Những sự thật về cơ thể con người ít ai từng nhận ra

Ngày 23/06/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Bạn thường cho rằng mình đã quá quen thuộc với cơ thể người, nhưng sự thật có phải như vậy không?

Cơ thể con người là một sự kỳ diệu của quá trình tiến hóa và cho đến nay vẫn không ngừng khiến các nhà khoa học phải ngạc nhiên. Dù theo nhiều cách, chúng ta có những điểm chung với các dạng sống khác trên hành tinh, nhưng đâu phải tự nhiên mà con người lại là sinh vật bậc cao nhất với những đặc điểm độc nhất vô nhị và nhiều khả năng vô song trong thế giới muôn loài.

Dưới đây chính là 25 sự thật đáng kinh ngạc về cơ thể con người với những tính chất sinh lý học độc đáo, đôi khi có hơi kỳ quặc nhưng luôn là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định: chúng ta vẫn chưa biết đủ và đúng về cơ thể của chính mình đâu nhé!

 

1) Tế bào lớn nhất và nhỏ nhất trong cơ thể người

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@en.wikipedia.org

Bạn có biết, tế bào lớn nhất trong cơ thể con người chính là tế bào trứng ở nữ giới với đường kính khoảng 0,2 mm. Một tế bào trứng của người phụ nữ thực sự cũng là tế bào duy nhất trong cơ thể có thể nhìn thấy bằng mắt thường đấy nhé! “Trớ trêu” thay, tế bào tinh trùng lại là tế bào nhỏ nhất trong cơ thể chỉ với phần đầu dài khoảng 5 µm (5 phần nghìn mm) và đuôi dài 50 µm tức là tổng chiều dài chỉ khoảng 0,055 mm. Và phải cần đến 175.000 tinh trùng mới có tổng trọng lượng bằng một tế bào trứng! Vậy mà chúng vẫn kết hợp được với nhau để trở thành “cặp đôi hoàn hảo” mới tài chứ.

 

2) Tỉ lệ đầu con người so với cơ thể

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@commons.wikimedia.org

Bạn có thường tự hỏi tại sao em bé mới sinh lại có cái đầu to chiếm một kích thước khá lớn khiến cho chúng rất khó khăn để ngóc đầu dậy hay không? Sự thật ở những năm đầu đời, đầu con người chiếm tỉ lệ đến 1/4 tổng chiều dài cơ thể. Nhưng đến năm ta 25 tuổi trở đi thì tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn khoảng 1/8 chiều dài cơ thể. Điều này là do đầu con người phát triển ở tốc độ chậm hơn nhiều so với phần còn lại của cơ thể. Chứ nếu mà đầu luôn chiếm mức tỉ lệ 1/4 chiều dài cơ thể đến hết đời thì eo ôi, không biết chúng ta trông dị hợm như thế nào luôn!

 

3) Độ dài mạch máu

mạch máu

@3dprint.com

Đố bạn biết trong cơ thể con người bộ phận nào dài nhất đấy? Câu trả lời chính là các mạch máu! Nhờ một hệ thống chằng chịt như vậy mà các mạch máu mới kịp thời đưa máu đến nuôi dưỡng tất cả các cơ quan trong cơ thể con người. Người ta đã ước tính rằng tổng chiều dài các mạch máu trong cơ thể con người dài khoảng… 60.000 dặm (gần 97.000 km). Với con số khủng này, bạn có thể tưởng tượng nếu có sợi dây làm bằng mạch máu trong cơ thể một người, chúng có thể “quấn” quanh trái đất đến… 2 vòng rưỡi lận đấy! Kinh khiếp chưa?

 

4) Sự vô phương tái tạo của răng người

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@en.wikipedia.org

Hầu hết các bộ phận trên cơ thể người như da, xương… đều có cơ chế tự tái tạo, trừ một bộ phận mà bạn thấy mỗi ngày, đó chính là răng! Phần men răng cứng chắc bên ngoài giúp bảo vệ lớp ngà răng và tủy răng bên trong đã được hình thành hoàn tất từ khi còn là mầm răng. Chính vì thế một khi đã hoàn tất thì không còn bất kỳ tế bào men răng nào tồn tại nữa, hiểu nôm na là các tế bào men răng đã bị “hóa thạch”. Do đó, bạn cần phải bảo vệ răng một cách cẩn thận bởi nếu men răng bị tổn thương và mất đi do sâu răng, mẻ, hay mòn răng thì chẳng còn men để bồi đắp lại nữa đâu. Khi đó, bạn chỉ còn nước cầu cứu nha sĩ mà thôi!

 

5) Sự phát triển của đôi mắt

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@pixabay.com

Đôi mắt của bạn gần như không thay đổi kích thước từ khi ra đời cho đến khi qua đời nhưng mũi và tai của bạn không bao giờ ngừng phát triển. Tuy nhiên, vẫn có một thay đổi nhỏ trong kích thước của đôi mắt mà phải tinh ý lắm bạn mới nhận ra. Khi chào đời mắt có đường kính khoảng 18 mm còn đến khi trưởng thành con số này lên đến 24 - 25 mm. Còn nhãn cầu sẽ có kích thước tương đường 2/3 quả bóng bàn. 

 

6) Mức năng lượng bộ não tạo ra

 Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@it.wikipedia.org

Bộ não của con người xứng đáng được coi là một nhà máy tuyệt vời của tạo hóa. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi nguồn năng lượng theo đúng nghĩa đen mà nó tạo ra sẽ là bao nhiêu không? Theo các nghiên cứu khoa học, bộ não hoạt động với cùng một lượng điện năng như một bóng đèn có công suất 10 Watt, ngay cả khi bạn đang ngủ. Trong thực tế, não hoạt động mạnh hơn vào ban đêm nhiều hơn suốt thời gian ban ngày. Do đó, bạn nên coi trọng giấc ngủ và ngủ đủ giấc để cải thiện bộ não.

 

7) Trí nhớ và tư thế cơ thể

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@commons.wikimedia.org

Một nghiên cứu gần đây cho thấy trí nhớ có thể bị ảnh hưởng bởi vị trí cơ thể. Cụ thể, nơi bạn ở và vị trí của bạn có thể kích hoạt ký ức trong thời điểm đó. Lợi dụng đặc điểm này, con người có thể học cách ghi nhớ lâu bằng cách bố trí không gian, bối cảnh. Về cơ bản, những tín hiệu phục hồi bộ nhớ của chúng ta được xây dựng cùng cảm giác mà bạn gặp phải cùng lúc ấy. Do vậy, khi quên sót điều gì, bạn có thể tái hiện và thiết lập lại cảm giác, bối cảnh lúc ấy để gợi nhớ một cách chính xác và đầy đủ các thông tin mà bạn cần ghi nhớ tại cùng thời điểm. Ví dụ như khi bạn học một điều gì đó dưới nước, bạn sẽ có khả năng nhớ về nó tốt hơn khi được nhắc lại trong môi trường nước.

 

8) Lông thừa trên cơ thể

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@HealthTap

Đã bao giờ bạn tự hỏi mục đích mà “bọn lông” vướng víu trên cơ thể đến Trái đất này để làm gì chưa? Thực ra, ngoài tóc và lông trên mặt còn phục vụ cho nhiều mục đích như che chắn, tạo vẻ đẹp cho gương mặt thì phần lớn các đám lông còn lại trên cơ thể hoàn toàn vô ích. Nếu thời xa xưa khi con người chưa tiến hóa hết, chúng còn có tác dụng giữ ấm cho cơ thể thì ngày nay, chúng đã gần như là vô tác dụng. Thậm chí chúng còn khiến chúng ta tốn tiền lẫn thời gian để loại bỏ ngay lập tức cho đỡ… ngứa mắt.

 

9) Tác dụng của ráy tai

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra 

@pixabay.com

Nhiều người cho rằng, ráy tai chính là phần bã thừa thãi trong lỗ tai và luôn tìm cách loại bỏ chất bẩn này cho bằng được. Thế nhưng, ít ai biết ráy tai lại chính là “chiếc khiên” bảo vệ cho tai, có tác dụng chống nhiễm khuẩn cũng như các loại côn trùng, bụi bẩn chui vào tai. Ngoài ra, chúng còn có thể bảo vệ tai khỏi các tiếng ồn quá lớn. Hơn thế nữa, ráy tai là một chất bài tiết sạch, sau một thời gian tích lũy chúng sẽ tự đào thải. Ấy vậy nên việc thường xuyên lấy ráy tai sẽ “lợi bất cập hại” như làm tổn thương ống tai, viêm tai do đưa vi khuẩn ngược lại vào tai,… thậm chí tệ hơn là gây thủng màng nhĩ.

 

10) Độ nhạy của mũi

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@pixabay.com

Chiếc mũi xinh xinh của con người đích thực “nhỏ mà có võ” đó nhé! Nó có thể ghi nhớ đến 50.000 mùi hương bởi bộ não con người có thể xử lý khoảng 10.000 mùi khác nhau trong một khu vực não có kích thước bằng một con tem! Wow, một con số khó mà ngờ được phải không? Hơn nữa, theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ ngửi và nhận diện mùi hương tốt hơn nam giới. Chính vì thế, phái nam đừng thắc mắc tại sao cánh chị em lại có thể gần như ngay lập tức nhận ra những mùi hương lạ trên người các anh đấy nhé!

 

11) Sức mạnh của Adrenaline

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra 

@commons.wikimedia.org

Có bao giờ bạn tự hỏi, trong những tình huống cấp bách, bạn bỗng nhiên có sức mạnh vượt trôi như Superman hay không? Trăm sự là nhờ Adrenaline đấy! Đây là một loại hoóc môn có tác dụng trên thần kinh giao cảm. Khi cơ thể bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú, hoóc môn này sẽ tiết ra khiến tim của bạn đập nhanh hơn và cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm. Đặc biệt, Adrenaline có tác dụng mang lại cho bạn sức mạnh siêu nhiên và đó là lý do tại sao trong những tình huống nhất định một số người có thể nhấc các đồ vật nặng (như xe ô tô) mà ở hoàn cảnh bình thường họ không thể.

 

12) Cách thức hoạt động của nơ ron thần kinh

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra 

@en.wikipedia.org

Các nơ ron trong não của bạn có cấu trúc khác biệt hoàn toàn so với các bộ phận khác trong cơ thể con người. Thông tin sẽ được truyền qua các nơ ron khác nhau theo các tốc độ khác nhau. Đó chính là lý do tại sao chúng ta có thể nhớ lại một số thông tin quan trọng ngay lập tức, trong khi các thông tin thông thường ít quan trọng khác, ta phải mất khá nhiều thời gian mới có thể úm ba la nhận ra chúng nó.

 

13) Giấc ngủ và trí thông minh

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@commons.wikimedia.org

Bạn thường xuyên nằm mơ khi ngủ hơn người khác ư? Xin chúc mừng, bạn có thể là một người rất thông minh đấy! Theo các nghiên cứu khoa học, người thông minh hơn thường có nhiều giấc mơ khi ngủ hơn. Tuy vậy, thông thường độ dài trung bình của giấc mơ thường chỉ kéo dài từ 2 -3 giây, quá ngắn để não có thể nhớ được. Chỉ số IQ cao cũng có thể chống lại bệnh tâm thần. Một số người thậm chí tin rằng họ thông minh trong giấc mơ hơn là khi tỉnh táo.

 

14) Khả năng cảm nhận cơn đau của não

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@commons.wikimedia.org

Mặc dù não báo hiệu các dấu hiệu đau, chính bản thân não không thực sự cảm thấy đau. Thật khó tin nhưng đó là sự thật. Não là trung tâm cảm nhận đau đớn khi chúng ta bị thương như bỏng, té ngã hay bị dao cắt… Thế nhưng bản thân não lại không có thụ thể - một cơ quan giúp gửi các tín hiệu tới tủy sống và bộ não, cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm và cảm nhận đau, nên bản thân nó luôn… trơ gan cùng tuế nguyệt. Thế nên, về lý thuyết các bác sĩ có thể có thể phẫu thuật não cho bệnh nhân trong khi người này vẫn tỉnh táo. Hài hước là ở chỗ đó!

 

15) Hoạt động của cơ mắt

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra 

@en.wikipedia.org

Các cơ tập tập trung quanh vùng mắt bạn phải di chuyển khoảng 100.000 lần một ngày. Nếu bạn nghĩ con số này chưa là gì thì hãy thử làm một phép so sánh nhỏ nhé! Để cơ chân có cùng một số lần tập luyện với con số “khủng” như vậy thì bạn cần phải đi bộ khoảng 50 dặm (hơn 80 km) mỗi ngày đấy! Bởi thế đừng có mà khinh thường cơ mắt, chúng thực sự rất khỏe.

 

16) Nhiệt độ cơ thể người tạo ra

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@en.wikipedia.org

Cơ thể con người luôn tỏa ra một nhiệt lượng, nhưng bạn có biết mức nhiệt đó có lớn đến thế nào không? Theo các nghiên cứu khoa học, trong vòng nửa giờ cơ thể con người có thể sản xuất đủ nhiệt để đun sôi một gallon (khoảng 3,8 lít) nước! Sao các nhà khoa học không nghĩ ra cách nào để chuyển nhiệt lượng của con người sang các máy đun nước nhỉ? Lúc đó chẳng phải lo tốn điện nấu nước nữa phải không các chế!

 

17) Khả năng chạy xa

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@en.wikipedia.org

Mặc dù không phải là động vật chạy nhanh nhất hoặc mạnh nhất, nhưng có một sự thật con người là những người chạy xa nhất trên hành tinh. Trên thực tế, điều mà hầu hết mọi người không để ý đó là tổ tiên của chúng ta hàng ngàn năm trước đã từng đuổi chạy theo con mồi của họ hàng nhiều dặm liền cho đến khi một trong hai chết vì kiệt sức. Thế nên đừng khinh thường những khả năng vô tận mà ông cha đã truyền cho chúng ta nhé!

 

18) Số lượng nguyên tử hình thành nên cơ thể người

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@en.wikipedia.org

Nhiều người khi rảnh rỗi sinh nông nổi thường tự hỏi chúng ta có bao nhiêu sợi tóc, nhưng ít ai hỏi rằng cơ thể con người được tạo ra từ bao nhiêu nguyên tử vì thấy… khó quá nên bỏ qua. Vậy mà các nhà khoa học vẫn có cách tính toán ra được mới siêu.  Và đây chính là câu trả lời: một người trưởng thành trung bình được tạo thành từ khoảng 7 octillion (7 x 1027) nguyên tử. Để dễ so sánh, chỉ có khoảng 300 tỷ ngôi sao trong thiên hà của chúng ta.

 

19) Mối liên quan giữa cảm xúc và dạ dày

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@en.wikipedia.org

Bạn có tin không, khi bạn đỏ mặt do bối rối hay ngượng ngùng thì chất nhầy đóng vai trò là lớp lót dạ dày của bạn cũng chuyển sang màu đỏ đấy. Nguyên nhân là bởi dạ dày và trái tim con người có mối quan hệ rất khắng khít. Khi chúng ta cảm thấy vui vẻ, phấn khích, yêu đời thì ăn gì ta cũng thấy ngon miệng. Và ngược lại, khi buồn rầu, mệt mỏi, dạ dày cũng “có vui đâu bao giờ” làm việc uể oải, thậm chí không thể tiêu hóa thức ăn ấy chứ!

 

20) Các cơ trên gương mặt khi cười

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@pixabay.com

Mỉm cười tưởng như là hoạt động cực kỳ đơn giản của gương mặt nhưng sự thực, để nở một nụ cười bạn phải mất đến 17 cơ trên gương mặt chứ chẳng đùa! Thế nhưng, mỉm cười vẫn dễ hơn là cau mày nhăn nhó vì khi đó chúng ta phải tốn đến 43 cơ trên gương mặt. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, vừa tập thể dục cho cơ mặt vừa mang lại niềm vui cho bạn lẫn mọi người xung quanh thì tội gì chúng ta không cười lên thật nhiều!

 

21) Sự đổi mới của xương

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra 

@commons.wikimedia.org

Bộ xương của bạn tiếp tục đổi mới mỗi 10 năm, có nghĩa là mỗi thập kỷ bạn sẽ có một bộ xương mới hoàn toàn. Điều này là do bộ xương của con người luôn có hai loại tế bào luôn đi đôi với nhau, một loại tế bào chuyên hủy xương cũ và sau đó là một loại tế bào tạo xương sẽ “lấp” vào đó những xương mới. Quá trình hủy - sinh này sẽ diễn ra liên tục và hoàn tất sau mỗi 10 năm.

 

22) Cơ bắp khỏe nhất

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@flickr.com/Mark Mitchell

Trong trường hợp bạn đã từng tự hỏi cơ nào mạnh nhất trong cơ thể là gì thì câu trả lời đó là lưỡi. Nghe có bất ngờ không cơ chứ? Chẳng phải là những cơ tay chắc khỏe hay cơ chân dẻo dai mà lại là lưỡi. Lưỡi của một người bình thường dài 9 cm, nặng 50 g và được cấu tạo từ 17 bó cơ. Nhân tiện cũng cung cấp luôn thông tin cho bạn, phần xương cứng nhất trong cơ thể là xương hàm đấy.

 

23) Mồ hôi không gây ra mùi hôi

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@commons.wikimedia.org

Trái ngược với niềm tin phổ biến được lưu truyền trong dân gian, mồ hôi thật ra không có mùi… hôi. Nhiều người cho rằng chính mồ hôi gây ra mùi cơ thể khó chịu nhưng thực chất mùi cơ thể chỉ phát sinh khi vi khuẩn trên da ăn mồ hôi. Và vì thế, chất thải của vi khuẩn gây ra mùi khủng khiếp này. Thế mà lâu nay chúng ta toàn… đổ oan cho mồ hôi khi đặt cho chúng cái tên mất “mỹ cảm” đến như thế!

 

24) Độ bẩn của rốn

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@flickr.com/Maegan Tintari

Chúng ta rất thường xuyên tắm giặt, vệ sinh cơ thể nhưng có một bộ phận thường bị “lãng quên” ngày này qua tháng nọ mặc dù nó cực kỳ bẩn, đó chính là rốn. Bạn có biết lỗ rốn của bạn chính là “mái nhà yêu dấu” của hàng ngàn vi khuẩn. Thậm chí, nói nôm na, bọn vi khuẩn này mà tụ tập nhau lại thì có thể hình thành một hệ sinh thái với kích thước của cả một… khu rừng nhiệt đới đấy! Kinh chưa?

 

25) Nước mắt cảm xúc

Sự thật, cơ thể con người, nhận ra

@pixabay.com

Người ta thường bảo “nước mắt cá sấu” tức là loài cá sấu chỉ giả vờ khóc chứ hoàn toàn chẳng buồn bã gì. Nhưng không chỉ có loài cá sấu mà thôi, theo hầu hết các nhà khoa học, con người là loài động vật duy nhất trên trái đất tạo ra những giọt nước mắt cảm xúc. Bởi với những loài sinh vật khác, chảy nước mắt chỉ đơn thuần là một hiện tượng sinh học thì với con người nước mắt không chỉ giúp giữ ẩm tròng mắt, chống nhiễm khuẩn mà còn để thể hiện mọi hỉ nộ ái ố nữa. Thế nên đừng phung phí nước mắt của mình cho những thứ không đáng nha các chế!

 

Ngoài những sự thật khó tin này, cơ thể người vẫn còn vô số những điều lạ lùng chờ bạn khám phá nữa đấy. Nếu vẫn còn muốn tìm hiểu, video clip hữu ích này có thể giúp bạn mở mang thêm kiến thức về cơ thể của chính mình:

Sau bài viết này, việc đầu tiên ad phải làm đó là đi… vệ sinh rốn ngay và luôn! Còn bạn thì sao? Nếu vẫn còn ngẩn ngơ chưa biết phải làm gì vì vừa nhận ra mình đang sở hữu một cơ thể quá đỗi kỳ diệu và độc đáo thì hãy nhanh tay like và share bài viết thú vị này và đón đọc nhiều kiến thức bổ ích hơn trên Lalung.vn nha!

Bài viết liên quan: