Các bí kíp bạn nên biết để sống sót trong tình huống nguy kịch

Ngày 17/11/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Ông bà ta thường nói: Nước đến chân mới nhảy nhằm ám chỉ những việc cần kíp đến khi “sát nút” mới lo thực hiện. Nhưng nếu “nước” ở đây là những tình huống nguy cấp khôn lường thì e nhiều khi nhảy cũng chẳng còn kịp nữa. Nói thế để biết, cuộc sống luôn có thể xảy ra bất kỳ điều xui xẻo gì từ bất cẩn trong sinh hoạt, đến các mối đe dọa từ thiên nhiên, tai nạn nguy kịch….

Và bạn có công nhận rằng trong thời hiện đại lại càng nhiều nguy hiểm rình rập. Chính vì thế, để chuẩn bị tâm thế đối phó với những điều bất ngờ nhất, bạn luôn phải “thủ thân” bằng những bí quyết nằm lòng cực kỳ quan trọng. Dưới đây chính là 9 bí kíp không hề thừa có thể sẽ cứu sống bạn hay ai đó khi hữu sự.  

 

1) Nhóm lửa bằng pin điện thoại

Bí kíp, sống sót, tình huống

Hãy tưởng tượng ngày nọ khi bạn đang đi du lịch dã ngoại ở một vùng hẻo lánh như rừng rậm hay vùng núi nào đó mà không may bị lạc và không thể liên lạc được với ai, bạn sẽ làm gì nếu không có hộp quẹt để nhóm bếp duy trì sự sống cũng như báo hiệu cho người khác đến ứng cứu? Chế ra một bộ dụng cụ đánh lửa như người tiền sử ư? Quá mất thời gian mà cũng không khả thi. Tuy nhiên ở thời hiện đại, bạn luôn có một cách cực kỳ hiệu quả đó là dùng ngay chính viên pin trong điện thoại.

Ngày này, hầu hết điện thoại thông minh và máy tính bảng sử dụng pin lithium (Li-ion). Loại pin này có đặc điểm là nếu bạn đâm xuyên qua nó bằng một vật sắc nhọn, nó sẽ gây ra phản xạ hóa học bắn ra các tia lửa điện. Do đó, chỉ cần bạn chuẩn bị ít củi khô hay rơm dễ cháy bên dưới là bạn đã có thể nhóm được một đám lửa không quá khó khăn.

 

2) Thoát khỏi dòng rip

Bí kíp, sống sót, tình huống

Bạn có biết, bãi biển đầy người bơi lội trông có vẻ an toàn vậy thôi nhưng thực chất lúc nào cũng có khả năng tiềm ẩn một nguy hiểm chết người có tên là “dòng chảy xa bờ” hay còn gọi đơn giản là “dòng rip”. Đúng như tên gọi của nó, đây là một dòng chảy ngược từ bờ ra ngoài khơi xa và có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu. Nếu chẳng may bị cuốn vào dòng chảy này, theo bản năng chúng ta thường cố sức bơi vào bờ càng sớm càng tốt nhưng kết quả thường là càng bơi lại càng xa bờ hơn và dần đuối sức. Nếu không có người ứng cứu kịp thời, chắc chắn người xui xẻo kia sẽ chết đuối. 

Vậy làm cách nào để thoát khỏi dòng chảy tử thần này? Rất đơn giản, nếu bạn cảm thấy bị dòng nước chảy ngược cuốn đi đừng bao giờ bơi thằng vào bờ mà hãy di chuyển theo đường chéo hoặc song song với bờ để thoát khỏi dòng chảy quái ác này. May mắn là những dòng rip thường không rộng, vì vậy bạn có thể bơi ra khỏi đó nhanh chóng và thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc.

 

3) Chạy trốn khỏi cá sấu

Bí kíp, sống sót, tình huống

Là một trong những nỗi kinh hoàng của vùng sông nước đầm lầy, cá sấu gây ám ảnh ngay từ cái tên gọi. Và hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, bạn bị cá sấu rượt đuổi thì sao? Theo các nhà bò sát học, khi chuyển theo đường thẳng, cá sấu có thể chạy nhanh hơn con người. Tuy nhiên, do bốn chân ngắn và thân hình lại dài mỏng, chúng thường vụng về ở các đoạn cua quẹo, xiên xéo. Và do đó, lời khuyên chân thành khi bạn bị một con cá sấu rượt đuổi thì hãy chạy theo đường zích zắc để trốn thoát, chắc chắn chúng sẽ mất dấu của bạn trong thời gian ngắn.

Mà nói chung tốt nhất hãy cứ tránh xa mặt nước hay những vùng đầm lầy nơi có thể chạm trán bọn cá sấu hung dữ. Và tất nhiên, đây là bí kíp sống sót khỏi cá sấu khi đang bị chúng rượt đuổi trên bờ chứ nếu ở dưới nước thì chỉ còn cách bó tay chấm com.

 

4) Đối phó với vết sứa cắn

Bí kíp, sống sót, tình huống

Những con sứa mỏng mảnh trong suốt mới nhìn qua tưởng chừng như vô hại nhưng bạn có biết, vết đốt của sứa có thể chỉ gây khó chịu nhưng cũng có thể gây sốc thần kinh, dị ứng nặng nề thậm chí khiến cơ thể trúng độc. Chính vì vậy, khi bị sứa đốt bạn hãy nhanh chóng thực hiện tuần tự những bước sau để tránh hoặc làm giảm bớt những hậu quả khó lường của vết cắn, cụ thể là:

- Ngay lập tức làm sạch vết thương và lấy đi những phần xúc tu còn sót lại trên da thịt. Đặc biệt, để tránh những vết đốt mới đừng để những phần xúc tu này chạm vào bàn tay trần của bạn mà nhớ mang găng tay khi tiếp xúc với chúng.

- Rửa vùng da bị sứa đốt với nước muối. Nên nhớ, không được sử dụng nước lạnh để rửa vì nước lạnh sẽ kích hoạt tế bào nọc độc, khiến vết thương trở nên tồi tệ hơn.

- Để loại bỏ chất độc do sứa chích bạn nên dùng băng gạc có thấm giấm táo hay cồn để băng vào vết thương.

- Uống thật nhiều nước vì nước sẽ giúp hồi phục nhanh vết thương. Nếu thấy vẫn không đỡ, hãy nhanh chóng đến thăm khám bác sĩ và uống thuốc đã được bác sĩ kê toa.

 

5) Nhớ nằm lòng “quy tắc số 3”

Bí kíp, sống sót, tình huống

Trong những trường hợp nguy cấp, chúng ta thường rối trí và quên đi những thứ tự ưu tiên – thứ có thể quyết định tính mạng của bạn. Giả sử trong trường hợp khốn cùng bạn phải chọn giữa mẩu thức ăn và chai nước, bạn sẽ chọn món nào? Nếu còn phân vân, hãy nhớ đến một quy tắc gọi là “Quy tắc số 3” cho thấy thời gian sống sót trung bình của con người trong những hoàn cảnh nhất định.

- Trung bình sau 3 phút không có không khí, con người sẽ mất ý thức và dần chết não.

- Sau 3 ngày không có nước, con người sẽ rơi vào tình trạng mất nước nguy hiểm chết người.

- Sau 3 tuần không có thức ăn mà không có thiệt hại nghiêm trọng gì đến sức khoẻ và vẫn được uống nước, con người vẫn có thể sống sót và tỉnh táo. Trong một tình huống nguy kịch, cơ thể có thể “tự thích nghi” lại và đôi khi ta vẫn có thể sống sót mà không có thức ăn trong vòng một tháng.

Như vậy, hãy nhớ đến thứ tự ưu tiên trong các tình huống nguy kịch để kéo dài thời gian sống sót lâu nhất có thể, chờ người đến giải cứu.

 

6) Dán vết thương hở

Bí kíp, sống sót, tình huống

Bị thương khi thực hiện các công việc sửa chữa trong nhà là một chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên nhiều vết thương hở đứt tay chân do bất cẩn nếu không được sơ cứu kịp sẽ gây mất máu và nguy hiểm khó lường. Nếu trong trường hợp bạn cắt vào tay tạo ra một vế thương hở rất lớn gây chảy máu ào ạt nhưng không còn băng gạc, bạn phải làm gì để xử trí tình huống cấp bách này? 

Câu trả lời là hãy luôn trữ sẵn trong nhà một chai super glue - tức loại keo siêu dính, đây là một loại keo liên kết siêu bền, ở dạng khô và an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Nó có khả năng dính cực kỳ chặt lên mọi chất liệu khác nhau như gỗ, nhựa, đồ gốm, kim loại và cả… da nữa! Trong trường hợp này, bạn hãy dủng super glue để “dán” vết thương lại. Keo này không chỉ kéo đầu của vết thương lại với nhau mà còn khử trùng vết thương. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp quá cần kíp, nếu không hãy băng lại tạm và đến bệnh viện ngay lập tức.

 

7) Khát nước khi bị nạn ở vùng băng tuyết

Bí kíp, sống sót, tình huống

Gặp tai nạn khi đang ở vùng băng tuyết là một chuyện không hề hiếm thấy. Khi bạn bị thương giữa bốn bề tuyết trắng, đang chờ người đến giải cứu mà lại khát, thì ý tưởng ăn tuyết để đỡ khát lóe lên có vẻ như không hề tồi chút nào! Thế nhưng, đây là một suy nghĩ cực kỳ sai lầm. Trong tình huống nguy kịch, ăn tuyết có thể khiến bạn nhanh kiệt sức hơn. Tất nhiên không phải bởi tuyết sẽ làm bạn… đau họng mà bởi trên thực tế, tuyết lạnh có thể làm mát cơ thể, khiến cơ thể phải tiêu tốn thêm năng lượng để giữ ấm. Và hậu quả tất yếu là bạn sẽ yếu đi nhanh chóng và sẽ bị đóng băng nhanh hơn nữa.

Đừng lãng phí năng lượng ít ỏi còn lại nếu không muốn lịm đi. Những chuyên gia cứu hộ khuyên rằng bạn nên đợi cho đến khi tuyết tan ra rồi mới uống.

 

8) Dập tắt một cái chảo đang cháy

Bí kíp, sống sót, tình huống

Cháy nhà là một trong những tình huống nguy hiểm nhất trong đời sống mà nguyên nhân thường là do chủ quan, khinh suất của gia chủ.

Chỉ cần một vài giây bất cẩn, chiếc chảo chiên trên bếp đã có thể bắt lửa và cháy bùng lên dữ dội. Điều này thường xảy ra nếu dầu quá nóng. Trong tình huống như vậy, nên nhớ rằng đừng bao giờ đổ nước vào dầu vì chỉ càng làm đám cháy thêm tồi tệ do dầu nhẹ hơn nên sẽ nổi lên trên mặt nước khiến lửa lớn hơn và mạnh hơn và đám cháy quái ác sẽ lan đi khắp bốn phương tám hướng. 

Tốt nhất bạn nên phòng sẵn một bình chữa lửa trong bếp. Nếu ngọn lửa nhỏ, bạn có thể đổ baking soda vào chảo vì bột này hấp thụ oxy khiến đám cháy yếu đi và bạn dễ dàng khống chế được. Tuy nhiên, cách hiệu quả nhất để tránh cháy là để ụp lên chảo một lớp cotton dày. Một tấm chăn thông thường hoặc một chồng áo phông T-shirt từ tủ quần áo sẽ có hiệu quả cứu nguy cho bạn trong lúc này.

 

9) Bị một vết cắt sâu

Bí kíp, sống sót, tình huống

Nhiều người tin rằng khi bị đâm hay cắt bởi một vật sắc nhọn như dao, mảnh gương… cần phải nhanh chóng lấy mảnh vỡ ra và làm sạch vết thương. Điều này không sai, tuy nhiên, nếu vết thương quá sâu, bạn không bao giờ nên tự tiện gỡ các vật đâm vào da hoặc mảnh vỡ ra.

Để dễ hình dung, bạn có thể tưởng tượng điều này giống như trò chơi của bọn trẻ là đổ nước đầy vào một cái túi nhựa. Khi bị một vật nhọn đâm vào chiếc túi chỉ hơi rỉ nước ra nhưng nếu giật vật đó ra nước sẽ tuôn ra ào ạt không thể ngừng lại. Cũng giống như vậy, khi bạn rút hay lấy các vật đang đâm sâu trên da ra, vết thương sẽ bắt đầu chảy máu ồ ạt mà nguy hiểm hơn khi đâm trúng động mạch. Do đó, đôi khi tốt hơn là đừng chạm vào nơi chấn thương cho đến khi xe cứu thương đến.

 

Nguy hiểm thì không có giới hạn, ngoài những bí kíp trên đây, bạn nên lận lưng thêm vài mẹo hữu hiệu để phòng thân trong tình huống nguy hiểm như khủng bố, bị cướp hay thú tấn công… trong video clip dưới đây:

Rủi ro, xui xẻo trong cuộc sống bao giờ cũng muôn hình vạn trạng. Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, đừng ngại ngùng chia sẻ rộng rãi đến cho mọi người biết đâu sẽ giúp cho một ai đó có cơ hội sống sót khi tai họa bất ngờ ập tới. Tuy vậy, Lalung.vn hi vọng tất cả các mem sẽ không bao giờ phải sử dụng những bí kíp trên.

Bài viết liên quan: