Em bé chào đời từ phôi thai đông lạnh sau hơn 24 năm xác lập kỷ lục thế giới mới

Ngày 21/04/2018 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Sống trong thời buổi hiện đại, những phương pháp thụ tinh nhân tạo hay hiến tặng tinh trùng, trứng và phôi thai đã không còn xa lạ với chúng ta. Xét về mặt xã hội và đạo đức, đây thực sự là một giải pháp cứu cánh đầy tính nhân văn, sự lựa chọn phù hợp cho những cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc những ông bố hoặc bà mẹ đơn thân muốn có con.

Mặc dù vậy, khác với việc thụ tinh nhân tạo hay hiến tinh trùng thì hiến phôi chỉ bắt đầu trở nên phổ biến trong vòng 10 năm trở lại đây. Phôi thai sau khi được hiến tặng sẽ được đông lạnh trước khi trải qua quá trình rã đông và cấy vào tử cung của người phụ nữ nhận phôi. Mới đây, sau một thời gian đưa vào phổ cập trên thế giới, Mỹ là quốc gia đầu tiên thành công khi đón nhận ca sinh nở thành công của Emma Wren, bé gái ra đời từ phôi thai được đông lạnh lâu nhất thế giới với thời gian trữ đông cách thời điểm hiến tặng đến 24 năm.

Điều đáng chú ý là Emma và mẹ bé có thời gian thụ thai chỉ cách nhau một năm, tức là khi được thụ tinh thành công thì mẹ bé chỉ mới hơn 1 tuổi. Đây có thể là kỷ lục về khoảng cách dài nhất giữa việc thụ thai và sinh nở của con người.

Phương pháp bảo quản và đông lạnh phôi lần đầu tiên được giới thiệu vào giữa những năm 1980 bởi hai nhà nghiên cứu Greg Fahy và William F. Rall. Phôi đông lạnh thường là phôi đã được thụ tinh thành công, trở thành hợp tử hay bào thai (thai nhi) được đưa vào trữ đông ở nhiệt độ cực thấp mà vẫn có thể phát triển bình thường sau khi rã đông. Phương pháp này giúp các cặp vợ chồng vô sinh, cụ thể là người vợ nhận hiến phôi có thể sử dụng sau thời điểm rất dài kể từ thời điểm trữ đông hoặc chúng sẽ đóng vai trò là phôi dự trữ sau khi cấy ghép thành công.

 

Ngày 25/7/1978, Louise Brown, người Anh trở thành em bé đầu tiên được sinh ra nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được phát triển bởi bác sĩ Robert G. Edwards, ông cũng đã nhận giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 2010 cho thành tựu này cùng với người cộng sự Patrick Steptoe.

Ngay sau khi kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được đưa vào sử dụng rộng rãi, các nhà khoa học bắt đầu phát hiện ra phương pháp đông lạnh thủy tinh hóa bảo quản phôi thai người trong một thời gian dài thay vì cấy ngay vào tử cung người mẹ. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong lịch sử hỗ trợ sinh sản cũng như kỹ thuật bảo quản và đông lạnh phôi thai người. Lilia Kuleshova trở thành nhà khoa học đầu tiên đông lạnh thành công trứng người, góp phần vào sự ra đời của một em bé vào năm 1999 bằng phương pháp này.

Kể từ đó, công nghệ bảo quản lạnh ngày càng phát triển với nhiều kỹ thuật mới ra đời chẳng hạn như chất bảo vệ lạnh giúp giảm nhiệt độ đóng băng và tăng độ nhớt bằng phương pháp hạ nhiệt độ chậm, ngăn chặn chất lỏng trong phôi không bị hình thành tinh thể đá giúp giữ chúng trong trạng thái cân bằng trong môi trường chất bảo quản đông lạnh rất cao.

Ngày 25/11/2017, Tina Gibson, 26 tuổi, sinh hạ bé Emma Wren khỏe mạnh nặng gần 3 kg sau khi nhận phôi hiến tặng được thụ tinh thành công vào ngày 14/10/1992, tức cách thời điểm Tina được cấy phôi đến 24 năm. Điều này đồng thời với việc khi Emma được đông lạnh thì mẹ của bé - cô Tina mới chỉ vừa lên 1 tuổi.

 

Vốn có ý định sinh con nuôi do chồng mình, anh Benjamin Gibson, 33 tuổi không thể có con do chứng xơ nang nhưng khi hay tin về chương trình hiến tặng phôi thai ở Trung tâm Hiến tặng Phôi thai Quốc gia (NEDC) ở Knoxville, bang Tennessee (Mỹ), cả hai vợ chồng Tina và Benjamin Gibson sống ở East Tennessee đã biết được điều họ cần làm cho cuộc đời mình.

Sau khi làm đơn xin nhận phôi và được thông qua, tại trung tâm, cả hai bắt đầu lựa chọn một trong hàng trăm phôi thai hiến tặng để cấy vào tử cung Tina. Nhớ lại ngày hôm đó, bà mẹ trẻ Tina cho biết “phôi thai có quá nhiều và chúng tôi thực sự không biết nên chọn cái nào”.

Tuy nhiên, sau khi xem xét và loại trừ những phôi thai có tiền sử bệnh tật, cân nhắc về chiều cao, cân nặng, lịch sử của cha mẹ phôi thai, vợ chồng Tina đã có lựa chọn của riêng họ. Cả hai đều không hề biết họ đã chọn một trong những phôi thai có thời gian trữ đông lâu nhất từ trước đến nay, được trữ đông vào ngày 14/10/1992.

Hồi tháng 3 năm ngoái, phôi Emma được làm tan băng bởi giám đốc phòng thí nghiệm, ông Carol Sommerfelt, để sẵn sàng cấy vào tử cung Tina. Quy trình cấy ghép và hỗ trợ mang thai thành công được thực hiện bởi chính chủ tịch trung tâm, tiến sĩ Jeffrey Keenan.

Mặc dù đã có hàng trăm ca chuyển phôi đông lạnh thành công nhưng không trường hợp nào đặc biệt như của bé Emma Wren. Theo chủ tịch NEDC, đây là phôi thai giữ kỷ lục lâu nhất về thời gian thụ thai và ra đời kể từ khi kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ra đời.

Trước đây, cũng với phương pháp này, năm 2010, một phụ nữ sống ở New York đã sinh hạ một cậu bé khỏe mạnh sau khi cô nhận hiến tặng và cấy ghép một phôi đông lạnh 20 năm tuổi. Ngoài ra, vào năm 2013, nhà khoa học của NASA, 45 tuổi Kelly Burke cũng đã hạ sinh bé trai Liam James, là noãn được thụ tinh ống nghiệm thành phôi thai trữ đông trong 19 năm từ một cặp vợ chồng sống ở Oregon hiến tặng vào năm 1994.

Tính đến tháng 5/2012, tại các phòng khám thai ở Mỹ đã có hơn 600.000 phôi bảo quản lạnh trong phòng thí nghiệm trong trạng thái sẵn sàng. Các phôi thai này sẽ được chuyển cho các cặp vợ chồng đã đăng ký thụ tinh hoặc nhận hiến tặng bởi một cặp vợ chồng khác.

 

Khi đăng ký thụ tinh trong ống nghiệm, tùy vào độ tuổi của người phụ nữ, các yếu tố sức khỏe khác và chi phí (khá cao), các bác sĩ sẽ khuyến cáo vợ chồng nên tạo ra nhiều phôi (10 phôi trở lại) để phòng trường hợp cấy ghép mô đầu tiên không thành công. Tuy nhiên, chỉ có một trong số 10 phôi này được sử dụng. Vậy điều gì sẽ xảy ra với những phôi thai còn lại?

Theo Tiến sĩ Jeffrey Nelson, Giám đốc Trung tâm Sinh sản Huntington ở bang California (Mỹ) cho biết chỉ có khoảng 21% trường hợp thụ tinh thành công đồng ý tặng phôi còn lại. Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ, 54% có ý định trữ đông chúng cho tương lai, đến thời điểm họ muốn sinh thêm đứa con khác, 21% muốn tặng chúng cho khoa học nghiên cứu, và chỉ 7% đồng ý hiến tặng cho các cặp vợ chồng có cùng cảnh ngộ. Như vậy, hiện đang có khoảng 600.000 phôi thai được lưu trữ trong phòng thí nghiệm và các phòng khám sinh sản tại Mỹ.

Mặc dù đem đến niềm hạnh phúc con cái cho các cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng việc nhận và hiến tặng phôi thai lại hứng chịu nhiều sự chỉ trích và quan tâm theo chiều hướng tiêu cực của người dân ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

 

Được thành lập vào năm 2003, Trung tâm Hiến tặng Phôi thai Quốc gia Mỹ (NEDC) ở bang Tennessee được xem là một trong những địa chỉ uy tín giúp các cặp đôi hiếm muộn hoàn thành giấc mơ được làm bố mẹ.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng vào thời gian đầu, các trung tâm bao gồm cả NEDC đều chỉ đồng ý thực hiện hỗ trợ những ca sinh nở bằng phương pháp nhân tạo (thụ tinh trong ống nghiệm, hiến tinh trùng, noãn và phôi thai) cho các cặp vợ chồng dị tính. Chính bởi vậy, những phụ nữ độc thân và các cặp đồng giới muốn có con với nhau gặp rất nhiều khó khăn trên con đường làm cha mẹ.

Cũng với lý do này, các trung tâm nói trên đã hứng chịu nhiều phản hồi tiêu cực, thậm chí nhiều cặp đôi còn cho biết họ đang hoàn tất thủ tục cho các vụ kiện trong tương lai vì nghi ngờ những đơn vị này có hành vi phân biệt đối xử với những phụ nữ độc thân và những cặp tình dục đồng giới muốn có con.

Mọi chuyện lùm sùm chưa dừng lại tại đó, những người đồng ý hiến phôi cho các dự án khoa học nghiên cứu tế bào gốc và các nhà hoạt động về quyền phá thai cũng bày tỏ lo ngại về quan điểm của những người bảo thủ. Có một thực tế tất cả các phương pháp hỗ trợ sinh nở nhân tạo đều vấp phải làn sóng phản đối của người dân ở khắp thế giới, phần lớn trong số họ là những người theo quan niệm bảo thủ.

Làn sóng phản đối thụ tinh nhân tạo lan rộng đến nỗi chính người trong cuộc, tức các cặp vợ chồng đăng ký thụ tinh ngoài, nhận phôi thai hiến tặng, trong suốt quá trình đăng ký, cấy ghép và dưỡng thai thường xuyên phải rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức. Hầu hết các ông bố bà mẹ trong trường hợp này đều cho biết họ rất khó đưa ra quyết định ổn thỏa với những phôi còn lại, loại bỏ chúng hay hiến tặng cho các cặp vợ chồng cùng cảnh ngộ trong khi luật về hiến tặng phôi thai người vẫn chưa hoàn thiện.

 

Đây là bản tin về việc em bé chào đời từ phôi thai đông lạnh sau hơn 24 năm:

Điều kì diệu luôn xảy ra quanh chúng ta đúng không? Đừng quên chia sẻ bài viết này bạn nhé!

Bài viết liên quan: