Giải mã giấc mơ cùng các nhà khoa học

Ngày 16/09/2015 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Bạn có biết nam ca sĩ Paul McCartney của nhóm nhạc The Beatles đã ngủ mơ thấy... giai điệu của ca khúc Yesterday.

Ngay sáng hôm sau ông tức tốc phổ nhạc giấc mơ của mình và sau đó thì, tèn tén ten, nó trở thành bài hát gắn liền với tên tuổi nhóm nhạc huyền thoại này. Thú vị chưa!

Chuyện tương tự cũng xảy ra với cha đẻ bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học Mendeleev. Thời gian đầu bắt tay vào nghiên cứu công trình vĩ đại này, ông rất vất vả tìm mối liên kết, sắp xếp những tấm thẻ ghi tên các chất và đặc tính hóa học.

Sau nhiều giờ sắp xếp mà vẫn lộn xộn, ông thiếp ngủ. Ngạc nhiên làm sao, trong giấc mơ, ông thấy mọi chuyện đã được sắp xếp đâu vào đó. “Trong giấc mơ, tôi thấy một bảng có tất cả các nguyên tố được đặt ở những vị trí đúng như yêu cầu. Ngay khi thức dậy, tôi đã viết nó ngay vào một mẩu giấy”.  Và thế là bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học ra đời, đóng góp quan trọng trong lĩnh vực hóa học thế giới và cũng “làm khổ” biết bao thế hệ học sinh.

 

Giấc mơ là một trong những điều khiến con người tò mò và thêu dệt nhiều đồn đại xung quanh nó nhất.

Ngày bé, ta thường nuối tiếc về những giấc mơ thần tiên mỗi sáng thức dậy. Lớn lên, có phải trong cuộc sống thường nhật, bạn vẫn hay nghe các cô các chú bàn nhau về việc tối qua nằm mơ thấy con gì để... đánh đề? Hay rất nhiều người lo âu khi bỗng có một giấc mơ trưa kỳ lạ, phải vội vàng tìm cao nhân giải mộng xem có điềm xui rủi hay may mắn nào sắp tới không.

Vì có quá nhiều người quan tâm nên các nhà khoa học cũng “bon chen” vào cuộc, thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra cơ chế hoạt động của não khi tạo ra các giấc mơ. Và đây là các kết luận của họ.


1) Những giấc mơ có thật

Khi bạn thiếp ngủ khi đang xem một bộ phim, trong cơn mộng mị bạn sẽ thấy cảnh các nhân vật đối thoại vô cùng rõ ràng, logic. Khi tỉnh dậy, có thể bạn sẽ thắc mắc “quái lạ, mình đâu có xem tới đoạn phim đó, mà sao nằm mơ y như thật vậy?”.

Rất nhiều người gặp phải các tình huống tương tự, lý do là bạn ngủ còn não bộ vẫn thức. Não sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin đang diễn ra quanh bạn và update vào trong giấc mơ. Kết quả là bạn ngớ ra chẳng hiểu làm thế quái nào mà mình biết trước nội dung phim ngay cả khi đã khò khò rồi.


2) Chúng ta không thể mơ điều mà chúng ta chưa bao giờ thấy

Một số người khẳng định mình đã từng mơ thấy một thứ mà mình chưa từng gặp bao giờ.

Thực tế theo các nghiên cứu khoa học, chúng ta không thể nằm mộng thấy cái mà chúng ta chưa từng thấy, nghe, sờ hoặc cảm nhận bằng bất cứ giác quan nào. Bởi nếu não chúng ta không có dữ liệu về sự vật, hiện tượng đó thì cũng không có cơ sở để “sản xuất” một giấc mơ về nó.


3) Chúng ta đã mơ ngay từ trong bụng mẹ

Theo các nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học cho rằng các thai nhi cũng trải qua các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ, và cũng biết mơ luôn! Họ nói rằng chỉ khoảng 26 tuần tuổi là bé bi đã có thể mơ mộng rồi.
 

4) Giấc mơ của người khiếm thị không có hình ảnh

Những người khiếm thị bẩm sinh không thể mơ thấy hình ảnh, màu sắc, thay vào đó là âm thanh hoặc cảm giác.


5) Giấc mơ sáng suốt (lucid dream)

Một dreamer có thể kiểm soát giấc mộng của mình bằng cách lựa chọn những sự kiện sẽ xảy ra, và họ nhận thức được mình đang mơ. Khoa học gọi đó là “giấc mơ sáng suốt”. Wow, vậy thì khác gì tham gia các trò chơi thực tế ảo nhỉ!


6) Đàn ông hay mơ về... một người đàn ông khác

Theo một nghiên cứu, trong các giấc mơ của một anh chàng, có khoảng 70% là mơ về hình bóng một nam nhân khác, còn phụ nữ chỉ xuất hiện 30% thôi. Ái chà chà, có một sự bất công không hề nhẹ đây. Tỉ lệ này ở phụ nữ cân bằng hơn, khoảng 50 – 50 nhé. 


7) Tỉnh giấc giữa chừng sẽ nhớ nội dung cơn mơ lâu hơn

Những người hay giật mình tỉnh thức giữa giấc ngủ có thể nhớ giấc mộng của mình rõ và lâu hơn, vì bộ não có thêm vài giây để lưu trữ dữ liệu về cơn mộng mị của bạn. 


8) Bạn trải qua hơn 100.000 giấc mơ trong cả cuộc đời

Tính tới thời điểm bạn 60 tuổi, bạn đã dành hẳn hòi 5 năm để đắm chìm trong những giấc mơ, và trải qua hơn 100.000 cơn mộng mị lành có, dữ có. Thật quá sức tưởng tượng đúng không?


9) Những giấc mơ trắng - đen đang suy giảm

Một nghiên cứu cho rằng, xu hướng mơ những giấc mơ chỉ có hai màu đen và trắng đã suy giảm trong những thập kỷ gần đây. Lý do là vì sự xuất hiện của những chiếc tivi màu với hình ảnh sống động, sắc nét, sặc sỡ.


10) Ngừng hút thuốc có thể gây ác mộng

Các khoa học gia khi quan sát nhiều trường hợp nghiên cứu đã kết luận rằng, những bệnh nhân nghiện thuốc lá đang trong quá trình cai có tần suất gặp ác mộng nhiều hơn những người khác.


11) Trẻ nhỏ không thể mơ thấy chính mình

Theo các nhà nghiên cứu, trẻ em dưới ba tuổi không thể mơ thấy chính mình. Lý do vì các bé quá nhỏ, không thể ý thức được bản thân là ai và có vai trò, vị trí gì trong xã hội. Nên nội dung mơ mộng của các bé cũng đơn giản, ít phức tạp hơn.


12) Hễ ngủ là mơ, từ lúc chợp mắt cho tới khi tỉnh dậy

Chúng ta mơ trong tất cả các giai đoạn của giấc ngủ, nhưng thời gian mơ mộng còn tùy vào chu kỳ ngủ. Có người mơ nhiều giấc mỗi đêm, có người mơ ít hơn nhưng thời lượng dài hơn.
 

Chúng ta vừa tìm hiểu những lập luận khoa học về mơ mộng, tuy nhiên, xung quanh chuyện mộng mị còn nhiều vấn đề bí ẩn mà nhiều người đồn đoán là mang màu sắc tâm linh mà khoa học chưa tìm ra lời giải.

Thực tế không phải lúc nào chúng ta cũng toàn gặp phải những “giấc mơ chapi” đẹp lung la lung linh đúng không nào, tuy nhiên cũng đừng quá lo lắng vào mỗi sáng khi bạn vừa gặp phải một cơn ác mộng hãi hùng đêm qua.

Các khoa học gia đã chứng minh rằng: những giấc mộng xấu như nằm mơ thấy ma quỷ, người chết,... cũng có lý do rõ ràng mới xuất hiện. Mà đã xuất hiện thì phải có vai trò gì đó. Bạn sẽ yên tâm hơn khi xem clip sau đây mà không cần phải tậu một chiếc dreamcatcher đâu nha.




Chia sẻ bài viết này cho những ai đang gặp ám ảnh với những giấc mơ xấu xí để họ yên tâm “ấn nút nhớ, thả giấc mơ” nhé!

Bài viết liên quan: