Sinh vật kỳ lạ dưới đáy biển: những sự thật bây giờ mới kể

Ngày 01/11/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Biển sâu là nơi rất hiền hòa nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt, không có ánh sáng, oxy chỉ là một thứ gì đó xa xỉ và một áp lực kinh khủng có thể nghiền nát mọi thứ. Ở một nơi sâu nhất Trái Đất – nơi duy nhất con người chưa thể hiểu hết, vẫn tồn tại một dạng sống mà chúng tôi gọi là những sinh vật kỳ lạ.

Đó đều là những cá thể vô cùng đặc biệt, đã thích nghi và sống sót trải qua hàng nghìn năm qua cùng điều kiện sống khắc nghiệt dưới đáy đại dương, một thế giới tối tăm nhưng lại là một trong những môi trường sống đa dạng và phong phú hơn bất cứ nơi nào khác trên Trái Đất. Dưới đáy biển, điều kiện khắc nghiệt đã dẫn đến sự tiến hóa cực đoan và những đặc điểm bất thường. Dưới đây là một số sự thật chưa kể về những sinh vật kỳ lạ minh chứng cho sự phi thường và kỳ lạ của cuộc sống ở nơi sâu thẳm nhất hành tinh.

 

1) Cá chó sói Atlantic

Để sống sót trong môi trường nước biển lạnh, cá chó sói Atlantic có thể tự tổ hợp chất chống đông để giữ cho máu luôn chảy trong cơ thể.

 

@Strobilomyces

Cá chó sói Atlantic là loài cá dữ thường được tìm thấy ở các bờ biển phía đông và phía tây Đại Tây Dương. Chúng thích sống ở những vùng nước lạnh ở độ sâu từ 20 đến 500 mét với nhiệt độ nước trung bình khoảng từ -1 đến 11 độ C. Thành phần chống đông máu giúp chúng dễ dàng sống sót trong điều kiện nhiệt gần đông.

Một điều thú vị ít ai biết về loài cá sở hữu khuôn mặt hung tợn này là chúng không ăn cá. Thay vào đó, món khoái khẩu của cá chó sói Atlantic là những động vật thân mềm vỏ cứng, giáp xác và động vật da gai như ốc to, sò, trai biển và nhím biển. Hàm lớn, bộ nhai với những chiếc răng nhọn hoắt, lởm chởm chắc khỏe và ấn tượng giúp chúng dễ dàng tiễn những loài vỏ cứng về thế giới bên kia. Răng của loài này không thể cắn đứt con mồi nhưng lại có tác dụng phối hợp cùng hàm đưa thức ăn vào trong cổ họng.

Cá chó sói Atlantic rất háo ăn, đã có nhiều trường hợp chúng tấn công cả chó, mèo, thậm chí một số con còn nhảy cả lên thuyền của ngư dân, đuổi theo những con mồi mắc câu. Ở Ireland, cá chó sói Atlantic còn được gọi là “đá cứng”, đúng theo nghĩa đen được đặt theo nơi chúng thường làm tổ là những vách đá.

 

2) Cá quỷ Anglerfish

Đến mùa sinh sản, cá Anglerfish đực sẽ cắn vào cơ thể của con cái để gắn liền cả hai làm một cho đến khi cơ thể dần tiêu biến và chết đi, chỉ để lại một lượng tinh hoàn cho cá cái thụ tinh.

 

@Darlyne A. Murawski

Với cái đầu to bự, hàm răng hình lưỡi liềm với những chiếc răng lởm chởm, trên đầu có gắn “cần” khá dị, cá quỷ Anglerfish sống dưới đáy biển được xem là một trong những sinh vật xấu xí và quái dị nhất trên hành tinh.

Khác với cá cái khá đồ sộ, thân hình cá quỷ Anglerfish đực rất nhỏ, chỉ khoảng 6,35mm, nhỏ gấp 500.000 lần cá cái. Đến mùa giao phối, hệ thống tiêu hóa của cá đực bị tiêu biến thế nên chúng không còn cách nào khác phải sống ký sinh lên cơ thể của bạn tình.

Khi mùa sinh sản bắt đầu, những con cá quỷ Anglerfish đực với thân hình nhỏ bé sẽ cắn vào phần vây bụng của con cái để bắt đầu cuộc sống ký sinh và hành trình giao phối “tử thần”. Sở dĩ phải gọi như vậy bởi sau một thời gian “ăn ngủ” cùng con cái, cá đực sẽ dần hòa tan vào da và máu đối tác từ mắt, cơ quan nội tạng cho đến toàn bộ bộ phận trên cơ thể. Có thể nói cá đực sẽ “hy sinh” toàn bộ, ngoại trừ tinh hoàn để phục vụ cho quá trình duy trì nòi giống. Chúng sẽ chết ngay khi mùa giao phối kết thúc.

Ngoài ra, một con cá cái Anglerfish có thể có tới 6 hoặc nhiều hơn túi tinh hoàn trong người. Túi tinh hoàn càng nhiều thì số cá đực “xin được chết” cũng theo đó mà tăng lên tương ứng.

 

3) Mực ma cà rồng

Khi bị tấn công, cơ thể mực ma cà rồng có thể lộn ngược từ ngoài vào trong.

 

Mực ma cà rồng là một sinh vật độc đáo nhất nhì dưới đáy đại dương. Một cá thể trưởng thành có chiều dài cơ thể khoảng 30 cm với thân hình có thể phát sáng và đổi sang màu đen hoặc màu đỏ nhạt tùy theo điều kiện môi trường.

Mặc dù có cái tên “ngầu như trái bầu” nhưng thực chất mực ma cà rồng chỉ là loài động vật thân mềm cỡ nhỏ, thuộc họ bạch tuộc được tìm thấy nhiều trong các tầng nước sâu từ 550 -1.100 m ở các vùng biển ôn đới và nhiệt đới. Thức ăn chủ yếu của chúng là xác sinh vật phù du, ấu trùng, trứng, tảo,… Mực ma cà rồng không hề hút máu để sinh tồn như nhiều người vẫn nghĩ.

Thân của chúng gần như được che phủ hoàn toàn bởi chất phủ tạo sáng giúp đánh lạc hướng của con mồi hoặc tự vệ trước những kẻ ăn thịt. Mực ma cà rồng có mắt hình cầu khá to, có thể đổi màu khá là lạ, tám xúc tu được nối với nhau bằng một màng da và có thêm hai vây giống tai ở phần đầu.

Bất cứ khi nào cảm thấy bất an, loài mực này sẽ cho chúng ta thấy được tại sao bản thân chúng lại được xếp loại hàng độc đáo nhất đáy đại dương. Với cơ chế phòng vệ không giống ai, mực ma cà rồng sẽ hoặc tự lộn người cơ thể vào trong. Khi đảo ngược cơ thể, màng da kết nối 8 xúc tu đầy lông và gai nhọn sẽ được uốn cong, đẩy lùi ra ngoài làm cho cơ thể nó trông to và dữ dằn hơn. Đây có lẽ cũng là lý do khiến loài mực này có cái tên ghê gớm dù chúng khá nhỏ và hiền lành.

 

4) Cá voi Flabby

Khi đến tuổi trưởng thành, bộ phận tiêu hóa của của cá voi Flabby đực sẽ bị tiêu biến. Chúng sống bằng cách sử dụng năng lượng dự trữ trong lá gan cực lớn có được từ những bữa ăn trước đó.

 

@noaa

Cá voi flabby là một trong những loài cá dạng cá voi, sống dưới đáy biển ở độ sâu từ 1.000 đến 4.000 mét. Điểm độc đáo của loài cá này có lẽ nằm ở giới tính linh hoạt và khả năng biến hình kỳ lạ của chúng từ khi còn là Mirapinnidae (hay cá đuôi dải) cho đến khi trải qua quá trình chuyển tiếp thành Megalomycteridae (cá mũi to) và Cetomimidae (cả hai sống dưới đáy biển) khi đến tuổi trưởng thành.

Tuy có nhiều khác biệt về tên gọi, cấu tạo cơ thể và môi trường sống song mới đây các nhà khoa học đã xác nhận cả ba loài này thực chất chỉ là một. Theo đó, khi trưởng thành, cá đuôi dải sống ở tầng nước nông, chúng sẽ chuyển hóa thành cá đực mũi to hoặc cá cái Cetomimidae và chuyển xuống sống dưới những tầng nước sâu hơn.

Ở loài này, kích thước cơ thể phụ thuộc đáng kể vào sự khác biệt giới tính. Theo đó, những con cái, chiều dài cơ thể có thể lên đến khoảng nửa mét, lớn hơn nhiều so với con đực, chỉ có được khoảng 3,8 cm. Con cái có dạ dày lớn, hàm dài cho phép chúng ăn được những con mồi lớn, thậm chí có thể lớn gấp đôi cơ thể trong khi ngược lại, cá đực sau khi đã hết tuổi “vị thành niên” mà chuyển đổi sang dạng trưởng thành, hàm sẽ bị “đóng” lại, cố định một chỗ khiến chúng không thể tiếp nhận lượng thức ăn mới. Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ có sự khác biệt này nhiều khả năng là do sự khan hiếm thức ăn ở những độ sâu hàng ngàn mét dưới đáy đại dương. Nhiều giả thuyết khác phỏng đoán, cơ thể cá đực nhỏ như vậy là để không có cơ hội cạnh tranh với những con cái, cần nhiều dinh dưỡng hơn để tạo ra thế hệ tiếp theo.

Để tiếp tục tồn tại, năng lượng từ thức ăn, chủ yếu là động vật có vỏ và nước bọt sẽ được chuyển hóa vào trong lá gan cực lớn của cá đực. Khi không thể “ăn” được nữa, dạ dày và thực quản của cá đực trở nên dư thừa và dần tiêu biến đi theo thời gian.

 

5) Cá giọt nước

Trên thực tế, ngoại hình cá giọt nước trông cũng bình thường như bao loài cá khác cho đến khi chúng bị đem lên bờ.

 

@smithsonianmag, Alan Riverstone McCulloch

Cá giọt nước (danh pháp khoa học Psychrolutes marcidus) là loài cá biển sâu vùng ôn đới thường được tìm thấy nhiều ngoài bờ biển lục địa Úc (vịnh Broken), New South Wales, Tasmania và một số vùng nước sâu ở New Zealand.

Loài cá này sống ở độ sâu giữa 600 và 1.200 m, nơi áp lực nước cao hơn mặt nước biển gấp từ 60 đến 120 lần. Cá giọt nước trưởng thành có chiều dài khoảng 30 cm, da ngoài màu trắng sữa hoặc hồng với khuôn mặt nhìn ngang giống hệt như vẻ mặt chán đời của người đàn ông béo phì với chiếc mũi hình củ hành.

Thịt cá chủ yếu là khối gelatin nhão nhẹ hơn nước, cho phép chịu được áp suất lớn, nổi trên nền đáy biển mà không cần năng lượng để bơi và chúng cũng khá là lười di chuyển. Cơ thể cá giọt nước khó mà thích nghi được trong điều kiện thiếu nước nên khi bị đưa lên bờ, chúng sẽ “chảy xệ” ra thành hình giọt nước, trong mềm nhão, bèo nhèo y như cái tên của mình. Năm 2013, cá giọt nước được bình chọn là “loài động xấu nhất thế giới” và vinh dự trở thành linh vật của Hiệp hội bảo tồn động vật xấu xí.

 

6) Cá chình mỏ dẽ mảnh

Với thân hình siêu mảnh, cá chình mỏ dẽ là một trong những loài động vật có hậu môn nằm ở vị trí độc đáo nhất trong thế giới tự nhiên: trên cổ họng.

 

@Sandra Raredon, Danté Fenolio, Sandra Raredon

Cá chình mỏ dẽ mảnh (tên khoa học Nemichthys scolopaceus), đôi khi được gọi là vịt biển sâu là một loài cá thuộc họ cá chình sống phân bố khắp đại dương ở độ sâu từ 300 – 4000 m. Con trưởng thành có thể dài 2 m nhưng chỉ nặng từ 80 đến 400 g. Cá chình mỏ dẽ mảnh nổi tiếng cái mỏ giống chim, răng nhỏ dùng như một cái lược quét qua quét lại dưới nước để bắt tôm và động vật giáp xác. Mỗi con cá chình mỏ dẽ mảnh có thể sống đến mười năm.

Cá chình mỏ dẽ mảnh có 750 đốt sống, nhiều hơn bất kỳ động vật khác. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hóa, hậu môn của chúng đã di chuyển về phía trước và hiện đang nằm trên cổ họng. Ấu trùng của nó có hình dạng như những chiếc lá, thực sự khá nhỏ so với khi chúng trưởng thành. Ngoài mỏ dài và mảnh rất đặc trưng, loài cá này còn nổi tiếng với cặp mắt rất lớn, khá chênh lệch so với kích thước có phần mảnh mai của chúng.

 

7) Cá mắt thùng

Đâu đó dưới đáy đại dương sâu thẳm, có một loài cá gọi là cá mắt thùng (barreleye fissh) đầu trong suốt như thạch có thể nhìn xuyên qua và đôi mắt màu xanh đặc biệt.

 

Cá mắt thùng hay cá ma quỷ thường được các nhà khoa học tìm thấy ở các vùng biển Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chúng có đôi mắt hình ống lớn ánh xanh rất đẹp, có thể xoay hướng thẳng lên trên hoặc xuống phía trước giúp chúng có thể dễ dàng phát hiện ra con mồi và kẻ thù trong môi trường tối tăm dưới đáy biển. Theo các nhà nghiên cứu, mắt của loài cá này tuy không có tế bào hình nón nhưng bù lại là một lượng lớn tế bào hình que.

Ngoài tầm nhìn tuyệt vời, những con cá mắt thùng đực còn có một cái đầu hình cái hình vòm trong suốt, có chỉ số khúc xạ tương tự như nước muối. Điều này cho phép đôi mắt của chúng có thể nhìn xuyên qua lên phía trên, thu được nhiều ánh sáng hơn giúp bảo vệ chúng khỏi những kẻ ăn mồi hay dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm con mồi.

 

8) Rắn biển Gulper

Khi trưởng thành, cơ quan khứu giác của rắn biển Gulper đực sẽ phát triển đặc biệt nhạy trong khi răng và hàm bị thoái hóa. Điều này giúp chúng dễ dàng xác định được vị trí của lươn cái.

 

@wikipedia

Rắn biển Gulper với tên khoa học Saccopharyngiformes hoặc rắn bồ nông là một trong những loài động vật kì quái nhất dưới lòng biển sâu. Chúng được tìm thấy nhiều ở các vùng ôn đới và nhiệt đới phân bổ ở khắp đại dương trên thế giới. Cái miệng rộng, hình túi giống bồ nông có thể há to nuốt những con mồi lớn hơn gấp nhiều lần được xem là đặc điểm gây chú ý nhất ở loài này. Cũng chính vậy mà rắn biển Gulper còn có tên gọi là rắn bồ nông.

Khác với con đực, trải qua các biến đổi ở cơ quan khứu giác, răng và hàm, những con cái ở loài này vẫn không thay đổi khi chúng trưởng thành. Các nhà khoa học tin rằng rắn biển Gulper sẽ chết ngay sau khi kết thúc mùa sinh sản.

 

9) Giun Pigbutt

Có một loài giun được gọi là "giun lợn" hoặc "mông bay" vì cơ thể trông giống với mông của loài lợn.

 

@Karen Osborn

Giun Pigbutt thường được tìm thấy ở độ sâu từ 875 đến 1,200 mét dưới đáy biển, nơi có nồng độ oxy cực thấp. Chúng sở hữu thân hình tròn, dài khoảng 10 đến 20 milimet, kích thước gần bằng hạt phỉ với cơ thể được phân chia thành 3 đoạn: phần giữa phẳng trong khi hai phần bên ngoài lại nở phồng ra giống như mông của loài lợn.

Loài giun này không có khả năng bơi hoặc tự vận chuyển qua mặt nước. Chúng chỉ nổi lềnh bềnh trong nước với phần miệng hướng xuống. Để tồn tại, giun Pigbutt phun ra các đám dịch nhầy để bắt thức ăn, hút chúng vào miệng rồi tiêu hóa.

 

10) Phronima

Phronima, hay còn được gọi là "kẻ trộm xác chết" đáy biển sẽ hút thịt một con salp trước khi bò vào bên trong đẻ trứng. Phần vỏ xác này sẽ là “ngôi nhà di động” cung cấp nơi trú ẩn, thức ăn tươi và nước cho con non.

 

@Solvin Zankl

“Kẻ trộm xác chết” hay phronima là một chi động vật trong Họ Phronimidae, có hình dạng giống tôm, rất nhỏ và chỉ dài không quá 2,5 cm. Chúng được tìm thấy ở khắp các đại dương trên thế giới ngoại trừ các vùng cực. Điểm gây chú ý của loài này là vẻ ngoài trong suốt đến mức khó tin giúp loài “tôm đáy biển” này có thể ngụy trang tài tình, hòa lẫn với môi trường nước tối tăm dưới biển sâu.

Bên cạnh vẻ ngoài đặc biệt, Phronima còn có thói quen sinh sản khá “kinh dị” và có phần tàn độc. Khi đến mùa sinh sản, loài chân khớp giống tôm này sẽ ăn thịt những con Salps (những sinh vật dạng thùng trông giống như sứa) từ bên trong sau đó bò vào chính phần vỏ xác còn lại rồi đẻ trứng vào đó. Lớp vỏ này đóng vai trò như là một nơi trú ẩn di động, cung cấp thức ăn, nước giúp ấu trùng Phronima phát triển an toàn.

 

Không hề tĩnh lặng như chúng ta vẫn nghĩ, mà ngược lại, thế giới dưới đáy biển là một nơi vô cùng “sôi động” và đa dạng đến không ngờ với những loài vật kỳ lạ mang trong mình những sự thật bất ngờ mà không ai cũng biết.

Hãy xem thêm vài sinh vật đáy biển dị thường được phát hiện ở rãnh Puerto Rico:

Chắc chắn có rất nhiều người chưa bao giờ nhìn thấy những sinh vật đáy biển này, vì thế bạn đừng quên chia sẻ bài viết để mọi người cùng xem nhé!

Bài viết liên quan: