Những món người miền Tây nêm quá ngọt

Ngày 07/06/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Nước ta có ba miền: Bắc, Trung, Nam và phần cuối miền Nam người ta gọi là miền Tây.

Một vùng đất có nhiều cây trái tốt tươi, nhất là các loại trái nhiều đường như sầu riêng, dừa, mía, xoài, chôm chôm, nhãn…

Trẻ con miền Tây khi còn bé đã ăn rất nhiều trái và món ngọt được chế biến từ các loại quả này.

Thói quen đó truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và có lẽ nó đã hình thành nên khẩu vị đặc trưng vùng miền.

Chính vì vậy người ta hay thấy người miền Tây thích ăn ngọt hơn so với miền Bắc và Trung. Dưới đây là những món người miền Tây nêm quá ngọt mà bạn sẽ phải ngạc nhiên đấy.

 

1) Món kiểm

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Còn được gọi là canh kiểm, có nguồn gốc từ Nam Bộ Việt Nam. Thường được ăn trong mùa chay, nhưng nếu muốn đổi một bữa thanh đạm, nhẹ nhàng bạn cũng có thể nấu món này cho gia đình thưởng thức.

Nguyên liệu là những loại nông sản dễ kiếm, gồm có: bí đỏ, đậu que, khoai lang, đậu phộng, bột khoai, đậu hủ trắng, mướp, tàu hủ ki, nấm kim châm, nấm mèo, bún tàu và một thành phần tạo nên vị ngon cho món ăn đó là nước cốt dừa. Trước khi nấu lúc nào cũng phải sơ chế nguyên liệu:

- Bột khoai, nấm mèo, bún tàu, tàu hủ ki ngâm nước lạnh cho nở, rửa sạch rồi cắt vừa ăn.

- Khoai lang, bí đỏ, đậu que, mướp, đậu hủ, nấm kim châm thái miếng vừa ăn.

- Đậu phộng chia làm hai phần. Một phần đem luộc sơ lột vỏ lụa, phần còn lại đem rang rồi giã sơ.

Giờ nấu nhen:

Cho bột khoai vào cùng với nước cốt dừa nấu sôi. Cho tiếp khoai lang, bí đỏ, đậu que, mướp, đậu phộng luộc vào. Đun lửa nhỏ đến khi các nguyên liệu chín mềm. Khi các nguyên liệu chín tiếp tục cho đậu hủ miếng, đậu hủ ki vào, đừng quên bún tàu, nấm mèo, nấm kim châm nữa nhé! Sau đó nêm nếm gia vị gồm bột nêm chay, muối, đường, khuấy đều để hòa tan vào nhau. Nếm thử, nếu thấy có đủ vị ngọt ngọt, mặn vừa, beo béo thì chúc mừng bạn, bạn đã thành công với món này rồi.

Sau đó múc ra tô, trình bày cho đẹp hơn bằng cách rải ít đậu phộng rang lên, thế là gia đình bạn đã thưởng thức một món canh giàu chất dinh dưỡng rồi. Nhấp thử một muỗng nước canh, chà… vị thơm béo của nước cốt dừa, vị ngọt thanh của các loại rau củ, cắn một miếng khoai thấy bùi bùi.

Một món ăn giàu chất xơ và vi chất dinh dưỡng mới tốt cho sức khỏe làm sao. Tuy đây gọi là canh, nhưng những nguyên liệu toàn có vị ngọt nên nếu bạn là người Bắc, hay Trung có thể khó nuốt nổi, nhất là nếu ăn với cơm hay bún thì siêu mau ngán. Nhưng người miền Tây thì họ ăn một cách ngon lành đấy.

 

2) Cà ri

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Thêm một món nêm rất ngọt khác ở miền Tây đó là cà ri. Nó đậm đà, ngọt ngào như bản chất người Nam Bộ. Nguyên liệu chính là một con gà, chọn loại gà thả vườn, gà trống già hay gà mái dầu thịt sẽ ngon hơn gà công nghiệp. Hai trái dừa tươi, nước cốt dừa. Hai củ cà rốt tỉa hoa và cắt lát dày, một củ hành tây cắt múi cau, 2-3 củ khoai tây và khoai lang cắt khúc lớn.

Bột cà ri, 4 sả cây đập dập, ớt băm nhuyễn, hành tím và tỏi băm nhuyễn, màu dầu điều, một muỗng canh bột năng hoặc bột bắp. Bắt tay vào nấu nào!!!

Phi thơm hành, tỏi, ớt, sả cây đập dập, tắt bếp để nguội khoảng 10 phút. Sau đó lấy số nguyên liệu này ướp với gà, cho thêm bột cà ri vào, nêm chút bột nêm, nước mắm, đường.

Trộn đều tất cả rồi để cho thấm khoảng 1 tiếng. Sau đó bắt nồi gà ướp lên bếp trở lại, cho chút dầu điều vào tạo màu, đợi nồi gà nóng lên bạn đổ hết một tô nước dừa tươi vào, có thể cho thêm nước lạnh hoặc nước dùng gà tùy theo số lượng người ăn.

Khi nồi gà sôi lại, bạn cho hết khoai lang, khoai tây, cà rốt vào nấu mềm khoảng 5-7 phút, nêm thêm gia vị cho vừa ăn. Cuối cùng cho hành tây, nước cốt dừa vào, giữ lửa như vậy thêm 1 phút rồi tắt bếp. Trộn các nguyên liệu một lần nữa và múc ra chén, món này ăn kèm với bánh mì, hay bún đều tuyệt cú mèo. Gà sẽ chấm với hỗn hợp muối, ớt, nước cốt chanh.

Mách nhỏ cho bạn để có nước dùng ngon ngọt thanh tự nhiên, ta chọn loại dừa già và giảm đường lại. Như vậy linh hồn của món này chính là vị ngọt ngọt, béo béo của nước cốt dừa đấy. Dù sao đây cũng là món nêm khá ngọt mới đúng phong cách miệt vườn, nên nếu không hảo ngọt, bạn có thể chỉ ăn được vài miếng là ngán ngay.

 

3) Canh chua cá lóc

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Đã nói canh chua thì nhất định phải có vị chua làm trùm rồi, nhưng riêng ở miền Tây, khẩu vị ở đây đa số chịu ngọt, nên món canh dân giã này ngoài chua ra thì vị ngọt luôn trội hơn, chủ yếu là từ rau, củ và đường. Để nấu món này, đầu tiên phải “nắm đầu” được một em cá lóc tươi ngon đã.

Rồi thủ sẵn các loại rau quả nấu chua như: bạc hà, các loại rau thơm: hành, ngò gai, rau om. Còn có giá, cà chua, me, dứa, đậu bắp. Không thể thiếu ớt bằm và tỏi nha. Mọi thứ có rồi, bạn phải sơ chế nguyên liệu đâu ra đó hết, như cá cắt khúc, cà chua cắt múi cau, đầu hành băm nhỏ, dứa cắt miếng, bạc hà tước vỏ rồi cắt từng khúc, đậu bắp cũng như vậy. Sắp xếp các nguyên liệu ngay ngắn trên đĩa nhé. Xắn tay áo lao vào, bật bếp được rồi.

Nhưng mà khoan, bạn còn chưa ướp cá cơ mà. Cá lóc lấy từng miếng ướp với ớt băm, bột nêm và ba muỗng cà phê nước mắm. Để đó 15 phút nha. Bây giờ mới bật bếp nè, bạn phi thơm tỏi bằm, lấy cá đã ướp lúc nãy ra chiên thật sơ trên mặt chảo ít dầu. Bên cạnh đó bắt một nồi nước sôi khoảng 1,5 lít nước cho 4 người ăn, dằm me lược lấy nước đổ vào.

Khi nước đang sôi cho tiếp cá vào. Lưu ý phải cho nước me vào trước khi cho cá, như vậy cá lóc mới chín ngon, không bị bể thịt. Khi cá gần sắp chín cho tiếp cà chua, dứa, nấu một chút để dứa, cà ra nước chua ngọt. Kế đó thả luôn đậu bắp vào, sau tới “em” bạc hà. Khi nồi canh sôi lại bạn tắt bếp cho giá sống vô.

Tới giai đoạn nêm nếm chuẩn vị Nam Bộ nè: bạn cho từ 1-2 muỗng cơm đường cát, tùy khẩu vị gia đình mình cho cân bằng lại vị chua và đúng khẩu vị miền sông nước, 1-2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cơm nước mắm cho đậm đà, chút xíu bột ngọt. Múc canh ra bát, trang trí với rau thơm, vài lát ớt xắt mỏng. Món canh giàu màu sắc và hương vị này thích họp khi ăn nóng với cơm trắng.

Nếu những ai chưa quen với vị của người miền Tây, ăn bát canh này vào có khi không kết luận được gì ngoài từ “quá ngọt” so với món canh gọi là “chua”. Đó là vì bạn không sống ở đó thôi, nếu không bạn cũng tấm tắt khen ngon ấy chớ!

 

4) Bánh canh lềnh

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Người dân sông nước đã “phát minh” một kiểu bánh canh khác xa loại bánh canh thường ăn. Nếu bánh canh chả cá, bánh canh Trảng Bàng… ngon nhờ nước hầm xương thì với bánh canh lềnh bạn sẽ sốc vì độ ngọt béo của nước cốt dừa. Bánh canh lềnh hay còn gọi là bánh canh bột xắt nấu với thịt vịt. Bạn sẽ biết vì sao gọi như vậy ngay sau đây.

Nguyên liệu chính cho món ăn là bột gạo. Gạo chọn loại không quá dẻo, đem ngâm nước cho mềm rồi xay. Xay xong cho bột vào một túi vải rồi vắt cho ráo nước, để thêm một vài tiếng để bột nở và khô lại. Khi bột thành một khối, dẻo thì nhào bột được rồi, cho chút bột mì vào nữa để bột dẻo và mềm, nhồi bằng tay sẽ mịn. Trong quá trình nhào bột bạn cho thêm nước dão dừa, một ít nước dừa tươi trộn cùng cho bột bánh chút nữa ăn sẽ thơm thơm.

Xong rồi trùm kín bột lại bằng một khăn lông, chúng ta bước qua công đoạn ướp thịt vịt. Vịt muốn ngon thì chọn vịt xiêm vì nó không hôi mùi vịt, thịt chắc, ngọt. Vịt sau khi làm lông, rửa sạch, chặt từng miếng nhỏ ướp với gừng, tỏi phi, mắm, muối, đường để 15 phút cho thấm vị. Sau đó bắt chảo lên bếp, đợi chảo nóng cho ít dầu ăn vào phi thơm tỏi băm, trút số vịt đã ướp vào xào cho đến khi vịt chín tái.

Tiếp theo chuẩn bị một nồi nước sôi, chúng ta dùng nó để nấu bánh canh luôn đấy. Quay lại “mần” bánh canh nè. Lấy bột ra ngắt một miếng bỏ lên chai thủy tinh, lăn qua lăn lại cho bột dẹp vừa đủ rồi kê gần nồi nước sôi, dùng dao xắt từng sợi bánh nhỏ cho rớt xuống nồi.

Đây là lý do vì sao người ta gọi là bánh canh bột xắt đấy. Bạn cứ lấy bột, ép lên chai, xắt bột xuống nồi, cứ như vậy cho đến hết số bột. Dùng đũa đảo sợi bánh từ dưới đáy nồi lên để bột không dính vào nhau. Xong xuôi rồi bạn trút hết thịt vịt xào vào. Để lửa sôi liu riu cho bột và thịt vịt thấm quyện vào nhau, lấy nước cốt dừa rưới nhẹ lên mặt nồi bánh canh.

Món này vị phải béo, nước hơi sệt, lềnh lềnh mới phê tái tê. Mỡ vịt màu vàng cũng nổi lên trên, wow… hơi bị hấp dẫn rồi nghe. Đợi món ăn nguội lạt chút ta sẽ rải hành lá cho thơm. Khi múc ra tô rải thêm tiêu bột. Chuẩn bị sẵn một chén mắm gừng ớt để chấm thịt vịt. Với món này, người sành ăn luôn đòi miếng huyết vịt nấu với nếp dẻo. Chà chà… húp một miếng bánh canh nước lềnh lềnh cay ấm, thịt vịt chấm ngập nước mắm gừng, nhai thêm miếng huyết nếp nữa, ta nói sung sướng cuộc đời dã man luôn.

 

5) Gà roti nước dừa

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Miền Tây được trời phú cho cây trái tốt tươi, mùa nào thức nấy nhưng dừa thì có ăn quanh năm và không bao giờ thiếu, chính vì thế nó cứ góp mặt vào nhiều món đặc sản một cách tự nhiên. Gà rô ti cũng vậy, nguyên liệu rất đơn giản.

Bạn mua một con gà khoảng 1,5 kg, dừa tươi một trái, tỏi, hành tím, ngũ vị hương, nước tương và gia vị nêm nếm cơ bản. Gà làm sạch, chặt miếng vừa ăn, khứa vài đường trên thịt để lát ướp cho thấm vị nhanh hơn. Nguyên liệu để ướp gồm hành tỏi băm nhỏ, hạt nêm, ngũ vị hương một muỗng cà phê, đường, nước tương, tiêu, trộn gà và các nguyên liệu đều lên sau đó để thấm trong 30 phút. Nếu có thời gian, bạn để khoảng 2 giờ lại càng ngon ác liệt. Trong lúc chờ đợi, bạn chặt dừa đi, sẵn tiện uống vài li cho mát ruột mát gan nha.

Đến lúc mở bếp rồi!!! Bạn cho một ít dầu vào chảo sâu lòng, chiên vàng đều 2 mặt gà. Tắt bếp khéo léo trút một nửa số dầu thừa trong chảo ra. Đun nóng trở lại, cho tiếp nước dừa vào xăm xắp mặt. Đậy nắp nồi gà roti để lửa liu riu trong 20-25 phút cho nước cạn dần, thấm vào gà là được. Có thể chừa lại ít nước để chấm rau hoặc bánh mì, chan cơm đều ngon nhức nhối.

Mách nhỏ nè: thay vì ướp đường nhiều, bạn có thể giảm lại và thế bằng mật ong, màu sắc và hương vị sẽ đặc biệt ngon hơn, trông nồi roti còn sóng sánh màu vàng mật rất đẹp. Nhưng ăn vào nếu quá ngọt bạn cũng đừng hoảng vì chúng ta đang trong ẩm thực miền Tây đấy!

 

6) Tép rang nước cốt dừa

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Không hiểu sao vào mùa mưa, khi tiết trời lành lạnh, cái món đơn giản này ăn vào lại rất ngon, nhất là với tô cháo trắng nóng hổi vừa thổi vừa xơi. Để làm món tép rang dừa tuyệt cú mèo, nguyên liệu cần đó là nửa kí tôm đất ngon, hành củ khô, nước cốt dừa và các gia vị nêm cơ bản. Nếu nhà có trẻ con, trong quá trình sơ chế tôm bạn lột vỏ để các bé dễ ăn, còn không để vỏ ăn vẫn tuyệt.

Sau đó ta ướp tép với hành củ khô băm nhỏ, đường, tiêu, bột nêm trong vòng 30 phút. Đợi sau khi thấm gia vị, bạn cho hành băm nhỏ lên bếp phi thơm rồi đổ tép vào xào săn. Đợi tôm chín bạn cho từ từ nước cốt dừa vào, để lửa nhỏ cho tôm ngấm đều vị thơm béo của nước cốt dừa.

Khi nào thấy tôm có màu vàng ruộm, khô giòn thì nhắc xuống. Món tép rang đạt yêu cầu là khi cắn vào vị ngọt dìu dịu, không ngấy, béo, giòn, màu cam tươi mắt. Ăn với cơm trắng kèm với rau tươi, chuối chát, dưa cải mới đậm đà hương vị miền quê. Vì có dừa nên tôm có vị ngọt lấn át, nên nếu nhà có khách ở tỉnh miền khác hãy nói trước để họ khỏi bất ngờ nhé!

 

7) Ốc len xào dừa

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Người dân Hậu Giang không ai không biết món này, thậm chí trẻ con xứ này còn quá quen với gói ốc len quấn trong lá chuối xanh nữa. Ốc được tìm thấy nhiều vô số ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Khi nước sông cạn chỉ trơ lại bùn sình, ốc thích vùi mình trong đó hoặc bò lên các bãi bồi ven biển. Đến khi nước lớn chúng bám lên cây, nhưng chúng lại bám không chắc và người ta chỉ cần đụng tay vô thì rớt ngay. Con ốc len tuy có vẻ ngoài không sang đẹp, no đầy như ốc biển nhưng hễ xào chung với nước cốt dừa thì ngon không để đâu cho hết.

Dường như ở miền Tây, hễ món nào chế biến giản dị lại càng ngon thì phải. Ốc len xào dừa cũng thế. Khi có trong tay một rổ ốc len, ta đem ngâm nước vo gạo hoặc lấy trái ớt giã nát cho vào thau ốc, ngâm vài tiếng cho sạch bùn đất, nhớt rồi xả lại 3-4 lần nước. Sau đó dùng dao chặt một phần ba mình ốc, bỏ đuôi để khi chín dễ hút thịt ốc vào miệng. Về phần nước cốt dừa, đổ vào chảo nóng, nêm chút muối, đường đảo đều, đến khi nước dừa sánh lại thì đổ ốc len vào.

Xào khoảng 5 phút thì ốc chín. Nhắc xuống xúc ra đĩa, trang trí vài cọng rau răm. Ốc len xào dừa có vị ngọt, mằn mặn, béo béo, thơm nức mũi, phải chấm với muối tiêu chanh chua chua, cắn thêm cọng rau răm cay ấm, nhâm nhi đều đều với bia hoặc rượu thì ngon không cưỡng nỗi dù nó có hơi bị ngọt đi chăng nữa

 

8) Thịt kho nước cốt dừa

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Wow, vẫn là sự xuất hiện của dừa. Miền Tây mà! Đi chợ mua 300 gr thịt ba chỉ ngon nha, một chén cơm nước cốt dừa, đủ rồi. Về nhà chuẩn bị thêm một củ hành khô, nước màu, gia vị nêm nữa là đủ. Trước khi vào bếp nấu phải rửa sạch thịt heo cho an toàn vệ sinh thực phẩm nhé! Rồi bật bếp lên, luộc sơ miếng thịt heo 10 phút để bớt hôi. Vớt thịt ra để ráo và nguội, sau đó cắt miếng dày khoảng 1 cm. Cho một muỗng cà phê đường ướp ở nơi thoáng gió, cho vào tủ lạnh càng ok.

Trong khi ướp thịt một tiếng, bạn thái lát mỏng hành khô, cho một xíu xiu dầu ăn (vì món này đã béo sẵn rồi) vào chảo phi vàng hành. Đổ thịt ướp rồi vào xào săn, lẹ tay nêm chút nước mắm, bột nêm, tiêu. Và phần quan trọng nhất là nước cốt dừa, nước màu cùng chút nước lọc vào.

Đậy nắp, kho thịt nhỏ lửa cho thấm và chín mềm. Thịt cạn nước kho thêm chút cho chảy hết mỡ ra mới ngon. Nhưng cẩn thận kẻo cháy thì đi tong “công trình”. Thịt chín đạt tiêu chuẩn thì sẽ có màu cánh gián, bóng bẩy, thơm béo vị dừa, ăn với cơm nóng ngon xuất sắc. Để sáng tạo trong món ăn, bạn có thể kho với cơm dừa, trứng cút chiên cũng tuyệt vời lắm. Nếu không có nước cốt dừa thì kho bằng nước dừa tươi cũng hết sảy nhé! Đặc điểm món này là nước thịt càng keo càng ngọt, nên ăn vừa vừa kẻo mập nhé!

 

9) Cơm nước dừa

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Thay vì ăn cơm trắng, để đổi vị cho cả nhà sao bạn không thử món cơm nước dừa tươi, đúng chất ngon, bổ, rẻ luôn nhé! Đong lượng gạo vào nồi như mọi ngày, mua một bó lá dứa (khoảng 5 cọng), ba chén nước dừa tươi, nửa muỗng cà phê muối, một củ cà rốt, ngò rí. Bắt tay vào chế biến được rồi!!!

Vo gạo với nước sạch để lấy bớt bụi, chất dơ. Rửa sạch lá dứa, cắt khúc bó thành bó. Đổ ba chén nước dừa tươi và nửa muỗng cà phê muối cộng bó lá dứa vào nồi canh nấu sôi. Khi nước thật sôi vớt lá dứa ra, cho gạo vào nồi cơm điện, đổ nước dừa vô, đặt bó lá dứa trên mặt gạo. Đợi cơm chín sôi, chuyển sang chế độ giữ ấm là được.

Trình bày đĩa cơm bằng cách xúc cơm vào chén, ém chặt rồi úp chén cơm vào đĩa là ra một phần cơm gọn gàng, tỉa hoa cà rốt đặt xung quanh đĩa, trang trí thêm vài cọng ngò rí. Cơm thấm nước dừa nên ngọt hơn thường ngày, nhưng đây là khẩu vị ưa thích của người miệt vườn.

Nếu ở dưới quê, có vườn dừa rộng rãi, có chỗ nấu lửa than, người ta dùng hẳn từng quả dừa xiêm để nấu cơm. Đầu tiên là khoét miệng dừa hình tròn để lấy hết nước, đổ gạo vào, đổ nước dừa xăm xắp mặt gạo, đậy nắp dừa rồi hấp cách thủy khoảng 1 tiếng. Khi vỏ quả dừa chuyển sang màu vàng nâu thì cơm chín.

Thành phẩm cơm nước dừa sẽ có vị ngọt thanh, thơm mùi dừa, cơm dẻo. Chuẩn bị một dĩa tôm đất rang bên cạnh nữa là ngon số dzách.

 

10) Chuột quay chảo

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Chuột tuy có hơi kinh dị với nhiều người, nhưng với người miền Tây đó là đặc sản hấp dẫn. Thông thường “nạn nhân” sẽ là những chú chuột đồng hoặc chuột dừa, vì nó sạch sẽ hơn chuột cống và cũng khá mập mạp. Sơ chế chuột có hai cách: một là thui lột da. Đó là dùng rơm đốt lên và bỏ những con chuột vào thui cho tới khi lông cháy, da chuột nứt thì cắt mỏ, bỏ răng, lột da. Chuột sau khi làm lông xong trắng hếu, bắt mắt cực kỳ.

Hai là không thui mà vẫn lột da. Thường sẽ cắt bỏ đầu, bỏ tay chân, bỏ đuôi. Lột da từ trên xuống, mổ bụng bỏ ruột, có thể giữ lại lá gan.

Vào công đoạn ướp thịt. Chặt thịt chuột làm 3-4 khúc, xả ớt băm chung thật nhuyễn. Dừa khô một trái nạo cơm vắt lấy nước cốt và nước dão để riêng. Một ít lá xuân tươi hoặc lá quýt tươi xắt nhuyễn. Đậu phộng rang giã nhuyễn. Ướp thịt chuột với xả ớt, chút bột nêm, nước mắm, muối, đường khoảng 10 phút.

Bắt chảo lên bếp phi mỡ nước, khử tỏi thơm vàng, trút thị chuột vào xào, đổ thêm bát nước dão. Đảo đến khi cạn nước rồi cho nước cốt dừa vào nấu cho đến lúc sền sệt. Nước cạn cho lá xuân hoặc vỏ quýt vào, tắt bếp. Dừa làm món ăn có vị ngọt nổi bật, nhưng nhờ ướp sả ớt mà không ngán, vỏ quýt giúp lợi tiêu hóa, nên chắc chắn làm mồi nhậu là số dzách.

 

11) Bánh chuối hấp

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Chuối là một loại trái cây ngon, giàu chất dinh dưỡng và cũng là nguyên liệu dễ làm món ngọt, ví dụ như bánh chuối hấp nước cốt dừa. Lưu ý: thức ăn này không dành cho người ăn kiêng vì vừa ngọt ngay lại vừa béo.

Nguyên liệu gồm: 10 trái chuối sứ chín, nước cốt dừa 1 lon, nước dão, 125 gr bột năng, 200 gr đường cát vàng, 100 gr bột gạo, 1 ống vani, mè, một chút muối ăn. Bạn cắt chuối thành những lát tròn mỏng, để dành vài miếng trang trí ra riêng, còn lại dùng tay bóp sơ, không được bóp nát nhé.

Chia một phần nước dão vào một cái tô, khuấy đều với 50 gr đường, vani, bột năng. Bạn cho chuối bóp lúc nãy vào trộn cùng hỗn hợp nước dão này. Chuẩn bị một khuôn hấp, phết lớp dầu ăn mỏng dưới đáy rồi đặt vào nồi hấp. Khi dầu nóng ta cho tòan bộ chuối trộn vào, xếp các lát chuối mỏng lên mặt nữa thì xinh xắn lắm nha. Hấp bánh trong 20 phút là được.

Trong khi đợi bánh chín, bạn nấu nước cốt dừa nè. Hòa 50 gr đường, xíu muối, một thìa cà phê bột năng vào nước cốt dừa. Khuấy nhẹ với lửa vừa đến khi nước cốt sôi, sệt lại là được. Rang mè trắng cho vàng rồi chuẩn bị lấy bánh ra. Bánh chín đạt yêu cầu là khi dùng tăm xăm vào giữa thì trên tăm sẽ không dính bột bánh. Đợi bánh nguội cắt một miếng ra, rải nước cốt dừa lên, rắc ít mè rang là có thể thưởng thức được rồi. Hãy thử và chúc bạn thành công nhé!

 

12) Chè chuối chưng

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Tiếp tục điệp khúc chuối, nước dừa và nước cốt dừa ta sẽ có thêm món chè, cái này cũng vừa ngọt vừa béo nè. Ngoài ba nguyên liệu này, bạn cần có thêm nửa chén bột báng, nửa chén đường vàng, chút muối, một củ khoai lang vàng, đậu phộng rang. Ôi, chuối, dừa, khoai vốn đã ngọt rồi nha.

Chuối bạn lột vỏ, ngâm sơ với muối cho hết chất chát. Vớt chuối ra cắt xéo vừa ăn, ướp với chút đường để một lát cho thấm. Bột báng ngâm nở, giã nát đậu phộng rang luôn. Khoai lang gọt vỏ, ngâm nước cho hết nhựa, cắt vuông rồi đem luộc chín. Nước dão dừa pha thêm xíu muối, đường nấu sôi lên.

Cho bột báng vào nấu tiếp, đảo đều để bột báng không khét dưới đáy. Tiếp theo cho chuối vào, một lát sau cho tiếp khoai lang, nước cốt dừa vào. Nấu khoảng 15 phút cho chuối nhừ, bột báng nở đều, trong suốt là được. Chè dĩ nhiên phải bỏ đường, nêm cho vừa nào! Món này ăn nóng hay lạnh đều được, nhưng lạnh ngon hơn đấy. Khi ăn rắc thêm đậu phộng giã lên mặt và đánh chén thôi.

 

13) Canh cải ngọt nấu tôm

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Một món ăn ngon, dễ làm mà không mất nhiều thời gian là đây. Đi chợ mua một bó cải ngọt, một lạng tôm, một nhánh gừng nhỏ, hành tím. Tôm mua về rửa sạch, bóc vỏ, bỏ râu giã thô cùng một chút muối. Gừng thái sợi, hành tím băm phi trên chảo cho thơm, nhanh tay cho tôm giã vào xào. Đổ thêm một tô nước lạnh vào. Khi nước sôi thả cải vào, nêm chút muối, đường, bột nêm, bột ngọt cho vừa ăn. Tắt bếp múc ra tô và chuẩn bị ăn cơm nào. Tôm và cải đều có vị ngọt riêng hòa vào canh được tăng lên gấp bội, nhưng canh này thì dễ ăn thôi hà.

 

14) Cá lòng tong kho

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Trong bữa ăn của người Việt, không thể thiếu món cá kho và đây là công thức của người miền Tây với cá lòng tong. Chuẩn bị 300 gr cá lòng tong tươi, tỏi băm, màu dừa, gia vị nêm nếm. Cá mua về làm sạch ướp với đường, bột ngọt, tiêu, nước màu, nước mắm trong 30 phút.

Bắt nồi kho cá lên bếp, cho chút dầu vào phi thơm tỏi rồi cho cá vào. Cho thêm chút nước rồi đun sôi, nêm nếm gia vị lần nữa rồi đun đến khi nước cá keo lại. Nấu xong tắt bếp, rắc tiêu, ăn với cơm trắng cùng canh cải ngọt là ngon lành lắm đấy nhé! Yêu cầu thành phẩm là cá phải thấm, cay cay, thịt cá không nát, ăn rất hao cơm là thành công. Khuyến khích có một đĩa rau trộn dầu giấm cho cân bằng lại vị ngọt, vì nếu ăn không quen sẽ rất mau ngán.

 

15) Canh rau má

Miền Tây, vị ngọt, trái cây, vùng miền, ẩm thực

Không chỉ là rau mà còn giống thuốc chữa bệnh, như: mụn nhọt, giải độc, táo bón, cải thiện trí nhớ, tăng lượng đường trong máu… Bạn có thể nấu rau má với thịt hoặc tôm đều ngon. Chuẩn bị một bó rau má, 120 gr thịt nạc xay, hành và lá hành boa rô, cùng các gia vị nêm cơ bản.

Rau má rửa sạch, cắt khúc. Thịt xay trộn chút hành băm nhỏ cho xíu mắm, muối, đường, tiêu ướp 15 phút rồi cho vào nồi phi cùng đầu hành và lá hành boa rô. Khi thịt săn lại thì cho một tô nước vào, đợi nước sôi thì cho rau má, nấu thêm 1 phút với lửa lớn rồi tắt bếp. Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Nhờ có rau má làm canh có vị ngọt đáo để, nước không đục, rau má không quá mềm là đảm bảo ngon mắt, ngon cả miệng nữa.

 

Các mem miền Tây không ai không biết con đuông dừa, dưới đây là clip đuông dừa nấu trái dừa, đảm bảo hấp dẫn:

Thói quen “hảo” ngọt tình cờ lại trùng hợp với giọng nói và tính cách ngọt ngào, dịu dàng, ăn nói nhỏ nhẹ như rót mật vào tai của người dân xứ sông nước, điều đó càng củng cố thêm sự hiếu kỳ của những du khách muốn tìm hiểu thêm về văn hóa ẩm thực phương nam Việt Nam.

Nếu bạn thích bài viết “Những món người miền Tây nêm quá ngọt” hãy tặng chúng tôi một “like”, thả tim, và chia sẻ bài viết trên trang cá nhân của mình nhé. Đừng quên đón xem những bài viết mới nhất được cập nhật hằng ngày trên fanpage và website LaLung.vn. Chúc bạn một ngày vui vẻ, ăn ngon và ngủ ngon nhé!

Bài viết liên quan: