Phan Thiết có những lễ hội đặc sắc mà có thể bạn chưa từng biết

Ngày 14/10/2015 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Nếu bạn đã từng biết Phan Thiết là một thành phố biển có nền du lịch trẻ trung, sôi động thì ngày xửa ngày xưa, tại xứ sở trái thanh long này đã có những lễ hội đậm đà vị truyền thống mà không phải ai cũng nghe tới. Cao điểm là từ tết đến ra giêng, tiếp theo là đến tháng 7, tháng 8 âm lịch.

Nào, khám phá xem đó là những lễ gì nhé! Dám cá là bạn sẽ há hốc mồm ngạc nhiên khi biết thêm về cuộc sống ở vùng biển này.

 

1) Rước đèn Trung Thu

Rước đèn trung thu ở Phan Thiết

@phanthietvn.com

Với lịch sử kéo dài tầm 20 năm, Trung Thu Phan Thiết vẫn tiếp tục là một trong những thế mạnh của lễ hội tỉnh nhà. Năm nào cũng vậy, các trường cấp 1, 2 trong thành phố và một số cơ quan đoàn thể đều thi làm lồng đèn lớn, mỗi lồng đèn cao từ 3 – 4 mét, được chế tác công phu, đẹp mắt và giàu ý nghĩa.  

Những chiếc đèn khổng lồ với tạo hình phong phú như: Quan công, lầu nước, thuyền đánh cá, trái thanh long… được làm bằng giấy hoặc vải, khung làm bằng tre hay sắt và gắn những bóng đèn bên trong, với đủ màu sắc không chỉ mê hoặc trẻ con mà bố mẹ chúng cũng ước gì mình được nhỏ lại. Thiệt là ghen tị đó mà!

 

Liên đội trống kèn rất chi là rình rang

Liên đội trống kèn rất chi là rình rang, mấy bạn này có nhiệm vụ là đánh trống bùm bùm, giòn giã mỗi khi đoàn cộ đèn đi qua.

Xem cậu bé răng thỏ háo hức chưa kìa!

 

Đèn con cá cầm tay

Ngoài đèn lớn để thi thố với nhau còn có hàng ngàn chiếc đèn nhỏ cho các bạn học sinh cầm rước, bên trong được thắp nến. Lâu lâu đèn tắt hoặc hết nến phải để ý và mồi lại cho kịp nhé!

Các bạn nhỏ đeo khăng quàng đỏ đang háo hức giương lồng đèn con cá đồng điệu, cùng hành quân ngang qua các nẻo đường phố.

Ở cuối bài có phim hay về lễ hội này, bạn đừng bỏ lỡ nhé!

 

Đèn thanh long cầm tay

Còn đây là nhóm cháu ngoan Bác Hồ cầm đèn thanh long -  đặc sản nổi tiếng của Bình Thuận và nhịp nhàng bước theo sự hướng dẫn của cô giáo.

 

2) Tết Kate của người Chăm

Tết Kate của người Chăm

@dulich.baobinhthuan.com.vn

Tiếp đến là một lễ hội của đồng bào dân tộc sống khá phổ biến tại tỉnh Bình Thuận, đó là tết Kate của người Chăm. Đây là tết cổ truyền của người Chăm theo đạo Bà La Môn, tên gọi khác của tết này là tết Cha, thường được tổ chức trong một tuần, còn gọi là tuần thượng trăng. Nhằm tưởng nhớ đến công đức sinh thành, dưỡng dục của ba ba vì dân tộc này theo chế độ mẫu hệ, nghĩa là chàng trai khi kết hôn sẽ ở rể cho tới khi lìa đời thì tro cốt mới trả về cho nghĩa trang tộc họ mẹ.

Vào tháng 7 âm lịch (theo lịch Chăm), khoảng tháng 9 dương lịch, người Chăm ăn tết tộc mình. Họ làm bánh tét, bánh gân trâu, bánh gừng, xôi, chè, rượu trứng, nếp trầm,… để cúng vua chúa và ông bà tổ tiên.

 

Bánh gừng

Bánh gừng là một món ăn đặc trưng nhất trong tết Kate, nó có hình dạng hao hao giống củ gừng, nguyên liệu chính làm nên bánh là bột nếp và gừng tươi. Bột gạo nếp loại ngon trộn với trứng gà, men rượu và gừng tươi, sau đó đem lên cối giã cho nhuyễn rồi nặn thành những chiếc bánh xinh xẻo này đây, cuối cùng chiên lên, ngào thêm đường và măm măm được ùi.

 

3) Đua thuyền trên sông Cà Ty

Đua thuyền trên sông Cà Ty

Một lễ hội đặc trưng dành riêng cho ngư dân miền biển mặn, đây là một hoạt động thể thao lâu đời được tổ chức vào mùng 2 tết hàng năm. Lễ hội quy tụ các anh tài giỏi lái thuyền, siêng chèo thúng ở các phường, xã trong và ngoài tỉnh Bình Thuận thi tài.

Địa điểm diễn ra cuộc thi là trên dòng Cà Ty hiền hòa, nằm ngay trung tâm thành phố du lịch, cạnh dòng sông là tháp nước Phan Thiết do kiến trúc sư Hoàng thân Xuphanuvông (Lào) thiết kế, cấu tạo là các mảnh sứ chén độc đáo chưa từng có.

 

Đua thuyền

Với đua thuyền mỗi đội có 24 vận động viên, có 9 đội chơi, chia làm 3 bảng để thi vòng loại, đội nhất mỗi bảng được lọt vào chung kết.

Bon chen giữa nội dung đua thuyền là thi bơi thúng đôi nam, đơn nam. Duy trì cuộc thi hằng năm như là gìn giữ một món ăn tinh thần, kích thích năng suất lao động cho các ngư dân trong tỉnh.

Cứ dịp tết đến, tiếng hò hét cỗ vũ, tiếng chèo thuyền như xé nước của các tay lái làm không khí xuân thêm rộn ràng, tràn sức sống của một thành phố trẻ.

 

4) Lễ hội nghinh ông Quan Thánh Đế

Thuyền đánh cá

Là một lễ hội của người Hoa làm nghề biển sống ở Phan Thiết. Nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, đủ đầy, hạnh phúc.

Cứ 2 năm người ta lại làm lễ một lần, chỉ làm vào năm chẵn, vào tháng 7 âm lịch -  trùng với thời điểm mùa Vu Lan báo hiếu. Lễ được người dân ở phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết tổ chức, vì ở đây có chùa Ông (tức Quan Đế Miếu) rất linh thiêng và cũng là nơi tập trung người Hoa sinh sống.   

 

Con Quan Bình cưỡi ngựa

Có rất nhiều hoạt động diễn ra trong 3 ngày lễ.

Đây là tạo hình nhân vật con Quan Bình cưỡi ngựa, hình mẫu này theo người Hoa quan niệm sẽ mang lại nhiều phúc lộc, đại cát cho gia đình mình.

 

Đội lân sư rồng

Đội lân sư rồng múa may quay cuồng rộn ràng, tưng bừng hết sảy luôn. Đây là một hoạt động không thể thiếu vì rồng là một trong bốn con vật linh thiêng (long, lân, quy, phụng) mang lại nhiều may mắn cho mọi người, nhất là các gia đình buôn bán.

 

Nghi thức nghinh ông

Nghi thức được trông chờ nhất là “Nghinh Ông”, diễn ra vào ngày thứ ba cũng là ngày cuối cùng của lễ. “Nghinh” tức là thỉnh, rước vị linh Ông từ các nơi thờ tự, cúng tế  rồi đi ngang qua các hộ gia đình làm nghề kinh doanh, tiểu thương, hay còn gọi vui vui là thỉnh Ông đi chơi, Ông xuất du để Ngài ban cho chút hên, hòng mua may bán đắt. Một đội quân áo quần, nón mũ sặc sỡ tháp tùng Ông đến khắp các trục đường chính ở khu chợ lớn Phan Thiết.

 

Kim Lân

Một hoạt động khác là Kim Lân vào một gia đình nào đó đang cúng tế và múa, lắc, trống chiên ầm ĩ để lấy sinh khí, thịnh vượng cho nhà đó. Họ sẽ được người nhà tặng chút tiền coi như là lộc lấy may.

 

5) Lễ hội dinh Thầy Thím

Dinh thầy thím

Chia tay lễ hội Nghinh Ông, chúng ta đến xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, cách trung tâm Phan Thiết về phía nam khoảng 70 km.

Kiến trúc bên ngoài và nội thất theo lối cung đình xưa. Tương truyền, ngày đó có một đạo sĩ quê ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có phép thuật cao siêu nhưng giàu lòng nhân ái.

Thấy làng mình hỏng có đình, ông đã làm phép dời trộm cả đình từ làng bên qua làng ổng. Chính vì tội đồ quá lớn này mà ông bị vua phán tội chết theo ba cách là: treo cổ, uống rượu độc và con dao.  

Ông đã chọn tấm lụa đào để kết liễu đời mình, tuy nhiên lúc treo cổ, dải lụa bỗng hóa con rồng, đưa vợ chồng ông đến vùng đất Tam Tân (giờ là xã Tân Tiến, La Gi, Bình Thuận).

 

Đôi hổ viếng mộ

Tại đây, ông làm nghề tiều phu, đóng thuyền, hốt thuốc chữa bệnh cứu người. Dân làng xung quanh kính trọng gọi hai vợ chồng là "Thầy" và "Thím". Khi hai vợ chồng từ trần, dân làng đã an táng ở khu vực gần đó.

Vào mỗi ngày 5 tháng giêng âm lịch hàng năm, người ta thường thấy một đôi hổ về viếng mộ Thầy. Người dân ở xã Tam Tân xem Thầy Thím như là vị thần của mình và lập dinh thờ mang danh là Dinh Thầy Thím.

Cứ đến các ngày từ 14 đến 16 tháng 9 âm lịch mỗi năm, người dân xứ La Gi lại xúm xít đi viếng Dinh Thầy Thím.

 

Lễ hội dinh thầy thím

Không chỉ có người dân địa phương mà các du khách ở các tỉnh lân cận cũng đổ về Dinh để cầu sức khỏe, an lành, hạnh phúc cho gia đạo và công việc làm ăn xuôi chèo mát mái.

 

Đừng vội rời màn hình, như đã hứa với bạn đọc, Thớt xin tặng một đoạn phim nhỏ về lễ rước đèn Trung Thu ở Phan Thiết, mời bạn xem ngay và luôn nha!
 

 

Những lễ hội này có thể nhiều bạn đã biết hoặc đã tham gia rồi, nhưng dám chắc là không phải ai cũng biết hết đâu nhé! Vậy thì ngại gì mà không chia sẻ bài viết này để  mọi người hay và biết đâu nổi ghiền đến Phan Thiết luôn thì sao nào?

Bài viết liên quan: