Những từ ngữ phong phú của Việt Nam và tại sao nó sai

Ngày 02/06/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Người ta hay nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, một phần trong số “phong ba bão táp” đó chính là cách dùng từ ngữ.

Chúng ta cũng biết hầu hết ngôn ngữ nói và viết của người Việt đều dùng từ mượn của tiếng Hán.

Bắt nguồn từ lịch sử 1000 năm đô hộ giặc Tàu, người Việt thời đó học chữ Nho, sau cải tiến thành chữ Nôm tuy là dịch nghĩa ra tiếng Việt nhưng vẫn viết kiểu chữ tượng hình như người Trung. Không chỉ chữ viết, kể cả văn hóa phong tục cũng bị ảnh hưởng sâu sắc.

Đến khi Linh Mục Alexandre De Rhodes đi truyền đạo ở Việt Nam, ông đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ dựa trên các mẫu tự latinh kết hợp với dấu rất dễ cho việc truyền đạo, mà chúng ta vẫn dùng cho tới ngày nay. Vượt qua quãng thời gian dài hết giặc Tàu đến giặc Tây đô hộ, Việt Nam cũng đã tuyên bố hoàn toàn độc lập vào năm 1975.

Từ đó đến nay, Tiếng Việt và chữ Quốc ngữ cũng được công nhận là một trong 50 ngôn ngữ phổ biến trên toàn thế giới. Mặc dù chữ Quốc ngữ viết bằng ký tự latinh nhưng âm nói của những từ vựng vẫn bắt nguồn từ tiếng Hán. Và trong đời sống, người Việt dùng chữ Hán mượn cũng có những sáng tạo ngôn ngữ riêng, nên hình thành từ ngữ Hán Việt.

Nhưng chúng ta không biết rằng hằng ngày mình vẫn dùng những từ ngữ sáng tạo bị sai với nghĩa gốc mà không biết. Tuy nhiên những từ sai này trở nên phổ biến đến nỗi nó được công nhận thành đúng và cứ thế mà dùng. Chúng tôi xin điểm danh những từ không đúng sau đây, mời bạn xem nhé!

 

1) Đơn độc

từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Nếu tách ra từng chữ và dịch từ tiếng Hán ta sẽ có: “Đơn” là một (ví dụ cô đơn là có một mình), còn “Độc” cũng là một (ví dụ độc thân là một mình, chưa kết hôn). Vậy vì sao phải dùng hai chữ lại cùng một nghĩa để diễn tả sự cô đơn, một mình, không có ai bên cạnh chia sẻ tình cảm nhỉ? Có thể là để nhấn mạnh nỗi buồn đang chất chứa trong lòng chăng?

 

2) Thất thủ

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Từ này ngày xưa dùng trong chiến tranh, ý nói mất địa điểm phòng thủ quân sự. Nếu nói vui thì “thất thủ” cũng có nghĩa là bảy cái đầu. “Thất” nghĩa là mất, cũng có nghĩa khác là bảy (số 7, thứ 7). “Thủ” là đầu (như thủ trưởng là người đứng đầu cơ quan, phòng ban vậy.). Nhưng từ “thất thủ” ngày nay lại hiểu theo một nghĩa hoàn toàn khác, đó là để chỉ một nơi nào đó đang lâm vào cảnh hỗn độn, mất trật tự.

Có lẽ nó xuất phát từ bộ phim “Olympus has Fallen”, tên Việt là “Nhà Trắng thất thủ”, được chiếu từ năm 2013 xoay quanh cuộc bắt cóc tổng thống. Kể từ đó đến nay, hai từ này trở nên rất hot và dùng trong những hoàn cảnh không dính líu gì đến quân sự cả. Ví dụ như trong đợt mưa lớn, ngập nước nặng vào ngày 26/09/2016 ở Sài Gòn, hàng nghìn người dân không thể về nhà đúng giờ vì đang lội trong biển nước và biển người, xe chết máy, nước dâng ngập nhà. Báo chí kết luận “Sài Gòn thất thủ”. Nghe có vẻ châm biếm hơn là diễn tả bối cảnh lúc đó ấy nhỉ?

 

3) Phụ huynh

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Họp phụ huynh -  cụm từ thần thánh có khả năng “triệu hồi” ba mẹ học sinh đến lớp để nghe báo cáo tình hình học tập và đóng các khoản phí mà chúng ta vẫn nghe khi đang đi học. Từ “phụ huynh” còn xuất hiện trong rất nhiều văn bản, công văn liên quan đến ngành giáo dục để nói đến ba mẹ học sinh, người sinh ra các em.

Nhưng từ này nếu dịch nghĩa tiếng Hán thì chỉ đúng 50%, vì “phụ” là bố, còn “huynh” là anh trai, mẹ không có mặt trong đây. Lý do có từ “phụ huynh” vì ngày xưa thời phong kiến “quyền huynh thế phụ”, nếu không có ba thì anh trai sẽ thay thế làm các việc trọng đại trong gia đình, hoặc cha mất thì anh trai làm trụ cột. Nhưng thời hiện đại, bố mẹ trong gia đình là hai người quan trọng nhất, con vẫn phụ thuộc vào bố mẹ. Nhưng từ ngữ vẫn chưa thay đổi, dù không đúng vẫn dùng phổ biến vô cùng. Nếu nói “họp bố mẹ” hay “cha mẹ học sinh” thì có phải chuẩn không cần chỉnh không?

 

4) Đinh tặc

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Phải công nhận rằng chúng ta vay mượn chữ Hán rất nhiều trong ngôn ngữ, nhưng không phải bê nguyên xi, mà có chọn lọc và sáng tạo hẳn hoi. Dù rằng sự sáng tạo đó lắm lúc sai mười mươi so với nghĩa gốc. Ví dụ từ “tặc” nghĩa Hán là cướp, “đạo tặc” là trộm cướp. Lâm tặc là ăn cướp gỗ, hải tặc là cướp biển… Vậy mà “đinh tặc” lại là những tên rải đinh ngoài đường để làm thủng bánh xe người khác chứ không suy ra theo nghĩa gốc đó là một thằng ăn cướp đinh. À há…

Nếu đơn giản vậy thì đâu còn gì gọi là “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” nữa. Từ “tặc” ở đây vẫn hiểu theo nghĩa là cướp, vì chính xác bị bạn mất tiền oan vì những tên rải đinh vô lương tâm cơ mà. Chúng dùng đinh để cướp tiền bạn đấy, chứ chúng không thèm cướp đinh nhé! Vì tiền bạn trả cho những tên đinh tặc biết vá lốp xe còn mắc hơn nhiều so với một hộp đinh gỉ ấy chứ!

 

5) Ngày sinh nhật

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Ý nghĩa của chữ Hán đôi khi lại hòa vào chữ Việt, làm cách diễn đạt dài dòng, trùng lặp nên không hợp lý nhưng chẳng ai để ý. “Ngày sinh nhật” là một ví dụ. “sinh” là ra đời, “nhật” là ngày, vậy sinh nhật là ngày ra đời, vậy mà người Việt có thói quen nói “ngày sinh nhật”. Một từ ngày thuần Việt và một từ nghĩa là ngày trong tiếng Hán, suy ra là “ngày ngày sinh”- nghe có vẻ dở hơi! Đã có ai nhận ra điều này sớm hơn trước khi đọc đến đây chưa nhỉ?

 

6) Huyền thoại

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Việc người Việt dùng sai ý nghĩa của từ là nhờ không ít vào báo chí, truyền thông. Từ ngữ đó được đặt trong một hoàn cảnh mà theo nhận định chủ quan của một cá nhân nào đó họ cho rằng đúng, dần dần từ vựng đó cứ lan truyền trên mạng internet, truyền miệng và lâu ngày tự nhiên nó đúng, vì ai cũng dùng mà.

Như từ “huyền thoại” đây. Nghĩa gốc của nó: “huyền” là đen; “thoại” là câu chuyện. Nghĩa là một câu chuyện màu đen, nghĩa bóng sâu xa chính là một câu chuyện mờ ảo, không có thực, người ta chỉ kể bằng trí tưởng tượng và truyền miệng để lý giải một số sự vật, hiện tượng kỳ lạ nào đó. Nó không liên quan đến nhân vật hay sự kiện lịch sử nào. Nhưng trong vài câu chuyện cụ thể, nhân vật chính là người anh dũng, phi thường nhưng không có thật. Ví dụ huyền thoại về Thánh Gióng giết giặc Ân, Sơn Tinh Thủy Tinh, mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng tạo nên loài người…

Lưu ý, phải phân biệt giữa “huyền thoại” và “thần thoại”. Thần thoại là những câu chuyện dân gian về các vị thần, thể hiện ước muốn, khát khao chinh phục thiên nhiên của những người ở thời đại cổ. Điểm chung giữa “huyền thoại” và “thần thoại” đều là những truyện tưởng tượng truyền miệng, mang yếu tố kỳ lạ, lôi cuốn người nghe nhưng nhân vật chính là hư cấu.

Tuy nhiên, ngày nay báo chí, truyền thông vẫn hay nói những người giỏi và thêm chữ “huyền thoại” thì có phần không chính xác, như: “huyền thoại bóng đá Pê lê”, “ban nhạc huyền thoại The Beatles”, “cuộc đời huyền thoại của "ông hoàng nhạc Pop” Michael Jackson”… Bởi vì những người này có thật, họ có những thành tích thật sự do chính họ nỗ lực chứ không do ai truyền miệng kể công trạng cả. Nên cách dùng từ ngữ như vậy không những sai mà có phần cường điệu hóa.

 

7) Thần tượng

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Nghĩa là tượng thờ thần. Một hình mẫu cao quý, đứng đắn được tôn vinh và răn dạy người phàm nên noi theo. Vậy đây là một danh từ, nhưng ngày nay ai ai cũng dùng nó như một tính từ hoặc danh từ một cách lộn xộn để nói về sự ngưỡng mộ, yêu mến một ai đó có thật.

Điển hình như thần tượng âm nhạc, thần tượng diễn viên là những ngôi sao nổi tiếng. “Tôi thần tượng ca sĩ Đ.V.H lắm”; “Còn thần tượng của tôi là các diễn viên Hàn Quốc” – bạn vẫn thường nghe nhiều người nói như vậy phải không?

Và nhiều người yêu “thần tượng” của mình bằng cách tỏ ra hâm mộ, dán ảnh thần tượng khắp phòng, mặc đồ giống họ, xin chữ ký, kết bạn, thậm chí đánh nhau để bênh vực thần tượng mình với các anti fan… mà chẳng có fan hâm mộ nào chắp tay, thắp nhang vái lạy như tượng thờ thần cả, trừ khi người nổi tiếng đó qua đời. Mà khi đó chắc thôi thần tượng và chuyển qua người khác không chừng.

 

8) Khốn nạn

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Từ cũ có nghĩa là khốn khổ mà còn gặp nạn đến mức thảm hại, đáng thương. Nhưng nghĩa mới hơn lại khác xa một trời một vực. Đó là ý nói những kẻ hèn hạ, không có nhân cách, độc ác, không ai yêu quý. Khi bị chửi “khốn nạn” nghĩa là đang bị người ta nguyền rủa đấy. Bạn muốn dùng theo nghĩa nào? Cẩn thận khi nói nhé!

 

9) Chung cư

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Được hiểu theo nghĩa nhà ở chung cho cả tập thể là sai vì không hiểu nghĩa gốc của tiếng Hán. Trong khi “chung” nghĩa Hán là cuối cùng, như lâm chung là sắp chết. Thì “chung” hiểu theo tiếng Việt là cùng nhau. Còn “cư” lại hiểu chính xác từ gốc nghĩa là nơi ở. Như vậy “chung cư” hiểu cho đúng phải là nơi ở cuối cùng, ý nói nghĩa địa, dưới mồ chứ không phải nhà tập thể đâu nha. Muốn đúng nghĩa phải là “chúng cư”, nơi cho dân chúng ở. Nhưng mà nghe có vẻ kỳ cục. Vậy ở đây 50% Tàu, 50% ta cho phù hợp với người Việt mình. Nhở???

 

10) Da liễu

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Được xuất hiện rõ ràng nhất ở “Bệnh viện da liễu”, “khoa da liễu” trên khắp mọi tỉnh thành Việt Nam. Nhưng có ai biết rằng “da” là một từ thuần Việt, còn “liễu” trong từ hoa liễu, theo tiếng Hán đó là một ổ đĩ điếm chứ không phải một thứ bệnh gì cả. Về sau người ta dùng cụm từ ghép “bệnh hoa liễu” để chỉ các loại bệnh qua đường tình dục vì những người hay đi đến hoa liễu (là lầu xanh, nhà thổ, nhà chứa). Bản thân chữ “liễu” chính là cây liễu (người ta mượn hình ảnh này để ví phụ nữ, “liễu yếu đào tơ” là vậy). Dùng chữ “hoa liễu” để gọi tên một loại bệnh là sai rồi, đằng này bỏ luôn chữ hoa, và ghép chữ “da” vào thì xem như cây liễu mắc bệnh về da còn gì. Cơ mà dân tộc ta vẫn cứ thói quen chơi chữ nên dù dùng sai từ vẫn được chấp nhận trên mọi phương diện.

 

11) Osin (ô sin)

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Xuất phát từ bộ phim truyền hình nhiều tập của Nhật Bản “Oshin”. Kể về chuyện đời của một nhân vật nữ tên Shin Tanokura, sinh ra trong một gia đình bần nông có đông anh chị em. Lúc 6 tuổi bà đã bị bán đi làm giúp việc cho lần lượt những gia đình nhà giàu, và trải qua tuổi thanh xuân cơ cực, gian khổ. Tuy trong cái tên “Oshin” theo tiếng Nhật nó mang một ý nghĩa đẹp đẽ, cao sang, nhưng sau khi bộ phim kết thúc, người ta dần hình dung khái niệm Osin là những người giúp việc, người ở đợ trong nhà. Tuy cách dùng này không chính xác, nhưng nó giúp nói giảm nói tránh cho công việc không có gì cao quý, ít người tôn trọng cho dù đó là một việc làm chân chính.

 

12) Nề nếp

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Là cách biến âm của “nền nếp” cho dễ nói. Là thói quen giữ gìn những quy tắc, kỷ luật sinh hoạt trong gia đình hay ở cơ quan, trường học một cách có trật tự, nghiêm túc, và không kém phần khắc khe, khuôn mẫu. Một số tài liệu, văn bản người ta vẫn duy trì viết “nề nếp” hoặc “nền nếp” và được chấp nhận cả hai.

 

13) Sinh đẻ

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

“Sinh” trong tiếng Hán là một động từ diễn tả sự ra đời một vật thể, thế mà kết hợp với từ “đẻ” là từ thuần Việt cùng nhau thì ra là hai lần đẻ. Không phù hợp chút nào, nhưng trong ngôn ngữ nói và viết của người Việt, từ “sinh đẻ” vẫn dùng bình thường, chỉ cần viết đúng chính tả là được.

 

14) Sáng lạng

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Là từ viết sai chính tả. Trong từ điển chỉ có từ “xán lạn” theo phiên âm của Hán Việt, để nói về tương lai tương sáng, rực rỡ. Nhưng với người Việt “xán” và “lạn” hoàn toàn vô nghĩa vì vậy họ phải viết cái gì bật lên được ý nghĩa của rực rỡ nhất thì trong từ “sáng lạng” có từ “sáng” mới đáp ứng đầy đủ nguyện vọng. Nhưng “sáng lạng” mới đúng là từ vô nghĩa.

 

15) Điều kiện

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Có khi được hiểu theo nghĩa là yêu cầu, đòi hỏi đặt ra, ví dụ trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh. Vua cha ra điều kiện “phải có voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, ai mang sính lễ tới đủ và tới trước nhất thì được cưới công chúa.”

Nhưng nếu nói: “con nhà có điều kiện”, nghĩa là con nhà giàu. Hoặc: “tôi không có điều kiện để mua nhà thành phố”, nghĩa là tôi không có tiền. Điều kiện lúc này chính là có tiền, không có tiền phải có của cải. Dùng từ kiểu này chỉ có người Việt là vô đối.

 

16) Hoàn cảnh

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Một cách nói tắt cho cụm từ “hoàn cảnh nghèo khó”, “hoàn cảnh khó khăn” nói chung không lấy gì làm sung sướng, đầy đủ vật chất hoặc tinh thần. Bạn chẳng thường nghe nói: “thằng bé đó nhà nó hoàn cảnh lắm”, hay “hoàn cảnh của em nó thế”. Nhưng theo Wiktionary, thật ra nghĩa đúng của “hoàn cảnh” là toàn thể những hiện tượng liên quan đến nhau ở nơi nào đó và có tác động thường xuyên đến mọi sinh hoạt tại đó. Như vậy nó bao gồm giàu, nghèo, tốt, tệ, đang lên hay đang xuống dốc… Ôi từ ngữ vẫn cứ là từ ngữ, nhưng chỉ có người Việt mới giàu sức sáng tạo, chơi chữ giỏi như vậy.

 

17) Chất lượng

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Chiết tự ra sẽ có “chất” là vật chất, khối chứa bên trong một vật. “Lượng” là cân nặng, được cân đo đong đếm để có kết quả là một con số. Nhưng người ta lại dùng chữ “chất lượng” cho một sản phẩm tốt hoặc xấu chứ không quan tâm khối lượng, cân nặng bao nhiêu. Báo đài vẫn viết, đọc oan oan là: “Cam kết chất lượng”, “Chất lượng là trên hết”, “Thực phẩm kém chất lượng”...

 

18) Trung tâm

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Chưa lúc nào từ này trở nên lạm dụng như bây giờ. Một cơ sở chuyên một lĩnh vực nào đó mở ra, họ đặt lên bảng hiệu mình hai chữ “trung tâm” trước tiên mà chưa biết đã hiểu hết ý nghĩa hay chưa. Như: trung tâm gia sư, trung tâm bảo hành, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm nha khoa… cho dù “trung tâm” đó không nằm trong trung tâm dân cư hay “làm trùm” khu chuyên hoạt động lĩnh vực nào đó, cơ sở vật chất có khi bé tẹo, không tập trung nhiều hoạt động có ảnh hưởng và tác dụng lan tỏa. Thế nên từ ngữ chỉ mang tính chất thổi phồng sự thật mà thôi.

 

19) Giáo sư

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Bây giờ danh từ này nghe có vẻ to lớn, học thức cao ngất ngưỡng nhưng thật ra trong Hán tự, nghĩa của “giáo sư” chỉ là thầy dạy học thôi. Thời trước, chức danh này ở nước ta cũng gọi cho những giáo viên dạy trung học từ lớp 6 đến 12, hoặc đại học. Nhưng giờ nó được nâng lên thành học hàm cao nhất cho cán bộ khoa học có trình độ cao, có nghiên cứu phát triển khoa học hoặc dạy học ở những viện nghiên cứu hẳn hoi.

Giáo sư cũng coi là một chức danh dành cho cán bộ cao cấp giảng dạy môn học ở trường đại học hay học viện, được nhà nước phong tặng do đáp ứng đủ tiêu chí luật định về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nó không bao hàm quyền hạn, nhiệm vụ với chức danh này. Nói chung “giáo sư” là một kiểu nâng cấp quá mức cho nghĩa người dạy học.

 

20) Mất mạng

Từ ngữ, tiếng Việt, Việt Nam, tiếng Hán, từ mượn

Chúng tôi gọi đây là một từ “nghiệt ngã” vì nó viết giống nhau nhưng có tới hai nghĩa chẳng “bà con họ hàng” gì nhau. Lấy ví dụ cho dễ hiểu:

Nếu nói: “Sự cố đứt cáp quang AAG ở Vũng Tàu ngày xyz làm mất mạng…” thì nghĩa là đứt cáp, mất internet rồi.

Còn nói: “Thằng hung thủ đâm một dao vào tim, khiến nạn nhân mất mạng”, nghĩa là anh đó coi như chết toi rồi.

Ví dụ vui vậy thôi, chốt lại là từ ngữ Việt Nam phong phú và giàu ý nghĩa, chúng ta phải dùng cẩn thận cho đúng hoàn cảnh để không gặp chuyện dở khóc dở cười nhé!

 

Sau đây là một video khiến chúng ta phải suy ngẫm về việc “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”, khi mà đa số giới trẻ hiện nay thích nói chuyện tiếng mẹ đẻ chêm thêm tiếng Anh cho sành điệu:

Bác Hồ đã nói “Hãy giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”, nhưng thực tế từ ngữ dùng trong đời sống hằng ngày cho mọi tầng lớp, mọi đối tượng và tất cả lứa tuổi nên nó phải có sự phát triển đa dạng để hợp với xu thế chung. Miễn sao trong mỗi người tự có trách nhiệm, ý thức với những gì mình nói và viết. Hạn chế sáng tác, lắp ghép các ký tự chữ, số một cách vô nghĩa, khó hiểu. Tiếng Việt mình vốn là ngôn ngữ giàu sắc thái tình cảm, tính biểu đạt cao. Bản thân mỗi người nên tự thấy hạnh phúc vì được nói thứ tiếng tuyệt vời này.

Nếu bạn thấy bài viết “Những từ ngữ phong phú của Việt Nam và tại sao nó sai” thật hay, hãy chia sẻ nó cho mọi người cùng đọc. Cùng đóng góp thêm những ý kiến của bạn bằng cách gửi bình luận cho chúng tôi. Đón xem những bài viết mới trên fanpage và website LaLung.vn. Chúc bạn luôn được nghe và nói những lời hay ý đẹp mỗi ngày.

Bài viết liên quan: