Những sự mê tín và phong tục phổ biến có nguồn gốc từ lịch sử

Ngày 28/11/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Trong đời sống con người, mê tín và phong tục tồn tại đa dạng và có chỗ đứng không thể phủ nhận. Trong số đó, có những sự mê tín và phong tục phổ biến ra đời gắn liền với những sự kiện lịch sử.

Ngày nay, dù khoa học có phát triển hiện đại, cuộc sống con người được nâng tầm cao với những bí ẩn đã được giải mã song mê tín và những phong tục tập quán vẫn giữ cho mình một vị trí khá vững chắc tâm thức và ý niệm của chúng ta. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, tầm ảnh hưởng của mê tín mang tính phổ quát thế nên không có dân tộc nào hay xã hội nào lại không xuất hiện mê tín dị đoan. 

Sự mê tín có gốc rễ bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và nhu cầu nỗ lực kiểm soát mọi thứ của con người. Khi gặp bất an, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, bản năng tự nhiên và nhu cầu sinh tồn của con người thúc đẩy họ cần phải tìm ra một lời giải thích thỏa đáng, nhằm lấp đầy nỗi sợ hãi khi bị tác động bởi các hiện tượng thiên nhiên để cảm thấy tốt hơn. 

Trong suốt chiều dài lịch sử, không ít những vật thể, hiện tượng chưa thể lý giải, thậm chí đến ngày hôm nay vẫn được những nhóm người ở đủ mọi lứa tuổi tin rằng chúng phải có sự liên hệ trực tiếp với thế giới tâm linh. Để trấn an, các lực lượng này đã đưa ra nhưng phong tục tập quán và các hành vi nhất định. Những phong tục ra đời được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và hiện trong cuộc sống hiện đại của chúng ta vẫn có không ít người tin và làm theo những điều mê tín và những phong tục vẫn chưa có cơ sở khoa học rõ ràng. Tính đúng sai, nên hay không nên làm theo mê tín dị đoan và các tập tục hiện vẫn đang là một chủ đề thu hút sự vào cuộc của khá đông các nhà nghiên cứu. 

Tuy nhiên, đó chẳng phải là điều mà chúng tôi muốn chia sẻ cùng quý độc giả trong bài viết này. Thay vào đó, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau điểm qua một vài những sự mê tín và phong tục phổ biến có nguồn gốc từ lịch sử được nhiều người tin và thực hành theo.

 

1) Nói “Bless you” mỗi khi thấy người khác hắt hơi

Người phương Tây hay nói “Bless you” (tạm dịch: Chúa ban phúc lành cho bạn) khi gặp người khác hắt hơi, thậm chí nhiều nước nói tiếng Anh còn xem đó là một hành vi lịch sự trong giao tiếp. Phong tục này được cho là có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên khi nước Ý phải đối mặt với một nạn dịch khủng khiếp cướp đi sinh mệnh của hàng triệu người. Hắt hơi được xem là một triệu chứng của bệnh. Lúc đó, câu "God bless you" thường được Đức Giáo hoàng Gregory nói mỗi khi thấy một giáo dân nào đó hắt xì hơi. “Bless you” cũng tức là cầu chúc sức khỏe cho người đó.

 

Mê tín dị đoan, phong tục, lịch sử, tâm linh

@www.phil.cdc.gov

Cụ thể, vào ngày 16/2/590, Đức Thánh Cha Gregory trong buổi cầu nguyện cho những bệnh nhân dịch hạch đã lần đầu tiên nói ra câu “God bless you” như là một lời chúc mang ý nghĩa tốt lành giúp mọi người vượt qua được căn bệnh chết người.

"Bless you" cũng chính là câu nói chúc người khác khỏe ra đời từ thời điểm này. Những người bị dịch hạch được khuyến cáo nên che miệng mỗi khi nhảy mũi để tránh truyền bệnh cho người khác. Điều này trở nên phổ biến trong dân chúng và theo thời gian, nó đã trở thành một cử chỉ lịch sự vẫn thường thấy trong đời sống hiện đại ngày nay.

Người dân ở một số nước phương Tây tin rằng nói “bless you” mỗi khi bắt gặp người khác hắt hơi sẽ ngăn ác quỷ không thể nắm giữ linh hồn vừa mới bị thoát ra nơi mũi. Sở dĩ có điều này là vì quan niệm, khi một người hắt hơi, linh hồn sẽ rất dễ bị giải thoát ra ngoài. Để ngăn chặn bất kỳ thế lực xấu xa nào đánh cắp linh hồn, sau mỗi lần hắt hơi, người ta tin rằng họ sẽ vô sự nhờ câu nói "Chúa ban phước cho bạn!".

 

2) Làm đổ muối sẽ gặp điềm rủi

Trong nhiều nền văn hóa, người ta tin rằng làm đổ muối là dấu hiệu điềm rủi sắp đến. Thế nên để hóa giải, họ thường được khuyên nên ném một ít muối qua vai trái mỗi khi vô tình làm đổ lọ muối trong bữa ăn. Nguồn gốc của sự mê tín này bắt nguồn từ thời cổ đại khi muối được sử dụng như một vật không thể thiếu trong nhiều nghi thức và nghi lễ trừ tà, xua đuổi tà khí. 
Muối được xem là vật có tính chất làm sạch mạnh và linh thiêng được sử dụng bởi nhiều giáo phái, tôn giáo khác nhau. Ngoài ra, một số chuyên gia cho biết phong tục này có thể phát sinh từ thời điểm mà muối được sử dụng như một dạng “tiền” ở tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều người thậm chí còn tin rằng những người lính La Mã đã được trả công bằng những bao muối thay tiền vào thời trước công nguyên.

 

Mê tín dị đoan, phong tục, lịch sử, tâm linh

@Alberto Fernandez/wikimedia, pixabay

Petronius, một nhà văn người La Mã, trong cuốn tiểu thuyết Satyricon (xuất bản vào cuối thế kỷ I sau CN) đã đề cập tới một cụm từ "not worth his salt" (tạm dịch: không gì đáng giá hơn muối của anh ấy) được sử dụng như một phương tiện phê phán những người lính La Mã. Vào thời đó, muối được xem là một vật có giá trị ngang ngửa với tiền, nhiều nơi thậm chí còn dùng muối để đóng thuế thay vì tiền. Trước công nguyên, những người lính La Mã cũng được nhận những bao muối thay cho tiền công. Gốc của từ “salary” (lương) trong tiếng Anh thực tế chính là từ “salarium” (muối) trong tiếng Latin. 

Một số ý kiến khác cho rằng nguồn gốc thông tục làm đổ, vứt muối có liên quan đến bức tranh “Bữa tối cuối cùng” của danh họa Da Vinci. Ở đây, Judas được miêu tả là người đã làm đổ lọ muối trong bữa tiệc cuối cùng với Chúa. Hình ảnh lọ muối bị đổ trong bức tranh gắn liền với sự phản phúc, dối trá và vận xấu sắp sửa giáng xuống. Bên cạnh đó, ném muối để trừ tà thực chất đã được người Sumerian biết đến và thực hành vào khoảng năm 3500 TCN. Họ tin rằng ma quỷ ngồi bên trái của Đức Chúa Trời nên ném một nhúm muối qua vai trái bằng tay phải sẽ khiến các linh hồn ác quỷ bỏ chạy.

 

3) Thổi nến mừng sinh nhật

Thổi tắt số nến bằng tuổi mình trên bánh gato để điều ước thành sự thật có lẽ là điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều thích làm mỗi năm vào ngày sinh nhật của mình. Thế nhưng ít ai biết tập tục này có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại, ra đời dựa trên nghi thức thờ cúng nữ thần Mặt trăng Artemis.

 

Mê tín dị đoan, phong tục, lịch sử, tâm linh

@Pixabay

Thời xưa, người Hy Lạp cổ rất tôn sùng nữ thần Artemis. Mỗi năm vào ngày sinh của bà, họ thường chuẩn bị những chiếc bánh tròn và cắm lên trên đó rất nhiều những ngọn nến được đốt sáng. Ngoài ra, người Hy Lạp cổ còn rất hay tổ chức những buổi cúng tế như vậy bất cứ khi nào họ cần sự phù hộ từ Artemis, nữ thần Mặt trăng. Trong nhiều nền văn hóa cổ đại, người ta tin rằng vệt khói phát ra từ ngọn nến khi bị thổi tắt chính là phương tiện truyền đạt lời cầu nguyện đến tai thần linh. Ngày nay, việc thổi tắt nến, thích thú ngắm nhìn làn khói trắng từ từ bay lên, biến mất khỏi tầm mắt và yên tâm rằng ước nguyện của mình đã đến đúng “địa chỉ” trở thành một tập tục phổ biến xuất hiện ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới.

Một số ý kiến cho rằng Đức mới chính là quốc gia đầu tiên khởi xướng tập tục này. Chuyện kể rằng vào ngày sinh nhật năm 1746, bá tước – người sáng lập hội truyền giáo đầu tiên Ludwig Von Zinzendorf đã tổ chức một lễ hội rất lớn. Tại đây, để mừng tuổi bá tước, một chiếc bánh rất lớn ở trên có cắm rất nhiều nến bằng với số tuổi của ông. Ngoài ra, một giả thuyết khác lại khẳng định, người Đức có truyền thống thổi nến mừng sinh nhật cho trẻ vào những năm 1700 và nó được truyền lại cho đến nay.

 

4) Không mở ô dù trong nhà

Mở ô dù trong nhà sẽ mang đến xui xẻo cho gia chủ. Nhiều người tin rằng điều mê tín này có thể được bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại. Người Ai Cập xưa tin việc mở ô dù trong nhà sẽ xúc phạm đến thần linh trong khi giả thuyết khác thì lại quan niệm hành động mở những chiếc ô lớn bằng kim loại – một thiết kế phổ biến vào thời xưa sẽ vô tình làm người khác bị thương.

 

Mê tín dị đoan, phong tục, lịch sử, tâm linh

@Pixabay

Thời Ai Cập cổ đại, người dân thường dùng ô để che nắng và tránh những linh hồn ma quỷ bởi chiếc ô trong quan niệm của họ là một vật linh thiêng, đại diện cho quyền lực làm chủ bầu trời và sự thị uy của nữ thần Mặt trời Nuit. Ngày đó, ô của người Ai Cập cổ được thường được làm bằng giấy cói và dùng lông chim để trang trí với ý nghĩa tượng trưng cho nữ thần. Vì ý nghĩa tôn giáo này nên việc mở ô dù trong nhà được xem là một hành động xúc phạm đến nữ thần và có thể sẽ bị thần linh giáng tội.

Nhưng một lý giải khác liên quan đến chiếc ô được cho là hợp lý hơn đã được nhà khoa học và nhà văn Charles Panati, tác giả của cuốn sách “Căn nguyên bất thường của những điều bình thường” nhắc đến, cụ thể như sau: Theo ông, nguồn gốc của điều cấm kỵ này có thể bắt nguồn từ thế kỷ 18 ở London, khi những chiếc ô được thiết kế với kích thước khá lớn, cồng kềnh bằng những thanh kim loại. Khi sử dụng và mang vào nhà, những chiếc ô này không hề được đánh giá cao về tính an toàn, hành động bung mở ô dù có thể gây nguy hiểm và thương tích cho những người xung quanh hoặc làm đổ bể đồ đạc. Theo thời gian và bài học rút ra từ những lần mở ô dù trong nhà, nó được các gia đình truyền nhau như một điều không nên, cấm kỵ và được lưu truyền cho đến ngày nay.

 

5) Gặp mèo đen trên đường đồng nghĩa vận xui sắp đến

Bạn đã từng vô tình bắt gặp một chú mèo đen trên đường và lo lắng điềm xấu sẽ đến với mình hoặc gia đình chưa? Vào thời Trung Cổ, mèo đen là một con vật không được hoan nghênh với hình ảnh gắn liền với những thế lực ma quỷ và tội ác trong khi người Ai Cập cổ đại lại dành sự tôn trọng sâu sắc, thậm chí là sùng bái đối với loài mèo, đặc biệt là mèo đen.

 

Mê tín dị đoan, phong tục, lịch sử, tâm linh

@Out There …./flickr

Thời Ai Cập cổ đại, mỗi khi bắt gặp một con mèo (hoặc bất kỳ chú tiểu hổ nào đó) trên đường thì đó là tượng trưng cho sự may mắn. Hình ảnh của những chú mèo tiếp tục được các nhà sử học tìm thấy trong sách sử vào thời kỳ khoảng thế kỷ 17 ở Anh. Khoảng thời gian đó, dưới triều đại của vua Charles I cai trị, người nổi tiếng rất cưng chú mèo đen của mình. Sau cái chết của mèo cưng, ông vua này than thở rằng vận may của mình đã mất và cảm thấy lo lắng về tương lai sắp tới. Quả đúng như vậy, ngay ngày hôm sau, ông bị đưa ra xét xử và bị kết án tử hình vì tội phản quốc.

Trái với người dân Ai Cập, trong thời Trung Cổ, hầu hết mọi người đều cho rằng mèo đen là vật nuôi của phù thủy và ma quỷ. Bởi thế, khi vô tình trông thấy một con mèo đen đi ngang qua đường thì đó được coi là một dấu hiệu xấu, cho thấy ma quỷ đang theo bạn. Niềm tin này sau đó theo chân những người hành hương đến Mỹ. Điều này lý giải tại sao đến nay ác cảm về mèo đen trong những câu chuyện cổ về những mụ phù thủy rất phổ biến trong tín ngưỡng các nước phương Tây.

 

6) Mặc đồ đen trong đám tang

Tục mặc trang phục màu đen trong đám tang bắt đầu từ thời đế chế La Mã. Trong thời gian này, mọi người sẽ sử dụng những chiếc áo choàng (áo mặc ngoài) tối màu hoặc màu đen để phù hợp với không khí tang thương của tang lễ.

 

Mê tín dị đoan, phong tục, lịch sử, tâm linh

@Fotoğraflarla Atatürk/wikimedia

Xu hướng mặc màu đen đi dự đám tang bắt đầu tăng mạnh trong thời kỳ Phục Hưng và suốt thế kỷ 19, đặc biệt đối với phụ nữ. Trong các tang lễ, họ thường sử dụng trang phục màu đen toàn bộ từ quần áo đến, giày dép, mũ nón cho đến các món đồ trang sức đơn giản.

Ở miền quê Địa Trung Hải và châu Mỹ Latinh, những người phụ nữ có chồng không may qua đời trước sẽ phải mặc đen trong suốt quãng đời còn lại. Trong khi đó, các thành viên khác trong gia đình sẽ tránh chọn mặc những bộ quần áo sáng màu, lòe loẹt trong suốt thời gian để tang.

Ở một khía cạnh khác, nguồn gốc của phong tục mặc đồ đen đi phúng điếu lại được lý giải là để tránh tử khí. Trong nhiều nền văn hóa cổ đại, cái chết được xem là một căn bệnh có khả năng lây nhiễm nên mặc đồ đen, đặc biệt là những người thân trong gia đình là một cách dễ dàng nhất để tránh bị trùng tang. Ngoài ra, một số nền văn hóa khác lại khuyến khích thân bằng quyến thuộc của người quá cố nên cho đi những bộ quần áo màu trong đáng tang và họ tin rằng nếu thực hiện như thế thì Thần Chết sẽ… lờ mình đi.

 

7) Gương vỡ báo hiệu 7 năm xui xẻo

Sự mê tín sợ gặp xui xẻo khi vô tình làm vỡ gương đã tồn tại từ rất lâu, trước cả khi gương được phát minh ra. Gương là một vật dùng để soi và người xưa tin rằng nó còn có thể đánh cắp một phần linh hồn của người sử dụng. Thế nên nếu hình ảnh phản xạ bị bóp méo trong gương thì cũng đồng nghĩa với những bi kịch sẽ xảy ra với người đó.

 

Mê tín dị đoan, phong tục, lịch sử, tâm linh

@Alejandro Hernandez./flickr

Thời Hy Lạp cổ đại, có một hình thức bói toán được gọi là Catoptromancy. Tại đây, những cái bát chứa đầy nước sẽ được sử dụng để dự đoán tương lai của con người dựa trên hình ảnh phản chiếu. Sự phản chiếu này sẽ thể hiện linh hồn của người sử dụng. Nếu hình ảnh phản chiếu méo mó tức là linh hồn của họ sẽ bị mắc kẹt, không còn hoàn thiện và đủ khỏe để chống lại thế lực tà ác.

Tại các nước Tây phương, làm vỡ gương sẽ bị 7 năm xui xẻo là một quan niệm khá phổ biến. Sự mê tín này nảy sinh từ thời La Mã cổ đại bởi vào lúc này, người ta tin cơ thể của một người, cứ mỗi 7 năm sẽ trải qua sự tái sinh một lần.

Về nguồn gốc của hành động làm vỡ gương sẽ gặp xui 7 năm còn liên quan đến một câu chuyện lạ thế này. Ở Venice và Italy vào thế kỷ 15, gương thủy tinh được sản xuất có lớp sơn bạc phía sau và là một vật dụng đắt đỏ chỉ những người giàu có mới đủ khả năng mua về sử dụng. Người hầu của những người giàu có này được giao nhiệm vụ giữ cho gương sạch và an toàn. Trong quá trình này, nếu một người nào đó vô tình đánh rơi làm vỡ gương thì phải chịu hình phạt phục vụ không công cho chủ chiếc gương trong vòng bảy năm để đền bù thiệt hại.

Ngày nay, mặc dù gương đã không còn là vật dụng đắt tiền nhưng vẫn có rất nhiều người tin vào điều mê tín liên quan đến chiếc gương vỡ. Họ thường giật mình, lo lắng, thậm chí là mất ăn mất ngủ sợ sẽ gặp vận hạn vì lỡ tay đánh rơi làm vỡ gương.

 

8) Vắt chéo tay vào nhau để cầu may mắn

Bắt chéo ngón trỏ và ngón giữa vào nhau là một dấu hiệu cầu mong sự thịnh vượng và may mắn. Ở một số nền văn hóa, người ta không chỉ chồng các ngón tay mà còn cả cánh tay và chân của họ cùng một lúc để với niềm tin may mắn được nhân lên gấp ba. Các giáo hữu Kitô được cho là những người đầu tiên khởi xướng hành động này.

 

Mê tín dị đoan, phong tục, lịch sử, tâm linh

@publicdomainpictures

Có khá nhiều các giả thuyết lý giải nguồn gốc của hành động bắt chéo tay để cầu mong sự may mắn vào thời điểm trước thế kỷ 14. Vào thời kỳ sơ khai giáo hội Kitô, những cây thánh giá được xem là một biểu tượng của sự hiệp nhất và quyền năng tối thượng. Hành động bắt chéo tay vào nhau mô phỏng dấu giao nhau của cây thánh giá được tin là có thể mang lại điều tốt lành cho mọi người.

Tập tục này theo thời gian phát triển và giản lược đơn giản dần, thành ra khi cần chúng ta chỉ việc bắt chéo ngón tay trỏ và ngón giữa vào nhau để cầu chúc người nào đó gặp may mắn, bình an. Liên quan đến những ngón tay may mắn, một ý kiến khác cho rằng hành động này bắt nguồn từ cuộc chiến giữa Pháp và Anh (Chiến tranh Trăm năm). Trước trận đánh, cung thủ hai bên đặt mũi tên lên hai ngón tay và bắn nó càng xa càng tốt để cầu chúc may mắn và thắng lợi.

Bên cạnh đó, một giả thuyết trích dẫn thời kỳ sơ khai, các giáo hữu Ki-tô phải chịu sự bức hại của các thế lực khác vì tín ngưỡng của họ. Để nhận ra đồng hội, họ đã tạo ra một chuỗi các cử chỉ bằng tay, một trong số đó là vắt chéo tay thành dấu thánh giá. 

 

9) Gõ lên gỗ để lấy may

Để tránh gặp phải những điều không may hoặc sự quấy phá của ma quỷ, người phương Tây thường có tập tục gõ lên gỗ. Hành động này cũng hay được người dân ở nhiều quốc gia thực hiện mỗi khi ước nguyện một điều gì đó. Họ tin rằng hành động gõ lên gỗ sẽ đánh thức các vị thần sống trong cây và chứng giám lời cầu nguyện của mình.

 

Mê tín dị đoan, phong tục, lịch sử, tâm linh

Nguồn gốc của tập tục mê tín phổ biến này được cho là có từ thời Pagan. Vào thời đó, người dân tin rằng linh hồn các vị thần sẽ cư ngụ trong cây cối. Hành động gõ vào bề mặt gỗ sẽ đánh thức họ để cầu xin sự bảo vệ đồng thời nó còn một cử chỉ có ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần mỗi khi gặp một điều may mắn bất ngờ.

Trong văn hóa Hy Lạp, người dân thường thờ cúng cây sồi như một biểu tượng thiêng liêng đối với Đức Chúa Zeus. Các giáo hữu Ki-tô cũng tin rằng việc gõ lên gỗ có liên quan đến gỗ trên cây thánh giá đã đóng đinh Chúa.

Một giả thuyết phổ biến khác của người Do Thái giải thích nguồn gốc của tập tục mê tín này có nguồn gốc từ Tây Ban Nha vào khoảng thế kỷ 15. Lúc bấy giờ, người Do Thái thường phải trú ẩn trong các nhà thờ, nhà nguyện bằng gỗ. Để giữ bí mật, họ đã thiết kế một mật mã ấn định để nhận biết các đồng hữu và mở cửa cho mọi người vào. Hành động này đã cứu sống nhiều người và sau đó trở thành biển tượng tượng trưng cho sự tốt lành và may mắn. Vào những năm 1900, tập tục gõ lên gỗ bắt đầu du nhập sang Anh và Mỹ và được người dân duy trì suốt nhiều năm qua.

 

10) Nỗi sợ hãi con số 13

Nỗi ám ảnh về số 13 nhiều đến nỗi các nhà khoa học phải nghĩ ra một thuật ngữ - "triskaidekaphobia" (sợ số 13) để chỉ nhưng người sợ hãi và xa lánh triệt để con số này. Theo một thống kê, có ít nhất 10% dân số Mỹ bị ám ảnh về sự xui xẻo của số 13. Trong nhiều nền văn hóa, niềm tin dị đoan về sự xui xẻo của số 13 lớn đến nỗi các văn phòng, khách sạn và căn hộ đều phải bỏ đi tầng 13. Nhiều sân bay không có cửa số 13.

 

Mê tín dị đoan, phong tục, lịch sử, tâm linh

@Antranias/pixabay

Nguồn gốc của niềm tin dị đoan này được cho là bắt đầu từ một sự kiện lịch sử liên quan đến một trong những văn bản pháp luật lâu đời nhất - Bộ luật Hammurabi. Theo các tài liệu để lại thì các nhà lập pháp cổ đại đã cho xóa bỏ điều luật thứ 13 khỏi danh sách các quy tắc pháp luật. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng đây chỉ là một lỗi đáng tiếc đã khiến cho dòng thứ 13 bị loại ra khỏi danh sách chứ chẳng hề nói lên “điều xúi quẩy” nào cả.

Thời xưa, các nhà khoa học và toán học luôn coi 12 là số hoàn hảo. Người Sumer phát triển hệ thống số dựa trên con số 12, một ngày có 12 giờ, một năm có 12 tháng, v.v… Vì quá hoàn hảo nên con số đứng ngay sau nó, số 13 lại được cho là con số ngoài lề, là bắt đầu cho những điều bất thường, xấu xa. Nỗi sợ hãi về sự bất thường này không hiểu do ngẫu nhiên hay cố ý mà còn gắn liền, thậm chí đóng một vai trò trong hai sự tích phổ biến càng khiến số 13 trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều người. 

Sự tích đầu tiên kể về sự xuất hiện của Judas Iscariot, vị khách thứ 13 – kẻ phản bội Chúa xuất hiện trong bữa ăn tối sau cùng với các môn đồ trước khi Chúa Jêsus bị hại. Một giả thuyết khác tiếp theo gắn liền với vận xui của con số 12 được tìm thấy trong truyền thuyết Nauy với niềm tin rằng Loki, vị thần nổi tiếng với những hành động nghịch ngợm và những âm mưu nguy hiểm không mời mà đến dự tiệc tại thiên đường Valhalla vốn chỉ mời 12 vị thần. Tại đó, Loki đã bày cho thần bóng tói Hoder (thần bóng tối) bắn thần niềm vui và hạnh phúc Balder xinh đẹp bằng một mũi tên tẩm độc tầm gửi. Từ khi Balder chết, trần gian chìm trong những chuỗi ngày u ám, đau khổ.

Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng sợ hãi và tránh xa con số 13. Tại Trung Quốc và Ai Cập cổ đại, người dân ở đây coi 13 là con số thịnh vượng và mang lại may mắn. Người Ai Cập tin rằng có con người cần phải vượt qua 12 giai đoạn trong cuộc sống để hướng tới sự giác ngộ tâm linh. Do vậy, giai đoạn thứ 13 nghiễm nhiên trở thành cảnh giới vĩnh hằng. Với họ, cái chết không phải là điều đáng sợ mà thế giới bên kia, nơi linh hồn đi về mới chính cuộc sống thực sự.

Mỗi thời kỳ một phong tục khác nhau và sau đây là 7 phong tục lạ đời đã từng rất thịnh hành:

Những điều mê tín và phong tục trên được rất nhiều người áp dụng nhưng hầu như ít ai biết về nó. Hãy chia sẻ bài viết để thông tin đến được với nhiều người hơn bạn nhé!

Bài viết liên quan: