Những câu nói dễ làm người Việt bị quê nhất

Ngày 27/05/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Cuộc sống có không ít những vui, buồn, giận, ghét diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong những mối quan hệ xung quanh chúng ta.

Những điều này chung quy đều bắt nguồn từ những lời nói, thái độ, nét mặt của từng người mà ra.

Nhưng xét cho cùng lời nói vẫn là yếu tố chính đưa đến những sự việc, hành động tiếp theo.

Có những lời nói hóa dữ thành lành, có những lời nói làm buồn lòng người nghe, và cũng có những câu chọc đùa tếu táo làm không khí thêm phần rộn ràng vì tiếng cười.

Cơ mà cũng có những kiểu người thích nói móc hay dằn mặt để làm quê người khác. Sau đây là những câu nói dễ làm người Việt bị quê nhất. Mời các bạn xem tiếp bên dưới nào.

 

1) Ai nói sẵn cho cười

ai nói cười sẵn cho

Là khi một tên A nào đó kể chuyện, hay chêm một vài câu hài hước vu vơ vào câu chuyện của ai và làm tên B nào đó phải bật cười thì bị tên A “kê tủ đứng”: “Ai nói sẵn cho cười mạy”. Nghe dễ quê thiệt chớ. Dù sao mình nói chuyện vui có người cười là một sự thành công rồi, nỡ lòng nào nói một câu làm người ta tắt luôn nụ cười mà trong lòng thấy bực bội.

Bực vì một đứa nói chuyện hài đấy mà vô duyên đấy. Nhưng thật ra người A chỉ muốn làm quê người khác theo cách họ cho là vui thôi chứ chẳng có ý gì ghê gớm đâu. Kiểu nói chuyện này thường xảy ra ở vài nơi của Việt Nam, họ thích làm người khác tự ái một chút và người bị chọc cũng quen với lối giao tiếp độc lạ này.

 

2) Mày hả Bưởi

mày hả bưởi

Câu nói này bắt nguồn từ xưa. Thời dân đen Việt Nam bị áp bức bởi bọn cường hào, địa chủ. Các cô gái nhà nghèo thời bấy giờ luôn là mục tiêu dòm ngó của những tên này, tình huống éo le đó được khắc họa trong tác phẩm văn học “Con nhà nghèo” của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Chuyện kể về một cô gái tên Lựu là em gái của cai tuần Bưởi, bị một lão địa chủ ve vãn đến có thai.

Vì là con nhà nghèo nên anh trai đành bất lực không giúp được em gái nhiều. Chức cai tuần cũng không thấm vào đâu so với bọn cho thuê ruộng để dân cày có tiền mua chuộc hương chức trong làng, vậy nên ai cũng coi thường và hay nói câu “Mày hả Bưởi” là vậy.

Nhưng ngày nay câu này chỉ hàm ý nói cho vui vui trong một tình huống nào đó, khi đang bị một người khác khi dễ, hoặc bị cho là ngu, người kia sẽ làm một việc gì đó chứng tỏ mình không phải như vậy và nói thêm câu này, hơi khích tướng người khác một chút, kiểu đắc ý vì họ làm được một việc gì đó ra trò. Hoặc cũng có khi một người nào làm việc gì đó không xong thì người khác chen vào cũng nói câu: “Mày hả Bưởi” – ý là không biết tự lượng sức mình, đây mới đúng là cách chọc quê nhẹ người ta.

 

3) Mày đừng có láo hàng

đừng có láo hàng

Người Bắc cũng có một câu tương tự: “Mày đừng có bố láo bố lếu” – ý nói một ai đó sắp làm hoặc đã làm một việc gì đó mà làm người khác ghét vì động tới lợi ích của họ, hoặc gây hại cho họ, hoặc đơn giản là cố tình chơi trội hơn họ thì sẽ bị nghe phán câu này. Kèm theo sau có thể có câu: “Liệu hồn mày đấy”, hay “Nhớ mặt tao đấy” làm cho người khác nghe xong một là bị quê thật, hai là điên tiết lên và có khi xảy ra một trận ẩu đả.

 

4) Mày coi con nhà người ta kìa

con nhà người ta

Ôi cụm từ “con nhà người ta” mà từ khi chúng ta còn nhỏ cứ nghe ông bà, bố mẹ nhắc đi nhắc lại khi chửi mình. Chẳng biết “con nhà người ta” mặt mũi nó ra sao, nhà nó chỗ nào nhưng xác định là nó ở gần nhà ta, nó siêng năng, biết giúp đỡ bố mẹ và lúc nào cũng học giỏi. Cái đứa “con nhà người ta” đó là kẻ thù của mọi đứa trẻ, nhưng lại là vị thánh con được các bậc phụ huynh tôn thờ và luôn là nhân vật tiêu biểu mọi thời đại để so sánh với con họ.

Hễ mỗi lần học về bị điểm kém, thầy cô la, bố mẹ sẽ: “Mày coi con nhà người ta kìa. Nó… thế này, thế nọ, thế kia”. Còn chẳng may ham chơi, ngủ nướng không làm việc nhà, cũng: “Mày coi con nhà người ta kìa. Nó… bla blo…”. Thế đấy, nhiều khi các bậc cha mẹ cứ đem cái đứa con không phải do mình đẻ ra mà không biết danh tính nó thế nào,cứ đặt lên bàn cân so với con mình, và lúc nào “con nhà người ta” cũng hoàn hảo mọi mặt mà họ không biết vô tình làm con mình bẽ mặt, xấu hổ, tự ti với một đứa ở đẩu ở đâu gần nhà mìnhnhưng chả ai hay biết. Đến khi nào “con nhà người ta” không còn là câu cửa miệng chửi các em nhỏ nữa đây?

 

5) Ngu mà lì

ngu mà lì

Câu này được bật ra khi muốn chế nhạo một ai đó vừa có hành động điên rồ, thiếu suy nghĩ mà còn cố làm cho bằng được để dẫn đến kết quả tệ hại. Trong giới học sinh, sinh viên, những người trẻ tuổi hay sử dụng câu này, lứa tuổi hay có những việc làm nông nổi, thích gây sự chú ý nhưng không quan tâm mấy đến hậu quả.

Khi đám bạn hay ai đó chứng kiến những việc làm ấy, tùy mức độ ảnh hưởng nặng hay nhẹ mà câu nói này có ý chọc quê cho vui hay nhấn mạnh sự mỉa mai với người làm việc khùng điên đó.

 

6) Đẹp gái/ trai mà bị điên

đẹp mà điên

Cũng là câu nói để chọc quê người khác vốn được truyền miệng trong giới học sinh. Khi ai đó chứng kiến thấy một người nào có hành động tưng tửng, hâm hâm, ngố ngố sẽ được tặng cho câu (kiểu như đừng tưởng khen mà mừng): “Đẹp gái (hay đẹp trai) mà bị điên”. Và sau đó sẽ là cái chậc lưỡi rồi phán: “Tội nghiệp”. Nghe tự ái dễ sợ ha.

 

7) Xấu mà đóng vai ác

xấu đóng vai ác

Xuất xứ từ những bộ phim cổ tích có những bà mẹ kế gương mặt đã xấu mà còn bị đạo diễn cho đóng vai ác. Cho nên thiên hạ không thể nào chấp nhận được. Nếu trong học đường câu này chỉ để nói tếu táo với nhau cho những trò tinh nghịch, trò chơi khăm và gán cho ai đó là “Mày xấu còn đóng vai ác” mặc dù người ta có thể không xấu và chuyện họ làm cũng chẳng có ác ý gì, vui là chính thôi. Còn ở trong nhà ngoài phố đây là một câu chửi rủa thật sự với những người xấu mặt mày xấu luôn cả lòng dạ, ai nấy đều ghét.

 

8) Lùn mà lối

lùn mà lối

Đối tượng tự tin để nói câu này dĩ nhiên là người cao hơn cái đứa không được cao rồi. Cái đứa bị lùn đó chẳng may làm chuyện gì nổi trội, hay có kiểu cư xử phách lối làm người khác (cái đứa cao hơn) thấy ghét thì nhất định bị nói xấu sau lưng hoặc ném ngay trước mặt cho quê: “Đồ lùn mà lối hả mạy”. Tùy trường hợp mà câu nói này trở nên chọc vui, và có khi muốn sỉ vả người khác.

 

9) Ngu như bò, lì như trâu

ngu như bò

Trâu và bò là hai con vật bạn của nhà nông. Ở miền Bắc người nông dân cày ruộng bằng trâu còn ở miền Nam dùng bò. Nó gần gũi, quan trọng và là tài sản có giá trị lớn đối với những hộ gia đình làm nông, vì nhờ nó cày bừa mới trồng được lúa, khoai, hoa màu, có lương thực để ăn và bán.

Nên trâu, bò có thể nói là thú cưng của nông dân. Cũng chính vì sự gắn bó, thân thuộc lâu đời nên người ta dễ dàng đem hai con vật này ra làm đối tượng so sánh ngang với người mà nhất thời không thông minh hoặc lì lợm, nghịch ngợm, khó dạy dỗ. Vì sao như vậy?

Rõ ràng trong quá trình lao động, ông bà ta thường xuyên phải đánh vật với còn bò bảo một đàng, làm một nẻo, còn trâu thì lắm lúc tỏ ra ương ngạnh, làm biếng không chịu cày theo ý chủ, chúng luôn bị quất bằng roi tới tấp mới chịu làm việc. Như thế không ngu cũng lì còn gì, và để cho có vần có điệu, mỗi con lãnh một tội đó là: “ngu như bò, lì như trâu”. Còn chúng ta thời đi học chắc chắn không ít lần bị mắng như vậy khi bị điểm kém, học hành không bằng “con nhà người ta” và thấy tủi thân, ê chề vô cùng.

 

10) Mày thì biết cái gì

mày thì biết cái gì

Các bà mẹ, thỉnh thoảng là bố thường “tuyên bố” chắc nịch câu này với con mình khi đứa bé (có khi đã lớn rồi) muốn trình bày ý kiến, quan điểm, hay tranh luận một chuyện gì đó với bố mẹ. Còn người lớn nhiều khi luôn bảo thủ, cho mình là đúng và “trứng không được khôn hơn vịt”, nên cho dù con trẻ có nói đúng hay chuẩn bị mở lời thì bị phán ngay một câu làm tắt lụi hết mọi cảm xúc.

Nhưng cho dù người lớn có biết nhiều hơn con mình đi nữa thì chắc chắn có nhiều thứ họ không biết và phải nhờ con. Ví dụ: xài đồ công nghệ cao nè, sao bằng bọn trẻ được. Và nhờ những người trẻ tuổi, tiếp cận kiến thức nhanh, lại có sức lực để biết làm rất nhiều thứ mà người lớn phải ngỡ ngàng. Nên người lớn đừng coi thường chúng con nhé!

 

11) Hoa lài cắm bãi cứt trâu

hoa lài cắm bãi

Trong chuyện cổ tích của Việt Nam có kể về một người vợ thông minh, tháo vát, đảm đang nhưng chẳng may cưới phải anh chồng khờ khạo, hay bị người ta gạt.Mượn hai hình ảnh để ví von: hoa lài và cứt trâu, người xưa ngụ ý hoa lài là loài hoa trắng muốt, sạch sẽ, đẹp đẽ, có mùi thơm ngào ngạt nhưng lại cắm ở nơi vừa hôi vừa bẩn thì quả là một điều đáng tiếc.

Đó là một điều đáng chế nhạo vì sự chênh lệch giữa hai vợ chồng, và còn thấy thương xót cho người vợ. Ngày nay ngoại hình được người ta chú trọng mạnh mẽ và đàn ông cũng dần trở nên vừa có sắc vừa có tài, nhưng nếu họ cưới những cô vợ kém sắc hơn thì đàn ông cũng bị cho là “hoa lài cắm bãi cứt trâu”. Vì vậy hoa nhất thời không hẳn là biểu tượng dành cho phụ nữ nữa mà là dành cho nhan sắc và ngoại hình.

 

12) Đũa mốc mà chòi mâm son

môn đăng hộ đối

Thường được nói ra bởi những bà mẹ ngày xưa (và một số ít ngày nay) sống trong gia đình giàu có và chê nhà xui gia nghèo, không “môn đăng hộ đối”, nghĩa là nếu hai gia đình khá giả như nhau mới vui vẻ làm thông gia.“Đũa mốc” ý nói nhà nghèo, còn “mâm son” là nhà giàu.

Nếu chàng trai hoặc cô gái nhà giàu muốn lấy người nghèo hơn, người ta nói câu này với ý nghĩ khinh khi, coi thường người nghèo. Từ “mà chòi” xuất phát trong suy nghĩ đó. Ý nghĩ này tuy không đúng đối với tình yêu thật sự của người trong cuộc, nhưng nhiều lúc người nghèo cố ý lợi dụng tình yêu để được giàu sang, phú quý cho mình thì câu nói này như là một cách răn đe, đề phòng.

 

13) Chó cỏ nhà quê mà tưởng mình là béc zê thành phố

chó

Thuộc top những câu chửi hay nhứt nhối trong thế kỷ 21. Là một kiểu chê bai, miệt thị không những về giàu nghèo mà còn người thành phố và người nhà quê khi họ thấy một ai đó mình biết rõ cội nguồn nhưng dám làm chuyện hơn mình. Cố tình dìm hàng người ta đây mà.

Nhưng trong trường hợp khác, ai đó thích ra vẻ ta đây, thích sống bề ngoài giả tạo mà quên mất nguồn gốc của mình để rồi người ngoài nhìn vào thấy kệch cỡm và buông lời khi dễ: “Chó cỏ nhà quê mà tưởng mình là béc zê thành phố”.

 

14) Yếu bày đặt ra gió

Trong thời đại @ cũng có một câu tương tự nhưng shock hơn là: “Đã si đa còn xông pha hiến máu”. Nghĩa là đã lực bất tòng tâm, bản thân không thể nào làm tốt việc gì ngoài khả năng mà dám liều mình làm bựa. Thỉnh thoảng đây là một cách nói chọc quê cho người nghe bị ê mặt chơi chứ chưa chắc người ta yếu thật.

 

15) Đầu óc bã đậu

óc bã đậu

Tức nói đầu óc ngu đần, tối dạ, không được tích sự gì của một người nào đó. Não họ bị ví như thứ bã đậu, là bã của đậu phụ sau khi đã xay lấy nước còn xác đem bỏ, dùng làm thức ăn cho gia súc. Đây một một câu chửi khá nặng mà người nghe vừa tức vừa ức, vì thường được nói ra bởi người thân trong gia đình mình.

 

16) Tệ hơn vợ thằng Đậu

vợ thằng đậu

Thằng Đậu xuất hiện lần đầu tiên trong chuyện Nếp Dẻo của Bác Ba Phi, sống ở vùng đất Tây Nam Bộ Cà Mau. Là một người chồng làm biếng nhưng chuyên đi nói dóc nổi tiếng trong làng trong xóm. Đậu là vậy nhưng vợ còn tệ hơn, là phụ nữ có chồng nhưng nàng ta không biết thu vén gia đình, làm gì cũng hậu đậu, đụng đâu hư đó. Người dân ở Cà Mau cho rằng vợ thằng Đậu là người phụ nữ tệ nhất rồi. Nhưng ngày nay, hễ gặp bất chợt phụ nữ nào hơi tệ một chút, đoảng một chút thì y như rằng người ta sẽ cường điệu lên và nói câu: “Tệ hơn vợ thằng Đậu” là vậy. Vậy nên các cô gái để không bị ê mặt thì việc gì cũng khéo léo một chút nhé!

 

17) Điếc không sợ súng

điếc không sợ súng

Hàm ý chê bai những người đã không biết rõ sự việc ra sao mà cứ cho mình đúng và bất chấp làm một cách vô tư. Ai bị phán cho câu này thay vì quê hay cố chấp, nên cẩn thận suy xét trước những gì mình sắp làm nếu không rước họa vào thân thì nguy nhé!

 

18) Đồ sao chổi

đồ sao chổi

Sao chổi là một thiên thể bay ngoài vũ trụ, nó là một khối khí lạnh có đầu nhọn, đuôi to như chổi quét nhà. Các nhà khoa học diễn tả nhó như một quả bóng tuyết bẩn vì nó chứa carbonic, metan, nước đóng băng lẫn bụi vũ trụ.

Có lẽ vì chứa những thứ dơ bẩn và độc địa đó nên hễ một ai chẳng may mang đến điều xui xẻo cho người khác thường bị phán là “đồ sao chổi”, cố tình làm người ta tức, xấu hổ và bỏ đi hoặc bị người khác xa lánh.

 

19) Xăng pha nhớt

xăng pha nhớt

Ngày xưa khi xe máy còn chạy động cơ hai thì, xăng thường trộn với nhớt để bôi trơn động cơ và hạ nhiệt động cơ đốt trong nhằm giảm thiểu hư hao xe. Dựa vào nguyên lý đó, con người ta cũng liên tưởng rất nhanh đến những người đồng tính, nam nữ không xác định trong rõ một con người. Người nào thuộc giới tính thứ ba mà bị nói “hai thì” hay “đồ xăng pha nhớt” chắc chắn họ vừa xấu hổ, vừa buồn khủng khiếp vì mọi người kỳ thị.

Nhưng giờ xã hội tiến bộ hơn, mọi người dần dần có cái nhìn cởi mở với người đồng tính và hi vọng trong tương lai gần, những cụm từ như “xăng pha nhớt”, “bê đê”, “bóng” không còn xuất hiện nữa mà những người này được công nhận như những người bình thường.

 

20) Đúng là đồ đàn bà

đồ đàn bà

Không chỉ riêng đàn ông thích nói câu này mà chính phụ nữ đôi lúc cũng dùng. Phần lớn người ta dùng đồ đàn bà để làm đối tượng ví von cho những người có tính ích kỷ, nhỏ nhen, yếu đuối, vô dụng và các ý nghĩa tiêu cực khác, tất cả đều như “đồ đàn bà”. Và những người đàn ông nào bị chửi là “đồ đàn bà” thì trong mắt nhiều người đó là đàn ông hẹp hòi, vô dụng, không làm việc gì lớn lao được. Dĩ nhiên bị nói như vậy cực kỳ quê và nhục.

Chúng ta đều biết một nửa thế giới là phụ nữ, vậy mà vơ cả nửa thế giới vào câu nói hàm ý tiêu cực như vậy chẳng khác nào đàn bà làm nửa thế giới này tệ hại rồi. Thế thì nguy hiểm quá. Một tư duy sai dẫn đến cách dùng từ sai, góp phần làm bất bình đẳng giới tính, lệch lạc nhận thức. Không thể chỉ vì muốn đánh giá thấp một cá nhân nào đó mà lại đem đàn bà vào mà không phải là “đồ đàn ông” hay một tính từ cụ thể nào khác. Đừng chê người khác một cách tối kiến như vậy nhé! Bởi phụ nữ ngày nay cũng đã bản lĩnh, mạnh mẽ, độc lập và kiên cường lắm rồi, đàn ông đôi khi còn phải nể nang đấy.

 

Dưới đây là một đoạn phim ngắn sẽ làm bạn nhận ra không phải cứ thích nói đồ đàn bà thì nói đâu nhé:

Nếu bạn thích bài viết “Những câu nói dễ làm người Việt bị quê nhất”, hãy tặng chúng tôi một “like” và chia sẻ link trên trang cá nhân của bạn. Nếu bạn có câu nào hay hoặc bất cứ ý kiến nào, vui lòng gửi bình luận hữu ích cho chúng tôi. Đừng quên đón xem những bài viết được cập nhật mỗi ngày trên fanpage và website LaLung.vn. Chúc bạn một ngày may mắn và tràn ngập niềm vui.

 

Bài viết liên quan: