Những mảng ký ức bị mất một cách khó hiểu nhất thế giới

Ngày 07/02/2016 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Trên thế gian này một ngày có biết bao nhiêu là sự lạ xảy ra, có những chuyện khoa học có thể giải thích được.

Nhưng cũng có lắm chuyện mà loài người chúng ta phải "bó tay chấm cơm", đến là chịu!

Và đầu óc của con người cũng là một trong số những điều bí ẩn nhất. Có nhiều người “bỗng dưng mất trí” bởi nhiều nguyên nhân vô cùng trời ơi đất hỡi.

Khi một mảng ký ức tan biến đi đồng nghĩa với việc người đó mất hết quá khứ. Dưới đây chính là 5 trường hợp ký ức “đi lạc” nổi tiếng thế giới, dẫu người trong cuộc tức anh ách mà đến chết vẫn chưa tìm lại được.

 

1) Benjamin Kyle

Benjamin Kyle

Năm 2004, ông Benjamin Kyle được tìm thấy trong tình trạng không mảnh vải che thân với vài vết bỏng nhỏ trên cơ thể và bị bất tỉnh phía sau một thùng rác tại Richmond Hill (bang Georgia, Mỹ).

Ông không hề có bất kỳ một đặc điểm nào để nhận dạng. Ngay cả cái tên Benjamin Kyle cũng là do bệnh viện đặt cho ông lấy từ hai chữ cái đầu B.K - tức tiệm thức ăn nhanh Burger King - nơi ông được tìm thấy. Khi đó người ta chỉ biết ông xấp xỉ 50 - 60 tuổi, cao 1,8 mét và nặng 110 kg và đôi mắt màu xanh lục - lam gần như sắp mù vì đục thủy tinh thể.

Sau khi được phẫu thuật mắt và tỉnh lại, ông tin rằng mình trẻ hơn 20 tuổi so với hiện tại. Các phim chụp hộp sọ cho thấy có một tổn thương trước đó và ông được chẩn đoán bị mắc chứng mất trí nhớ tách rời. Điều này có nghĩa là Benjamin không phải hoàn toàn trở thành tờ giấy trắng mà vẫn có thể nhớ lại một ít quá khứ mơ hồ về những mảng ký ức chắp vá khác trong cuộc đời nhưng những điều này không đủ để giúp ông tìm ra danh tính thực.

Trường hợp của Benjamin Kyle được giới truyền thông chú ý rộng khắp thế giới. Thậm chí ông còn xuất hiện trên chương trình thực tế “Ask Me Everything” trên trang mạng nổi tiếng Reddit, nhưng ai cũng… bó tay không biết được gì về nhân thân của người đàn ông này.  

Và thật trớ trêu Benjamin Kyle từng là công dân Mỹ duy nhất được liệt kê vào danh sách người mất tích mặc dù người ta biết… chỗ ở của ông.

Nhưng thật may mắn, vào tháng 9/2015, Benjaman Kyle hiện đã xác định được danh tính trước đây của mình nhờ một nghiên cứu do nhà phả hệ di truyền CeCe Moore dẫn đầu. Ông đã chọn cách không công khai các thông tin này để bảo vệ các thành viên trong gia đình của Banjamin Kyle. Điều duy nhất mà chúng ta biết được chính xác là ông sinh ngày 29/8/1948!

 

2) Người lính vô danh

Người lính vô danh

@blamont.info

Vào tháng 2/1918, sau khi Chiến tranh Thế Giới thứ I kết thúc, một người lính người Pháp được tìm thấy trong tình trạng bị bỏ rơi và lang thang ở một trạm xe lửa ở Lyon (Pháp).

Tâm trí của ông ta bị chấn động nặng nề và ông đã không biết mình là ai cũng như ở đâu và cứ lặp đi lặp lại cái tên “Anthelme Mangin”. Nhưng người ta không thực sự biết đây có đúng là tên thật của ông hay không.

Theo các nhà khoa học, chứng quên của người lính này đã bị chiến tranh khốc liệt làm cho nặng nề hơn. Và vì ông bị mất hết giấy tờ tùy thân nên, Mangin là một người lính vô danh còn sống. Sau khi cuộc đại chiến kết thúc, các nhà chức trách đã đăng hình của ông lên các trang quảng cáo để xác định họ hàng thân thích cho ông và đã có hàng trăm “người thân” nhận ông là cha, chồng, con trai hay anh trai đã bị mất tích trong chiến trận. Nhưng rất tiếc, tất cả chỉ là nhận vơ!

Cuộc đời bi kịch của ông đã được nhà sử học người Pháp Jean-Yves Le Naour miêu tả vô cùng sống động trong cuốn sách: “The Living Unknown Soldier: A Story of Grief and Great War” (Người lính vô danh còn sống: một câu chuyện về cuộc chiến đau thương và vĩ đại). Và phải mất đến 12 năm, người lính bất hạnh này mới được tìm ra nhân dạng.

Tên thật của ông là Octave Manjoin một phục vụ bàn người Pháp tại Đại sứ quán ở Luân Đôn. Khi quay về cố hương, Monjoin lầm bầm chỉ mấy câu duy nhất: “Nhà thờ đã thay đổi…”.

Nhưng rủi thay Monjoin không thể nào nhận ra bất kỳ thành viên nào trong gia đình. Và cuối cùng, ông có một kết thúc thảm thương khi chết đói trong một trại tâm thần từ thiện của Pháp.

 

3) Clive Wearing

Clive Wearing

@Jiri Rezac Photography

Một trường hợp không may khác là Clive Wearing. Bệnh nhân người Anh này sinh ngày 11/5/1938. Trước khi mắc bệnh ông là một nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc trưởng và là một tay đánh keyboard vô cùng nổi tiếng tại thủ đô Luân Đôn thời kỳ đó.

Nhưng đúng là “cuộc đời thật lắm éo le”! Ông mắc phải căn bệnh viêm não do virus Herpes gây ra vào năm 1985, dẫn đến kết quả ông bị một chứng mất trí nhớ nghiêm trọng hiếm hoi đó là tình trạng quên các mảng ký ức có trước khi bị bệnh và không tạo được ký ức mới sau khi bị bệnh.

Như chúng ta đã biết, vùng đồi hải mã (hippocampus) - một phần của não trước là một cấu trúc cực kỳ quan trọng vì có chức năng lưu giữ thông tin và tạo thành những ký ức trong trí nhớ ngắn hạn của con người và khả năng định hướng trong không gian. Tuy nhiên, chính vì sự tổn thương vùng não này, khiến Clive Wearing bị hủy hoại nghiêm trọng khả năng chuyển những ký ức ngắn thành ký ức dài hạn.

Chính vì thế, ông luôn ở trong tình trạng “dở dở ương ương” không tỉnh táo. Clive Wearing không thể nhớ ra quá khứ hay hình thành những ký ức mới và ông thường xuyên tin rằng mình vừa mới tỉnh dậy từ một cơn hôn mê. Đáng buồn hơn, bộ nhớ của ông chỉ kéo dài từ 7 - 30 giây.

Các bác sĩ đã đề nghị ông viết nhật ký để ghi lại suy nghĩ của mình. Và thật bất ngờ là sau một thời gian, người ta phát hiện ra ông thường chỉ lặp đi lặp lại một dòng ghi chép mỗi ngày có nội dung tương tự như sau: “Giờ đây tôi thực sự, hoàn toàn tỉnh giấc”. Mỗi dòng thường cách nhau chỉ vài chục giây.

Nhưng may mắn là ông luôn có người vợ chung thủy Deborah bên cạnh. Bà còn viết một cuốn sách về cuộc đời đầy sóng gió của chồng với nhan đề: “Forever Today” (tạm dịch: Mãi mãi ngày hôm nay).

 

4) Kent Cochrance

Kent Cochrance

@www.thestar.com

Năm 1981, ông Kent Cochrance khi đó 30 tuổi bị chấn thương sọ não nghiêm trọng trong một tai nạn xe máy trên đường từ nhà máy trở về nhà. Tai nạn này đã ảnh hưởng đến vùng trung thái dương và đặt biệt là vùng đồi hải mã khiến ông mắc một chứng quên kỳ lạ làm bệnh nhân người Canada này không tài nào mường tượng lại được quá khứ hay tưởng tượng được tương lai của mình. Tuy nhiên vùng ký ức ngữ nghĩa và ý thức nhận thức của ông thì không bị ảnh hưởng gì.

Khi được cho xem lại những ảnh cũ, Kent Cochrance có thể nhận dạng những thành viên trong gia đình hiện tại nhưng không thể đặt mình lại trong hoàn cảnh chụp những bức ảnh đó. Ông đã quên phần lớn trải nghiệm cá nhân nhưng lại thể nhớ những dữ kiện trong đời sống bình thường. Ví dụ như ông có thể nhớ những chữ cái có sẵn trong một bộ sách bách khoa toàn thư nhưng không thể nhớ ra mình đã học chúng như thế nào. Ông cũng không thể hình dung được tương lai. Khi được hỏi ông sẽ làm gì sau này trong một ngày, tháng, năm nhất định ông cũng không thể trả lời được.

Thậm chí Kent Cochrance có thể được dạy thông tin dựa trên những sự việc mới, nhưng đến cuối cùng ông vẫn sẽ quên những trải nghiệm về việc học nó.

Căn bệnh quái đản về việc chồng chéo các mảng ký ức của Kent Cochrance đã khiến ông trở thành một trường hợp để các nhà tâm thần học nghiên cứu về các chứng rối loạn tâm lý học có liên quan đến não bộ trong suốt 25 năm qua. Nhưng đáng buồn thay, không ai chữa dứt điểm được căn bệnh này cho ông và Kent Cochrance phải mang căn bệnh mất trí nghiệt ngã này mãi đến khi ông qua đời vào ngày 27/3/2014 do một cơn đột quỵ.

 

5) Henry Molaison

Henry Molaison

@www.popsci.com

Sinh ngày 26/2/1926, tại Mỹ, Henry Molaison cũng là một bệnh nhân nổi tiếng về căn bệnh quên khó hiểu được ghi nhận trong y văn.

Khi còn là một đứa trẻ, Henry Molaison từng bị một tai nạn xe đạp khiến ông bị bị mắc chứng co giật do động kinh. Chính vì thế vào năm 1953 các bác sĩ đã tiến hành một ca phẫu thuật thí nghiệm trên Henry Molaison, mong chữa dứt điểm căn bệnh này. Họ loại bỏ một vài phần trên não ông ta qua một lỗ trên hộp sọ bằng một số dụng cụ như một máy khoan quay tay tự chế, máy hút bụi nhỏ và một ống hút bạc.

Tuy nhiên đúng là người tính không bằng trời tính. Mặc dù cuộc phẫu thuật thành công, thế nhưng khi tỉnh lại Henry Molaison trở thành một người đàn ông không có ký ức. Ông quên hết mọi thứ và thậm chí không thể nhớ những ký ức lâu hơn 30 - 60 giây.

Trớ trêu hơn nữa, Henry Molaison có vẻ như vẫn nhận thức về chứng quên liên tục của mình và tất nhiên ông luôn trong tâm trạng rất dằn vặt và thường tuyên bố rằng: “Tôi có một tranh cãi nhỏ với chính mình… Bạn thấy đó, vào lúc mọi thứ trông rõ ràng với tôi, nhưng điều đã xảy ra chỉ mới trước đó thì sao? Đó là điều làm tôi lo lắng”.

Henry Molaison sống trong tình trạng đáng thương như trên mãi đến khi qua đời vào ngày 2/12/2008. Tuy nhiên, một điều an ủi là trường hợp bệnh tình của ông đã đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của các lý thuyết giải thích sự liên kết giữa các chức năng của não và bộ nhớ.

Việc thế giới nghiên cứu căn bệnh khó hiểu của ông cũng giúp cho sự phát triển của khoa học thần kinh nhận thức - một nhánh của tâm lý học nhằm mục đích hiểu được cấu trúc và chức năng của não bộ liên quan như thế nào đến các quá trình tâm lý cụ thể.

 

Trong xã hội ngày nay, không chỉ có người lớn tuổi mới bị triệu chứng suy giảm trí nhớ, mà những người trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc hội chứng này. Cùng theo dõi clip sau đây để tìm cho mình giải pháp phòng ngừa bạn nhé!


 

Quả thật là những mảnh đời đầy bi kịch với những mảng ký ức bị mất tích bí ẩn phải không các bạn? Đọc về những nhân vật trên đây, chúng ta phải cảm thấy mình thật may mắn khi vẫn nhớ rất rõ mình là ai, từ đâu đến và có cả một “gia tài” quá khứ với đầy đủ hỉ nộ ái ố.

Nếu bạn “xúc động đậy” vì bài viết này, đừng quên bấm chia sẻ và tiếp tục khám phá những câu chuyện khó tin nhưng có thật của LaLung.vn nhé!

Bài viết liên quan: