Trang trí nhà chuẩn bị cho ngày Tết theo truyền thống người Việt

Ngày 04/02/2016 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Tết Nguyên Đán là một trong những ngày lễ lớn theo truyền thống của người Việt chúng ta. Vào dịp này, mọi người thường bận rộn để chuẩn bị cho một ngày Tết ấm cúng và đủ đầy.

Trong đó, trang trí nhà cửa vào dịp cuối năm là việc mà hầu như các gia đình đều phải làm để chào đón mùa xuân về.

Hay nói cách khác, theo quan điểm của ông cha ta ngày xưa thì việc cả gia đình quây quần dọn dẹp ngôi nhà, là xua đuổi những điều không may trong năm cũ để chào đón năm mới tốt đẹp và gặt hái được nhiều thành công hơn.

Nói đến đây thì chắc có lẽ nhiều chị em nội trợ đều nghĩ rằng, đây chỉ đơn thuần là việc sửa sang mái ấm gia đình vô cùng đơn giản, mà mình vẫn thường làm mỗi ngày đúng không nào?

Cơ mà nữa thế giới xinh đẹp của chúng ta ơi, đúng là những công việc thường nhật nhưng không hề dễ dàng đâu đó!

Đặc biệt là vào dịp năm hết Tết đến thì công đoạn trang trí còn cực kỳ quan trọng hơn, phải thật công phu và cần thực hiện một cách kỹ lưỡng. Vì ông bà ta đã tâm niệm: nếu nhà cửa tươm tất sạch sẽ thì những vị Thần may mắn mới ghé thăm và mang nhiều cơ hội đến lúc tân niên.

Từ những lập luận vô cùng có ý nghĩa trên, không dám múa rìu qua mắt thợ nhưng LaLung.vn xin được mạo muội gởi đến các bạn tổng hợp những việc cần phải làm và một số bí quyết nho nhỏ để khoác chiếc áo tươi mới cho tổ ấm của mình, để biết cách trang trí nhà chuẩn bị cho ngày Tết theo truyền thống người Việt nhé!

 

> Công đoạn chuẩn bị

Đầu tiên, phải kể đến đó là công đoạn dọn dẹp, vì nhà cửa phải sạch sẽ, gọn gàng thì trang trí mới đẹp được. Các bạn có thể áp dụng theo “Tips 5S” của mình nhé!

1) Sàng lọc

Sàng loc đồ cũ

Đây có lẽ là biện pháp khắc tinh đối với mấy chế thích sống nội tâm và hay hoài cổ nè! Nhiều người rất thích giữ khư khư những món quà lưu niệm đã cũ, thậm chí mục nát và vứt lung tung ở khắp các ngõ ngách. Chấp nhận tạo điều kiện nuôi nhện và ruồi, muỗi chứ nhất quyết không chịu rời xa chúng, mặc dù có thể đã 8.000 năm chưa hề rờ đến. Và kết quả là sắp Tết đến nơi mới chợt nhận ra, ngôi nhà bé xinh bị biến thành bãi rác bất đắc dĩ lúc nào không hay.

Khắc phục thế nào đây ta? Đơn giản thôi chỉ cần quan sát và tổng hợp những món đồ hay quà tặng đã cũ, hư hỏng, không cần thiết hay chẳng dùng đến nữa. Thu gom lại, phân loại ra và chúng ta có thể tái sử dụng, làm vật trang trí handmade, bỏ bớt đi hay bán ve chai cũng được kha khá tiền đó nha!

 

2) Sắp xếp

Sắp xếp đồ cũ

Sau khi hoàn thành dứt điểm công đoạn đấu tranh nội tâm và chia tay trong đau khổ với những “vật bất ly thân” mấy chục năm nhưng lại vô bổ và làm chật nhà. Mời các bạn thực hiện bước kế tiếp là định đoạt số phận của những “người bạn” may mắn được giữ lại và tiếp tục cống hiến. Bố trí những vật dụng còn có giá trị sử dụng sao cho hợp lí, cần quan tâm đến các nguyên tắc sắp xếp vật liệu để đồ dùng không dễ bị hư hỏng.

Ví dụ như sàn gỗ không nên đặt gần nơi có nhiệt độ cao vì sẽ dễ bong tróc, lò vi sóng không nên để gần bồn rửa tay tránh hơi nước làm hỏng hóc mạch điện, máy giặt để cách xa các thiết bị điện khác và tường nhà vì khi hoạt động bạn ấy cần một không gian thoáng, có như vậy mới giữ được tuổi thọ của chúng. Và một điều quan trọng là cần phải lau chùi bề mặt sàn nhà thật sạch trước khi đưa những “trợ thủ đắc lực” của các bà nội trợ này trở lại vị trí của mấy ẻm nhé!

 

3) Sạch sẽ

Lau chùi

Giai đoạn này sẽ cực lắm đây! Tốt nhất là bạn nên lau quét theo trình tự từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, phải đảm bảo mọi ngóc ngách đều sạch bong kin kít thì mới thu hút được Thần tài vào nhà đấy nhé!

Dùng máy hút bụi hoặc chổi đót, chổi lông gà để tống khứ hết đất cát, bụi bẩn dưới nền nhà, ở bề mặt tủ bàn ghế và những vật dụng treo trên cao ra khỏi vị trí mà chúng đang đeo bám.

Kế đó là dùng khăn và nước để làm ướt nếu nơi đấy cần đến xà phòng để tẩy rửa như sàn nhà hay mặt kính trên bàn. Sau khi vệ sinh sạch sẽ thì dùng khăn khô để lau lại lần nữa, đồng thời bonus thêm một cây quạt máy cho mau khô và tránh bị trượt chân nếu nhà ai có các thiên thần nhỏ chuyên chạy nhảy, quậy phá.

 

4) Sửa sang

Sửa sang, sơn phết

Người ta thường kháo nhau rằng: “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, vôi ở đây là để tượng trưng cho việc làm tô phết lại nhà cửa được tươi mới để chơi 3 ngày Tết. Tuy nhiên, tùy theo phong cách của ngôi nhà theo kiểu Á Đông truyền thống hay Phương Tây cổ điển, mà chúng ta lựa chọn phương pháp sửa sang cho phù hợp, hài hòa với tổng thể chung. Bạn có thể đắp bột, sơn lại các gian nhà để che đi những vết bẩn lâu năm, những lỗ hỏng bê tông do nắng mưa hay thay bằng việc sử dụng giấy dán tường cho tiết kiệm.

Chúng ta cũng có thể đầu tư thêm những món đồ mới như ghế sofa, rèm cửa, vật dụng trang trí... Vài chi tiết nhỏ thôi nhưng sẽ làm ngôi nhà của bạn thay đổi đáng kể. Điều quan trọng là phải lên kế hoạch hoạt động cần thiết, tránh sa đà vào việc bị những món đồ mới thôi miên và gây lãng phí! Nhắc đến đây chúng tôi chợt nhớ ra một câu nói bất hữu là “Nên mua thứ mình cần chứ đừng mua thứ mình thích”, các bạn nói xem có đúng không? Chị em phụ nữ nào nghiện mua sắm thì nhớ học thuộc câu thần chú này mỗi khi đi shopping nhé!

 

5) Sẵn sàng

Sẵn sàng trang trí

Uầy…! Cuối cùng thì chúng ta cũng đã cùng nhau trải qua các công đoạn chuẩn bị cực kỳ khó khăn, tay chân thì mỏi nhừ vì kỳ cọ các đồ vật nội thất, từ đầu đến chân thì bụi bẩn bám đầy. Đi tắm thôi nào, thay bộ quần áo mới và sẵn sàng bắt tay vào trang trí nhà chuẩn bị cho ngày Tết theo truyền thống người Việt các bạn nhé!

 

> Công đoạn trang trí

 

1) Trang trí cho phòng khách:

Trang trí cho phòng khách:

Chẳng cần phải nói nhiều thì ai cũng biết đây là khu vực quan trọng để chúng ta đón khách và chứng tỏ đẳng cấp cũng như vị thế của gia chủ. Tùy vào gu thẩm mỹ của mỗi chủ nhà, nhưng nhìn chung không gian này cần phải thoáng mát, đồ đạc được xếp gọn gàng và tạo cảm giác gần gũi. Các tông màu dành cho phòng khách trong ngày Tết thường là đỏ, cam, vàng, xanh…các gam màu sáng để tạo sự hứng khởi, tràn đầy năng lượng cho năm mới.

 

Trang trí cho phòng khách:

Các đọc giả yêu quý cũng có thể thêm vài chi tiết nhỏ, để mang không khí ngày Tết Nguyên Đán theo thói quen của gia đình Việt vào nhà chúng ta như: treo vài bức thư pháp, câu đối đỏ, tranh Tết trên tường, lồng đèn đỏ Hội An, thay rèm cửa màu sắc tươi sáng hơn hay điểm xuyến một chút hoa văn tươi mới trên gối cho ghế sofa...

Ngoài ra, hoa tươi cũng không thể thiếu cho không gian này, bàn tiếp khách nên có một chậu mai nhỏ có hình dáng độc đáo, cành đào thắm đặt dưới bệ, cạnh chân cầu thang hay nếu bạn ngại chăm sóc thì có thể dùng hoa khô hay hoa giả cũng nghệ thuật không kém.

 

Trang trí cho phòng khách

Cuối cùng, cũng không quên kèm theo khay bánh mứt, bộ ấm trà gốm sứ be bé, xinh xinh, sang trọng đặt trên bàn tiếp khách. Tuy chỉ là những thay đổi tiểu tiết nhưng nếu chăm chút có tâm thì cũng đủ làm nên sự độc đáo và gần gũi cho phòng khách nhà bạn rồi đấy!

 

2) Trang trí phòng thờ, bàn thờ tổ tiên

Trang trí phòng thờ, bàn thờ tổ tiên

Đối với truyền thống của dân tộc Việt Nam, bàn thờ tổ tiên là nơi linh thiên nhất trong nhà, thể hiện phong tục thờ cúng, tưởng nhớ ông bà của gia đình Việt. Vì vậy nên nơi trang nghiêm này phải được trang trí một cách chu đáo và nghiêm túc.

Nơi đặt bài vị của gia tiên phải nằm ở vị trí trung tâm và cao nhất để tránh tiếng ồn, bụi bặm và đặc biệt kiên kỵ tiếp xúc với những thứ “không sạch sẽ”, tốt nhất nên bố trí liền kề phòng khách hay tầng thượng.

Công việc dọn dẹp, trang hoàng bàn thờ cho những ngày đầu năm khá quan trọng. Người dân Việt quan niệm rằng: trong dịp này tổ tiên, ông bà đã khuất sẽ về phù hộ con cháu trong gia đình, vì vậy việc bày trí cho bàn thờ đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận.

 

Trang trí phòng thờ,

Đầu tiên phải kể đến việc đem bộ lư đồng ra tiệm để người ta đánh bóng sau một năm bám bụi và gỉ sét. Kế đến là việc đổ bớt tàn nhang và châm thêm cát vào lư hương, lau chùi bụi bặm trên các ảnh thờ, tượng thần…

Nên sử dụng khăn sạch lau chùi để tỏ lòng tôn kính, tốt nhất là dùng khăn chưa sử dụng lần nào. Sau cùng là trang trí với cặp bánh chưng, bánh tét, quả dưa hấu, tất cả phải được dán giấy đỏ, sao cho cân đối hai bên nơi thờ phụng gia tiên.

 

Măm ngũ quả

Mâm trái cây ngũ quả cũng không kém phần quan trọng trên bàn thờ. Đối với người  miền Bắc thường chọn bưởi, dưa hấu mang sự căng đầy, trọn vẹn; quýt, táo, hồng tượng trưng cho sự phồn thịnh, cát tường; quả phật thủ, nải chuối tượng trưng cho sự che chở của Phật tổ (đối với những ai theo đạo Phật)…

Còn ngược về miền Nam thân yêu, khái niệm mâm ngũ quả thường kèm theo câu mong ước: “ Cầu - Sung - Vừa - Đủ - Xài”. Có nghĩa là các loại trái cây được đọc trại âm đi như trái Mãng Cầu, trái Sung, trái Dừa, Đu Đủ và trái Xoài. Năm loại trái cây hàm chứa một ý nghĩa vô cùng mộc mạc và đậm chất miền Nam: “Cầu mong năm mới gia đình luôn sung túc, ấm no; tiền vào vừa đủ để tiêu xài”.

Wao! Giờ mới biết luôn đó nha, chỉ là đĩa trái cây cúng ông bà, cho đẹp ba ngày Tết thôi mà cũng ý nghĩa xanh rờn như vậy luôn cơ đấy! Thảo nào, cứ cuối năm là dừa non, đu đủ nhỏ, xoài xanh cũng lên giá mặc dù chẳng ăn được!

 

Trang trí phòng thờ, bàn thờ tổ tiên

Các bạn thử tưởng tượng xem, nếu trong bức ảnh trên thiếu đi bó hoa tươi thì có phải là bà thờ tổ tiên bị mất đi thần sắc rồi đúng không nào? Đồng bào Việt Nam rất ưa chuộng hoa tươi như Huệ, Cúc, Lay-ơn, Mai, Đào, Vạn Thọ… Chúng thường được sử dụng để dâng lên cúng và tưởng nhớ thế hệ cha ông đã khuất trong dịp lễ lớn nhất của dân tộc.

Nếu những ai là người con của Sài thành thì có thể đến chợ hoa Hồ Thị Kỷ hay bất cứ chợ bông nào được mở trên khắp các đường phố, để có được những bó hoa xuân, tươi roi rói với giá cả phải chăng nhé! Ngoài ra, cần sắp xếp nơi đặt bài vị sao cho gọn gàng, chừa chỗ để chuẩn bị dâng món ăn lên cúng ông bà tổ tiên ba ngày tân niên.

Bàn thờ Tết không chỉ là nơi mà mọi người bày tỏ tình cảm gia đình, ôn lại truyền thống của cả dòng họ bao đời. Mà đó còn là nơi chúng ta gửi gắm những lời chúc may mắn, một năm mới an khang, thịnh vượng hơn cho những thành viên còn tồn tại và tiếp tục kế nghiệp phát triển cơ ngơi của cha ông đi trước để lại.

 

3) Trang trí nhà bếp, phòng ăn

Trang trí  phòng ăn

Ngày Tết thì không thể nào bỏ qua bếp ăn, vì đây là nơi quây quần của của các thành viên trong gia đình trong dịp đầu năm mới. Ngày nay, người Việt Nam thường thiết kế không gian bếp và phòng ăn chung, hoặc sát cạnh bên nhau để thuận tiện. Vì vậy nên có sự tương đồng trong cách trang trí giữa hai không gian này.

Về cơ bản cũng cần đáp ứng các tiêu chí như gọn gàng, sạch sẽ, ấm cúng, thoáng mát thông qua các đồ dùng nhà bếp. Hãy thực hiện tổng vệ sinh nơi nấu ăn, sắp xếp lại tủ bếp, kệ chén, các loại đồ ăn trong tủ lạnh gọn gàng, bỏ bớt những thực phẩm đã trữ đông lâu ngày, để gây ấn tượng với khách đến chơi.

Các bạn có thể sắm sửa một bộ chén dĩa mới có hoa văn nhã nhặn, hay một rổ trái cây đầy ắp trên bàn. Khăn trải bàn và bình hoa là hai thứ không thể thiếu để tạo nên không khí tươi vui, nhiều màu sắc nhưng không kém phần ấm áp cho căn bếp.

 

Trang trí nhà bếp

Nơi chuẩn bị bữa cơm là không gian của “Hỏa”, nên gia chủ cần chú ý các nguyên tắc sắp xếp đồ đạc để sinh khí trong nhà được hanh thông, có lợi cho công việc làm ăn của các thành viên trong gia đình. Ví dụ như bếp ga (sinh Hỏa) và bồn rửa chén, rau (sinh Thủy), theo quy luật “tương sinh tương khắc trong ngũ hành” thì Hoả rất kỵ Thuỷ.

 

 Trang trí nhà bếp, phòng ăn

Chính vì vậy mà phải chừa khoảng cách tối thiểu là 60cm giữa nơi tạo ra lửa và nước. Rất nhiều người tin hoặc không để ý đến vấn đề này nên vô tình tạo điều kiện cho Thần Thủy gặp Thần Hỏa. Kết quả là gây mất hòa khí trong nhà, mang tài vận không tốt cho gia chủ mà họ không hề biết lý do. Chẳng phải là mê tín dị đoan nhưng chỉ cần các bạn chịu để ý một chút thôi, từng chi tiết nhỏ nhặt như thế này sẽ tạo ra một hạnh phúc to đấy các bạn ạ!

 

4) Trang trí phòng ngủ

Trang trí phòng ngủ

Ngoài việc tô điểm các gian nhà chính, chúng ta cũng đừng quên cover lại cho các không gian khác như phòng ngủ để tạo cảm giác thoải mái. Trái ngược với phòng khách, nơi nghỉ ngơi cần có không khí ấm cúng, nhẹ nhàng hạn chế các gam màu nóng, tận dụng các gam màu trầm, dịu mát.

Cách bày trí đồ vật phải đơn giản, gọn gàng; chứa hết đồ vật trong các giá đựng âm tường để tiết kiệm không gian. Chúng ta có thể nhấn nhá cho chốn phòng the bằng những bức tranh phong cảnh, hay đơn giản chỉ cần một lọ tinh dầu, hộp hương trầm hay chậu nước nhỏ có vài viên sỏi màu sắc, lác đác vài cánh hoa hồng ở trên.

Như thế thôi, cũng làm cho bầu không khí bao quanh giường ngủ thật dịu mát, tinh thần bạn sẽ cảm thấy thư thái hơn, dễ chịu hơn và đặc biệt là sau cả tuần dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị cho ngày Tết theo truyền thống người Việt, thì thật sự cần lắm một chỗ để nghỉ lưng tuyệt vời và lý tưởng như ri.

 

5) Đối với trang trí nhà vệ sinh, phòng tắm

Trang trí nhà vệ sinh, phòng tắm

Bạn không cần phải đau đầu vì chuẩn bị một khoảng chi phí lớn, làm một cuộc nâng cấp hoành tráng để làm đẹp khu vực này đâu nhé! Yếu tố đầu tiên chỉ cần sạch sẽ.

Chúng ta có thể phá cách một chút cho những ngày đầu xuân tươi mới, bằng cách chọn các mẫu khăn tắm có màu sắc vui nhộn, in hình nhí nhảnh; đóng thêm vài giá treo quần áo, trang bị thêm vài cái rổ hay những chiếc hộp xinh xắn để chứa đồ lặt vặt.

Bên cạnh đó, chị em phụ nữ khéo tay có thể tự làm các giỏ đựng nến bằng vỏ trái thơm vừa độc đáo, vừa khử mùi cực kì hiệu quả mà lại tiết kiệm vì tận dụng được cả lớp vỏ bỏ đi của trái cây Tết.

 

6) Trang trí cho khoảng sân vườn

Trang trí cho khoảng sân vườn

Mai và Đào là những giống cây hoa đại diện cho mùa xuân. Đối với các ngôi nhà có diện tích vườn rộng, chúng ta có thể đặt một chậu Mai vàng nở rộ hay chậu Đào hồng thắm ở khu vực trung tâm cho khu vườn thêm rực rỡ.

Còn những căn có khoảng sân hơi nhỏ thì hai chậu cúc đồng tiền, hay cây thủy tiên, mẫu đơn đặt trước hiên nhà cũng làm bừng sáng lên tổ ấm hạnh phúc của bạn rồi!

 

Khiêng chậu Quất

Ngày Tết năm nay, người chơi hoa cũng có thể thay đổi bằng cách chọn những cây quất (cây tắc) trĩu quả hay tắc kiểng được uốn thành những hình dáng độc đáo như phu phụ, huynh đệ, phước lộc thọ, long lân quy phượng, ngũ phúc… Những chậu cây được tạo hình tượng may mắn, sẽ đem sức sống tràn đầy đến với khu vườn của bạn.

Nhưng lưu ý, khi chọn quất, chúng ta nên chọn cây có còn tơ, gốc cứng cáp, thân thẳng, có nhiều cành đối xứng. Nên chọn những cây lá nhỏ, màu xanh thắm và sai, quả to màu vàng sáng, không chín quá; nom dáng phải có sức sống thì mới có thể giữ cây được lâu trong suốt những ngày Tết.

Nếu tậu về nhà được chậu tắc hội tụ được những yếu tố mà LaLung.vn vừa mách, thì đồng nghĩa với việc bạn đã mang được tài lộc về đầy nhà rồi đấy!

 

Sum họp gia đình

Trang trí nhà chuẩn bị cho ngày Tết theo truyền thống người Việt không hề khó, điều quan trọng là sự sáng tạo, tỉ mỉ của bạn để làm bừng lên không khí tràn ngập niềm vui đón năm mới và đầy ấp sức sống của căn nhà.

Trước khi bắt tay vào công việc hãy chuẩn bị một tờ giấy và liệt kê, sắp xếp những gì bạn phải làm, những món đồ cần phải mua cho ngôi nhà bạn. Sau đó chia đều các công việc đó ra và thực hiện trong khoảng thời gian trước khoảnh khắc giao thừa một tuần, không nên ôm đồm quá nhiều việc dẫn đến mệt mỏi.

Bạn có thể kêu gọi các thành viên trong gia đình cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà chung với bạn trong nền nhạc xuân rộn rã chắc chắn tình cảm giữa các thành viên sẽ khắn khít nhiều hơn đấy nhé! Chúc bạn đọc nhà cửa luôn sạch đẹp, năm mới anh khang và gia đình hạnh phúc.

 

Mời các bạn bấm vào video dưới đây, để xem những người dân Việt xưa đã đón Tết như thế nào và so sánh thử xem hiện nay chúng ta còn giữ được bao nhiêu phần trăm nét truyền thống của dân tộc ta nhé!

Chia sẻ bài viết để thói quen trang trí nhà chuẩn bị cho ngày Tết theo truyền thống người Việt được lan toả đi khắp mọi nơi và mãi mãi được lưu truyền nào!

Bài viết liên quan: