Những sự phát thanh kỳ lạ gây hoang mang cho người nghe

Ngày 20/01/2018 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Thế giới xung quanh ta có rất nhiều điều bí ẩn, một trong số đó là những tín hiệu, âm thanh lạ được phát từ nguồn không thể xác định. Dù không thể nghe hay thấy được bằng các giác quan thông thường nhưng chúng có mặt mọi nơi trong cuộc sống, trong không khí xung quanh – thứ bạn hít thở mỗi ngày. Một số đến từ vũ trụ nhưng cũng có không ít thứ được xác định đến từ nhiều nguồn tự nhiên khác nhau. Một số tín hiệu lại có nguồn gốc rất rõ ràng và các nhà khoa học biết rõ thứ gì đã tạo ra chúng.

Để lý giải nguồn gốc của những âm thanh kỳ lạ, những nỗ lực không thôi dường như chưa đủ. Bởi lẽ sau nhiều thập niên qua, kể từ cái ngày xuất hiện, những tín hiệu âm thanh kỳ lạ này vẫn là một câu hỏi lớn khiến các nhà nghiên cứu gần như vô phương trong việc tìm ra câu trả lời.

Những tín hiệu lạ, chúng đến từ đâu và được tạo ra nhằm mục đích gì? Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết câu trả lời. Chúng ta có thể đưa ra những giả thuyết nhưng không ai có thể tìm ra nguyên nhân hay mục đích chính xác của những tín hiệu bí ẩn. Hôm nay, LaLung.vn xin hân hạnh đem đến các bạn yêu thích sự lạ khắp cả nước, 25 sự phát thanh lạ không thể giải thích bằng lý lẽ thông thường. Hãy cẩn thận, ngồi vững và chuẩn bị tâm lý bởi chúng có thể sẽ khiến bạn hoang mang, thậm chí còn bị ám ảnh đấy.

 

25) Tín hiệu “Twenty Minute Idler” bí ẩn

@brogers.dsl.pipex.com

Cho đến nay, khi nhắc đến những tín hiệu lạ khó lý giải, “Twenty Minute Idler” chắc chắc là thứ đầu tiên được nhiều người nghĩ ngay đến. Xuất hiện lần đầu tiên và được báo cáo ENIGMA (Hiệp hội Thu thập Số liệu Châu Âu) vào năm 1998, kể từ đó tín hiệu này đã thay đổi tần số phát sóng nhiều lần.

Sở dĩ tín hiệu này được liệt vào dạng lạ là do mỗi lần phát, nó chỉ kéo dài đúng 20 phút trước khi dừng lại và không có ngoại lệ. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, một trong số nó còn cho rằng “Twenty Minute Idler” rất có thể đến từ một nền văn minh ngoài hành tinh. Nhưng về phía mình, các nhà quan sát bác bỏ và tin rằng nguồn phát “tín hiệu hai mươi phút” có thể xuất hiện từ một trạm phát sóng nào đó bị lãng quên từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

 

24) Tiếng ồn “Ping” kỳ lạ ở Bắc Cực

@thestar.com

Tháng 11/2016, người dân sống ở vùng lãnh thổ thuộc phía Bắc Canada bắt đầu phàn nàn về tiếng ồn lạ phát ra từ đáy biển sau các vùng eo biển Fury và Hecla. Âm thanh lạ được mô tả như tiếng “ping” hay “hum” này phát ra một cách thường xuyên và kéo dài khiến các loài động vật biển – nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây kéo nhau đi trốn hết ráo.

Theo người dân địa phương, tiếng “Ping” này có thể là do hoạt động khai thác của Công ty mỏ sắt Baffinland tạo ra hoặc công tác bảo tồn của một tổ chức môi trường nhưng cả hai tổ chức này đều lên tiếng phủ nhận. Hiện tại, chính phủ Canada đang tích cực điều động quân đội, máy bay do thám đến những vùng biển trên để điều tra tình và xác định nguồn phát ra tín hiệu kỳ lạ này.

 

23) Trạm phát thanh bí ẩn Backward Music Station

@brogers.dsl.pipex.com

Backward Music Station là tên một trạm phát sóng không xác định bắt đầu phát ra những bản nhạc trên các tần số khác nhau từ năm 2004. Điều đáng nói là mặc dù nguồn phát được xác định là nằm đâu đó ở Mỹ hoặc Anh nhưng vị trí chính xác của hai trạm này vẫn chưa có ai đứng ra xác nhận.

Nhiều người nghi ngờ những bản nhạc được phát ra từ những nguồn phát này rất có thể ẩn chứa một thông điệp bí ẩn nào đó mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu được.

 

22) Âm thanh Upsweep

@nationalgeographic.com

Vào năm 1991, thiết bị ghi âm của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã phát hiện ra một âm thanh lạ ở vùng biển Thái Bình Dương. Được phát ra với tần số hẹp, Upsweep được cho là âm thanh của nhiều loại tiếng động phát ra dưới lòng đại dương như: tiếng sóng vỗ, tiếng dòng nước lưu chuyển, tiếng va chạm của động vật biển hay âm thanh khi những tảng băng trôi vỡ ra và hòa vào nước biển… Tuy nhiên, tất cả chỉ là giả thuyết, sự thật đằng sau tiếng ồn này vẫn là một dấu hỏi lớn đang đợi các nhà khoa học giải mã.

Upsweep được nghe rõ ràng nhất ở tọa độ: 54º vĩ Nam 140º kinh Tây. Tuy nhiên, nếu có thiết bị chuyên dụng, bạn vẫn có thể được nghe thấy nó ở khắp Thái Bình Dương.

 

21) Tiếng lách cách

@brogers.dsl.pipex.com

Có lẽ đây là một trong những tín hiệu bí ẩn nhất trong danh sách này bởi không nhiều thông tin nói về nó ngoại trừ việc những âm thanh tách tách giống như đang gõ mã Morse xuất hiện thường xuyên trên tần số khác nhau. Điều thú vị là âm thanh lách cách phát ra từ những tần số được ghi nhận lại trùng với tần số của hệ thống điện tín sử dụng mã hóa Morse từng được quân đội Nga sử dụng.

 

20) Tiếng huýt sáo

@nationalgeographic.com

Thêm một âm thanh lạ được NOAA phát hiện dưới mặt nước biển bằng một thiết bị cảm biến thu sóng trong nước. Kể từ lúc xuất hiện, âm thanh tựa như tiếng huýt sáo này vẫn là một bí ẩn thách thức các nhà nghiên cứu.

 

19) Tín hiệu “Fader”

@brogers.dsl.pipex.com

Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì sau 30 năm phát sóng, tín hiệu này đột nhiên biến mất một cách bí ẩn vào năm 2001. Theo khẳng định của các chuyên gia, nguồn phát các tín hiệu “Fader” nhiều khả năng được đặt ở sân bay RAF Mildenhall, hạt Suffolk hoặc nằm đâu đó ở Anh.

Ngoài ra, các tín hiệu này có thể là một phần trong hệ thống truyền thông an toàn của NATO được gọi là LOCE (các trung tâm tình báo hoạt động liên kết). Một số giám sát viên cho rằng đây có thể là sự cố truyền thông còn sót lại khi không quân Anh chuyển sang sử dụng hệ thống vệ tinh.

 

18) Sự cố gián đoạn tín hiệu phát sóng trên đài truyền hình WGN-TV

@bbc.com

Max Headroom là một AI (trí thông minh nhân tạo) nổi tiếng thường xuyên xuất trên các mẫu quảng cáo và chương trình truyền hình từ những năm 80. Tuy nhiên, điều làm nhân vật này nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến sự cố ngày 22 tháng 11 năm 1987.

Lúc WGN đang phát sóng chương trình thời sự thì bỗng một người đàn ông đội mặt nạ Max Headroom không biết từ đâu mọc ra làm gián đoạn chương trình truyền hình. Khi lên sóng, người đàn ông bí ẩn này nói ra những câu có nội dung rất khó hiểu. Trong số đó, người xem chỉ nghe rõ duy nhất 1 đoạn đó là: “I stole CBS! (tạm dịch: “Tôi đã chiếm được đài CBS”).

Dù chỉ xuất hiện chớp nhoáng với những thông điệp không ai hiểu nổi nhưng nhiêu đó thôi cũng đủ để giới truyền thông bắt đầu biết đến một “huyền thoại” hack sóng truyền hình rồi. Cho đến nay, tung tích của người đàn ông đeo mặt nạ Max Headroom xuất hiện trên sóng truyền hình ngày ấy vẫn là một bí ẩn.

 

17) Tín hiệu ma ở trạm vô tuyến Buzzer (Nga)

@brogers.dsl.pipex.com

Từ trạm vô tuyến Buzzer – một công trình bỏ hoang được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh, có một tín hiệu tần số thấp (sóng ngắn) bí ẩn đã được truyền đi suốt 40 năm qua. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tín hiệu đều đều khó hiểu từ Buzzer ít nhất đã xuất hiện từ năm 1982. Điều kỳ lạ là nó chỉ bị gián đoạn 3 lần trong suốt gần 40 năm liên tục phát ra những thông điệp khó lý giải. Trong những lần gián đoạn đó, người ta nghe được một giọng nam giới đang đọc các từ ngẫu nhiên bằng tiếng Nga.

 

16) Vrillon

@bbc.com

Vrillon là tên tự xưng của một nhân vật đã làm gián đoạn một chương trình truyền hình ở Anh vào năm 1977, cụ thể là vào ngày 26/11. Khi người dẫn truyền hình cúi xuống đọc bản tin, màn hình tivi đột nhiên xuất hiện những sọc ngang, hình ảnh mờ dần và sau cùng một giọng nói bị bóp méo vang lên tự xưng là “Vrillon đến từ thiên hà Ashtar".

Theo Vrillon, tất cả loài người có mặt trên Trái đất sẽ bị tiêu diệt bởi một chủng tộc thượng đẳng đến từ một hành tinh khác. Tuy nhiên, đây chỉ là một trò bịp và cho đến nay, thủ phạm của vụ tấn công sóng truyền hình này vẫn chưa bị bắt.

 

15) Bloop

@theguardian.com

“Bloop” là một chuỗi âm thanh bí ẩn dưới đại dương có tần số cực thấp kéo dài 1 phút được Cơ quan Khí tượng và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) phát hiện vào năm 1997. Nó có thể là tiếng động bí ẩn nhất trong danh sách của chúng ta hôm nay bởi dù có tần số cực thấp nhưng âm thanh này lại đủ lớn để bất cứ thiết bị nào trong phạm vi 5.000 km đều có thể bắt được.

Có hai giả thuyết lý giải nguồn gốc của âm thanh này theo lý giải của các nhà nghiên cứu. Một là “Bloop” có thể là âm thanh phát ra từ một sinh vật biển khổng lồ và hai là tiếng động nứt vỡ của một tảng băng trôi lớn trên biển hoặc dưới lòng đại dương. Nguồn phát của “Bloop” được xác định ở tọa độ 50° Bắc 100° Tây, một khu vực xa xôi thuộc vùng biển giữa Nam Mỹ và Nam Cực.

 

14) Tiếng động bí ẩn “The Workshop”

@brogers.dsl.pipex.com

Không thường xuyên xuất hiện, tín hiệu kỳ lạ này chỉ được báo cáo một vài lần. Có vẻ như đây là tiếng động được phát ra từ một chiếc micro đã cũ bị bỏ quên trong một cuộc hội thảo nào đó. Đôi khi, người ta còn nghe được những tiếng hót, tiếng bước chân và tiếng một người Nga nào đó từ xa xôi vọng lại mỗi khi “The Workshop” xuất hiện.

 

13) Tiếng vọng kỳ quái

@brogers.dsl.pipex.com

Cứ mỗi 4 giây, những tiếng bíp bíp kỳ lạ lại vang lên một cách bí ẩn không khỏi làm nhiều người đặt câu hỏi. Tín hiệu khó lý giải này được xuất hiện trên một vài tần số bắt đầu từ những năm 90. Tuy nhiên, lần xuất hiện cuối cùng của nó là vào năm 1999 và kể từ đó đến nay, không còn ai nghe thấy hay bắt được những tiếng “Echo” kỳ quái này nữa.

 

12) Sự cố gián đoạn buổi phát sóng chương trình truyền hình Handy Manny

@nytimes.com

Trong năm 2007, khán giả xem đài ở Lincroft, New Jersey (Mỹ) được một phen bất ngờ khi đang theo dõi một chương trình truyền hình phát sóng trên kênh truyền hình Disney. Trên màn hình tivi, thay vì bộ phim hoạt hình Handy Manny như thường lệ thì bất ngờ những hình ảnh “tươi mát” từ một bộ phim có nội dung khiêu dâm xuất hiện.

Tập đoàn truyền thông toàn cầu Comcast của Mỹ tuyên bố sẽ vào cuộc và hứa sẽ điều tra cho đến khi vụ việc được đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của đơn vị này, kẻ đột nhập sóng truyền hình và gây ra vụ gián đoạn Handy Manny vẫn chưa bao giờ được tìm thấy.

 

11) Time Signal

@brogers.dsl.pipex.com

Time Signal tiếp tục là một tín hiệu kỳ lạ khiến giới khoa học đau đầu trong suốt nhiều năm qua. Cứ mỗi 50 giây, nguồn phát tín hiệu nào đó trên Trái Đất lại gửi đi 14 tín hiệu sóng liên tục CW đi kèm với một con dấu thời gian với giãn cách ở múi giờ +4, đôi khi là +2, +3 và +8. Trùng hợp là nếu tính theo mốc giờ UTC thì đó cũng là múi giờ ở Moskva.

Chính vì lý do này, các nhà phân tích tin rằng nguồn phát tín hiệu bí ẩn này bắt nguồn từ các trạm phòng không của Nga. Họ tin rằng nếu có thêm thời gian tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu, những tín hiệu thời gian này có thể chỉ ra chính xác địa điểm phát ra tín hiệu sóng liên tục CW bí ẩn trên (nên nhớ rằng Nga là một quốc gia rất rộng lớn).

 

10) Tiếng bíp bíp bí ẩn phát ra từ máy đánh bạc

@brogers.dsl.pipex.com

Một loạt các tiếng bíp có âm thanh giống như những chiếc máy đánh bạc đang hoạt động đã đang và sẽ làm giới nghiên cứu đau đầu tìm cách lý giải. Tín hiệu này được tìm thấy nhiều nhất ở các nước Đông Á. Sau một thời gian tìm hiểu, các nhà quan sát tin rằng nguồn phát ra những tiếng bíp bíp này nhiều khả năng xuất phát từ những hoạt động của hải quân Nhật Bản. Tuy nhiên, đó chỉ là phỏng đoán một phía bởi quân đội Nhật vẫn chưa có bất kỳ lời giải thích nào cho những tiếng động kỳ lạ trên.

 

9) Tiếng mèo kêu

@brogers.dsl.pipex.com

Các nhà khoa học đã rất kinh ngạc khi phát hiện ra một âm thanh rất giống tiếng mèo kêu phát ra nhịp nhàng và liên tục suốt 24 tiếng một ngày nhưng không rõ do ai phát và với phát với mục đích gì. Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, tiếng mèo kêu này lại bất ngờ biến mất một cách kỳ lạ không kém cái cách nó xuất hiện.

 

8) Sự cố gián đoạn Super Bowl XLIII

@nytimes.com

Sau 2 năm kể từ ngày chương trình Handy Manny bị gián đoạn thì đài Comcast tiếp tục lại gặp sự cố tương tự. Vào năm 2009, khán giả ở Tuscon, Arizona (Mỹ) đang dán mắt lên tivi theo dõi trận tranh cúp vô địch giải bóng bầu dục quốc gia Super Bowl XLIII thì một lần nữa lại thấy mình đang xem phim “người lớn mát mẻ”. Comcast tiếp tục được một phen muối mặt và một lần nữa lại không thể bắt được thủ phạm dù thề thốt đủ kiểu.

 

7) Tiếng Wop Wop

@brogers.dsl.pipex.com

Âm thanh này nghe gần giống như tiếng động phát ra từ một khẩu súng máy bắn chậm và có thể được nghe khá rõ ở miền Nam nước Anh. Các nhà phân tích tin rằng tín hiệu này có thể là tiếng hoạt động của hệ thống CODAR của Pháp (COD). Hệ thống này có nhiệm vụ đo chiều cao của sóng, ghi âm hay vẽ lại bản đồ các biến động khác trên biển.

 

6) Doctor Who

@bbc.com

Sau sự cố Max Headroom làm gián đoạn tín hiệu phát sóng trên đài truyền hình WGN-TV, khán giả lại được trao cho cơ hội chơi trò dự đoán bộ mặt từ xám xịt chuyển sang bốc hỏa của các “ông lớn” truyền thông. Bởi lẽ ngay sau đó, nhóm hacker lại tiếp tục làm loạn ngay trên sóng truyền hình.

Nạn nhân lần này là đài PBS trong lúc đang phát sóng “Doctor Who” – một bộ phim viễn tưởng ăn khách đang phát trên khung giờ vàng. Tương tự lần trước, đoạn video phát chen vào giữa vẫn là những trò lố của nhân vật đeo mặt nạ Max Headroom, ngoại trừ việc lần này đoạn phim đã có âm thanh. Vẫn như thường lệ, thủ phạm gây ra vụ lộn xộn này vẫn không bị bắt.

 

5) Tiếng Pip ma quái

@brogers.dsl.pipex.com

Giống như đài phát thanh bí ẩn Buzzer, tín hiệu này bao gồm chuỗi âm thanh nghe như tiếng bíp, đôi khi lại truyền về tiếng đọc những từ hoặc những con số tối nghĩa của một người đàn ông Nga. Tín hiệu “pip” nhiều khả năng, theo nhận định của các nhà phân tích, có thể bắt nguồn từ miền Nam nước Nga.

Nguyên văn nội dung của một trong số những đoạn ghi lại giọng đọc của người đàn ông Nga là: "Dlia 854 032 471 331 629 008 Kak slisnno? Priom". Câu này dịch sang tiếng Anh nghĩa là: "For 854 032 471 331 629 008. How do you read me? Over”.

 

4) Tiếng Hum

@latimes.com

Hum là những tiếng ồn tần số thấp liên tục xuất hiện mà không phải ai cũng nghe thấy. Hum thường được đặt tên theo vị trí mà họ được nghe, nổi tiếng nhất là Taos Hum ở vùng biển New Mexico. Nguyên nhân của những âm thanh nghe giống tiếng “Hum” này đến nay vẫn là một bí ẩn lớn của khoa học. Nhiều người cho rằng  đó có thể là tiếng sóng biển, luồng nước ngầm dưới đáy đại dương lưu chuyển hoặc có thể là do những sinh vật biển lớn như cá khổng lồ tạo ra.

 

3) Tiếng click chuột

@brogers.dsl.pipex.com

Truyền qua các tần số khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất là 4515, 4471 và 5001 kHz, tín hiệu này khá phổ biến trong những năm 90. Ngày nay, dù đã không còn xuất hiện nhiều nhưng một số người cho biết họ thỉnh thoảng vẫn nghe được tiếng click chuột bí ẩn bằng các thiết bị thu sóng radio.

 

2) Tín hiệu từ đài phát thanh ma Squeaky Wheel

@brogers.dsl.pipex.com

Giống như Pip và Buzzer, Squeaky Wheel là một trong ba đài phát thanh, nơi bất cứ ai cũng có thể nghe thấy giọng đọc các ký tự bí ẩn của một giọng đọc nam người Nga miễn sao dò đến đúng dải tần số của nó.

Các nhà khoa học tin rằng đây là một trạm phát sóng có từ thời Chiến tranh Lạnh nhưng họ không sao lý giải được lý do về sự hoạt động gia tăng của các trạm phát thanh này ngay cả khi Liên Xô sụp đổ.

Theo các nhà theo đuổi thuyết âm mưu thì những nơi này hoạt động như một trạm liên lạc với người ngoài hành tinh. Chưa một ai có thể đưa ra câu trả lời. Trong lúc đó, Squeaky Wheel vẫn phát ra những tín hiệu âm thanh nghe giống như tiếng một chiếc xe đạp đang lăn bánh trên đường.

 

1) Tín hiệu Wow!

@washingtonpost.com/ Cnet.com

Wow! là một tín hiệu lạ được tìm ra vào năm 1977 bởi kính thiên văn Big Ear đặt tại Đại học bang Ohio (Mỹ). Được xác định nguồn phát từ chòm sao Sagittarius, tín hiệu này kéo dài trong khoảng 72 giây và thu hút rất nhiều sự chú ý của các nhà thiên văn học. Thậm chí, tín hiệu Wow! còn được đặt tên là “The Wow!” và được xem là một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành khoa học vũ trụ hiện đại. Nhiều người thậm chí còn tin rằng Wow! có thể là một thông điệp được gửi đi từ nền văn minh ngoài Trái Đất.

Gần đây, giả thuyết Wow! ẩn chứa thông điệp của người ngoài hành tinh đã bị bác bỏ bởi một nghiên cứu của Antonio Paris, giáo sư thiên văn học Mỹ. Theo ông, nguồn gốc của tín hiệu này thực chất chỉ là dấu vết của hai sao chổi có tên 266P/Christensen và P/2008 Y2 (Gibbs) khi chúng sượt qua Trái Đất với điểm xuất phát ở vị trí khoảng giữa của 2 sao chổi và giải phóng nhiều hydrogen khi bay quanh Mặt Trời.

Tuy nhiên, phát hiện này không hoàn toàn thuyết phục được cộng đồng khoa học. Nhiều nhà thiên văn học cho biết sao chổi vẫn chưa thể giải thích được toàn bộ bản chất sự việc. Riêng đối với những người ủng hộ thuyết người ngoài hành tinh, họ tin rằng tín hiệu Wow! chắc chắn phải phát ra từ nền văn minh ngoài Trái Đất, một nơi có công nghệ hiện đại vượt xa trí tưởng tượng của con người.

 

Hãy cùng LaLung.vn nghe một đoạn âm thnah kỳ lạ đến từ bầu trời, gây hoang mang dư luận:

Trên đây là những sự phát thanh kỳ lạ gây hoang mang cho người nghe. Bạn đã từng nghe được những âm thanh bí ẩn nào trong số này hoặc những tín hiệu lạ khác chưa? Nếu có thì đừng quên chia sẻ chúng cho nhiều người cùng biết nhé. Cảm ơn các bạn đã đọc bài và hãy nhấn “Thích hoặc “Chia sẻ” nếu cảm thấy nó thú vị nhé!

Bài viết liên quan: