Những bộ phim có doanh thu thảm bại nhất từ trước đến nay

Ngày 04/05/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Không bộ phim bom tấn nào được an toàn trong danh sách này, kể cả những thể loại đang rất ăn khách hiện nay như: phim hài, truyền hình, khoa học viễn tưởng và thậm chí còn nhiều hơn nữa.

Những cái tên “vinh dự” có mặt trong top những bộ phim có doanh thu thảm bại nhất làng điện ảnh thế giới từng được biết đến đều có một điểm tương đồng đó là: đầu tư nhiều nhưng tiền thu về túi chẳng được bao nhiêu, thậm chí còn bị khán giả và giới phê bình “ném đá” tả tơi như chưa hề biết đến chi phí đầu tư cực khủng lên đến hàng trăm triệu Mỹ kim cùng sự tham gia của dàn sao sáng giá.

Thất bại là mẹ thành công nhưng đôi khi sự thảm bại tình cờ lại là nguyên nhân đưa các nhà làm phim gần hơn đến cảnh cầm cố. Thu nhập bị ảnh hưởng là chuyện khỏi phải bàn nhưng làm gì để thoát khỏi cảnh phá sản mới là thực tại tăm tối trước mắt. Thật đáng buồn khi đó cũng là số phận của những hãng phim được thế giới biết đến với 15 “quả bom xịt” phòng vé trên toàn cầu.

Đó là những bộ phim nào? Hãy cùng Lalung.vn theo dõi ngay sau đây.

 

1) Jupiter Ascending (2015)

Phim điện ảnh, doanh thu

Sau thành công của loạt phim Ma trận, các chị em nhà Wachowski một lần nữa lại được trao cơ hội xác lập một kỷ lục phòng vé mới ở thể loại phim khoa học viễn tưởng. Thế nhưng, trái với sự kỳ vọng của đoàn làm phim, Jupiter Ascending - bộ phim khởi chiếu vào năm 2015 lại chẳng thể thu về doanh thu như mong đợi, thậm chí còn hứng chịu những chê bai không tiếc lời từ giới chuyên môn lẫn người xem.

Jupiter Ascending, bộ phim kể về cuộc chiến của những chiến binh liên hành tinh bảo vệ Jupiter – một cô gái được tiên tri sẽ trở thành nữ hoàng vũ trụ. Dựa trên tiểu thuyết ăn khách, bộ phim có sự tham gia của các ngôi sao nổi tiếng Mila Kunis, Channing Tatum, Sean Bean và Eddie Redmayne. Để hoàn thành quả bom tấn này, hãng phim đã phải chi mạnh tay hầu như ở mọi công đoạn từ hiệu ứng hình ảnh, phục trang đắt tiền, hóa trang, các đạo cụ chân tay giả…, chưa kể những yêu cầu của dàn sao góp mặt khiến ngân sách làm phim đội lên tới 176 triệu USD (khoảng 3,720 tỷ VNĐ). Điều này đồng nghĩa với việc, Jupiter Ascending sẽ phải tạo được kỷ lục doanh thu phòng vé mới có thể bù vào khoản đầu vào khoản chi phí không hề nhỏ này. Nhưng thật không may, bộ phim không thể đạt được thành công như mong đợi khi chỉ thu về hơn 47 triệu USD (~ 993 tỷ đồng) tại các phòng vé trong nước, thậm chí khi công chiếu ở thị trường nước ngoài con số này cũng nhỉnh hơn là 136 triệu USD (~ 2,874 tỷ đồng). Với tổng số doanh thu gần 184 triệu USD (~ 3,888 tỷ đồng) thật khó để hãng phim hòa vốn, thậm chí họ còn phải bỏ tiền túi ra bù vào khoản chi phí quảng cáo.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân khiến Jupiter Ascending thất bại là do liên tục trì hoãn ngày ra mắt phim cùng sự cạnh tranh gay gắt từ hai bộ phim đình đám công chiếu cùng thời điểm là The Spongebob Movie: Sponge Out of Water và American Sniper.

 

2) Evan Almighty (2007)

Phim điện ảnh, doanh thu

Tiếp nối thành công của bộ phim Bruce Almighty, hãng Universal đã nhanh chóng cho ra mắt phần 2 với tên gọi Evan Almighty khởi chiếu vào năm 2007 với sự tham gia của nam diễn viên Steve Carell. Đáp lại sự đầu tư cực khủng lên đến 175 triệu USD, khoảng 3,700 tỷ đồng (tổng cộng gần 4,300 tỷ đồng sau marketing), một kỷ lục chưa từng thấy đối với một bộ phim hài cũng như những nỗ lực của đoàn làm phim như: đóng hẳn một con tàu lớn, thuê hàng trăm loài động vật khác nhau để đưa vào phim… là một doanh thu thấp đến thảm hại.

Sau thời gian công chiếu trên toàn cầu, Evan Almighty chỉ mang về 173,5 triệu đô (~ 3,670 tỷ đồng) khiến hãng phim tổn thất hơn 88 triệu USD (~ 1,860 tỷ đồng). Không chỉ phải hứng chịu sự thờ ơ về lượt xem từ khán giả mà bộ phim này còn bị “ném đá” một cách không thương tiếc trên khắp các mặt trận truyền thông. Như để “sát thêm muối vào vết thương” của đạo diễn Tom Shadyac, tạp chí Rolling Stones còn bình chọn Evan Almighty là một trong những bộ phim tệ nhất năm, đồng thời giải Mâm xôi vàng cho phim hậu truyện dở nhất cũng thuộc về bộ phim này.

 

3) Green Lantern (2011)

Phim điện ảnh, doanh thu

Green Lantern là một trong những bộ phim siêu anh hùng hiếm hoi của Hollywood có doanh thu phòng vé tệ hại. Trong phim, Ryan Reynolds vào vai một anh hùng đại diện cho phe chính nghĩa hợp tác cùng các ngôi sao nổi tiếng Blake Lively, Angela Bassett, Mark Strong và Peter Sarsgaard. Đây đồng thời cũng là dự án phim đề tài siêu anh hùng đầu tiên được chắp bút bởi nhà sản xuất phim Arrow - Greg Berlanti trước khi vị nhà đạo diễn/biên kịch tài ba này chính thức đưa nam diễn viên Ryan Reynolds lên hàng siêu sao đất Mỹ với vai diễn để đời trong bộ phim bom tấn Deadpool.

Green Lantern tiêu tốn chi phí làm phim tổng cộng là 200 triệu USD (~ 4,230 tỷ đồng), chưa tính tiền quảng cáo. Với số vốn ban đầu khổng lồ, tạp chí The Hollywood Reporter ước tính để thành công, hãng phim sẽ phải cán mốc doanh thu hơn 500 triệu USD (~ 10,570 tỷ đồng). Thế nhưng, đến ngày khởi chiếu cuối cùng, phim còn chẳng thể thu nổi một nửa số con số dự kiến đó với tổng doanh thu 219,8 triệu đô (~ 4,645 tỷ đồng) trên toàn thế giới. Tin vui duy nhất bộ phim mang lại cho các fan là đã bén duyên cho cuộc hôn nhân của hai diễn viên chính Ryan Reynolds và Blake Lively.

 

4) PAN (2015)

Phim điện ảnh, doanh thu

PAN, một bộ phim thuộc thể loại viễn tưởng, phiêu lưu xoay quanh câu chuyện của cậu bé biết bay Peter Pan và cuộc hành trình ở xứ sở Neverland huyền diệu công chiếu vào năm 2015 được kỳ vọng sẽ lôi kéo một lượng lớn khán giả nhỏ, gia đình tới rạp thưởng thức. Bên cạnh số tiền đầu tư khủng lên tới 150 triệu USD (~ 3,170 tỷ đồng) cho hiệu ứng đồ họa, trang phục và cát-sê cho các gương mặt đình đám như: Levi Miller vai Peter, Garrett Hedlund vai Captain Hook, Rooney Mara và Amanda Seyfried là sự thất thu tệ hại đến đáng tiếc bất chấp bộ phim có sự góp mặt của dàn sao đầy tài năng.

Sự thất thu từ các phòng vé trong nước, ngay cả đến những thị trường tiềm năng như Trung Quốc cũng khó cứu bộ phim khỏi thất bại khi chỉ thu về tổng doanh thu từ 100 đến 125 triệu USD (~ 2,214 đến 2,642 tỷ đồng). Điều này khiến các nhà sản xuất phim phải chịu tổn thất nặng nề.

 

5) The Alamo (2004)

Phim điện ảnh, doanh thu

Quyết định sai lầm về thời điểm ra rạp được xem là một trong những nguyên nhân khiến bộ phim về đề tài chiến tranh The Alamo bị “dìm” một cách thê thảm trước đối thủ cạnh tranh là tác phẩm nghệ thuật đã giành tới 3 giải Oscar trong năm 2004: The Passion of the Christ. Trái ngược với doanh thu lên tới 612 triệu USD (~ 12,932 tỷ đồng) của bộ phim tôn giáo nói trên thì The Alamo chỉ giúp nhà sản xuất thu về 30 triệu USD tại Mỹ và 26 triệu USD (~ 1,184 tỷ đồng) sau công chiếu trên toàn cầu, đẩy số thiệt hại của hãng phim lên đến 94 triệu USD, khoảng 1,986 tỷ đồng.

 

6) The Adventures of Pluto (2002)

Phim điện ảnh, doanh thu

Eddie Murphy, nam diễn viên đầy tài năng với một sự nghiệp rất thành công: một đề cử cho giải Oscar, chiến thắng giải Quả cầu vàng và hạng chục đề cử giải thường danh giá khác trong làng điện ảnh. Giai đoạn thăng hoa nhất của Eddie Murphy là vào năm 2015, anh đã được bầu chọn vào trong top 6 diễn viên mang lại doanh thu cao nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, có vẻ như sau tất cả những hào nhoáng ấy, sự nghiệp của Eddie Murphy đã vấp phải sự cố bất ngờ khi tham gia vào bộ phim hài viễn tưởng The Adventures of Pluto, công chiếu vào năm 2002.

Trong phim, Eddie Murphy vào vai một chàng thanh niên vô công rỗi nghề vừa mới ra tù và hành trình hoàn thành sứ mệnh phát quang cái hộp đêm “từ trên trời rớt xuống” của mình. Mặc dù bộ phim lấy bối cảnh vào năm 2087, khi Mặt Trăng trở thành nơi sinh sống của hàng triệu công dân nước Mỹ - một chủ đề được cho là khá thú vị và mới mẻ đối với một tác phẩm thuộc thể hài hước viễn tưởng nhưng khi ra rạp, The Adventures of Pluto lại bị chỉ trích thậm tệ. Nhiều người cho rằng phim thất bại là do cảnh hành động kém hấp dẫn, những câu thoại hài hước nhạt nhẽo, trong khi cánh báo chí lại nghi ngờ sự “tiết kiệm” quá mức, kém chi cho công tác quảng bá mới là lý do khiến bộ phim không thể đạt được thành công như mong đợi. Bộ phim chỉ thu về tổng cộng có 7 triệu USD (~ 150 tỷ đồng) trên toàn thế giới, một con số khiến hãng phim phải đau đầu tìm cách bù lỗ cho chi phí thực hiện tới 120 triệu đô (~ 2,535 tỷ đồng).

 

7) Stealth (2005)

Phim điện ảnh, doanh thu

Stealth là một bộ phim hành động, khoa học viễn tưởng có nội dung kể về một chương trình quân sự bí mật được quân đội Mỹ triển khai nhưng ngay trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên đã gặp sự cố. Bộ ba phi công xuất sắc nhất được cử đi để khắc phục lỗi chương trình nhằm ngăn chặn nó gây ra một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Để hoàn tất những thước phim ngoại cảnh (nhiều cảnh được quay ở sân bay) và kỹ xảo hoành tráng trong phim, nhà sản xuất đã mạnh tay đầu tư một ngân sách lên tới 135 triệu USD (~ 2,852 tỷ đồng), chưa tính chi phí quảng cáo. Thế nhưng, trái với sự kỳ vọng của hãng phim, sau tuần đầu công chiếu, Stealth chỉ thu lại được 13 triệu USD (~ 275 tỷ đồng) và tiếp tục lao dốc tại các phòng vé trên thế giới để rồi sau đó giảm xuống 5,9 triệu USD (~ 125 tỷ đồng) trong tuần thứ hai và chỉ còn hơn 2 triệu USD (~ 44 tỷ đồng) ở tuần ra rạp thứ ba, nâng tổng mức doanh thu đạt 76,8 triệu USD, khoảng 1,622 tỷ đồng - một con số chẳng thấm vào đâu so với khoản đầu tư khổng lồ ban đầu.

 

8) Sahara (2005)

Phim điện ảnh, doanh thu

Sahara thực sự là một quả bom xịt gây bất ngờ cho không ít các fan yêu thích điện ảnh. Trong phim, dàn sao Matthew McConaughey, Steve Zahn và Penelope Cruz vào vai bộ ba nhà thám hiểm tiến vào sa mạc Sahara tìm kiếm chiến hạm bị mất tích đồng thời tham gia vào cuộc chiến chống lại các thế lực xấu muốn săn lùng kho báu. Cốt truyện nhàm chán, kết thúc dễ đoán được cho là nguyên nhân khiến chuyến phiêu lưu của ba diễn viên nổi tiếng nhanh chóng rơi vào quên lãng bất chấp kinh phí sản xuất khổng lồ tới 130 triệu USD (~ 2,745 tỷ đồng) và 81triệu USD (~ 1,711 tỷ đồng) phân phối cho công tác quảng bá. Đó thậm chí còn không phải là con số chính thức khi một số ý kiến cho rằng, đoàn làm phim đã phải “lo lót” một khoản tiền khá lớn cho chính quyền Ma-rốc để có thể đến quay phim tại khu vực này.

 

9) Jack The Giant Slayer (2013)

Phim điện ảnh, doanh thu

Tương tự như Sahara, Jack The Giant Slayer cũng là một trong những trái bom xịt đáng tiếc của điện ảnh Mỹ. Bộ phim đã đi vào lịch sử những bộ phim thất bại thảm hại về doanh thu phòng vé của Hollywood với tổng tiền bán vé thu về 197 triệu USD (~ 4,162 tỷ đồng) trên toàn thế giới gần bằng với ngân sách thực hiện 185 triệu USD (~ 3,910 tỷ đồng). Nếu tính cả chi phí không nhỏ dành cho công tác quảng bá và phát hành thì con số này phải tăng thêm 125 triệu USD (~ 2,641 tỷ đồng) thì hãng phim mới có lợi nhuận.

 

10) R.I.P.D. (2013)

Phim điện ảnh, doanh thu

RIPD mở ra cuộc chiến cạnh tranh phòng vé vô cùng gay gắt trong mùa hè năm 2013. Trước khi công chiếu, “Đồn cảnh sát ma” thu hút khá nhiều sự chú ý khi bộ phim có sự tham gia của diễn viên gạo cội Jeff Bridges và Ryan Reynolds. Tuy nhiên, ngoài lợi thế về mặt kỹ xảo thì gần như bộ phim không hề để lại ấn tượng gì cho khán giả.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân được cho là dẫn đến kết cục thảm bại của R.I.P.D. là do phim được trình chiếu cùng thời điểm với những siêu phẩm khác như The Conjuring (thu về 41,9 triệu đô la, tức khoảng 885 tỷ đồng trong ngày đầu công chiếu trong khi chi phí thực hiện chỉ vỏn vẹn có 20 triệu đô), Despicable Me 2, Grown Ups 2, Turbo, Red 2 và Pacific Rim. Tất cả đều vượt mặt R.I.P.D. về doanh thu, đẩy bộ phim hình sự này xuống vị trí thứ 7 tại các phòng vé. Phim thu về 78,3 triệu đô (~ 1,654 tỷ đồng), chỉ bằng hơn phân nửa so với 130 triệu đô (~ 2,747 tỷ đồng) tiền đầu tư ban đầu.

 

11) The Lone Ranger (2013)

Phim điện ảnh, doanh thu

The Lone Ranger là một trong những bộ phim hành động viễn tây có doanh thu phòng vé thảm hại và đáng thất vọng nhất so với kinh phí đầu tư thực hiện cực khủng tới 375 triệu USD (gần 8,000 tỷ đồng). Bộ phim có sự góp mặt của hai diễn viên Johnny Depp và Armie Hammer từ loạt phim “Cướp biển vùng Caribbean” thế nhưng sự nổi tiếng của dàn sao này cũng không thể khiến “Kỵ sĩ cô độc” mang về doanh thu khá khẩm hơn.

Nhiều nhà đánh giá cho rằng với số tiền đầu tư quá lớn như vậy, The Lone Ranger sẽ phải thu về 650 triệu đô (~ 13,734 tỷ đồng) để hãng phim hòa vốn. Đáng buồn thay là theo báo cáo của The New York Times, con số đạt được thậm chí còn không tới một phần ba khi chỉ mang về 260,5 triệu đô (~ 5,504 tỷ đồng) sau cả tháng công chiếu trên toàn thế giới, trong khi chi phí sản xuất đã đội lên hơn 150 triệu đô, tức gần 3,200 tỷ đồng. Không chỉ thất bại về doanh thu, The Lone Ranger còn nhận khá nhiều đánh giá tiêu cực từ phía các nhà phê bình khi cho rằng bộ phim chẳng có gì ngoài một mớ hỗn độn nhạt nhẽo.

 

12) John Carter (2012)

Phim điện ảnh, doanh thu

Không khác gì “The Lone Ranger”, “John Carter” cũng đền đáp cho nỗ lực của hãng Disney bằng một kết thúc thảm bại ở mọi phòng vé trên thế giới. Bộ phim khoa học viễn tưởng được đầu tư vô cùng hoành tráng với tổng kinh phí thực hiện lên đến 350 triệu đô (~ 7,395 tỷ đồng), chưa kể 100 triệu đô cho hoạt động làm phim và quảng bá này chỉ mang về 284 triệu đô (~ 6,100 tỷ đồng). Thất bại của bộ phim cũng như lý do khiến giám đốc Rich Ross của Walt Disney phải từ chức.

“Người hùng sao Hỏa” kể về chuyến phiêu lưu của chàng thanh niên Trái Đất - John Carter vô tình bị hút đến hành tinh Đỏ. Số phận xui khiến khiến anh trở thành người hùng giúp đỡ cộng đồng cư dân nơi đây thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

 

13) The 13th Warrior (1999)

Phim điện ảnh, doanh thu

So với các bộ phim khác có trong danh sách này thì “Chiến binh thứ 13” chỉ có kinh phí thực hiện 160 triệu đô (~ 3,500 tỷ đồng), bao gồm cả chi phí sản xuất lẫn công tác quảng bá. Phim kể về cuộc chiến của Ahmed - vị sứ giả Hồi giáo vô tình được chọn là chiến binh thứ 13 và chàng ta phải theo đoàn chiến binh dị chủng lên đường giải cứu một vương quốc đang bị đe dọa bởi những thế lực ma quái tàn ác trong khi còn chưa cầm nổi một thanh kiếm.

Dù được giới phê bình đánh giá khá tốt song “The 13th Warrior” vẫn không thể làm khán giả ra rạp hài lòng. Sự cạnh tranh từ siêu phẩm kinh dị kinh điển “The Sixth Sense” cũng đã rất nhanh đẩy bộ phim rơi xuống vị trí thứ 4 tại các rạp. Điều này đồng nghĩa với việc bộ phim đã không thể tạo được cú hích lớn về doanh thu như nhiều kỳ vọng ban đầu khi tổng doanh thu chỉ đạt 61,6 triệu đô (~ 1,400 tỷ đồng).

 

14) Mars Needs Moms (2011)

Phim điện ảnh, doanh thu

Hãy giơ tay nếu bạn đã từng nghe nói đến bộ phim hoạt hình này nhé. Không ai ư? Cũng dễ hiểu thôi bởi chính người Mỹ cũng chẳng mấy ai biết đến sự tồn tại Mars Needs Moms cơ mà. Có thể nói đây là một bộ phim hoạt hình “có như không” hiếm hoi của hãng Disney.

Mars Needs Moms kể về chuyến phiêu lưu giải cứu mẹ khỏi những sinh vật kỳ bí đến từ sao Hỏa của một cậu bé người Trái Đất. Ban đầu, đây vốn được cho là bộ phim sẽ lôi kéo được khá nhiều gia đình, khán giả nhí đến rạp để thưởng thức song một số điểm hạn chế về đồ họa, hình tượng nhân vật chưa thực sự mượt mà cũng như cốt truyện quá dễ đoán đã khiến “Sao Hỏa tìm mẹ” nhanh chóng chuốc lấy thất bại nặng nề. Trong tuần đầu công chiếu tại các rạp, bộ phim chỉ mang về 6,8 triệu đô và kết thúc với gần 39 triệu đô (tổng khoảng 968 tỷ đồng), một số lỗ quá lớn so với ngân sách sản xuất 150 triệu đô (~ 3,170 tỷ đồng) của bộ phim.

 

15) 47 Ronin (2013)

Phim điện ảnh, doanh thu

Keanu Reeves là một nam diễn viên hành động xuất chúng của Hollywood nhưng thật đáng buồn khi ngay cả tài năng diễn xuất này cũng không đủ để kéo khán giả đến rạp khi 47 Ronin được công chiếu. Bộ phim được thực hiện với kinh phí lên tới 175 triệu đô (~ 3,700 tỷ đồng), chưa bao gồm 50 triệu đô (~ 1,100 tỷ đồng) cho việc phát hành và quảng bá.

Với ngân sách đội lên đến con số khổng lồ, vượt xa dự tính của đoàn làm phim nên không hề khó hiểu khi “47 lãng nhân” đã bị trì hoãn rất nhiều lần trước khi được chính thức ra rạp vào năm 2013. Bộ phim kết thúc với 38,6 triệu đô (~ 850 tỷ đồng) tại các phòng vé Mỹ. Thậm chí 47 Ronin cũng chẳng thể bội thu ở Nhật Bản - xứ sở của các samurai bởi người Nhật cho rằng các nhân vật trong phim chẳng hề liên quan gì đến tinh thần võ sĩ đạo của đất nước họ. Chính vì vậy, doanh số của bộ phim sau đợt công chiếu tại thị trường nước ngoài cũng chỉ dừng lại ở 113 triệu đô, nâng tổng doanh thu đạt mức 151,7 triệu đô (~ 3,210 tỷ đồng). Dĩ nhiên, đây cũng chẳng phải là con số mà đoàn làm phim mong đợi.

 

Tạm quên những “quả bom xịt”, đây là những bom tấn hay nhất mọi thời đại, bạn không thể không xem.

Hãy chia sẻ danh sách những bộ phim có doanh thu thảm bại nhất từ trước đến nay đến nhiều người bạn nhé!

Chúc các bạn một ngày tốt lành!

Bài viết liên quan: