnh – 11 Phó Đức Chính, TP. Huế;

Quán Hồng Mai – 78 Đinh Tiên Hoàng, TP. Huế để tận hưởng đúng vị Huế.

 

2) Bánh xèo Phan Rang, Phan Thiết

bánh xèo phan thiết

Ấn tượng đầu tiên nhất phải kể đến chính là cái lò. Nó được làm từ đất nung theo kiểu của người Chăm. Những cái chảo nhỏ nhỏ đổ bột lên đấy cũng làm cho món ăn có vị đã rất khác rồi. Vỏ bánh xèo ở đây làm từ bột gạo, trứng, chút bia để vỏ giòn rụm. Nhân cũng đa dạng lắm, chủ yếu là đồ hải sản gồm tôm, thịt, mực, tóp mỡ. Nhưng linh hồn của đồ ăn vẫn ở chỗ nước chấm cơ.

Nó làm từ cà chua, ớt, me, đậu phộng xay và nước mắm cá cơm nguyên chất. Rau ăn kèm cũng toàn những loại đặc biệt như húng lủi, giấp cá, lá hoa vạn thọ, bắp cải trắng bào nhuyễn. Nhiều hương vị đặc sắc như vậy bảo sao món này không nổi tiếng ở Phan Rang, Phan Thiết.

Ở Phan Thiết thì có phố bánh xèo trên đường Tuyên Quang. Còn ở Phan Rang thì cuối đường Quang Trung, chợ Phan Rang. Cứ ập vào mà thưởng thức cho đã nhé.

 

3) Bánh xèo miền Tây

Bánh canh, bánh xèo, vùng miền, hương vị, Việt Nam

Có kích cỡ vượt trội hơn những vùng miền khác, bởi người miền Tây họ đổ trong chảo lớn. Trong nước bột, ngoài những thành phần giống như những nơi khác, họ còn thêm nước cốt dừa để vỏ béo và thơm. Nhân gồm thịt ba chỉ thái lát mỏng, tôm, đậu xanh hấp chín, giá sống, hành tây. Đổ một muỗng bột vào lòng chảo, láng đều để vỏ bánh thật mỏng và giòn rụm, cho nhưn vào giữa, đậy nắp khoảng 2 phút cho chín. Món này ăn cùng rau xà lách, rau thơm, cải bẹ xanh và nước chấm chua ngọt

Dân Sài Gòn có rất nhiều lựa chọn thức ăn này với những cái tên như: bánh xèo Long Huy - 21 Trương Định, phường 6, Quận 3, TP.HCM;

- Mười Xiềm - 204 Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.HCM;

- Nhà hàng bánh xèo Ăn là ghiền -  74 Sương Nguyệt Ánh, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM;

- Bánh xèo A Phủ - 10A Đường 3 Tháng 2, Quận 10, TP.HCM.

- Thủ đô thì có bánh xèo Hàng Bồ: Số 22 Hàng Bồ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội;

- 29 Tôn Đức Thắng, Quận Đống Đa, Hà Nội

- Đà Nẵng: Bánh Xèo Tôm Nhảy Cô Ba - Đặc Sản Bình Định - 248 Trưng Nữ Vương,  Quận Hải Châu, Đà Nẵng.

Sà vào đó đừng hỏi tại sao ăn là quên lối về luôn nha.

 

Sau đây ai muốn ăn pizza Việt Nam tại nhà thì coi video sau nha:

Dù là mỗi nơi có cách nấu khác nhau nhưng mỗi món ăn của từng vùng như là tiếng nói đặc trưng của họ: lạ lẫm, ngon, rẻ, đậm đà, dung dị giống như con người nơi ấy. Món ăn không chỉ người trong vùng cảm thấy ngon mà nó sẽ chính xác hơn khi những người ở vùng khác, đất nước khác thưởng thức trong háo hức, trầm trồ, và vui vẻ vậy là món đó trở nên nổi tiếng.

Đọc xong bài “Những nơi bán bánh canh bánh xèo ngon nhất Việt Nam” bạn có bị đói bụng không? Nếu có hãy tham khảo các địa chỉ bán chúng tôi gợi ý, hoặc công thức để đãi bao tử vài món ăn cho sung sướng cuộc đời nhé. Đừng quên chia sẻ bài viết này mặc dù sau đó có hàng tá người có trách bạn vì làm họ tốn mấy lít nước miếng nha. Đọc thêm các bài liên quan bên dưới và những tin mới được cập nhật hằng ngày trên LaLung.vn. Chúc các bạn một ngày vui vẻ và ăn ngon miệng.

Bài viết liên quan: