Hành tinh của chúng ta đang thay đổi chóng mặt: vài minh chứng

Ngày 05/06/2016 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Vài chục năm năm trở lại đây, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là một trong những vấn nạn lớn nhất của toàn nhân loại. Hành tinh xanh của chúng ta - cũng chính là mái nhà chung của muôn loài - đang đổi thay nhanh đến chóng mặt. Khắp mọi nơi đều ghi lại dấu tích của những sông băng tan chảy, nhiều dòng sông khô hạn, đồng bằng màu mỡ mất dần đi, rừng và sa mạc đều thay đổi cộng với những công trình nhân tạo mọc lên khắp mọi nơi.

Không chỉ bằng lời nói, hãy theo dõi những bức ảnh rất chi tiết của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) chụp từ vệ tinh và theo dõi bộ mặt của thế giới đã thay đổi chóng mặt ra sao sau nhiều thế kỷ, thập kỷ hoặc thậm chí chỉ sau một năm!

 

1) Sự bành trướng của đô thị tại Nevada (1984 – 2007)

Sự bành trướng của đô thị tại Nevada

Chỉ sau 23 năm, chúng ta có thể thấy sự khác biệt rõ ràng giữa hai bức ảnh miêu tả lãnh thổ của bang Nevada (Mỹ). Từ một khu dân cư ít ỏi ở ảnh đầu tiên, các sòng bạc và đô thị đã mở rộng ra không ngừng nghỉ. Và ở bức ảnh thứ hai, chúng ta có thể nhận thấy rõ nét sự “bành trướng” lên nhiều lần của thành phố ăn chơi Las Vegas được thể hiện bởi những mảng xanh vuông vức.

Đặc biệt, ta cũng có thể nhận thấy rõ sự cạn kiệt của mực nước hồ Mead nằm tại biên giới hai bang Nevada và Arizona ở góc dưới ảnh đầu tiên và ở ảnh thứ hai đã gần như không còn thấy nữa. Điều này có thể giải thích là do sự tăng trưởng quá nhanh chóng của Las Vegas đã làm tăng nhu cầu về nước sinh hoạt. Đây là một tín hiệu đáng buồn bởi hồ Mead nắm giữ đến 90% tài nguyên nước có thể uống được tại miền nam Nevada đã và đang phải chịu một gánh nặng quá lớn bởi nhu cầu của con người.

 

2) Sông Colorado cạn kiệt nước (1985 – 2007)

 Sông Colorado cạn kiệt nước

Hai bức ảnh trên cho thấy sự thay đổi hết sức rõ ràng của dòng sông Colorado (bang Mexico, Mỹ) sau 22 năm. Bức ảnh ngày 24/3/1985 được chụp trong đỉnh điểm của một trận lụt kỷ lục năm đó. Còn bức ảnh ngày 6/4/2007 chụp trong thời kỳ hạn hán vô cùng khắc nghiệt nơi đây. Nguyên nhân là bởi những cơn mưa lớn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mực nước tại các lưu vực sông Colorado.

Những màu xanh thẳm của hồ không còn nữa cho thấy một lượng nước khổng lồ đã biến mất. Thay vào đó, ta chỉ còn thấy một “sợi chỉ” mảnh dẻ yếu ớt đổ ra biển.

 

3) Sông băng tan chảy tại Himalaya (1956 – 2007)

Sông băng tan chảy tại Himalaya

Dãy Himalaya hùng vĩ nổi tiếng với những dòng sông băng khổng lồ ngày nay cũng đang đối mặt với sự suy thoái trầm trọng. Và đây chính là một minh chứng sống động.

Hãy so sánh hai bức ảnh chụp vào mùa thu năm 1956 và bức ảnh thứ hai chụp vào ngày 18/10/2007. Bạn sẽ nhận ra hồ nước này đã to lên đáng kể bởi sự tan chảy của các sông băng và đổ nước xuống hồ. Có thể nói, khí hậu Trái Đất đang nóng dần lên đã và đang tác động mạnh mẽ đến cả những nơi lạnh giá, xa xôi hẻo lánh nhất thế giới.

 

4) Đô thị mở rộng tại Ai Cập (1987 – 2014)

Đô thị mở rộng tại Ai Cập

Trong giai đoạn giữa hai thời điểm các bức ảnh trên được chụp, dân số thủ đô Cairo của Ai Cập đã tăng từ 6 triệu người lên 15 triệu người.

Chính vì thế, thật dễ hiểu khi so sánh hai bức ảnh chụp vào ngày 6/4/1987 và 15/3/2014, ta có thể thấy những khu vực đô thị mới cùa Cairo và những vùng nông nghiệp đã vươn rộng ra và xâm lấn cả vùng sa mạc khô cằn. Con người cũng đang tận dụng tối đa nguồn nước từ con sông Nile nổi tiếng để sinh hoạt và sản xuất.

 

5) Sông băng biến mất tại Peru (1978 – 2011)

Sông băng biến mất tại Peru

Con sông băng này từng kéo dài vắt qua một vùng cao nguyên nằm ở độ cao đến 5.691 mét trên mực nước biển ở trung tâm Peru. Nó được hình thành từ một phần của chỏm băng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Thế nhưng, đúng là không chuyện gì không thể xảy ra, con sông băng kỳ vĩ này cũng đã bị bàn tay kinh hoàng của sự biến đổi môi trường chạm đến!

Ở hình ảnh năm 1978, con sông băng vẫn rất rộng lớn. Nhưng nhìn vào hình ảnh năm 2011, nó đã “teo tóp” đi đáng kể và một phần đã tan chảy. Thật đáng buồn khi chỉ sau 33 năm dấu tích của con sông bằng hùng vĩ ngày nào giờ đây chỉ còn là một hồ nước sâu khoảng 60 mét.

 

6) Tác động của một con đập đến tự nhiên tại Paraquay (1985 - 2010)

Tác động của một con đập đến tự nhiên tại Paraquay

Bức ảnh đầu tiên chụp vào ngày 25/5/1985 cho thấy một đoạn của mạng lưới sông ngòi tự nhiên ở Paraguay. Và ngay khi bắt đầu việc xây dựng con đập Yacyretá - một dự án thủy điện chung giữa hai nước Paraguay và Argentina sự thay đổi đã diễn ra chóng mặt.

Sau khi dự án xây dựng này được hoàn thành vào năm 1994, mực nước sông bị các con đập chặn lại đã tăng lên đáng kể khiến cho cả một vùng đất rộng lớn chìm trong biển nước. Những khu vực từng là nhà của báo đốm Mỹ, rái cá sông khổng lồ và thú ăn kiến quý hiếm, chưa kể đến 650 loài chim và 10.000 loài thực vật tại khu vực này đã hoàn toàn bị xóa sổ. Tại bức ảnh thứ hai được chụp vào ngày 7/6/2010 chúng ta có thể thấy cả một vùng đất rộng lớn giờ đây chỉ còn trong dĩ vãng. Thay vào đó là nhà cửa và các khu vực dân cư sinh sống.

 

7) Sông băng tại Công viên Quốc gia Yosemite biến mất (1883 - 2015)

Sông băng tại Công viên Quốc gia Yosemite biến mất

Lyell, con sông băng lớn thứ hai trong rặng núi Sierra Nevada, đã mất đi gần 80% diện tích bề mặt trong khoảng thời gian giữa năm 1883 và năm 2015. Sau 132 năm, những bức ảnh trên là minh chứng rõ nét nhất sự biến mất đáng buồn của nó bởi những mảng băng trắng xóa mát mắt giờ chỉ còn sót lại những dãy núi trơ trọi và vài cụm băng lẻ loi.

Đáng kinh ngạc hơn, có đến hơn 10% diện tích bề mặt của sông băng Lyell đã biến mất trong bốn năm cuối gia đoạn này. Thời tiết nóng dần lên và ngày càng khô cằn là nguyên nhân chính khiến tình trạng của sông băng này biến đổi chóng mặt.

 

8) Dự án bảy con đập tại Thổ Nhĩ Kỳ (1987 - 2011)

Dự án bảy con đập tại Thổ Nhĩ Kỳ

Những bức tranh trên đây thoạt nhìn có vẻ không có gì đặc biệt nhưng hãy quan sát xem sự biến đổi của vùng lưu vực sông Göksu ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 11/7/1987 và 13/7/2011.

Trong năm 1990, nơi đây đã trở thành tâm điểm của dự án xây dựng bảy con đập  với mục tiêu nhằm giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng của khu vực này trong nhiều thập kỷ tới. Dự án đã được hoàn thành vào đầu năm 1990 và khiến lưu lượng nước giảm xuống ở phía hạ lưu của đập.

Cho đến đầu những năm 2000, một con đập khác lại được xây dựng, dẫn đến việc tạo ra một hồ chứa lớn tiếp tục gây thiệt hại cho hệ sinh thái địa phương vốn đã rất dễ tổn thương của khu vực này. Lại một lần nữa, rất nhiều loài động vật nơi đây đã mất đi môi trường sống tự nhiên của chúng.

 

9) Lũ lụt nặng nề ở Campuchia (2013)

lũ lụt nặng nề ở Campuchia

Đây là hai bức ảnh được chụp trong cùng một năm trong ngày 17/5/2013 và ngày 24/10/ 2013 nhằm minh chứng cho mức độ thiệt hại mà cơn bão Nari đã gây ra cho đất nước Campuchia. Trong tháng 10/2013, cơn bão này đã kéo theo những cơn mưa mùa nặng hạt, gây ngập lụt nặng nề dọc theo sông Mekong và Tonle Sap ở Campuchia. Kết quả là hơn 1,5 triệu người đã bị ảnh hưởng và hơn 300.000 ha ruộng lúa đã bị phá hủy.

Nhìn vào hai bức ảnh trên, chúng ta có thể thấy mức độ tàn phá của cơn lũ lụt này lớn đến thế nào. Thủ đô Phnom Penh, nằm ở phía Nam tính từ trung tâm của hai bức ảnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

 

10) Sông băng tan chảy ở Alaska (1941 - 2004)

Sông băng tan chảy ở Alaska

Nhìn hai bức ảnh chụp cách nhau 63 năm này, không ai có thể ngờ đó chính là cùng một vị trí. Những con sông băng kì vĩ của vùng Alaska lạnh giá nay đã biến thành những hồ nước chỉ sau hơn nửa thế kỷ.

Bức ảnh chụp vào ngày 13/8/1941 còn cho thấy một quang cảnh lạnh giá với những vùng băng tuyết lởm chởm trắng xóa. Nhưng đó chỉ là chuyện “xưa rồi Diễm”. Bởi nay, bức ảnh chụp vào ngày 31/8/2004 đã minh chứng cho một thực trạng đau lòng rằng, một ngày nào đo, Trái Đất sẽ chẳng còn băng tuyết nữa ngay cả ở những nơi lạnh giá nhất hành tinh.

 

11) Đập chứa nước cạn kiệt tại New Mexico (1991 - 2011)

Đập chứa nước cạn kiệt tại New Mexico

Đập chứa nước Elephant Butte từ xưa đến nay được xem như là kết quả của sự sáng tạo vô biên của con người khi xây dựng nên cả một con đập chứa nước khổng lồ trên sông Rio Grande vào năm 1916. Cho đến ngày nay, hồ chứa này vẫn lưu trữ được lượng nước lớn nhất của vùng New Mexico, nước Mỹ.

Nhưng thật đáng buồn, qua hai bức ảnh chụp ngày 20/8/1991 và 27/8/2011, chỉ trong vòng hai thập kỷ, thời kỳ hạn hán kéo dài đã gây ra sự sụt giảm mạnh mẽ trong mực nước của đập nước huyền thoại này. Phần nước sâu màu xanh thẫm đã “teo tóp” đi đáng kể và những phần nước nông màu xanh lá cây nhạt đang dần lan rộng ra toàn con đập.

 

12) Hồ Urmia của Iran cạn kiệt (1985 - 2010)

Hồ Urmia của Iran cạn kiệt

Hồ Urmia được coi là hồ muối lớn nhất ở Trung Đông và lớn thứ ba trên hành tinh. Tuy nhiên, bởi nhiều yếu tố như việc xây dựng các đập nước, tăng sử dụng nước ngầm và hạn hán kéo dài từ năm 2010, hồ đã bị thu hẹp đến 60% kích thước so với năm 1980. Và chắc chắn đến nay tình hình này đang còn tệ hơn nữa.

Nhìn hai bức hình bên trên, bạn có thể thấy những khu vực có mày xanh dương sáng chính là vùng nước nông và có muối lắng bên dưới. Sự nhiễm mặn gia tăng đã dẫn đến sự biến mất của các loài cá. Khu hồ cũng không còn là nơi trú ẩn lý tưởng cho các loài thủy cầm di cư. Thật đáng buồn vì các chuyên gia dự đoán, nếu mực nước hồ Urmia tiếp tục suy giảm với tốc độ hiện tại, nó sẽ sớm cạn kiệt hoàn toàn.

 

13) Sông Missouri Nebraska mất bờ (2011 - 2012)

Sông Missouri ở Nebraska mất bờ

Vào mùa xuân và mùa hè năm 2011, sông Missouri đã tràn bờ. Tuyết rơi nặng nề ở những phần của Montana và Wyoming tại dãy núi Rocky và gần như phá kỷ lục lượng mưa mùa xuân ở Trung và Đông Montana khiến cho mực nước đạt đến mức độ nguy hiểm.

Thời tiết ấm áp và khô nhanh sau đó làm lũ rút đi. Các hình ảnh được chụp vào ngày 6/6/2011 và ngày 8/6/2012, ta gần như không còn thấy bờ sông đâu nữa và con sông dữ tợn kia gần như chỉ còn là một đường chỉ mảnh uốn lượn trên bản đồ.

 

14) Cảnh quan thay đổi đáng kinh ngạc tại Alaska (1891 - 2005)

Cảnh quan thay đổi đáng kinh ngạc tại Alaska

Những hình ảnh cách nhau 114 năm đã minh chứng rõ ràng cho việc sụt giảm đáng kể diện tích bề mặt của các sông băng ở Alaska.

Trong khoảng thời gian một thế kỷ, cảnh quan đã thay đổi kinh khủng đến mức không còn nhận ra. Những hình ảnh cho thấy cùng một khu vực nhưng vào năm 1891, một người đàn ông còn đứng lọt thỏm chụp ảnh giữa những khối băng khổng lồ lởm chởm. Song đến năm 2005, người ta có thể dễ dàng tưởng rằng đây là một vùng… sông hồ bình thường nào đó. Những dãy núi băng tuyết giờ cũng chỉ còn trơ ra vài cụm tuyết nghèo nàn.


15) Ảnh hưởng của cơn bão Katrina tại Louisiana (1983 - 2011)

Ảnh hưởng của cơn bão Katrina tại Louisiana

@www.nasa.gov

Ở hình đầu tiên, ta có thể thấy toàn bộ vùng châu thổ tại hồ Wax (Louisiana, Mỹ nơi mà sông Mississippi chảy vào Vịnh Mexico. Vùng châu thổ tượng trưng băng những mảnh xanh dương sẫm này được hình thành bởi sự lắng đọng của trầm tích sau khi con sông Atchafalaya chảy qua hồ năm 1941. Thế nhưng, thật đáng buồn bởi vùng đồng bằng màu mỡ này đã thay đổi đến mức không thể nhận ra sau khi cơn bão Katrina càn quét qua bang Louisiana vào năm 2005.

Các bức ảnh được chụp vào ngày 13/1/1983 và 2/1/2011 đã cho thấy một lượng lớn nước sông giờ đã biến mất cùng với trầm tích và môi trường sống của rất nhiều loại động thực vật cũng như một vùng sinh quyển trù phú chắc chắn đã mất đi.

 

Trái Đất thân yêu của chúng ta không chỉ bị hủy hoại từng ngày từng giờ bởi biến đổi khí hậu, những biến động khó lường của môi trường mà phần lớn còn bởi sự tàn phá của con người, những cải tạo có tính chất hủy diệt và có thể dẫn đến sự diệt vong của cả nhân loại. Bạn có thể theo dõi kỹ hơn những hậu quả khủng khiếp của sự biến đổi môi trường của môi trường qua video clip sau đây!

Thật đáng báo động phải không các bạn? Muốn con cháu của chúng ta còn “ngôi nhà chung” để ở, ngay từ bây giờ, mỗi chúng ta cần có ý thức trách nhiệm với môi trường từ những việc làm nhỏ nhất để hạn chế ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Nếu cảm thấy bài viết này ý nghĩa hãy cùng LaLung.vn chia sẻ với bạn bè và chung tay bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta các bạn nhé!

Nguồn hình: @www.nasa.gov

Bài viết liên quan: