Trung thu ngày xưa trong ký ức của trẻ em vùng quê

Ngày 25/09/2015 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Ngày xưa, Tết Trung Thu không chỉ là dịp vui chơi mà đối với nền văn minh lúa nước, đây còn là lúc người nông dân dự báo mùa màng, tiên đoán vận mệnh quốc gia:

“Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”

“Tỏ trăng Mười Bốn được tằm, đục trăng hôm rằm thì được lúa chiêm”.

Ý nói nếu năm đó trăng thu màu vàng thì sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng có ánh sáng xanh thì năm đó cần đề phòng thiên tai. Còn nếu “chị Hằng” có màu cam, sáng và trong thì đất nước sẽ thịnh trị.

 

Trung thu là dịp để các gia đình tề tựu lại, cùng thưởng trà, ăn bánh, sum họp quây quần bên nhau. Đối với trẻ con thì càng quan trọng hơn nữa, và những hình ảnh về lồng đèn, bánh nướng bánh dẻo, múa lân rước đèn,... sẽ mãi là một phần quan trọng trong ký ức tuổi thơ của mỗi người.

Nếu bạn đang ở ngưỡng 18 tuổi trở lên, nhắc đến Trung thu, bạn sẽ nhớ về điều gì? Có giống những điều chúng tôi đề xuất dưới đây không?

 

1) Lồng đèn lon bia

Rất nhiều người trong chúng ta được sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế không được khá giả nên chiếc lồng đèn xinh đẹp chỉ là một ước mơ xa xỉ. Nhưng niềm vui đón Tết Thiếu Nhi vẫn được hoàn thiện nhờ những chiếc lồng đèn lon bia, lon nước ngọt, sữa bò. 

 

Nguyên vật liệu dễ kiếm, dễ làm, những chiếc đèn này trở nên thân thuộc với những trẻ em nghèo.

 

Em bé cầm lồng đèn lon bia

Các bé hiện nay đã được tiếp cận với nhiều loại đèn lồng đẹp đẽ hơn, chạy bằng pin hoặc mô phỏng những nhân vật hoặc hình đang gây bão như Minions, Bay Max,...

Nhưng khi nhìn chúng, ta vẫn chép miệng, luyến tiếc về một thời tung tăng cùng chiếc đèn hộp lon bị đục lỗ chỗ phát ra thứ ánh sáng lung linh huyền ảo. Và đôi khi thấy tiếc cho những đứa trẻ thành thị bây giờ vì chúng không được hưởng niềm vui từ những chiếc đèn lon thần thánh mang lại.

 

2) Lồng đèn giấy kính

Lồng đèn giấy kính hình ông sao

Một đại diện lồng đèn giấy kính trường tồn qua nhiều thế hệ nhi đồng đó chính là đèn ông sao.

Giai điệu “chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu” và “tùng dinh dinh” vẫn âm vang trong mỗi mùa lễ hội. Nhưng thực tế là hiện nay, những chiếc đèn thủ công này không còn được trọng dụng như xưa nữa, nhất là ở các đô thị. Người ta ngại thắp nến vì sợ cháy hoặc khá nguy hiểm cho trẻ em, nên những chiếc đèn chạy pin trở nên thịnh hành. Cũng chính vì thế mà cái chất “cổ truyền” không còn đậm đà như trong tiềm thức của các thế hệ trước nữa.


Hai đứa bé cầm lồng đèn hình con tàu bằng giấy kính

Dẫu sao thì với các “đồng chí” sinh ra trong thời kỳ đất nước còn gian khó, cảm giác hì hụi đốt nến, che chắn sợ cháy bảo vật lồng đèn, ngắm nhìn ánh lửa lung linh tỏa sáng qua lớp giấy màu sặc sỡ mới thú vị làm sao!



Lồng đèn giấy kính hình cá chép

Những chiếc đèn này đã từng là niềm mơ ước lớn lao đối với những đứa trẻ nông thôn ngày xưa.
 

3) Các trò chơi tập thể những ngày cận Rằm

Ba đứa trẻ chơi múa lân bằng thùng giấy

Ở vùng quê đất rộng người thưa thì nơi nào cũng có thể trở thành sân chơi. Tuy không được như trẻ con thành thị có những ngày hội tuổi thơ với quà bánh, mấy chú rối bông to oạch hoặc các công viên trò chơi hiện đại, nhưng trẻ em vùng quê cũng vui ngây ngất những ngày trăng tròn với vô số trò chơi dân gian.


Cây đèn cầy đang cháy

Rồng rắn lên mây, tạt lon, hát trống quân, các trò chơi với đèn cầy như con gái thì chơi nấu bếp với nắp keng giả làm xoong nồi, con trai chơi phực lửa bằng cách đun nóng sáp nến rồi hắt nước vào cho ngọn lửa bùng cháy thật lớn,...

Những trò chơi nho nhỏ tạo nên những niềm vui to to, hòa cùng điệu vè đồng dao hay những bài hát Trung thu được phát trên loa phát thanh làng, xã. Tất cả đã tạo nên những mảng ký ức không thể nào quên, cùng những tình bạn kéo dài qua bao năm tháng.

 

4) Rước đèn xem múa lân với hội con nít cùng xóm

Đoàn múa lân đang biểu diễn

Múa Lân (hoặc múa Sư tử) là hoạt động không thể thiếu trong các đêm hội đón trăng rằm. Có một số vùng quê, các chú các bác trong làng cùng quây quần làm đầu Lân, trang phục phụ diễn, chuẩn bị trống, đuốc,... Đến giờ G, nhóm múa sẽ diễu hành khắp thôn xóm, vào từng nhà biểu diễn chào gia chủ.

 

Múa lân ở trường học

Các gia đình sẽ treo các bịch bánh trên cao để chú Lân chụp lấy, như quà cảm ơn sự ghé thăm của nhóm múa cùng hình ảnh con vật đại diện cho may mắn, sung túc, hanh thông. Vì kinh tế không khấm khá, họ dành chút tiền mua bánh kẹo, thay vì bỏ tiền vào phong bì như hiện nay. Sau đó, số quà bánh sẽ được tập kết lại, chia đều đến các trường học hoặc phát cho tất cả trẻ em trong thôn.

 

Tranh vẽ các bé đang rước đèn

Còn bọn trẻ sẽ lũ lượt xách lồng đèn theo sau đoàn Lân, hát vang những bài hát về chú Cuội, chị Hằng. Đây là dịp các bé khoe những chiếc đèn lồng cá chép, ông sao, tàu bay sặc sỡ của mình, nhưng đồng thời cũng khiến nhiều bé không có điều kiện mua đèn tủi thân.

 

5) Những món quà nghĩa tình

Bánh bánh dẻo trà xanh

Các gia đình ngày xưa không dư giả để mua tặng nhau những hộp bánh Trung thu đắt tiền, nên món quà tặng nhau cũng chân chất, nhưng giàu tình nghĩa. Mẹ thường nấu nồi chè, nồi xôi, mua bột làm bánh mang sang biếu hàng xóm, người thân, để lũ trẻ có món ngọt nhâm nhi dịp Tết Trông trăng. 

 

Hai đứa bé cầm đèn ông sao bố làm

Bố đi làm đồng cũng tranh thủ chặt cây tre về hì hụi chẻ, vót, uốn tạo hình, pha hồ bột phết dán giấy kính để cho ra đời những chiếc đèn lồng làm háo hức bọn trẻ con trong nhà và bạn bè của chúng.

Không màu mè, tốn kém nhưng lễ hội trăng rằm không bao giờ thiếu nụ cười, còn tình nghĩa thì dạt dào, ấm áp.

 

6) Ăn bánh uống trà dưới ánh trăng cùng gia đình

Gia đình đang ngồi quây quần đón trung thu

Vì là Tết Đoàn viên nên trong các lễ hội đêm rằm, các gia đình thường sum họp với nhau. Tuy không có mâm cỗ hoành tráng, nhưng chỉ với ấm trà cùng vài chiếc bánh Trung thu bình dân chỉ 500, 1000 đồng một chiếc (theo thời giá thập niên 90, đầu những năm 2000) cũng đủ tạo không khí cho những câu chuyện vui bất tận dưới ánh trăng sáng vằng vặc đêm 15.

 

Bánh trung thu bình dân hình con heo

Lớn lên, chúng ta phải xa gia đình để sinh sống, học tập và làm việc ở một nơi khác và thường không có thời gian về nhà mỗi độ rằm tháng Tám. Ánh trăng ở phố thị cũng không sáng tỏ bằng thứ ánh sáng trong vắt xuyên qua mấy bụi tre làng, mới thấy những khoảnh khắc đơn sơ, đầm ấm bên gia đình thật đáng trân quý biết bao!

 

Gia đình ba thế hệ đang ngồi uống trà trông trăng

Phải thừa nhận rằng Trung thu đã trở thành một phần trong trái tim của mỗi đứa trẻ và theo chúng mãi đến khi lớn lên.

 

Em bé gái cầm đèn hoa sen

Nhìn những bé con nô nức xúng xính đèn lồng trong tay đợi được bố mẹ đưa đi chơi, bạn có bồi hồi nhìn thấy hình ảnh trẻ thơ của mình trong đó? Bạn có mong muốn được một lần trở lại tấm bé để tha hồ rồng rắn cùng hội bạn rước đèn đêm trăng?

 

Cùng lắng nghe một giai điệu quen thuộc cùng những cảnh trích từ bộ phim về tuổi thơ rất được mong chờ nhé.


Còn điều gì làm bạn nhớ về Trung thu nữa không? Chia sẻ cho mọi người cùng biết nha.

Bài viết liên quan: