Hồi sinh loài vật tuyệt chủng: vài giống loài có thể tái xuất hiện

Ngày 12/01/2016 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Từ một tế bào được tách ra khỏi cơ thể, qua quá trình “phù phép”, nó biến thành cá thể mới toanh mới tít.

Bạn đã từng xem bộ phim “Công viên kỷ Jura” rồi đấy. Hoành tráng hết chỗ nói! Theo nội dung phim, những con khủng long với cái body kếch xù được sinh ra cùng một cách như vậy.

Cơ mà cho tới bây giờ nó vẫn được xếp vào thể loại khoa học viễn tưởng thôi. Vì DNA của nhiều chủng loại đã già nua quá rồi, rất khó thực hiện nhân bản. Với lại việc kiếm đối tượng để mang thai hộ chua chát ghê lắm. Chưa kể đến cái chuyện môi trường sống bây giờ hổng còn thích hợp nữa. Tạo ra rồi không chết yểu cũng bị bọn buôn động vật quý hiếm hốt xác.

Mấy con Tyrannosaurus rex, vẫn thường gọi tắt là T.rex, tức là khủng long bạo chúa ấy, may ra tự bảo vệ bản thân được. Cơ mà nếu nó tái xuất giang hồ, coi chừng chúng mình lại chết ngược với nó.

Chính vì vậy, người ta phải chọn lựa những giống loài có khả năng thích nghi tốt, không gây hại và cơ hội thành công cao. Sau đây là những loài vật tuyệt chủng có thể được hồi sinh trong tương lai không xa.

 

1) Ma mút lông mịn

Ma mút lông mịn

@Wikimedia Commons

Dòng họ bà con bọn này từ giã cõi trần đã hơn 4.000 năm trước rồi. Lạnh chết có, đói chết cũng có, và chui vào bụng kẻ khác cũng có. Kẻ nào thì bạn cũng đã xác định được rồi ha. Con người vốn là loài ăn tạp mà. Chay hay mặn đều nuốt tuốt luốt.

Trông mấy em này, chắc hẳn, nhiều bạn mường tượng đến hai nhân vật Manny và Ellie trong series phim “Kỷ băng hà”. Xem mà đau quặn ruột. Bọn nó cứ tưởng trên đời chỉ còn 2 con ma mút duy nhất. Ai ngờ khi núi băng tách ra, nguyên một đàn kéo vô luôn. Cơ mà sống độc lập quen rồi, chẳng con nào chịu theo đàn nữa. Thế là các cuộc phiêu lưu nối tiếp nhau mà diễn ra. Hy vọng sắp tới sẽ được xem thêm những phần mới.

Thôi trở lại vấn đề chính, xác một con voi ma mút lông mịn đã được tìm thấy tại Sakha, thuộc khu vực Siberia của Nga. Vì được gìn giữ trong băng đá vĩnh cửu cho nên mọi thứ hầu như còn nguyên vẹn. Cơ, mô, mạch máu và thậm chí là hồng cầu được bảo quản rất tốt.

Đây là nguồn gen hết sức quý giá. Điều này có nghĩa là trong tương lai, bạn hoàn toàn có cơ hội được chiêm ngưỡng những con ma mút thực thụ, bằng xương bằng thịt, chứ hổng phải là những nhân vật đồ họa đâu nghen. Cố mà chờ tới ngày nó được tái sinh hén!

 

2) Chó sói Tasmania

Chó sói Tasmania

@E.J. Keller/ Wikimedia Commons

Chó sói Tasmania còn được gọi là hổ Tasmania, chắc là do bộ da có mấy cái vằn giống vằn hổ nhỉ. Nghe đâu nó bự như con chó bình thường thôi nhưng sức tấn công ghê gớm hơn. Ví dụ chú cún của bạn táp một phát là phần thịt nơi cẳng chân ra đi, còn em này ngoạm một miếng là tống tiễn luôn cái bắp vế lên đường. Chỉ là ví dụ thôi nhé, chứ hổng có ghê rợn như phim kinh dị vậy đâu. Vì mấy em này nhát như thỏ đế ấy!

Mỗi khi nhắc đến Úc, là bạn liền nghĩ ngay đến cái đất nước đầy rẫy những con chuột túi được gọi là Kangaroo. Nhưng trong tương lai, biết đâu nhiều người lại gọi là đất nước hổ túi hay chó túi cho mà xem. Vì dự án “cải tử hoàn sinh” Tasmania đang được manh nha thực hiện và em này cũng sở hữu cái túi y chang.

Ngày xửa ngày xưa, loài sói túi này từng tung hoành ngang dọc khắp đại lục Australia. Mặc dù hổng được tự do tự tại như bọn chuột túi vì thuộc chủng loài săn mồi, nhưng cũng phè phỡn ghê lắm. Bỗng dưng đùng một cái, chúng bị kết tội là thủ phạm tấn công thú nuôi và nghiễm nhiên lãnh luôn cái án tử hình.

Thiên hạ hè nhau săn lùng ráo riết đến nỗi không còn con nào sống sót. Em cuối cùng được mang ra trưng bày tại sở thú cho bàn dân thiên hạ coi chơi cũng lăn đùng ngã ngửa ra ngủm nốt. Thế là xong! Hy vọng rằng khi xuất hiện trở lại, chúng sẽ không phải trốn chui trốn nhủi với cái án tử treo lơ lửng trên đầu như tổ tiên của chúng.

 

3) Dê núi Pyrenean ibex

Dê núi Pyrenean ibex

@MNHN/ Service audiovisuel (National Museum of Natural History)

Cá thể cuối cùng của loài đã chết gần 16 năm rồi. Đây là sinh vật nằm trong danh sách được ưu tiên hồi sinh bởi khả năng thành công khá cao, cũng như vai trò tích cực của chúng đối với sự cân bằng sinh thái.

Trước kia, ở Tây Ban Nha, bọn nó đông lắm. Nhưng dần dần, môi trường sống bị thu hẹp. Bên cạnh đó, đứa thì bị bọn săn mồi tóm, đứa xui xẻo thưởng thức món đạn chì,… túm lại là đủ thứ tai ương. Cho nên chúng nối gót nhau ra đi hết trơn.

Cơ mà thiên hạ đồn rằng dê là loài hổng thể tuyệt chủng được. Ngỏm bao nhiêu lần thì đội mồ dậy bấy nhiêu lần. Tại sao lại như vậy? À, bởi vì từ xa xưa, hình ảnh của bọn nó rất được tôn sùng. Cái đầu dê với một đống trái cây chất lên trên là một trong những biểu tượng thiêng liêng nhất của tín ngưỡng phồn thực. Tức là tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở trong trời đất ấy.

Việt Nam chúng mình hổng biết có vụ này không, vì thường thường chỉ thấy có Yoni và Linga thôi. Tức là bộ phận sinh dục nữ và bộ phận sinh dục nam. Hình tượng khác nhau, nhưng ý nghĩa y chang à!

Tuy nhiên, nói là nói vậy thôi, chứ làm gì có thể loại nào không thể không biến mất trên mặt đất đâu. Cũng may là một số tế bào của loài Pyrenean ibex vẫn còn được lưu giữ và bảo quản trong môi trường đông lạnh. Nếu không thì đừng mong quay lại trần gian nhá!

 

4) Hổ răng kiếm

Hổ răng kiếm

@Wikimedia Commons

Kinh hoàng! Hồi sinh loài vật tuyệt chủng này là ý tưởng táo bạo bậc nhất thời đại. Nó ngóc đầu dậy là giang hồ nổi phong ba cho mà coi. Chúa sơn lâm phải nhường ngôi ngay lập tức và muông thú vắt chân lên cổ chạy tháo thân mỗi khi “hung thần” này đi ngang. Trong vài giống loài có thể tái xuất hiện, nó là thứ dữ dằn nhất rồi.

Vậy mà lại có giả thuyết cho rằng chính hổ răng kiếm đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của loài người. Nói chính xác hơn những động vật họ người đã một thời tồn tại nhờ vào thức ăn thừa của đối tượng săn mồi khét tiếng này.

Họ phân bua là đã có thời kỳ thức ăn trở nên rất khan hiếm, đi đâu cũng đụng những “địch thủ bốn chân” nguy hiểm. Tổ tiên của chúng ta buộc phải rình mò các cuộc đi săn của bọn thú thuộc họ mèo bự chảng này. Mục đích vĩ đại là “thủ tiêu” phần thịt còn sót lại sau khi chúng bỏ đi với cái bụng căng tròn.

Cơ mà “chí lớn gặp nhau”, ăn chực cũng phải cạnh tranh ghê lắm. Trong quá trình giành giật với cái đám linh cẩu và vài đối tượng khác, chúng ta dần hoàn thiện bản thân. Cả về trí tuệ lẫn hình thể. Không khôn ra thì làm sao lấp đầy nổi cái dạ dày!

Nếu điều đó chính xác, loài hổ răng kiếm trở thành “công thần” vĩ đại rồi. Bỏ công, bỏ sức ra mà lôi đầu nó lên từ đáy địa ngục cũng xứng đáng nhỉ!

 

5) Chim Moa

Chim Moa

@Wikimedia Commons

Bọn chúng đã có cuộc sống tự do tự tại cho đến ngày con người phát hiện ra New Zealand. To cao, bự con, chậm chạp, lại hổng biết bay, chúng nhanh chóng nối đuôi nhau chui vào những cái dạ dày háu đói. Thế là kết thúc sự tồn tại. Tội lỗi này do ai? Do chúng khù khờ hay vì ta ham ăn?

Trên radio thỉnh thoảng lại nghe ra rả: “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng”. Thấy chưa! Có đứa nào khát khao thành đà điểu, cánh cụt, Kiwi hay Emu đâu. Đã là chim rồi mà còn phải mỏi giò thì làm chi cho tủi thân. Bạn đã từng xem clip con Kiwi đâm đầu xuống vực vì hổng biết bay chưa? Thiệt là bất hạnh!

Túm lại hổng phải vì bọn Moa không vọt nổi lên bầu trời, mà vì ta “thừa nước đục thả câu” thôi. Ông bà ta bảo “ăn quen, nhịn hổng quen”, bên cạnh đó là “ăn phải cho sạch”. Kết quả là chén sạch bọn Moa luôn!

Có lẽ vì cảm thấy tội lỗi ngập mặt, cho nên khi đủ khả năng hồi sinh loài vật tuyệt chủng, chúng ta đưa chúng thẳng vào danh sách luôn. Hành vi chuộc tội đấy mà!

 

6) Chim Dodo

Chim Dodo

@Wikimedia Commons

Lại thêm một kẻ bất hạnh. Trời sinh ra là chim mà hổng biết bay. Và ngay lập tức bị con người “tạo điều kiện” đoàn tụ ở thế giới bên kia. Nghe đâu đến giữa thế kỷ 17, bọn chúng không còn xuất hiện trên cõi đời này nữa.

Giang hồ đồn rằng hồi đó phong trào nuôi Dodo phát triển rầm rộ ghê lắm. Nhà nhà Dodo, người người Dodo. Nhưng hổng biết nuôi kiểu gì mà bọn chúng chết hết trơn. Cái đám sống ngoài tự nhiên hoang dã gặp tai ương đã đành, bọn được chăm bẵm cũng dính họa sát thân nốt. Xui gì mà xui thế không biết!

Nhưng mà khổ tận ắt có ngày cam lai, chúng là một trong những giống loài có thể tái xuất hiện ở tương lai gần. Các nhà khoa học đang cố úm ba la xì bùa cho trứng bồ câu nở ra Dodo bằng cách cấy ghép DNA. Lũ bồ câu mà phát hiện đàn con không giống bố cũng chẳng giống mẹ, đã vậy lại còn hổng biết bay nữa chắc tức xì máu mũi.

Hy vọng bọn nó sẽ phát triển “dân số” thiệt nhanh chóng và lượn lờ khắp thế giới luôn. Biết đâu lúc đó nông dân Việt Nam hổng thèm chăn gà, chăn vịt nữa mà chuyển sang chăn Dodo cũng nên. Bọn con nít thành phố tha hồ vác về làm thú cưng nhé!

 

7) Lười mặt đất

Lười mặt đất

@Wikimedia Commons

Lười biếng, chậm chạp, ham ngủ, lúc nào cũng lờ đờ lù đù như đứa mất hồn,… vân vân và mây mây. Tóm lại rất phù hợp với cái tên mà người ta đặt cho nó: con lười. Thậm chí đi kiếm thứ nhét vào mồm mà nó cũng hổng muốn đi. Mỗi lần đói quá mới miễn cưỡng vác xác ra khỏi chỗ ngủ và cố tọng cho đầy cái dạ dày để được nằm một chỗ nguyên tháng luôn.

Cơ mà đó là đặc điểm của bọn sống trên cây. Còn đám dưới đất thì sao? Ít ra chúng cũng có vài đặc điểm như thế chứ? Nếu không đã không bị gọi là con lười. Thiệt ra cho tới bây giờ, chúng ta chẳng biết nhiều lắm về chúng. Chỉ biết rằng chúng rất bự con, có lẽ tương đương voi châu Phi ấy.

Bọn nó thuộc thể loại “ăn chay trường”, to cao vô đối, da dày kinh khủng, lại khỏe như vâm. Hình như đám ăn mặn không dám xớ rớ lại gần luôn. Thậm chí là hổ răng kiếm cũng phải “gãi đầu gãi tai” giả ngây ngô khi vô tình đụng mặt trên bước đường “hành tẩu giang hồ”. Vậy mà hổng hiểu sao lại kéo nhau thăng thiên trọn ổ mới lạ chứ. Có kẻ bảo rằng bàn tay con người ít nhiều dính vào vụ này. Nhưng chưa có bằng chứng xác thực nào cả.

Hiện nay, người ta đang cố mang loài lười khổng lồ này trở lại mặt đất. Nhưng có vẻ gặp không ít trục trặc. Chẳng là cái đám họ hàng sống trên cây của chúng nhỏ bé quá, làm sao mang được cái bào thai bự chà bá lửa kia. Tình hình là phải kiếm con nào to hơn để làm mẹ nó mới phù hợp. Ca này khó!

 

8) Vẹt đuôi dài Carolina

Vẹt đuôi dài Carolina

@ap2il/ Flickr

Bọn này định canh định cư ở các khu vực ven sông thuộc miền Đông nước Mỹ. Nghe đâu bị săn lùng dữ dội quá nên mất tích hết. Hổng biết bắt về giết thịt, nuôi kiểng hay lấy lông mà hao quá trời.

Thiên hạ bảo thế này: “Con vẹt chỉ biết chăm chút cho bộ lông và lặp lại những gì người ta mớm cho nó”. Hổng biết chuyện này có liên quan đến sự biến mất của bọn Carolina hay không. Nhưng thà giết lầm còn hơn bỏ sót. Vơ đại đi, không đúng thì thôi!

Những đứa yêu thích vẻ đẹp của cái đám vẹt dĩ nhiên không thể bỏ lỡ khi bắt gặp. Nuôi được hay không, chưa cần quan tâm vội. Hốt về đã rồi tính. Phong trào quần chúng càng tăng cao thì số lượng bọn Carolina càng giảm sút nghiêm trọng. Cho đến một ngày ngay cả cái lông cũng hổng còn.

Chưa kể các chủng tộc thổ dân da đỏ rất khoái lông chim. Bạn xem phim cũng biết rồi đấy. Đứa nào cũng chăm chút nhan sắc bằng một mớ lông gắn trên đầu, chưa kể đến các vật trang trí khác. Lũ vẹt sặc sỡ làm sao thoát khỏi tầm ngắm được.

Còn một điều nữa, có lẽ chúng ý thức được nhan sắc mỹ miều của mình nên suốt ngày chỉ biết ngó nghiêng thôi. Hết chải chuốt rồi lại ra bờ sông ngắm nghía. Chăm lo cho cái vẻ bề ngoài đến quên ăn, quên ngủ thì không chết đói, cũng chết mệt. Những “đứa” không chết vì hai cái này thì cũng ngỏm vì trường hợp ở trên kia. Thế là không sót mống nào!

Nhưng mà dù sao em nó cũng sắp được sống lại rồi. Lần này hy vọng không ra đi một cách oan uổng như trước nữa.

 

9) Tê giác Woolly

Tê giác Woolly

@Wikimedia Commons

Lông lá gì mà ghê quá trời! Chả trách chết với cái tên tê giác lông dày hay tê giác lông mịn. Kết quả ra sao nếu con này với hổ răng kiếm choảng nhau nhỉ? Bạn bỏ phiếu cho bên nào?

Tê giác Woolly sống cùng thời với ma mút. Hổng biết nguyên nhân bọn chúng về thế giới bên kia có giống nhau không. Ít nhất cũng có chút gì đó tương đồng chứ. Mặt khác, nếu DNA của loài ma mút còn sử dụng được, ắt hẳn Woolly hoàn toàn có khả năng trở lại mặt đất.

Bằng chứng là người ta đã phát hiện được xác tê giác lông mịn tại khu vực phía Bắc của Siberia lạnh giá. Bị chôn vùi trong lớp băng vĩnh cửu nên mọi thứ vẫn còn ngon lành cành đào. Mô, cơ và các bộ phận đều trong tình trạng tốt cả. Bạn nghĩ sao nếu một ngày nào đó Woolly, ma mút, hổ răng kiếm cùng xuất hiện trong khu bảo tồn?

Bảo đảm rằng đó là cảnh tượng ngoạn mục nhất mà bạn từng nhìn thấy trên đời. Nhưng mà có một khúc mắc bé tí xíu. Ngày xửa ngày xưa, bọn nó sống trong điều kiện lạnh giá quen rồi. Giờ chui ra hổng biết có thích nghi nổi cái khí hậu này không. Chẳng lẽ lên tuốt luốt trên Bắc Cực để thành lập khu bảo tồn hay làm chuồng cho bọn nó?

 

10) Người Neanderthal

Người Neanderthal

@erix/ Flickr

Chủng Neanderthal thuộc chi Người. Cách đây hơn 30.000 năm trước, họ bị quét sạch khỏi mặt đất. Cho tới tận bây giờ, người ta vẫn chưa thể truy ra được nguyên nhân vì sao.

Người Homo Sapiens, tức là tổ tiên của người hiện đại, được cho là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với người Neanderthal. Hai phe đập nhau ra trò vì tranh giành lãnh thổ và thức ăn. Cuối cùng, tổ tiên của chúng ta chiến thắng oanh liệt.

Chủng Neanderthal bị dồn vào đường cùng. Mất địa bàn kiếm sống, lâm vào tình cảnh đói khát thảm hại. Dần dà, họ ăn thịt lẫn nhau. Phần vì bị tổ tiên người hiện đại tiêu diệt, phần nội bộ lục đục, có lẽ chính vì vậy mà lâm vào cảnh diệt vong.

Đó là giả thuyết thứ nhất. Giả thuyết thứ hai cho rằng họ không thể thích nghi với môi trường sống vốn đang biến đổi từng ngày. Thức ăn ngày càng ít đi và thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn. Thế là chết lần chết mòn. Tuy nhiên, chẳng có điều gì chắc chắn cả.

Trở lại vấn đề thực tại. Dự án tái sinh người Neanderthal vấp phải những tranh cãi quyết liệt, thậm chí là bị phản đối rất dữ dội. Người ta cho rằng đó là hành vi vô nhân đạo. Dù khác với người hiện đại, nhưng họ vẫn thuộc chi Người. Nếu được tạo ra để phải sống trong điều kiện nuôi nhốt và trở thành vật nghiên cứu là chuyện không thể chấp nhận được.


Túm lại, nếu được tận mắt nhìn thấy những thể loại đã biến mất từ lâu thì sướng biết mấy. Thôi, đành phải đợi vậy. Bây giờ các bạn hãy tìm hiểu chút xíu về nhân bản vô tính nhé!

Đã từng có dự án nhân bản vô tính con người đấy. Nhưng vì dư luận phản đối kịch liệt nên tạm thời xếp xó luôn rồi. Nhiều vấn đề bất cập phát sinh quá mà. Các bạn hãy chia sẻ bài viết này đến với mọi người để cùng nhau hiểu rõ hơn về thế giới này nhé!

Bài viết liên quan: