Những thảm họa có sức tàn phá kinh khủng gây ra bởi chứng thiếu ngủ

Ngày 18/11/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận lợi ích của giấc ngủ. Một giấc ngủ chất lượng sẽ tiếp thêm nguồn sinh lực giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn vào ngày hôm sau. Tầm quan trọng của việc ngủ đủ giấc hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mực, nhiều người thậm chí còn ngó lơ lời cảnh tỉnh về những hậu quả nghiêm trọng của chứng thiếu ngủ. Trên thực tế, trong thời gian ngắn, thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, cản trở não bộ ghi nhớ thông tin, làm giảm khả năng đối phó với căng thẳng và xử lý tình huống.

Theo thời gian, nếu tình hình không được cải thiện, mất ngủ sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, là nguyên nhân trực tiếp gây ra các chứng bệnh nguy hiểm như bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và suy giảm chức năng nhận thức và một số bệnh thần kinh khác.

Kết quả một báo cáo tại Mỹ cho thấy, có khoảng 30% lực lượng lao động tại nước này trung bình ngủ ít hơn sáu giờ một đêm. Nhiều nhà nghiên cứu lo ngại, thiếu ngủ có thể sẽ là vấn nạn và tiền đề cho một số vấn đề nghiêm trọng có thể sẽ xảy ra trong tương lai gần. Trên thực tế, lịch sử đã không ít lần chứng kiến những thảm họa có sức tàn phá kinh khủng gây ra bởi chứng thiếu ngủ.

 

10) Thảm họa tràn dầu Exxon Valdez

Exxon Valdez

@ecowatch.com

Được coi là một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất mọi thời đại, sự cố tràn dầu Exxon Valdez ngày 24/3/1989 đã đổ gần 42 triệu lít dầu xuống khu vực Prince William Sound, gây ô nhiễm nặng nề vùng biển ngoài khơi bang Alaska.

Theo dự kiến, con tàu chở dầu khổng lồ của công ty Exxon sẽ xuất phát theo từ Valdez (Alaska) đi Long Beach, bang California, một tuyến đường mà những lái tàu của Exxon đã có tới 8.700 lần đi qua trong suốt 12 năm. Do đó, vụ tai nạn này đã được giới thuyền thông gọi là một trong những “thảm họa ngớ ngẩn và không đáng xảy ra nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

Chịu trách nhiệm điều khiển con tàu Exxon Valdez ngày hôm đó là thuyền trưởng Joseph Hazelwood. Theo báo cáo, phải làm việc liên tục trong suốt hai ngày và chỉ có 3 tiếng/ngày để ngủ đã khiến các lái tàu ngủ gật làm tàu đi chệch hướng, đâm vào dãy đá ngầm tại eo biển Prince William vịnh Alaska san hô. 1/3 lượng dầu trên tàu tràn xuống biển gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường và động vật hoang dã sinh sống tại vùng biển Alaska.

Sự cố tràn dầu Exxon Valdez tiếp tục giữ vị trí số 1 về tai nạn hàng hải và thảm họa môi trường lớn nhất lịch sử. Hàng nghìn kilomet bờ biển đã hoàn toàn bị phá hủy cùng với các hệ sinh thái gần đó. Dầu loang trên diện tích rộng cũng khiến ngư trường khu vực Prince William Sound phải đóng cửa suốt hàng thập niên qua. Tổng thiệt hại gây ra ước tính lên đến hàng chục tỷ USD.

 

9) Sự cố Three Mile Island

Three Mile Island

@Library of Congress

Khoảng 4 giờ sáng ngày 28/3/1979, tai nạn xảy ra tại tổ máy số 2 nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island. Nguyên nhân là do hệ thống làm nguội của lò phản ứng hạt nhân bị hỏng, nước làm nguội chảy ra làm thủng lò khiến cho những chất phát xạ rò rỉ và thấm vào lòng đất.

Theo thiết kế, khi xảy ra sự cố, hệ thống van làm giảm sự gia tăng áp lực cơ học sẽ được kích hoạt để khiến nước làm nguội không thể tiếp cận được máy phát điện. Van được thiết kế để có thể tự đóng khi áp lực trở về mức ổn định, nhưng không! Tại hiện trường, báo cáo cho thấy van trong phòng điều khiển đã không hoạt động. Điều đáng trách là nhân viên nhà máy điện hoàn toàn có thời gian để phát hiện và ngăn chặn sự cố tràn nước làm nóng chảy một phần vùng hoạt của lò phản ứng.

Không chỉ không nhận ra nguyên nhân sự cố là ở hệ thống làm mát mà những người có mặt tại hiện trường ngày hôm đó còn phản ứng chậm chạp, đưa ra những quyết định không chính xác làm tình hình càng thêm tồi tệ. Các điều tra sau này đã đưa ra kết luận chứng thiếu ngủ chính là thủ phạm khiến phán đoán và mọi quyết định hay chỉ đạo trở thành một “thảm họa” đúng nghĩa.

Hậu quả là nhà máy điện Three Mile Island phải mất đến 12 năm và hơn 1 tỷ USD cho công tác dọn dẹp hậu sự cố. Hàng trăm người dân sống quanh khu vực nhà máy đã được xác nhận mắc bệnh ung thư da và khó thở, chưa kể những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà hiện tại các thế hệ đương thời và các thế hệ con cháu sau này vẫn đang phải gánh chịu. Sau thảm họa, lò phản ứng TMI-2 bị đóng cửa cho đến nay.

 

8) Sự cố mắc cạn của tàu Star Princess

Star Princess

@Dashers

Vào tháng 6/1995, con tàu du lịch Star Princess dài 246 mét của Liberia xuất phát, bắt đầu chuyến hải hành kéo dài 7 ngày từ Vancouver đến Skagway, Alaska. Khi chỉ còn cách Juneau khoảng 40 km, một lỗi lầm ngớ ngẩn của nhân viên đã khiến con tàu đâm vào rặng đá ngầm và bị mắc cạn.

Vụ va chạm khiến mạn phải tàu Star Princess bị hư hỏng nặng, đáy tàu và các thùng nhiêu liệu chở trên tàu bị vỡ khiến khoảng 19 lít dầu tràn ra ngoài. Rất may là không có thiệt hại về người, 1.568 hành khách trên tàu và thủy thủ đoàn vẫn an toàn.

Về sau, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đã xác định nguyên nhân gây ra sự cố Star Princess bắt nguồn là do nhân viên lái tàu ngủ gật.

 

7) Vụ nổ tàu con thoi Challenger

Challenger

@CBS News

Không hề đơn giản để đưa một con tàu con thoi vào không gian, phải tốn rất nhiều tài lực và những đêm dài không ngủ của hàng trăm con người. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi những nỗ lực đó lại là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ nổ tàu con thoi thảm khốc nhất lịch sử nước Mỹ.

Ngày 28/1/1986, tàu con thoi Challenger rời bệ phóng ở mũi Caneveral, Florida mang theo 7 phi hành gia trên đường làm nhiệm vụ. Chỉ 73 giây sau, một sự cố bất ngờ ở một trong các tên lửa đẩy phụ đã khiến tàu coi thoi nổ tung thành nhiều mảnh, làm thiệt mạng toàn bộ phi đội bay trước sự chứng kiến và bàng hoàng của cả thế giới. Hậu sự cố, một nghiên cứu chuyên sâu đã đưa ra kết luận mất ngủ là nguyên nhân góp phần gây ra thảm họa trên.

Theo báo cáo, nhân viên trực tiếp tham gia vào dự án tàu con thoi Challenger đã phải làm việc liên tục đến 1 giờ sáng, tức họ chỉ có một vài giờ để ngủ vào hôm trước khi con tàu rời bệ phóng. Điều này làm gia tăng tỉ lệ mắc phải những lỗi lầm. Đáng buồn thay, những sai lầm này đã dẫn đến một kết cục thảm khốc, trực tiếp tước đi mạng sống của cả 7 người có mặt trên chuyến bay.

 

6) Thảm họa máy bay Air France

Great Heck

@Pawel Kierzkowski

Chuyến bay 447 của Air France là một chuyến bay vận chuyển khách quốc tế bằng máy bay Airbus A330. Ngày 1/6/2009, chuyến bay xuất phát từ Sân bay quốc tế Rio de Janeiro-Galeão ở thành phố Rio de Janeiro, Brasil đến Sân bay Paris-Charles de Gaulle, Pháp đã bị rơi trên vùng biển Đại Tây Dương làm toàn bộ hành khách và phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng. Điều gì đã khiến một chiếc máy bay được xem là tối tân nhất thời bấy giờ, được điều khiển bởi những nhân viên ưu tú với nhiều giờ bay tích lũy đột ngột mất tích để rồi gặp tai nạn mà không hề có bất kỳ một báo động nguy hiểm nào?

Quay lại thời điểm trước khi 447 cất cánh. Phi hành đoàn đã có tới ba ngày nghỉ ngơi tại Rio de Janeiro trước ngày quay về. Theo lẽ thường, lẽ ra phi cơ trưởng Marc Dubois và những phi công phó trên chuyến bay Pierre-Cedric Bonin và David Robert đã phải nghỉ ngơi đầy đủ, nhưng không! Trong một báo cáo hậu tai nạn đã tiết lộ: Phi cơ trưởng chỉ ngủ 1 giờ trước khi chuyến bay và tình hình cũng không khá hơn với cả hai người phi công phụ tá của ông.

Bốn giờ đầu tiên, chuyến bay đã diễn ra suôn sẻ dù các thành viên phi hành đoàn tỏ ra khá mệt mỏi. Có lẽ chính vì thế mà Dubois đã quyết định sẽ vào phòng nghỉ phía sau buồng lái chợp mắt một lát. Trên thực tế, chuyện này đã được ông thông báo cho các đồng nghiệp trước và lẽ ra mọi thứ sẽ không thể tồi tệ đến vậy.                        

Trong lúc không ngờ đến nhất, máy bay đột nhiên rơi vào một vùng xung đột khí động học và mọi sự bắt đầu hỗn loạn ngay sau đó. Theo như những âm thanh được ghi lại trong hộp đen được trục vớt sau tai nạn cho thấy phi cơ trưởng đã vội vã lao vào buồng lái ngay khi có báo động. Mặc dù đã cố hết sức cứu máy bay đến giây phút cuối cùng nhưng ông và các phi công vẫn bất lực khi tất cả đã quá muộn. Toàn bộ 228 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng chỉ trong 4 phút, cũng là thời gian vụ tai nạn xảy ra.

 

5) Vụ tai nạn tàu cao tốc Great Heck

Great Heck

@BBC

Vụ tai nạn tàu cao tốc Great Heck được xem là tai họa đường sắt tồi tệ nhất nước Anh trong thế kỷ 21. Nguyên nhân của bi kịch này đã được cảnh sát xác định là vì một tài xế ngủ quên đã để xe đi vào làn đường sắt.

Sự việc xảy ra vào ngày 28/2/2001 khi Gary Hart ngủ quên trên vô lăng chiếc Land Rover. Theo một báo cáo điều tra, trước đó Hart đã có một ngày làm việc vất vả liên tục suốt nhiều tiếng đồng hồ và không được ngủ đủ giấc. Trong một phút mất tỉnh táo, chiếc xe Heck cầm lái nhanh chóng mất lái, lao xuống một con dốc trước khi dừng lại trên đường ray xe lửa.

Ngay lúc đó, tàu cao tốc Great Heck chở khách đang đi tới, đâm vào và kéo lê chiếc xe của Hart tới tận Selby sau đó đâm tiếp vào một chiếc tàu chở hàng. Tại hiện trường, cả hai đoàn tàu đều bị lật bánh, những mảnh vỡ và tiếng la hét, than  khóc vang lên khắp nơi. Chứng kiến tất cả, Hart lập tức báo cảnh sát yêu cầu giúp đỡ nhưng đã quá muộn: Vụ tai nạn xảy ra vào 10 giờ sáng đã khiến 6 hành khách và 4 nhân viên lái tàu thiệt mạng, hơn 80 người bị thương. Hart sau đó đã bị kết án 5 năm tù giam vì lái xe nguy hiểm gây tai nạn chết người.

 

4) Nổ máy bay kinh hoàng trên chuyến 1420 của hãng American Airlines

American Airlines

@NTSB

Mặc dù thời tiết xấu được xem là nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn máy bay McDonnell Douglas MD-82 của hãng American Airlines nhưng theo các điều tra viên: nếu có một giấc ngủ tốt hơn vào hôm trước thì phi cơ trưởng đã đủ tỉnh táo hơn để xử lý tình huống. Ngày 1/6/1999, như thường lệ, chuyến bay chở khách mang số hiệu 1420 rời sân bay quốc tế Dallas–Fort Worth đáp xuống sân bay nội địa Little Rock, Mỹ.

Theo kết quả điều tra từ hộp đen máy bay, có vẻ như trước khi bi kịch xảy ra, phi đoàn đã nhận được thông tin cảnh báo về một cơn bão lớn bất ngờ xuất hiện tại điểm hạ cánh. Trong điều kiện bất lợi như vậy, phi cơ trưởng đã đưa ra phán đoán không chính xác, vẫn quyết định hạ cánh xuống sân bay Little Rock bất chấp thời tiết xấu. Hậu quả là chiếc máy bay đã phát nổ ngay khi vừa chạm đất, biến ngày hôm đó trở thành một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử ngành hàng không Mỹ và thế giới.

Hậu tai nạn, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Hoa Kỳ xác định sự mệt mỏi và tình trạng căng thẳng do thiếu ngủ là một trong số các nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Mười hành khách và phi cơ trưởng đã thiệt mạng, 105 người khác bị thương khi chiếc máy bay lao xuống một sàn diễn thời trang nằm cách đường băng 125 mét, đâm nát hàng rào bảo vệ, va vào một đống đá và một hệ thống chiếu sáng trước khi dừng lại. Chiếc máy bay bị phá hủy hoàn toàn sau vụ nổ.

 

3) Thảm họa tràn khí gas ở Bhopal, Ấn Độ

Bhopal

@The Atlantic

Ngày 2/12/1984, các công nhân trực ca đêm tại nhà máy thuốc trừ sâu UCIL ở Bhopal (Ấn Độ) đã đi ngủ mà không hề biết rằng nhiều người trong số họ sẽ không bao giờ có thể tỉnh lại nữa. Khi họ say giấc nồng, một trong những bồn chứa tại nhà máy thuốc trừ sâu Union Carbide India Limited bắt đầu rò rỉ.

Hệ thống van bị lỗi đã khiến một lượng nước lớn chảy vào thùng chứa 610, đang chứa 42 tấn Methyl isocyanate đẩy áp suất nhanh chóng vượt quá mức thùng chứa có thể chịu được. Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 3/12, một tiếng động lớn phát ra từ nhà máy, lúc này hệ thống an toàn buộc phải tạo ra sự thoát khẩn cấp bằng cách thải ra một lượng lớn các khí ga độc vào không khí để làm giảm áp suất thùng chứa MIC. Một hỗn hợp cá khí ga độc hại tràn ra thành phố, giết chết gần như lập tức 3.800 dân sống xung quanh nhà máy.

Công nhân ngủ gục giữa ca trực đêm được xem là một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng domino không may gây ra bi kịch kinh hoàng này. Sau tai nạn, giới chức trách bước đầu xác định thảm họa tràn khí gas đã cướp di sinh mạng của 15.000 người, làm 600.000 người bị thương nặng, nhiều người trong số đó, có cả người già và trẻ em bị mù vĩnh viễn và mắc phải những chứng bệnh nguy hiểm về đường hô hấp.

 

2) Vụ lật tàu ở Michigan

Michigan

@toledoblade.com

Rạng sáng ngày 15/11/2001, hai chuyến tàu chở hàng đã đâm vào nhau tại địa phận Clarkston, tiểu bang Michigan. Giới chức địa phương biết, nhân viên trực ban chờ đón tàu ở phía nam không nhận được các tín hiệu cảnh báo nên đã cho một chuyến tàu khác từ phía bắc chạy vào cùng một đường ray. Hậu quả là hai con tàu di chuyển với tốc độ 21 km/h, khi đến đoạn đường chuyển giao đã đâm vào nhau gây tai nạn.

Điều đáng chú ý là trước thời điểm tai nạn xảy ra, không ai biết rằng hai nhân viên tàu ga trước đây đã được chẩn đoán mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Hai người đó là ông Allen Yash và Jesse Enriquez, làm việc trên tàu phía nam. Dù vậy, cấp trên của họ cho biết cả hai đều đã được điều trị hết bệnh từ lâu.

Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ đã chỉ ra những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng này, trong đó sự mệt mỏi của các thành viên trên tàu được xem là nguyên nhân hàng đầu. Vụ tai nạn làm dấy lên lo ngại về sự an toàn cho những người thường xuyên sử dụng phương tiện này.

Sau vụ lật tàu, Yash và Enriquez bị thương nặng phải nhập viện điều trị. Khoảng 11.400 lít dầu diesel đã bị rò rỉ, tràn ra khắp đường ray và khu vực xung quanh. Hơn 1,4 triệu USD (khoảng 31,5 tỷ VNĐ) đã được chi ra cho công tác dọn sạch sau đó.

 

1) Thảm họa nguyên tử Chernobyl

Chernobyl

Nổi tiếng và cũng tàn khốc nhất trong danh sách này là thảm họa nguyên tử tại nhà máy điện Chernobyl. Vào ngày 26/4/1986, tại lò phản ứng số 4 nhà máy, năng lượng đột ngột tăng vọt ở mức cao gây ra hàng loạt các vụ nổ và làm tan chảy lõi lò phản ứng hạt nhân.

Con người được xem nguyên nhân chính gây ra thảm họa. Theo giới chức địa phương, thái độ thiếu trách nhiệm, sự yếu kém trong chuyên môn và tính thiếu cẩn trọng khi quyết định thực hiện những hành động đi ngược lại quy trình quản lý nhà máy đã tiếp tay cho bi kịch có cơ hội xảy ra. Điểm đáng chú ý là những người này đã tắt đi hệ thống an toàn, thứ duy nhất có thể ngăn chặn được thảm họa vào ngày hôm trước khiến mọi sự không thể vãn hồi. Vụ nổ mạnh đến nỗi nó thổi bay cả phần nóc nặng nghìn tấn của lò phản ứng số 4, phát tán vô số chất phóng xạ vào môi trường.

Vụ tai nạn đã khiến một công nhân chết tức thì. Trong những giây sau đó, hàng loạt nạn nhân khác đã tử vong tại bệnh viện do thương tích nghiêm trọng. 28 người khác đã chết trong vòng vài tháng tiếp sau đó do hội chứng phơi nhiễm phóng xạ cấp tính. Sự mệt mỏi do phải liên tục làm việc trong một thời gian dài được xem là tác nhân chính góp phần gây ra vụ tai nạn hạt nhân lớn nhất trong lịch sử.

Con số thương vong tiếp tục gia tăng. Trong vòng 36 giờ sau vụ nổ, hàng trăm nghìn người dân sống xung quanh khu vực nhà máy điện mới nhận được lệnh sơ tán. Số tử nạn ban đầu, căn cứ theo số liệu chính thức là 31 người. Ngoài ra không rõ có bao nhiêu người đã chết vì ung thư do phơi nhiễm phóng xạ nhiều năm sau vụ tai nạn.

Những ngày đầu tháng 5/1986, công tác giải quyết hậu quả vụ nổ được đẩy mạnh, đã có nhiều hơn những nhóm tình nguyện đến hiện trường. Hơn 600.000 người, trong số đó chủ yếu các công nhân bị phơi nhiễm phóng xạ đã tình nguyện tham gia vào chiến dịch dọn chất độc phóng xạ. Cho đến đến năm 2017, vùng cách ly có bán kính 30 km được thiết lập quanh Chernobyl vẫn được xem là một trong những điểm nhiễm phóng xạ đậm đặc nhất Trái Đất.

Theo ước tính của các chuyên gia, vụ nổ lò phản ứng hạt nhân Chernobyl gây ra hậu quả được đánh giá là khủng khiếp và nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần sự cố Three Mile Island hồi năm 1979. Lượng phóng xạ rò rỉ từ Chernoby ra môi trường bên ngoài thậm chí còn cao gấp hàng trăm lần hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản vào năm 1945.

 

Ngoài ra, thiếu ngủ còn cực kỳ nguy hiểm đến sức khỏe của chúng ta. Hãy xem clip để tìm hiểu thêm về vấn đề bạn nhé!

Thiếu ngủ là cực kỳ nguy hiểm, chúng dẫn đến nhiều thảm họa đau lòng, gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản. Hãy chia sẻ bài viết để nhiều người cùng biết nhé!

Bài viết liên quan: