Những thói quen vô nghĩa của người Việt

Ngày 16/06/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Một con người tốt hay không tốt được đánh giá qua nhiều mặt, một trong số đó là thói quen.

Thói quen rất dễ học hỏi hoặc bắt chước từ những người đi trước như ông bà, bố mẹ, nhà hàng xóm, người đi đường, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, sếp…

Từ nhỏ chúng ta đã từng được dạy rất nhiều thói quen trong đó có cả tốt lẫn không tốt và trong quá trình lớn lên, khi đã biết tư duy tự động não bạn sẽ chọn lọc thói quen.

Giữ lại những gì và loại bỏ những gì để hợp với con người mình. Tuy nhiên trong quá trình đó, não bạn cũng có sự so sánh với số đông.

Nếu nhiều người khi gặp vấn đề đó đều có cách xử lý giống nhau thì bạn có thể cũng trở thành bản sao cùng với đám đông mà không cần suy nghĩ.

Bạn có biết rằng có những thói quen vô nghĩa của người Việt dưới đây mà mình từng bắt chước không? Nếu chưa biết thì hãy đọc tiếp nào!!!

 

1) Xức dầu bừa bãi

Người Việt, thói quen, xã hội, văn hóa, dân tộc

Từ xa xưa, những chai dầu gió khuynh diệp hiệu Mẹ Bồng Con, dầu nóng Mặt Trời, dầu cù là Cao Sao Vàng lúc nào cũng có trong nhà, trong túi của mỗi người Việt. Người ta dùng nó như là một loại “siêu thần dược” để chữa đau đầu, đau bụng, côn trùng cắn, trầy xước, bong gân, té bầm với câu nói: “Bôi vô đỡ liền”. Có phải chỉ có thần dược mới vậy không? Thuốc uống vào còn phải có thời gian để phát huy tác dụng, còn dầu bôi vào hết liền lập tức thì ăn đứt thuốc còn gì.

Đối với người Việt cái tật đụng gì cũng “dầu gió khỏi liền” gần như trở thành phản xạ khi xử lý những tai nạn nhỏ. Miễn là dầu gió thì bất cứ loại nào bôi được ngoài da, thơm và nóng đều có công dụng thần kỳ đó. Và tư tưởng ấy truyền từ đời này sang đời khác, làm ai cũng bị ảo tưởng về sức mạnh của nó.

Nói vui vậy thôi, thật ra khi bị những vấn đề đó, vài trường hợp có thể đỡ một chút thật, nhưng không phải cái nào cũng vậy. Ví dụ: Bạn đau đầu có thể dùng dầu thoa lên trán, các mạch đập sẽ đỡ, vì mùi dầu giúp thư giãn, giảm đau. Còn nếu tay chân trầy xước bôi vào có khi bỏng rộp. Thậm chí lạm dụng dầu gió quá mức có thể gây suy hô hấp, ngộ độc. Nên hãy tùy “bệnh tình” mà dùng dầu cho đúng, nếu không nó sẽ vô dụng đấy.

  

2) Trời mưa phóng xe như điên

Người Việt, thói quen, xã hội, văn hóa, dân tộc

Để ý khi đi ngoài đường, trời sắp chuyển mưa hoặc đi trong mưa, người ta bắt đầu phóng xe vù vù. Dường như đó là tâm lý chung, không ai thích lái xe máy dưới trời mưa vì sợ bị ướt, sợ bị sét, sợ lạnh và nhất là không muốn chạy trên các vũng nước.

Nhưng phóng xe như điên lúc mưa chính là thời khắc dễ xảy ra tai nạn nhất. Nước mưa và gió sẽ cản trở tầm nhìn của bạn, đồng thời trong bộ áo mưa lùng nhùng, vướng víu có thể làm tay lái loạng choạng. Thói quen phóng xe nhanh lúc trời mưa có thể giúp bạn về nhà sớm hơn, nhưng ai biết được trên đường đi cũng có những người có tư tưởng này mà gặp tai nạn, như thế vừa vô nghĩa vừa gây hại cho bản thân và gia đình. Liệu phóng nhanh như vậy có đáng không?

 

3) Uống thuốc không cần toa

Người Việt, thói quen, xã hội, văn hóa, dân tộc

Bạn có biết, so với các quốc gia khác, ở Việt Nam đi mua thuốc rất dễ không? Chỉ cần ra tiệm thuốc tây, nói cảm, ho, sổ mũi, đau nhức, lở loét… thế nào đó, thì không cần người bán là dược sĩ cũng có thuốc để đưa cho bạn.

Việc uống thuốc không có toa của bác sĩ, uống liều lĩnh, uống vô tội vạ làm tăng quá trình kháng thuốc của các siêu vi trong cơ thể lên mức báo động. Thậm chí có loại siêu vi khuẩn chống lại mọi loại thuốc.

Đến một thời điểm nào đó, kháng thể tự nhiên của cơ thể bạn cũng không đủ sức để chống lại một cơn cảm xoàng, hay một vết xước nhẹ bởi vi khuẩn đã kháng thuốc thì huống hồ gì kháng thể của chúng ta. Lúc ấy cơ thể sẽ bị nhiễm trùng và có thể tử vong.

Hầu hết người Việt đều tự phá sức khỏe của mình bằng cách chăm uống thuốc khi có bệnh mà không quan tâm đến việc rèn luyện sức khỏe, ăn uống điều độ. Quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương”, nên thầy nhiều, thuốc nhiều bệnh lại không hết. Chữa gì nữa cũng vô nghĩa mà thôi.

 

4) Ăn xong nằm

Người Việt, thói quen, xã hội, văn hóa, dân tộc

Sau khi lấp đầy bao tử, cảm giác như máu lại được bơm thêm lần nữa, nhưng cơn buồn ngủ cũng được đà ùa về. Cơn buồn ngủ lại càng dữ dội khi ta ăn những món có nhiều đường và tinh bột.

Cho nên sau khi ăn xong, dường như có một “ma lực” vô hình nào đó khiến ta không thể không đi nằm, mặc dù ai ai cũng biết điều đó chẳng tốt chút nào. Vì thứ nhất cơ thể sẽ tích tụ mỡ, bụng bự đừng hỏi sao tự nhiên nha.

Thứ hai gây đau dạ dày vì lượng thức ăn bạn vừa cho vào phải có thời gian để tiêu hóa, việc nằm làm tăng sức ép lên dạ dày khiến nó hoạt động khó nhọc, dẫn đến thức ăn tiêu hóa không hết. Vừa mập bụng, vừa bệnh tật, cuộc sống ý nghĩa chỗ nào? Vì vậy sau khi ăn xong, bạn đi lại nhẹ nhàng, thả lỏng cơ thể, hoặc có thể ngồi thẳng lưng thì sẽ tốt cho bao tử và vòng hai của mình.

 

5) Mang giày đen đi vớ trắng

Người Việt, thói quen, xã hội, văn hóa, dân tộc

Không phải hầu hết quý ông nào cũng mắc lỗi ăn mặc sơ đẳng này, nhưng đâu đó trên đường hay trong những hội nghị vẫn bắt gặp người mặc vest đen, quần đen, giầy đen lại xỏ tất trắng.

Thông thường màu vớ sẽ cùng màu với màu giầy hoặc ít nhất là màu xám, nâu nói chung là màu tối. Giày đen đi với vớ trắng trông rất kỳ cục, có lỗi về thời trang. Nếu nói vậy người ta sản xuất vớ trắng để làm gì?

À, bạn không biết đó thôi, vớ trắng phối với giày thể thao vậy mà đẹp xuất sắc đấy nhé! Bạn cứ mặc bộ đồ thể dục, đi tất trắng và xỏ giầy Adidas, hay loại giầy thể thao nào khác xem. Cực chất luôn!

 

6) Vừa lái xe vừa nhắn tin

Người Việt, thói quen, xã hội, văn hóa, dân tộc

Hay vừa lái xe vừa nói chuyện điện thoại oang oang cả góc trời là thói quen vô cùng nguy hiểm của người Việt mình. Bạn có biết làm như vậy bạn đang đánh cuộc với tai nạn có thể xảy ra không? Vừa lái xe, vừa nhắn tin sẽ khiến bạn mất tập trung vào tay lái, nếu có một chướng ngại vật, một đứa trẻ, một chiếc xe tải đang ở rất gần đang lao về phía mình mà không tránh kịp thì coi như xác định “ò í e”.

Xem ra tính mạng của bạn không có nghĩa lý gì so với vài giây nhắn tin lúc lái xe à? An toàn nhất là đến nơi nhắn cũng được cơ mà. Chúng ta ai cũng có có khoảng 60 năm cuộc đời, tuy không dài nhưng nhiêu đó cũng đủ để bạn làm được khối việc cho bạn, cho gia đình và cho xã hội đấy.

 

7) Lương chưa lãnh đã tiêu hết tiền

Người Việt, thói quen, xã hội, văn hóa, dân tộc

Ỷ còn trẻ, có sức khỏe nên mỗi lần lương về các chàng trai, cô gái lại lao vào chi tiêu thả cửa. Những người xài tiền không kế hoạch thường thích mua gì mua, đầu tháng shopping, ăn nhà hàng. Đến cuối tháng cơm nguội, mì gói qua ngày. Thói quen tiêu xài “xả láng sáng về sớm” của người Việt nhiều lúc khiến họ lâm vào bế tắc. Họ bắt đầu mượn bạn bè, vay tiêu dùng để giải quyết nhu cầu cá nhân. Chưa kể là tâm lý không được thua chị kém em, thích tỏ ra đẳng cấp như chạy tay ga, smart phone xịn lúc nào cũng thôi thúc họ tiêu tiền.

Nhờ đó mà dịch vụ mua hàng trả góp ngày càng ăn nên làm ra. Đến hẹn lại lên, tháng tháng trả tiền góp ngốn hết nửa số lương. Và chỉ sau một hai tuần đầu nhẵn túi lại hoàn nhẵn túi, rồi tiếp tục điệp khúc chờ lương. Không dành dụm, không tính toán, cuộc sống trở nên vô nghĩa thôi! Vậy tại sao chúng ta không lên kế hoạch chi tiêu hợp lý nhỉ?

Bạn vạch ra những khoản tiền bắt buộc trả như điện, nước, intenet, xăng xe, ăn uống, đóng tiền góp (nếu có). Một khoản nhỏ cho những lúc cưới hỏi, thôi nôi. Một khoản để sắm đồ mới và các thứ linh tinh khác (dĩ nhiên không phải tháng nào cũng mua, nếu có hãy mua 1-2 bộ lúc thật cần). Đừng quên phải có một chút để dành, lúc đầu sẽ không nhiều nhặn gì nhưng theo thời gian bạn sẽ bất ngờ đấy. Số tiền đó dành phòng khi bạn (hoặc người nhà) ốm đau, tai nạn hoặc không thì tự thưởng một chuyến du lịch cho sung sướng cuộc đời nhé!

 

8) Hay đi trễ

Người Việt, thói quen, xã hội, văn hóa, dân tộc

Mặc dù không phải 100% người Việt Nam nào cũng đi trễ nhưng hễ có hẹn, hội họp, tiệc tùng thì người đến trễ phải chiếm đến 70-80%. Tỉ lệ này chiếm ưu thế hơn cho nên suy ra cả dân tộc đi trễ. Khi làm việc với người nước ngoài, người Việt vẫn giữ tác phong này và gây không ít khó chịu, phiền toái cho đối tác. Với bản tính ưa rề rà, qua loa, chiếu lệ, đến là vui rồi thì người Việt nói chung thường đến các buổi tiệc trễ từ 1-2 tiếng là chuyện bình thường.

Cho dù cuộc sống hiện nay có phần gấp gáp, áp lực và căng thẳng hơn nhưng hầu hết người Việt vẫn chưa bỏ được cố tật này. Có lẽ thói quen này bắt nguồn từ nếp sống của nhà nông. Họ thường dùng những cách tính ước lượng về thời gian, không gian như: một sào ruộng, một công đất, mẫu mà không có con số cụ thể nào. Thời gian thì nhìn bóng nắng, tàn cây nhang, giờ ngọ, giờ thìn mà những giờ này thì bằng 2 giờ đồng hồ bây giờ.

Họ cho rằng tỉ mỉ, chi li là vô nghĩa, không cần thiết, nhưng xem ra lại quan trọng trong cuộc sống đầy tính toán hiện nay. Một điểm nữa là người Việt cũng ít ghi chép với những chi tiết cụ thể, nên khi sực nhớ ra cuộc hẹn lại không biết ở đâu, mấy giờ rồi cuống cuồng. Thế rồi ra đường lại phóng nhanh, vượt ẩu bất chấp đèn đỏ, tính mạng mình nhưng vẫn mang tiếng đi trễ.

 

9) Mời lơi

Người Việt, thói quen, xã hội, văn hóa, dân tộc

Nghĩa là mời ngoài miệng nhưng trong lòng không có ý đó. Sao kỳ vậy cà??? Thật không ngoa khi nói rằng “mời lơi” chính là một cuộc chơi trong văn hóa giao tiếp. Mà đã là cuộc chơi phải có luật đàng hoàng. Chẳng hạn nếu bạn là khách trong nhà người miền Bắc, đến giờ cơm gia chủ sẽ mời mọc, đưa đẩy rất khéo léo để thể hiện sự quý khách nhưng thật tâm không có ý khách hãy ăn cơm nhà mình đâu. Cho nên khách phải hiểu “luật” này và khéo léo từ chối.

Trừ khi nhận thấy trong lời nói, thái độ của gia chủ đang mời thật tâm, muốn câu chuyện bằng hữu được tiếp tục thì có thể chấp nhận lời mời, còn không gia chủ sẽ nghĩ khách thiếu lịch sự, không tế nhị vì có nấu phần của khách đâu mà ăn.

Còn trong miền Nam, một lời mời duy nhất, nếu đồng ý khách cứ tự nhiên ngồi vào bàn, ăn uống thủng thẳng và hàn huyên tâm sự. Nếu khách không ăn gia chủ sẽ không mời lần thứ hai và hiểu rằng khách không muốn ăn, hiếm khi gia chủ mời xã giao lần nữa, nó gần như vô nghĩa. Nên giữa khách và chủ vẫn vui vẻ cả làng, không ai dè chừng ai cho những lần ghé chơi nhà tiếp theo.

Ngày nay, đường xá thông thương, phương tiện truyền thông ngày càng tiên tiến nên khoảng cách văn hóa các vùng miền ngày càng hẹp lại. Một người có bạn bè đủ miền, hay vợ chồng khác miền lấy nhau là chuyện bình thường. “Vụ án” mời lơi vì thế mà duy trì theo nếp sống của từng gia đình, nên nhiều khi gây không ít bối rối cho khách đến chơi. Thôi thì tùy theo tánh bạn mà nhận lời hay không nhé!

Thiết nghĩ, “mời lơi” trong xã hội hiện đại không có ý nghĩa nhiều, bởi có tâm thì mời thật chứ còn mời để có lời mời đôi khi lại mất lòng nhau. Bản thân mình còn chưa hiểu mình huống hồ hiểu ý người khác. Thẳng thắn cho nó nhanh!!!

 

10) Dùng tiền mua luật

Người Việt, thói quen, xã hội, văn hóa, dân tộc

Thường thấy nhất là việc người tham gia giao thông phạm luật hay bỏ tiền nhiều ra hối lộ cảnh sát để được tha và đi nhanh nhanh. Người thu thì không viết biên lai, giếm luôn số tiền phạt, người bị phạt lại kịp công việc của mình, suy ra cả hai đều hời.

Nhưng đó đều là hành động vô nghĩa vì người vi phạm không học được bài học về hành vi phạm luật giao thông đường bộ. Còn cảnh sát  học thêm cái thói nhận hối lộ, rồi từ từ thành tham ô, tham nhũng lúc nào không hay biết. Từ một việc nhỏ trong giao thông, suy ra việc ở lĩnh vực khác không tránh khỏi thói quen vô nghĩa này, thế là đi đời cả quốc gia.

 

Bên dưới là những hình ảnh vui cười đến từ những thói quen chỉ có ở Việt Nam:

Nếu bạn thấy bài viết “Những thói quen vô nghĩa của người Việt” thật hay và ý nghĩa, hãy “like” và chia sẻ trên trang cá nhân của bạn nhé! Đừng quên đón xem những bài viết mới nhất cập nhật mỗi ngày trên fanpage và website LaLung.vn. Chúc các bạn một ngày vui và tập thêm những thói quen tốt nha!

Bài viết liên quan: