Những thị trấn bị bỏ hoang đáng được tham quan nhất

Ngày 30/12/2015 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Ngày nay, đi cùng với nền văn minh nhân loại, có những thành phố, khu vực phát triển một cách vượt bậc, và còn trường tồn mãi đến ngày nay.

Nhưng bên cạnh đó lại có những nơi vì chiến tranh, thiên tai, khí hậu khắc nghiệt mà đã dần trở nên hoang phế, không còn ai sinh sống.

Trong đó, có một số khu vực mang những dấu tích đặc biệt, hoặc ẩn chứa một ký ức quan trọng nào đó, nên vẫn còn được con người lưu giữ cho tới ngày nay.

Cùng LaLung.vn xem những thị trấn bị bỏ hoang đáng được tham quan nhất nào bạn!

 

1) Chinguetti (Mauritania)

@Robert Harding World

Còn được mệnh danh là “kho báu sách nằm giữa sa mạc”, thành phố Chinguetti từng là một trong những trung tâm sầm uất và năng động của đất nước Tây Phi Mauritania. Thành lập từ cuối thế kỷ thứ 13, đây cũng từng là trung tâm tôn giáo của cộng đồng người Hồi giáo.

Do quá trình sa mạc hóa mà nơi đây dần trở thành một vùng đất cằn cỗi và khô hạn, khiến nhiều người trong thành thị này phải rời đi. Nơi đây dần dần có ít người sinh sống, trở thành một vùng đất hoang sơ và vắng lặng.

Người ta tìm thấy tại đây có hơn 6.000 cuốn sách, một số cuốn được chép bằng tay được liệt vào hàng hiếm có khó tìm trên quả đất. Đặc biệt nhất phải kể đến những cuốn sách kinh Koran cổ ra lò từ thế kỷ thứ 9.

Kho tàng sách đồ sộ này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới vào năm 1996. Bằng việc di chuyển trên những con lạc đà, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn thành phố Chinguetti cùng với thư viện tại đây.

 

2) Pripyat (Ukraine)

@Lonely Planet

Được thành lập vào năm 1970, Pripyat đang trên đà phát triển của một đô thị trẻ, với những dự án mới phủ khắp trên toàn khu vực. Nhưng sự tồn tại của xì phố này đã không kéo dài được lâu, khi xảy ra vụ nổ tại lò phản ứng số 4, thuộc nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào năm 1986.

Thảm họa lịch sử này đã khiến khu định cư Pripyat trở thành một đống đổ nát, đi kèm với môi trường vô cùng ô nhiễm bởi chất phóng xạ. Để đảm bảo cho sức khỏe của người dân, chính quyền đã ban bố lệnh di tản dân cư tại đây sang nơi khác sinh sống. Pripyat trong phút chốc hóa thành một thị trấn tiêu điều, không người ở.

Khi đến khảo sát thị trấn bị bỏ hoang này, các nhà chức trách, nhà nghiên cứu không khỏi ngậm ngùi khi nhìn lại những hiện vật hoang tàn tại một số nơi như nhà cửa, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, đường phố. Tuy đã trải qua thời gian khá lâu, nhưng những vết tích do thảm họa hạt nhân Chernobyl gây ra vẫn còn hằn sâu tại nơi này.

Ngày nay, với những nỗ lực của các nhà chức trách, khu vực này đã được hồi sinh phần nào, mức độ ô nhiễm cũng đã được giảm bớt. Du khách có thể đến đây để xem lại khung cảnh đã từng trải qua cơn thảm họa lịch sử. Tuy nhiên, khách tham quan phải có sự cho phép của chính quyền Ukraine, và phải được hướng dẫn các cách để giữ cho bản thân an toàn khi bước vào khu vực này.

 

3) Bodie, California (Mỹ)

Vào năm 1859, sau sự kiện nhà thám hiểm William S.Bodey tìm ra vàng tại thị trấn Bodie, đã khiến nhiều người ở các vùng đất khác đổ xô đến nơi này để tìm vàng. Bodie từ một vùng đất tĩnh lặng trở thành khu thị thành đông đúc và sầm uất. Thời kỳ hưng thịnh nhất là vào năm 1880, nơi đây đạt mức dân số lên đến 10.000 người.

Tuy nhiên, đến năm 1932, việc khai thác vàng cũng bắt đầu giảm vì số lượng vàng dần dần cạn kiệt. Vàng không còn, trong khi vùng đất này lại có khí hậu rất khắc nghiệt. Chẳng còn điều gì để níu giữ người dân, thế là từng lượt, từng lượt người ra đi, rời bỏ vùng đất này. Bodie trở thành một nơi có không gian vắng lặng, hiu hắt vô cùng. Dân phượt nào yêu thích cảm giác được khám phá những vùng đất hoang vu, Bodie có thể là một lựa chọn không hề tồi.

 

 4) Kolmanskop (Namibia)

@Lonely Planet

Năm 1908, sau khi một công nhân phát hiện ra có viên kim cương nằm dưới lớp cát thuộc thị trấn Kolmanskop, đã thu hút rất nhiều thợ săn kim cương tìm đến vùng đất này. Những công cuộc đào bới kim cương mọc lên như nấm, và cũng thu lại những kết quả rất khả quan.

Kolmanskop bỗng chốc trở thành một đô thị hưng thịnh và trù phú, những công trình theo phong cách Châu Âu mọc lên, với những khu vực phục vụ đầy đủ nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí của cư dân trong thị thành.

Cho đến khi lượng kim cương vơi dần, tỉ lệ thuận với việc những đoàn người săn kim cương rời đi. Thêm vào đó, việc thường xuyên xảy ra bão cát, cùng với sự khan hiếm nguồn nước đã khiến cư dân không còn mặn mà với vùng đất này. Vào năm 1954, Kolmanskop chính thức trở thành thị trấn bị bỏ hoang, vựa kim cương ngày nào giờ chỉ còn là dĩ vãng.

Ngày nay, Kolmanskop lại trở thành một địa điểm tham quan rất thú vị dành cho khách du lịch, với những cồn cát phủ đầy khắp mọi nơi, từ những tòa nhà cho đến những con đường xa tít tắp.

 

5) Consonno (Ý)

@Moment Open

Vùng đất Consonno thuộc nước Ý vốn được một doanh nhân có tên là Mario Bagno mua lại vào năm 1960, với mục đích biến nơi đây trở thành một sân chơi dành cho cư dân ở Milan và các du khách.

Tuy nhiên, vào năm 1976, thật không may mắn cho Mario Bagno là một vụ lở đất xảy ra đã phá hủy Consonno, khiến sân chơi trong mơ của ông nhanh chóng tan biến như bọt biển. Không thoát khỏi số phận hẩm hiu, cũng như những vùng đất trên, Consonno giờ đây đã trở thành khu vực hoang phế và vắng lặng.

 

6) Nhà ga trung tâm Michigan ở Detroit (Mỹ)

@Flickr RM

Khai trương vào năm 1913, nhà ga trung tâm Michigan ở Detroit từng là một trong những ga tàu lớn nhất tại Mỹ. Nó được xem là biểu tượng ý nghĩa của cư dân sống tại Detroit. Tuy nhiên, qua sự bào mòn của thời gian, cơ sở hạ tầng nơi đây dần trở nên xuống cấp.

Cho đến thời điểm hiện tại, nhà ga này đã không còn được sử dụng. Tuy nhiên, nơi đây còn sót lại những dấu tích mang vẻ hoang sơ và bí ẩn, nên thường được các đạo diễn chọn để làm bối cảnh cho các thước phim hành động hoặc kinh dị của mình.

 

7) Ngôi làng bị chìm (Ý)

@Vetta

Vào năm 1950, một công ty điện lực tại Ý đã xây một con đập nối liền hai hồ lớn là Rescehn và Mitter. Thế nhưng, do sự sai sót trong khâu xây dựng, đập nước đã bị tràn, mực nước dâng cao và nuốt chửng cả ngôi làng Graun cùng một nhà thờ xuống lòng hồ sâu thẳm. Tất cả mọi thứ trong phút chốc biến mất, chỉ còn lại ngọn tháp chuông của nhà thờ vẫn đứng sừng sững giữa lòng hồ.

Cho đến nay, dù đã trải qua một khoảng thời gian khá lâu, hiện vật này vẫn còn trường tồn một cách hiên ngang. Du khách có thể đến đây để khám phá ngọn tháp chuông còn sót lại của ngôi làng cổ xưa kia.

 

8) Oradour sur Glane (Pháp)

@Moment Open

Ngày 10 tháng 06 năm 1944 đã trở thành một ngày tận thế đối với miền quê Oradour sur Glane, hủy diệt đi sự yên bình vốn có của nơi này. Trước đó, Oradour sur Glane là một nơi với những cánh đồng cỏ xanh mướt, hồ nước phẳng lặng. Ngày ngày, người dân thường ra đồng hoặc đi câu cá, tận hưởng một cuộc sống yên bình của miền quê.

Nhưng cái ngày định mệnh trên đã cướp đi sự bình yên của họ. Cuộc chiến tranh đẫm máu của Thế chiến thứ hai đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Vùng quê này trở thành một nơi bi thương và điêu tàn.

Hiện nay, những ngôi nhà, các hiện vật, cùng với khung cảnh hoang phế của ngôi làng vẫn còn được giữ nguyên. Khi đến viếng thăm khu vực này, các du khách từ phương xa có thể cảm nhận được sự đau thương của dân làng Oradour sur Glane vào cái ngày định mệnh đó.

Những thị trấn bị bỏ hoang đáng được tham quan nhất, phần lớn là vì những nơi này chứa đựng những sự kiện quan trọng của thế giới. Thời gian có thể làm phai mờ đi mọi thứ, tuy nhiên, có những ký ức vẫn còn in sâu trong tâm trí của nhân loại mãi đến tận ngày nay. Qua những chuyến tour du lịch, du khách có thể khám phá và cảm nhận lại được phần nào những gì đã từng xảy ra trong lịch sử của nhân loại.

 

Xem thêm video những thành phố bị bỏ hoang trên thế giới nào bạn!

Chia sẻ bài viết này đến bạn bè của bạn, để họ cùng khám phá những thị trấn bị bỏ hoang đáng được tham quan nhất nhé!

Bài viết liên quan:

TIN MỚI NHẤT