Những thí nghiệm tâm lý cực kỳ xoắn não

Ngày 14/06/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Một triết gia đã nói: “Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội” quả không sai. Tâm lý loài người luôn là một phạm trù cực kỳ khó nắm bắt bởi nó luôn phải chịu sự chi phối của xã hội xung quanh, bị tác động bởi cái tốt và cái xấu, bởi cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực không ngừng nghỉ.

Chính vì vậy, từ xưa đến nay, các nhà khoa học luôn tìm cách lý giải các hiện tượng, hiệu ứng tâm lý, cơ chế hành vi của con người bằng các thí nghiệm, trong đó có có những thí nghiệm vô cùng thú vị, kỳ quặc thậm chí là phi nhân tính.

Dưới đây là tổng hợp 25 thí nghiệm tâm lý ấn tượng và xoắn não nhất mà các nhà khoa học đã tiến hành trong suốt thế kỷ qua. Chúng không chỉ giúp thu thập thông tin mới về não bộ, cung cấp những cái nhìn sâu sắc, hiện tượng kỳ quặc, các xu hướng hỗn độn về tư tưởng và hành vi của con người mà còn có thể khiến bạn sửng sốt khi nhận ra nhiều hiệu ứng tâm lý mà chính mình cũng không hề ngờ tới!

 

1) Thí nghiệm về Sự chú ý chọn lọc

Bạn luôn nghĩ rằng mình là một người có khả năng quan sát rất tốt? Có một cách rất đơn giản để chứng minh điều này bằng cách nhấp vào theo dõi video clip bên trên và thực hiện một yêu cầu nho nhỏ là hãy đếm số lần các cầu thủ đội áo trắng chuyền được bóng cho nhau. Chỉ vậy thôi, hãy bắt đầu tập trung đếm trước khi đọc tiếp nào!

Vâng sau khi đã đếm xong, bạn hãy cho chúng tôi biết đáp án! Kết quả đúng là 15 lần. Nếu bạn đúng, xin chúc mừng. Nhưng còn một câu hỏi nữa là: bạn có thấy một con… gorilla xuất hiện trong video clip trên hay không? Đó mới chính là vấn đề chúng tôi muốn nói đến.

Đây cũng là một bài kiểm tra nhận thức nổi tiếng của hai nhà khoa học Simons và Chabris tiến hành vào năm 1999. Các đối tượng tham gia nghiên cứu cũng được yêu cầu đếm có bao nhiêu lần chuyền bóng giữa các cầu thủ bóng rổ trong đội trắng. Vào giữa video, một người đàn ông mặc bộ đồ khỉ gorilla to lớn đã bước vào bên trong nhóm người đang chơi bóng và bước ta khỏi màn hình. Nhưng kết quả cho thấy phần lớn người tham gia nghiên cứu đã không hề nhận ra sự hiện diện của nhân vật đặc biệt này. Thí nghiệm này đã chứng minh rằng con người thường đánh giá quá cao khả năng quan sát lẫn khả năng thực hiện nhiều hành động cùng lúc của họ trong thực tế.

 

2) Nghệ sĩ violon tại ga tàu điện ngầm

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@washiontonpost.com/joshuabell.com

Bạn có nghĩ mình luôn dành thời gian để dừng lại và tưởng thưởng những vẻ đẹp xung quanh? Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2007 đã chứng minh rất có thể chúng ta hoàn toàn thờ ơ với những điều tuyệt vời hiếm gặp trong cuộc sống.

Trong thí nghiệm này, nghệ sĩ violon nổi tiếng thế giới Josh Bell đã được mời để xuất hiện như một nghệ sĩ đường phố và biểu diễn ở một ga tàu điện ngầm tại bang Washington D.C, nước Mỹ để xem có bao nhiêu người sẽ dừng lại và lắng nghe anh đàn. Và kết quả hết sức bất ngờ. Mặc dù trên thực tế là anh đã chơi những khúc nhạc tuyệt vời trên cây đàn vĩ cầm được làm hoàn toàn thủ công trị giá đến 3,5 triệu USD (gần 80 tỉ VNĐ) và anh cũng vừa bán hết vé cho một buổi hòa nhạc tại Boston với giá vé trung bình là 100 USD/người (khoảng 2,3 triệu VNĐ/người), nhưng trớ trêu là khi đó có rất ít người dừng lại để thưởng thức buổi biểu diễn “hiếm có khó tìm” của anh. Josh Bell đã kiếm được một một món tiền “còm cõi” chỉ 32 USD (khoảng 726.000 VNĐ) trong ngày hôm đó. Thế mới biết, khi một thứ dù giá trị đến thế nào được “cho không biếu không”, chúng ta thường hay xao nhãng và đánh giá thấp thậm chí không quan tâm đến thứ đó.

 

3) Thí nghiệm Cầu thang piano

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@Gloriousa

Một sáng kiến ​​của hãng xe hơi nổi tiếng của Đức Volkswagen với tên gọi là Học thuyết Vui (The Fun Theory) đã được tiến hành để chứng minh rằng hành vi của người khác có thể được thay đổi cho tốt hơn bằng cách tham gia các hoạt động đời thường vui vẻ.

Thí nghiệm này được tiến hành vào năm 2009. Những người thực hiện đã lắp đặt các bậc thang có khả năng phát ra tiếng nhạc như cây đàn piano trên cầu thang của một ga tàu điện ngầm có tên là Odenplan ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển để xem liệu có nhiều người sẽ sẵn sàng lựa chọn thói quen đi bộ lành mạnh bằng cầu thang bộ này thay vì cầu thang cuốn hay không.

Kết quả thật bất ngờ, sau ngày hôm đó, có đến 66% người bước đi bằng chiếc cầu thang phát nhạc này nhiều hơn bình thường. Điều này chứng tỏ rằng các hoạt động dễ dàng và vui vẻ là cách tốt nhất để mọi người thay đổi hành vi tích cực hơn trong cuộc sống. Bạn có thể theo dõi video thú vị này tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=SByymar3bds

 

4) Thí nghiệm Milgram

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@thestuationist

Con người luôn được đào tạo để chịu sự chỉ đạo từ những người có thẩm quyền từ rất sớm trong cuộc đời. Một cuộc thử nghiệm được một nhà tâm lý học của Trường Đại học Yale, nước Mỹ có tên là Stanley Milgram tiến hành vào năm 1961 để đo lường sự sẵn lòng tuân theo các nhân vật có thẩm quyền của con người bằng cách hướng dẫn cho họ thực hiện các hành động mâu thuẫn với đạo đức.

Thí nghiệm này cụ thể như sau. Một nhóm người tham gia sẽ đóng vai “giáo viên” và có quyền trừng phạt một nhóm “học viên” ở một phòng khác bằng các cú sốc điện tùy theo mức độ trả lời câu hỏi không chính xác. Trên thực tế, không ai bị sốc điện cả mà thay vào đó Milgram đã cho bật những âm thanh ghi sẵn những tiếng động đau đớn để giả vờ là tiếng động của các học viên đang bị sốc điện và muốn kết thúc cuộc thí nghiệm.

Mặc dù những “đau khổ” mà các học viên phải chịu đựng, nhiều người tham gia với vai trò giáo viên vẫn tiếp tục thử nghiệm khi các nhà chức trách yêu cầu họ. Thậm chí sau mỗi câu trả lời sai, họ còn tăng điện áp ngày càng gần đến mức điện có khả năng gây chến động chết người. Các thí nghiệm tương tự được thực hiện từ thí nghiệm gốc này và cho kết quả gần như giống hệt nhau. Kết luận cho thấy mọi người sẵn sàng chống lại lương tâm của họ nếu họ được các nhà chức trách động viên và trao quyền lực.

 

5) Bài kiểm tra Kẹo marshmallow

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@Pinterest

Liệu khả năng trì hoãn sự hài lòng là một trong những dấu hiệu có thể báo trước sự thành công trong tương lai? Đây là điều mà nhà tâm lý học Walter Mischel của trường Đại học Stanford, nước Mỹ đã tìm cách để xác định trong một thí nghiệm với kẹo marshmallow năm 1972.

Một nhóm khoảng 600 trẻ em từ 4 đến 6 tuổi được đưa từng em riêng lẻ vào một căn phòng, tại đó họ đặt một viên kẹo đường marshmallow ngọt ngào trên bàn trước mặt các em. Trước khi rời đi và để đứa trẻ một mình trong phòng, người giám sát sẽ căn dặn với bọn trẻ rằng chúng sẽ nhận được thêm một viên kẹo marshmallow thứ hai nếu viên thứ nhất vẫn còn trên bàn sau 15 phút. Người giám sát sẽ ghi chép lại thời gian đứa trẻ đã “cưỡng lại” ham muốn được ăn viên kẹo marshmallow ngọt ngào quyến rũ kia. Kết quả cho thấy, có một số ít trong số 600 đứa trẻ đã ăn viên kẹo marshmallow ngay lập tức và một phần ba hoãn lại “ham muốn” đủ dài để nhận được viên marshmallow thứ hai.

Và trong các nghiên cứu tiếp theo sau nhiều năm, Mischel đã so sánh mối tương quan giữa kết quả này với thành công của đứa trẻ khi trưởng thành và thấy rằng những người lúc bé biết trì hoãn sự hài lòng có năng lực hơn đáng kể và nhận được điểm SAT (là điểm bắt buộc đối với sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế khi muốn học chương trình cử nhân tại trường đại học) cao hơn so với bạn bè của họ, có nghĩa là đặc điểm biết trì hoãn sự hài lòng có thể kéo dài trong tính cách con người suốt cuộc đời và giúp họ kiên nhẫn để thành công hơn.

 

6) Hiệu ứng Bystander

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@cabumm

Trong trường hợp khẩn cấp, hầu hết mọi người đều muốn mình đang ở trong một khu vực đông đúc dân cư để có cơ hội được trợ giúp nhiều hơn. Thế nhưng niềm tin này liệu có chính xác?

Hiệu ứng Bystander hay còn gọi là Hiệu ứng Bàng quang đã được hai nhà khoa học người Mỹ là John Darley và Bibb Latané nghiên cứu lần đầu tiên vào năm 1968 và phát hiện ra rằng, khi ai đó gặp nạn, việc càng được đám đông vây quanh càng không đảm bảo rằng họ sẽ được cứu. Hiện tượng tâm lý xã hội nghe có vẻ trái khoáy này đã chỉ ra rằng, con người sẽ có nhiều khả năng giúp đỡ một ai đó đang gặp khó khăn nếu có ít hoặc không có nhân chứng khác xung quanh. Và ngược lại, nếu xung quanh càng có nhiều người chứng kiến, chúng ta lại thường nghĩ rằng sẽ có người khác sẽ dừng lại để giúp đỡ và kết quả là càng có ít khả năng ai đó sẽ hỗ trợ người gặp nạn. Thiệt là xoắn não phải không? Và các nhà khoa học gọi đây là sự khuếch tán trách nhiệm.

Hiệu ứng Bystander gần đây đã được thử nghiệm trên một đường phố London đông đúc với những người nằm vạ vật trên đường có vẻ rất cần được giúp đỡ. Thế nhưng sự thật là hầu hết mọi người vẫn tiếp tục đi trên đường mà thậm chí không thèm ngoái nhìn hay dừng lại.

 

7) Thí nghiệm về Sự phù hợp của Asch

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@Astillas de realidad

Thí nghiệm về sự phù hợp của Asch là một ví dụ tâm lý học kinh điển cực kỳ nổi tiếng về sự cám dỗ để tuân thủ trong các tình huống nhóm.

Loạt các thí nghiệm được thực hiện trong những năm 1950 do nhà khoa học Solomon Asch chỉ đạo. Nhóm thí nghiệm đã sắp đặt một căn phòng trong đó có các diễn viên đã được sắp đặt trước một kịch bản có sẵn. Những người tham gia thí nghiệm sẽ được đưa vào phòng và đưa ra những câu hỏi liên quan đến các hình ảnh ví dụ như cho biết đoạn thẳng hình bên trái giống đoạn thẳng nào nhất ở hình bên phải với các đáp án khác nhau. Đáp án đúng mặc dù là hình C nhưng các diễn viên sẽ cùng chọn một đáp án sai theo kịch bản có sẵn.

Kết quả là có đến 75% người tham gia thí nghiệm cũng chọn theo các đáp án sai này của đám đông bất chấp họ biết được đó không phải là sự thật. Kết quả thí nghiệm một lần nữa cho thấy rằng mọi người có xu hướng theo đuôi để “phù hợp” với đám đông trong các tình huống nhóm.

 

8) Thí nghiệm Nhà tù Stanford

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@Psycho Hawks

Được coi là một trong những thí nghiệm tâm lý trái luân thường đạo lý nhất mọi thời đại, thí nghiệm nổi tiếng Nhà tù Stanford đã nghiên cứu các ảnh hưởng tâm lý mà nhà tù có thể ảnh hưởng lên hành vi con người.

Năm 1971, một nhà tù giả đã được xây dựng ở tầng hầm của tòa nhà tâm lý thuộc Trường Đại học Stanford, nước Mỹ và 24 nam sinh viên được chọn ngẫu nhiên để đóng vai trò của một tù nhân hoặc quản giáo trong hai tuần. Các sinh viên này dần dần trở nên thích nghi với vai trò của họ, trở nên hung dữ đến mức gây ra những hành hạ tâm lý cho người khác. Ngay cả giáo sư tâm lý học Philip Zimbardo - giám đốc nghiên cứu cũng tỏ ra dễ bị ảnh hưởng khi cho phép sự lạm dụng này tiếp tục. May mắn thay, nghiên cứu chỉ được thực hiện vọn vẻn 6 ngày vì cường độ bạo lực của nó, nhưng nó cũng đã góp phần chứng minh rằng các tình huống tiêu cực trong thực tế có thể gây ra những hành vi tương ứng nhất định, bất chấp xu hướng tính cách tự nhiên của cá nhân.

 

9) Thí nghiệm Búp bê Bobo

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@Youtube

Trong những năm 1960, nhiều cuộc tranh luận giữa các nhà tâm lý học nảy sinh khi họ tranh cãi rằng sự di truyền, các yếu tố môi trường, hay sự học hỏi xã hội mới hình thành nên sự phát triển của trẻ em.

Nhà khoa học Albert Bandura khi đó đã tiến hành thí nghiệm Búp bê Bobo vào năm 1961 để chứng minh hành vi của con người bắt nguồn từ việc bắt chước xã hội hơn là các yếu tố di truyền. Ông lập ra ba nhóm trẻ: một nhóm đã tiếp xúc với người lớn có hành vi hung hăng đối với một con búp bê Bobo (một loại búp bê có thể thổi phồng, cao khoảng 1.5 mét), một nhóm trẻ khác tiếp xúc với những người lớn chơi với con búp bê Bobo một cách thụ động, và nhóm trẻ thứ ba tiếp xúc với những người lớn biết kiểm soát. Kết quả cho thấy nhóm trẻ em tiếp xúc với những người lớn hung hãn có xu hướng biểu lộ hành vi hung hăng, đánh đập và hành hạ đối với búp bê Bobo, trong khi các nhóm khác cho thấy ít hành vi hung hăng hơn.

 

10) Con chó của Pavlov

con chó của pavlov

@Timetoast

Là một thí nghiệm cực kỳ nổi tiếng của nhà khoa học người Nga Ivan Petrovich  Pavlov đã được đưa vào giảng dạy trong các trường học rồi đấy, các bạn có nhớ không? Trong thí nghiệm này, ông đã khai sinh khái niệm “phản xạ có điều kiện” nổi tiếng khắp thế giới.

Pavlov đã kiểm tra tỷ lệ tiết nước bọt của loài chó khi chúng được cho ăn. Ông nhận thấy những con chó sẽ nuốt nước bọt khi nhìn thấy thức ăn của chúng, vì vậy ông bắt đầu rung chuông mỗi khi thức ăn được mang ra cho chó. Theo thời gian, những con chó bắt đầu kết hợp tiếng rung chuông với thức ăn và sẽ chảy nước bọt khi nghe tiếng chuông. Điều này chứng tỏ rằng phản xạ có thể được học lấy và hình thành ngay cả trong xã hội loài người và điều khiển hành vi của chúng ta.

 

11) Thí nghiệm Little Albert

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@Fizikist

Thí nghiệm Little Albert (Albert bé nhỏ) cũng giống như thí nghiệm con chó của Pavlov trên con người và được cho là một trong những nghiên cứu tâm lý trái đạo lý nhất mọi thời đại. Trong nghiên cứu này tiến hành năm 1920 này, John B. Watson và cộng sự Rosalie Rayner của ông tại Trường Đại học Johns Hopkins, nước Mỹ đã thử nghiệm trên một em bé 9 tháng tuổi có tên là Albert để phát triển những nỗi sợ phi lý.

Watson bắt đầu bằng cách đặt một con chuột trắng trước mặt đứa trẻ sơ sinh. Ban đầu cậu bé không tỏ ra sợ hãi và còn chạm vào con chuột. Sau đó ông cho phát ra một âm thanh rất lớn bằng cách đập một cái búa vào một thanh thép mỗi khi Albert chạm vào con chuột. Sau một lúc, cậu bé bắt đầu khóc và có những dấu hiệu của sự sợ hãi mỗi khi chuột xuất hiện trong phòng. Watson cũng tạo ra phản xạ có điều kiện tương tự với các động vật và vật thể thông thường khác cho đến khi Albert sợ tất cả chúng, thậm chí cả thỏ và… ông già Noel. Mặc dù thí nghiệm này rất phi đạo đức nhưng nó chứng minh được những phản xạ có điều kiện tiêu cực có thể điều khiển hành động của con người theo một hướng cực kỳ bất lợi.

 

12) Thí nghiệm Xã hội Carlsberg

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@Gloriousa

Một quảng cáo vui nhộn của hãng bia Carlsberg này đã biến thành một thử nghiệm xã hội đáng chú ý. Các cặp đôi hoàn toàn không biết gì sẽ được đưa vào một rạp chiếu phim có 150 chỗ ngồi trong đó đã có đến 148 tay đua có vẻ ngoài khá là “đầu gấu” ngồi gần như kín chỗ và chỉ còn 2 chỗ trống nằm ngay giữa rạp phim. Để đến được hai chỗ ngồi này, các cặp đôi sẽ phải len lỏi qua những tay đàn anh “hầm hố”. Nếu là bạn bạn sẽ làm gì trong tình huống đó?

Kết quả là một số cặp đôi đã chọn cách ra khỏi rạp chiếu để khỏi gặp rắc rối. Tuy vậy cũng có những cặp đôi vẫn len lỏi vào đến chỗ trống dành cho mình. Những cặp đôi này đã được thưởng bằng những chai bia Carlsberg cùng rất nhiều cổ vũ từ đám đông các anh chàng tưởng như đáng sợ này. Kết quả của thí nghiệm vui này cho thấy, đôi khi chúng ta bị chi phối quá nhiều bởi vẻ ngoài của người khác và đánh giá sai lệch con người do những định kiến xã hội khắt khe do chính chúng ta lập nên.

 

13) Thí nghiệm Đứa trẻ mất tích

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@Infomory.com

Mọi người thường không chú ý đến môi trường xung quanh. Ý tưởng này đã được đưa ra thử nghiệm trong một cuộc thử nghiệm có tên là Đứa trẻ mất tích (Theo Missing Child). Một tờ tạp chí với thông tin và hình ảnh về một "đứa trẻ mất tích" đã được dán trên cửa tại một cửa hàng đông đúc.

Một số người ngừng lại để đọc tờ thông báo mất tích này trong khi những người khác chỉ liếc hoặc không hề nhìn vào nó. Thế nhưng, tất cả những người này đều có điểm chung là họ hoàn toàn không biết gì về việc cậu bé trên tạp chí đang… đứng ngay trước cửa hàng. Thử nghiệm này chứng tỏ rằng con người có xu hướng bỏ qua rất nhiều thứ xung quanh họ.

 

14) Phân chia lớp học

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@www.diaforetiko.gr

Lấy cảm hứng từ vụ ám sát Tiến sĩ Martin Luther King Jr., cô giáo Jane Elliott dạy lớp ba đã ra một bài tập vào năm 1968 để giúp các học sinh da trắng hiểu được những tác động tiêu cực của nạn phân biệt chủng tộc.

Cô Elliott chia lớp thành hai nhóm: học sinh mắt xanh và học sinh mắt nâu. Vào ngày đầu tiên, cô đã chỉ định những đứa trẻ mắt xanh là nhóm ưu tú và cho các em này thêm đặc quyền, trong khi những đứa trẻ mắt nâu đại diện cho nhóm thiểu số. Cô khiến cho hai nhóm này ít tương tác và có sự phân biệt đối xử để nhấn mạnh những khía cạnh tiêu cực của những em học sinh trong nhóm thiểu số. Cô đã nhận ra ngay lập tức những thay đổi trong hành vi của bọn trẻ. Các học sinh mắt xanh tỏ học tập tốt hơn và một số em còn bắt đầu bắt nạt các bạn cùng lớp mắt nâu. Trong khi các học sinh mắt nâu lại cảm thấy tự ti và học tập kém hơn. Ngày hôm sau, cô Elliott đảo ngược vai trò của hai nhóm và các học sinh mắt xanh đã trở thành nhóm thiểu số. Khi kết thúc bài tập, các em học sinh ở cả hai nhóm đã vui vẻ đã chấp nhận nhau và đồng ý rằng mọi người không nên đánh giá dựa trên hình thức bên ngoài.

 

15) Những con khỉ của Harlow

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@Life

Bạn có thể cảm ơn thí nghiệm của Harry Harlow vì hiểu được tình cảm bạn nhận được khi còn nhỏ. Trong một loạt các thí nghiệm gây tranh cãi trong những năm 1960, ông đã cho thấy tầm quan trọng của tình yêu của một người mẹ đối với sự phát triển lành mạnh của tuổi thơ.

Harlow đã tách những con khỉ nâu rhesus ra khỏi mẹ của chúng một vài giờ sau khi sinh và thay vào đó ông đưa vào chuồng hai bà mẹ “nuôi dưỡng” đại diện cho khỉ mẹ. Trong đó, một khỉ mẹ được làm bằng dây với một cái chai có đựng kèm thực phẩm. Còn con kia được làm từ vải bông mềm mại nhưng lại thiếu thức ăn. Thật thú vị, con khỉ mới sinh lại dành nhiều thời gian hơn với khỉ mẹ bằng vải bông ấm áp hơn khỉ mẹ bằng dây khô khan. Điều này chứng minh rằng tình cảm đóng một vai trò lớn hơn khi nuôi dưỡng trong sự phát triển thời thơ ấu của trẻ nhỏ.

 

16) Thí nghiệm Robbers Cave

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@Gentside Découverte

Nghiên cứu cổ điển này gợi nhớ đến tiểu thuyết Lord of the Flies (Chúa Ruồi) của nhà văn Anh William Gerald Goldin. Đây cũng là một ví dụ điển hình về thành kiến ​​và sự giải quyết xung đột.

22 cậu bé 11 tuổi được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm và đưa đến một trại hè ở Vườn Tiểu bang Robbers Cave, bang Oklahoma, nước Mỹ. Các nhóm được đặt trong các cabin riêng biệt và cả nhóm không biết về sự tồn tại của nhóm kia trong suốt cả tuần. Các cậu bé chỉ ở chung với bạn cùng nhóm trong suốt thời gian đó. Khi hai nhóm được giới thiệu, họ bắt đầu có dấu hiệu lạm dụng bằng lời nói. Để tăng mâu thuẫn giữa các nhóm, những người thử nghiệm đã làm cho họ cạnh tranh với nhau trong một loạt các hoạt động. Nhiều sự thù địch đã xảy ra thậm chí các nhóm từ chối thậm chí ăn trong cùng một phòng.

Giai đoạn cuối cùng của thử nghiệm liên quan đến việc biến nhóm đối thủ này thành bạn bè. Những người thực hiện thí nghiệm đã tổ chức một loạt các hoạt động vui nhộn như bắn pháo hoa, xem phim cũng như các bài tập phải làm việc theo nhóm buộc cả hai nhóm buộc phải hợp tác. Vào cuối thí nghiệm, các chàng trai đã quyết định cùng đi xe buýt về nhà chứng minh rằng xung đột có thể được giải quyết và định kiến sẽ được giải tỏa ​​bằng cách hợp tác.

 

17) Nghiên cứu Quái vật

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@baymiyagi.com

Được biết đến với cái tên Nghiên cứu Quái vật (The Monster Study) vì những phương pháp phi đạo đức của nó, cuộc thí nghiệm này đã xác định được những ảnh hưởng của liệu pháp ngôn từ tích cực và tiêu cực đối với trẻ em.

Năm 1939, nhà khoa học Wendell Johnson của trường Đại học Iowa, nước Mỹ đã lựa chọn hai mươi hai trẻ mồ côi, một số có tật nói lắp và một số không có. Ông nói chuyện với các trẻ nói lắp theo hướng tích cực và ca ngợi về sự lưu loát của chúng. Còn với những trẻ không nói lắp, ông lại trò chuyện một cách tiêu cực, đổ lỗi cho chúng trong mọi sai lầm. Kết quả của thí nghiệm tâm lý này, một số trẻ đã được trị liệu ngôn ngữ theo hướng tiêu cực đã bị ảnh hưởng tâm lý và gặp các vấn đề về ngôn ngữ trong suốt phần đời còn lại. Một thí nghiệm thật tàn nhẫn nhưng lại trở thành ví dụ sống động về tầm quan trọng của những động viên tích cực trong giáo dục.

 

18) Ngáp lây lan

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@Pinterest

Mọi người đều biết ngáp có thể lây lan, nhưng bạn có biết loài chó cũng có khả năng “bắt chước” ngáp không? Một nghiên cứu năm 2007 được thực hiện tại Đại học London, Anh cho thấy 72% con chó bị ngáp sau khi quan sát một người ngáp. Trung bình, chó mất 99 giây để ngáp, tuổi và giới tính của chúng không ảnh hưởng đến hành động này. Mặc dù lý do tại sao điều này xảy ra vẫn là một bí ẩn gây xoắn não, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng nó có thể có liên quan đến “khả năng đồng cảm” của một con chó với loài người.

 

19) Hiệu ứng Halo

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@Tharawat Magazine

Là một phát hiện cổ điển về tâm lý học xã hội, Hiệu ứng Halo hay còn gọi là Hiệu ứng Lan tỏa là ý tưởng rằng ấn tượng chung của chúng ta về một người có thể dựa trên một đặc điểm về họ. Ví dụ, nếu ai đó có tính cách dễ thương, mọi người có thể thấy phẩm chất của người đó hấp dẫn hơn còn ngược lại khi đã có ấn tượng xấu thì chúng ta thường chỉ nhìn thấy cái xấu mà không thèm để ý đến ưu điểm của họ.

Trong một thử nghiệm gần đây, một người đàn ông đã thực hiện hai video cho một trang web hẹn hò. Trong video đầu tiên, anh đọc kịch bản một cách lạc quan, trong khi đó ở phần thứ hai, anh đã đọc cùng một kịch bản với một phong cách u sầu hơn. Video đầu tiên được gửi cho một nhóm các cô gái và video thứ hai được trao cho một nhóm khác, hai nhóm xem các video này trong những căn phòng riêng biệt. Các cô gái theo dõi video vui nhộn thứ nhất nhận định rằng người đàn ông đó rất dễ thương, trong khi các cô gái xem đoạn video thứ hai lại cho rằng đây là một người đàn khó chịu, mặc dù anh ta đã đọc chính xác cùng một kịch bản. Thí nghiệm thể hiện tầm quan trọng của nhận thức về sự hấp dẫn tổng thể của con người thông qua một vài đặc điểm gây ấn tượng của người đó.

 

20) Thí nghiệm về các cặp song sinh

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@The Melbourne Newsroom

Trong nhiều thế kỷ, các cặp song sinh giống hệt nhau đã thu hút các nhà tâm lý học. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để nỗ lực chứng minh sự tồn tại của một kết nối tâm linh giữa chúng.

Trong một thử nghiệm năm 2011, nhà ảo thuật lừng danh Derren Brown đã cố gắng cho thấy cặp song sinh có kỹ năng giao tiếp thuộc giác quan thứ sáu. Cho dù kết nối tâm linh có thực sự tồn tại, phản ứng tương tự của cặp song sinh với kích thích cảm giác đã cho thấy rằng rằng sự chia sẻ chung nguồn gen, giáo dục và kinh nghiệm sống có thể khiến cặp song sinh phát triển các quá trình suy nghĩ tương tự.

 

21) Thí nghiệm Tai nạn xe hơi

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@hd-wallpapersdownload.com

Những ký ức có thể đánh lừa con người. Đây là điều mà hai nhà tâm lý học Loftus và Palmer phát hiện trong cuộc thí nghiệm Tai nạn xe hơi năm 1974 của họ. Cả hai muốn biết xem cách đặt câu hỏi theo một hướng nào đó sẽ ảnh hưởng đến việc nhớ lại của những người tham gia như thế nào khi bóp méo kí ức về một sự kiện.

Những người tham gia sẽ được theo dõi các vụ tai nạn xe hơi và được yêu cầu mô tả những gì đã xảy ra như thể họ là những người chứng kiến. Những người thử nghiệm thấy rằng việc sử dụng các động từ để hỏi khác nhau ảnh hưởng đến ký ức của những người tham gia về tai nạn, cho thấy bộ nhớ có thể dễ dàng bị bóp méo.

 

22) Bất đồng nhận thức

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@siiradio.com

Bạn có từng trải qua một sự thất vọng nào đó và sau đó tự thuyết phục mình rằng bạn không hề thất vọng chút nào? Nếu câu trả lời là có, bạn đã trải qua một hiện tượng tâm lý được gọi là sự bất đồng về nhận thức.

Năm 1956, một sinh viên tâm lý học Jack Brehm đã mang một số món quà cưới của mình lên lớp (đèn, lò nướng bánh mỳ, một đài phát thanh bán dẫn…) và yêu cầu tất cả mọi người đánh giá mức độ mong muốn về từng món hàng. Các sinh viên sau đó đã được yêu cầu chọn giữa hai mặt hàng họ thấy hấp dẫn gần bằng nhau. Sau khi đưa ra lựa chọn, các sinh viên lại được yêu cầu đánh giá tất cả các món hàng một lần nữa. Mọi người đều tăng xếp hạng của các món hàng mà họ đã chọn và giảm xếp hạng các món hàng mà họ không chọn. Điều này cho thấy con người sẽ luôn cố thuyết phục mình rằng họ đã đưa ra quyết định đúng.

 

23) Chiến dịch Ôm miễn phí

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@blogs.smh.com.au

Khi chúng ta phải trải qua những ngày tồi tệ thì đôi khi một cái ôm là tất cả những gì ta cần để cảm thấy khá hơn. Một người đàn ông gọi mình là Juan Mann đã quyết định thực hiện một cuộc thử nghiệm xã hội của riêng mình để kiểm tra lý thuyết này. Anh ta đứng trong một khu vực đông đúc tại thành phố Sydney, nước Úc và cầm một tấm biển với dòng chữ “Ôm miễn phí” (Free Hugs) và bắt tay vào việc truyền bá niềm vui ở quê nhà.

Chiến dịch “Ôm miễn phí" của anh đã dấy lên một phản ứng cực kỳ lớn và bị cảnh sát cấm. Tuy nhiên, trong một diễn biến đầy cảm hứng, hơn 10.000 người đã ký vào một bản kiến ​​nghị đề nghị cho chiến dịch được tiếp tục và gửi một thông điệp hy vọng rằng nhân loại có thể được tìm thấy tình yêu thương ngay cả trong thời đại của các phương tiện truyền thông và công nghệ tưởng chừng vô cảm.

 

24) Sự mù thoáng qua

Thí nghiệm tâm lý, xoắn não

@Dailymotion

“Sự mù thoáng qua” là một thuật ngữ khoa học thể hiện việc không có khả năng phát hiện các thay đổi tinh vi trong các đối tượng hoặc cảnh trí hoàn toàn có thể biết được rõ ràng khi kiểm tra chặt chẽ hơn. Sự không rõ ràng này thậm chí có thể bao gồm việc nhận biết khuôn mặt của con người.

Một thí nghiệm cho thấy các rối loạn thị giác có thể gây ra chứng mù thoáng qua. Một người đàn ông đứng đằng sau quầy thu ngân đưa một mẫu đơn cho một người tham gia thí nghiệm. Sau đó anh ta cúi xuống phía sau bàn để lấy một vật gì đó và sau đó có một người đàn ông khác thay thế vị trí đó và đưa gói đồ đó cho người khách kia. Người thứ hai trong cuộc thử nghiệm không phải là người đầu tiên và thậm chí còn mặc một chiếc áo màu khác. Thật đáng kinh ngạc, 75% các đối tượng tham gia thí nghiệm thậm chí không nhận thấy sự thay đổi này, cho thấy não bộ của con người thường “bỏ lỡ” từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác nhiều như thế nào.

 

25) Thí nghiệm Camera giấu kín trong thang máy

Đây là một thí nghiệm xã hội trong một thang máy có gắn một camera nhỏ chụp trộm (Candid Camera Elevator). Đoạn phim được quay lại ở trên đây cho thấy những gì xảy ra khi người ngoài cuộc vô tội là “nạn nhân” bất đắc dĩ của một cuộc thử nghiệm hành vi tập thể.

Video này cho thấy phản ứng hài hước với hành vi xã hội lệch lạc trong thang máy. Giống như hầu hết mọi người, những người tham gia thí nghiệm sẽ tự làm theo hành vi của nhóm dù rất ngớ ngẩn như quay mặt vào tường, mặc dù họ không biết chuyện gì đang thực sự xảy ra. Thí nghiệm này tiết lộ rằng các cá nhân sẽ luôn luôn cố gắng để hòa hợp với đám đông ngay cả khi họ không hiểu được hành vi của nhóm đó.

 

Thật ra những thí nghiệm bên trên còn được xếp vào nhóm thú vị, xoắn não nhưng chưa đến mức khó chấp nhận. Trong lịch sử loài người còn có những thí nghiệm tâm lý vô nhân tính đến mức gây phẫn nộ như trong video clip dưới đây:

Khám phá được những ngóc ngách trong tâm lý của con người quả là một điều hết sức thú vị lẫn gây ra nhiều sửng sốt và cả tranh cãi. Dù các thí nghiệm bên trên được tiến hành như thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng phải có cái nhìn khách quan rằng chúng đã giúp con người hiểu thêm về những góc tối ẩn sâu trong não bộ con người để có sự giáo dục, nuôi dưỡng và huấn luyện con người theo chiều hướng tích cực hơn. Nếu bạn thấy bài viết này có ý nghĩa, đừng quên like và share với bạn bè, người thân và củng Lalung.vn tìm hiểu thêm nhiều kiến thức khác trong kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại nhé!

Bài viết liên quan: