Những thử nghiệm khoa học đơn giản dành cho trẻ em

Ngày 16/02/2016 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Nếu bạn đang có một nhóc tì đáng yêu thì xin chúc mừng, đó là một may mắn. Hẳn là bé cưng của bạn rất năng động và ưa thích tìm tòi, khám phá.

Những đồ chơi bạn mua về, baby đã chán ngấy và đang nhăm nhe những thứ nguy hiểm mà các phụ huynh cấm tiệt.

Những thử nghiệm khoa học hay ho mà LaLung.vn hướng dẫn hôm nay sẽ là chiếc phao cứu nguy cho bạn đấy! Bạn không phải lo lắng đâu, những thí nghiệm này rất đơn giản, dụng cụ thì hầu như nhà nào cũng có, đặc biệt là an toàn tuyệt đối với trẻ em nhé!

 

1) Làm tên lửa từ túi trà

Làm tên lửa từ túi trà

@nikolya

Bạn sẽ cần chuẩn bị những thứ sau đây:

- Một túi trà.

- Một bật lửa hoặc que diêm.

- Một khay chống cháy.

- Một bị đựng rác để bỏ những túi trà bị cháy vào.

Thử nghiệm khoa học đơn giản dành cho trẻ em nhưng không kém phần thú vị bắt đầu nè!

Cẩn thận mở túi và đổ trà ra, các mẹ sẽ thấy chúng có hình trụ. Giờ chỉ việc đặt chúng lên khay y như hình là tên lửa đã sẵn sàng cho công cuộc chinh phục bầu trời rồi!

Tiếp theo, bạn đốt lửa phía trên miệng túi và cùng cục cưng nhìn nó cất cánh nhé!

 

Tên lửa bay

@nikolya

À, bạn đang nghĩ: “Có tin được không? Sao nó bay được?”, thì đừng nghĩ nữa cho đau não. Đơn giản là túi trà cực nhẹ, việc bạn đốt lửa phía trên đã tạo ra một luồng không khí nóng khiến nó bay. Thế thôi!

 

2) Bong bóng xà phòng đông lạnh

Bong bóng xà phòng đông lạnh

@dozilla

Điều cần thiết để tiến hành thử nghiệm này là:

- Một ít xà bông loãng.

- Thời tiết nơi bạn ở phải lạnh.

Có vẻ như chuyện này chỉ thực nghiệm được ở nơi lạnh giá thôi vì nó chỉ thành công nếu nhiệt độ đủ lạnh để đóng băng.

Nếu bạn đáp ứng đủ hai điều trên thì cùng các thiên thần nhỏ bắt tay vào làm thôi nào! Cực thú vị luôn nha!

Phụ huynh cho xà phòng loãng vào lọ và cùng các bé ra ngoài trời chơi trò thổi bong bóng. Bạn sẽ thấy các tinh thể nhỏ xinh xuất hiện trên khắp bề mặt vật thể đang bay lơ lửng mà bạn vừa thổi ra. Sau đó, rất nhanh chóng chúng sẽ nhiều lên và bao quanh bong bóng. Rất tuyệt đúng không nào! Đảm bảo bạn sẽ mê tít luôn chứ đừng nói là trẻ em.

Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể tung những bông tuyết lên, để chúng bám lên bong bóng và đóng băng nhanh hơn.

Vì sao như thế à? Vì khi thời tiết băng giá hoặc khi bông tuyết chạm vào bong bóng, quá trình kết tinh diễn ra ngay lập tức. Đó là lý do bong bóng đóng băng sau khi bạn thổi ra. Đơn giản phải không nào!

 

3) Câu “cá băng”

Cá trên băng

@schule-und-familie

Dụng cụ cần thiết cho thử nghiệm khoa học đơn giản dành cho trẻ em này rất dễ tìm nhé:

- Một tô nước lớn.

- Một ít đá.

- Muối ăn.

- Một sợi dây.

- Thêm một chiếc thuyền bé xinh để trang trí nếu bạn muốn.

Bắt tay vào làm thôi nào!

Đầu tiên là cho đá vào tô nước, vắt sợi dây ngang miệng tô sao cho dây chạm vào khối đá và hai đầu của dây nằm ngoài tô. Tiếp theo là rắc chút muối lên viên đá mà sợi dây chạm vào và chờ khoảng 5 - 10 phút. Sau đó nâng hai đầu dây và kéo băng ra khỏi mặt nước. Ten ten, bạn đã câu được cục băng to đùng rồi thấy không!

Vì sao bạn có thể câu được “cá băng” như thế nhỉ? Chắc bạn cũng biết muối có khả năng làm tan đá nhanh chóng. Viên đá mà bạn rải muối lên tan nhiều hơn chỗ khác nên vị trí xung quanh nó cực lạnh. Nước trong tô gặp phần đá lạnh có muối sẽ đông lại cực lẹ luôn. Vì vậy sợi dây sẽ dính chặt vào cục đá và bạn có thể nhấc ẻm lên.

 

4) Núi lửa phun trào

Núi lửa phun trào

@hanscience

Bạn và bé con cần chuẩn bị:

- Baking soda.

- Sơn màu đỏ.

- Nước.

- Xà bông hoặc nước rửa chén.

- Giấm.

- Bìa các tông.

- Đất sét để nặn mô hình.

Xắn tay lên làm ngay đi mấy chế!

Trước tiên là cuộn bìa các tông thành hình nón, cắt một lỗ tròn ngay phần chóp. Để vào trong nón một cái hộp rỗng. Đắp đất sét xung quanh nón sao cho giống ngọn núi nhất có thể. Mem nào không khéo tay thì cứ đắp lên rồi tưởng tượng ẻm là ngọn núi hùng vĩ cũng được!

Tiếp theo là đặt ngọn núi của bạn lên một cái khay, để tránh “dung nham” tràn lung tung. Phần quan trọng là đây nè. Bạn cho baking soda, nước, sơn màu đỏ vào hộp rỗng. Đừng tiết kiệm sơn nha mọi người, cho ít quá thì “nham thạch” không đẹp đâu!

Bạn có thể nhờ bé yêu giúp mình thêm xà phòng và giấm vào hỗn hợp trên rồi khuấy đều. Ố ồ, giờ thì thưởng thức thành quả lao động thôi! Kỳ diệu quá phải không?

Nếu sắp nhỏ hỏi bạn vì sao lại thế, thì đây là câu trả lời nè. Khi giấm tiếp xúc với baking soda đã tạo ra một phản ứng hóa học. Kết quả nó sinh ra nước và khí cacbonic. Carbon dioxide đã hình thành bọt khí núi lửa. Chính vì thế, hiện tượng “phun trào núi lửa” xuất hiện.

 

5) Ảo thuật với bìa giấy

Ảo thuật với bìa giấy

@nik-show

Thử nghiệm đơn giản như đang giỡn này cần những thứ sau:

- Một cái ly.

- Nước.

- Bìa giấy hình vuông.

Thực nghiệm em nó thôi!

Bạn đặt giấy lên miệng ly nước, úp ngược nó xuống bàn rồi từ từ nhấc lên. Nước không hề đổ ra ngoài. Bé cưng của bạn sẽ mê tít thò lò khi chứng kiến màn ảo thuật này cho mà xem.

Tại sao vậy nhỉ? Không khó để hiểu rằng miếng bìa đã hút nước và bám chặt lên miệng ly và biến thành cái nắp siêu chắc. Đố nước đổ ra được á!

 

6) Bong bóng tự phồng lên

Bong bóng

@hetaqrqire

Trò chơi thú vị này sẽ cần:

- Vài cái bóng bay.

- Chai rỗng có dung tích 1 - 1,5 lít.

- Một muỗng cà phê.

- Một cái phễu.

- Baking soda.

- Giấm.

Làm thí nghiệm khoa học này khá dễ:

Các bạn đổ giấm vào 1/3 chai rỗng. Dùng phễu cho 2 - 3 muỗng baking soda vào bong bóng. Các mẹ có thể nhờ cục cưng phụ giúp phần này nè. Nó dễ lắm luôn á. Tiếp theo, bọc bong bóng vào miệng bình sao cho kín miệng chai, tất nhiên là phải để phần chứa baking soda nằm ở ngoài. Khi bạn dốc bong bóng lên để bột đổ xuống chai thì ngay lập tức bong bóng sẽ căng phồng lên một cách kỳ diệu.

Thế nhưng ẻm vẫn chưa bay lên được, để nó “đụng nóc” cực đẹp như trong hình thì bạn cần mang nó đi chà xát nhẹ với bất kỳ vật liệu tổng hợp nào. Sau đó đặt nó lên trần là xong!

Làm sao như thế được nhỉ? Không có gì lạ lùng ở đây cả. Giống như thử nghiệm “núi lửa phun trào”, baking soda tác dụng với giấm tạo ra CO2 và chính khí này đã thay chúng ta “thổi” bong bóng đó! Còn vụ lơ lửng trên trần nhà là do tĩnh điện sinh ra khi bạn chà xát đấy. Em ý có thể ở trển 5 tiếng lận đó! Hay thiệt hen!

 

7) Vỏ trứng biến mất một cách thần kỳ

Vỏ trứng

@smiletv

Chúng ta sẽ cần:

- 2 quả trứng sống.

- 2 lọ thủy tinh hoặc ly, chén.

- Một ít nước.

- Giấm.

Xắn tay áo lên đi nè!

Thí nghiệm này cần sự kiên nhẫn nhé vì phải đợi vài ngày nó mới cho kết quả. Trước tiên, bạn đặt một quả trứng vào cốc nước, quả còn lại cho vào ly giấm. Quan sát nè, chúng giống hệt nhau phải không?

Trong 7 - 10 ngày quả trứng trong lọ nước không thay đổi gì nhưng bạn nhìn xem, điều gì đã xảy ra với quả trứng trong lọ giấm thế? Vỏ của em ý hoàn toàn biến mất và ẻm trở nên vô cùng mềm mại. Bé cưng của bạn sẽ ngạc nhiên cực độ với trò này đây. Cứ như là phép thuật vậy!

Nếu nhóc tì hỏi bạn tại sao lại thế thì câu trả lời đây nè: quả trứng ở trong giấm đã trải qua một quá trình biến đổi hóa học. Giấm là axit và nó đã bào mòn cacbonat canxi trong vỏ trứng. Quá trình này được gọi là sự khử canxi (làm mất canxi). Nó diễn ra trong hai giai đoạn, đầu tiên, vỏ trứng trở nên mềm mại và sau đó nó biến mất hoàn toàn.

 

8) Ba lớp chất lỏng

Ba lớp chất lỏng

Những thứ cần thiết để thực nghiệm trò này:

- Một ít nước trái cây (để thí nghiệm rõ hơn thì bạn nên chuẩn bị nước trái cây có màu).

- Dầu thực vật.

- Rượu.

- Một hộp bằng nhựa hoặc thủy tinh trong suốt.

Thí nghiệm bắt đầu nhé! Cách làm đơn giản thôi! Đầu tiên, bạn đổ nước trái cây vào hộp. Tiếp theo, nhẹ nhàng đổ dầu dọc theo thành hộp. Sau khi đổ dầu xong làm tương tự như thế với rượu.

Xem nào, bạn sẽ thấy các chất lỏng không hòa vào nhau mà tách thành 3 lớp. Vì sao thế nhỉ? Vì các chất lỏng này có khối lượng riêng khác nhau nên không thể hòa vào nhau. Chất nào có khối lượng riêng lớn hơn thì sẽ chìm xuống dưới. Trong thử nghiệm này nước trái cây có khối lượng riêng lớn nhất và rượu là nhỏ nhất. Dễ hiểu quá đúng không?

 

Nếu những trò trên vẫn chưa làm bé con của bạn thỏa trí tò mò thì cùng xem qua vài “màn ảo thuật” cực dễ làm với lửa nhé! Nhưng nhớ là các phụ huynh phải giám sát sắp nhỏ đó nghen!

Thừa nhận đi nhé, có phải chính bạn cũng mê mẩn những thí nghiệm này phải không? Thế thì đừng chần chừ, hãy giúp LaLung.vn chia sẻ ngay bài viết và bắt tay vào thực nghiệm ngay đi nhé! Chúc các bạn thành công!

Bài viết liên quan:

TIN MỚI NHẤT