Những khám phá khoa học kỳ lạ về âm thanh

Ngày 24/11/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Trong phòng thí nghiệm, âm thanh là một điều tuyệt vời, ít nhất là đối với các nhà khoa học. Theo họ, sóng âm, tần số, âm nhạc, hay cả những tiếng ồn… tất cả đều là âm thanh và nó đang thay đổi bộ mặt của khoa học thế giới.

Âm thanh thúc đẩy công nghệ, tiết lộ những khả năng không thể ngờ và cho chúng ta thấy những phương trời mới. Dù vậy, đôi khi âm thanh cũng có thể tạo ra những tác động không nhỏ đối với bộ não con người, thậm chí là ở một mức độ đáng kinh ngạc. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng điểm qua 10 khám phá khoa học kỳ lạ về âm thanh mà không phải ai cũng biết.

 

10) Âm thanh giải thích sự hiệu quả của phương pháp gây mê

Âm thanh, nghiên cứu khoa học, khám phá

@Live Science

Y học hiện đại từ đó đã chỉ ra nhiều bằng chứng khẳng định não người có thể "giao tiếp" với các xung điện thông qua hệ thống dây thần kinh. Đó chính xác cũng là cách lý giải cách chúng ta có thể cảm nhận được sự tuyệt vời mỗi khi chạm tay vào mặt nước hoặc vuốt ve bộ lông mướt mịn của một chú mèo. Nhưng đối với các nhà vật lý, điều này hầu như vô nghĩa, họ cho rằng không có cơ sở để công nhận. Bởi theo quy luật nhiệt động học, các xung điện tạo ra nhiệt nhưng rõ ràng là không hề có sự nóng lên nào bên trong cơ thể người.

Tiền đề đã có, thuyết gây tranh cãi về việc não bộ không ra tạo ra điện, cụ thể là các tín hiệu điện được gọi là điện thế hoạt động ra đời. Thay vào đó, các nhà vật lý học cho rằng hệ thần kinh trung ương của chúng ta tiếp nhận thông tin từ các tác động nội tại hoặc ngoại lai bằng cách “giao tiếp” với sóng âm. Dù không phải nhà khoa học nào cũng đồng tình nhưng lần đầu tiên có một giả thuyết có thể giải thích được một bí ẩn y học đã tồn tại từ lâu đó là: Cách thức thuốc gây mê tác động lên hệ thần kinh động vật sống.

Thuốc gây mê là một tiến bộ y học. Không ai có thể phủ nhận những lợi ích mà phương pháp này mang lại. Gây mê là phương pháp ngăn cảm giác đau để giúp thực hiện các phương pháp chữa bệnh có thể gây đau đớn như phẫu thuật. Mặc dù không mới, nhưng từ khi ra đời cho đến nay, vẫn chưa ai trong số các nhà khoa học chắc chắn về cách thức mà phương pháp này tác động lên hệ thần kinh con người. Chúng ta vẫn biết hệ thần kinh gồm nhiều lớp màng nối với hệ thống dây thần kinh dạng ống chạy khắp cơ thể. Những lớp màng này phải duy trì mức nhiệt tương tự nhiệt độ cơ thể của một người (tức 37 độ C) để tạo ra xung âm thanh cho phép truyền đạt thông tin một cách nhanh chóng. Theo đó, thuốc gây mê khi được đưa vào cơ thể sẽ làm thay đổi nhiệt độ từ đó ngăn luồng sóng âm làm nhiệm vụ gửi tín hiệu đau lên não trong quá trình phẫu thuật.

 

9) Hệ thống thị giác cũng có thể nghe

Âm thanh, nghiên cứu khoa học, khám phá

Các chuyên gia cho rằng, hệ thống thị giác cũng có thể cảm nhận âm thanh. Điều này được phát hiện và chứng thực trong một thí nghiệm về phản ứng của khỉ với âm thanh và ánh sáng. Họ đã huấn luyện để mỗi khi ánh sáng xuất hiện ở bất cứ đâu trên bảng điều khiển, khỉ sẽ chạm vào đó. 

Khi đèn sáng, hầu như việc nhận biết vị trí những điểm sáng không khiến khỉ gặp khó khăn nhưng lúc tắt đền thì mọi việc bắt đầu trở nên rối rắm. Tuy nhiên, khi các nhà khoa học cho mở một đoạn âm thanh kèm theo ánh sáng đã được làm mờ thì thật ngạc nhiên, khỉ gần như ngay lập tức chỉ được vị trí điểm cần tìm. Điều này cho thấy não có thể sử dụng âm thanh để quan sát mọi thứ xung quanh.
Phát hiện này gần như là một cơn địa chấn, đi ngược lại với những nghiên cứu về thần kinh học đã biết trước đây. Lâu nay, các nhà khoa học đều tin rằng khu vực làm nhiệm vụ phân tích các tín hiệu điện từ thu về từ hệ thống thị giác và hệ thống thính giác trên não hoạt động độc lập, tức là không hề liên quan đến nhau. Ấy vậy mà thí nghiệm này đã chứng minh điều ngược lại. 
Phản ứng tức thì của khỉ trong thí nghiệm trên chỉ ra rõ ràng phải có một sự liên kết trực tiếp giữa thị giác và thính giác – hai giác quan quan trọng nhất trong hệ giác quan của sinh vật sống. Khả năng kết nối này cũng lý giải tại sao đôi mắt của những người khiếm thính lại đặc biệt tinh nhạy và làm thế nào người khiếm thị lại sở hữu khả năng nghe tốt hơn người bình thường. Một kết luận được đưa ra: Khi một giác quan bị mất đi, não của chúng ta (cụ thể là khu vực tương ứng trên vỏ não) sẽ tiếp tục hỗ trợ cho một giác quan khác hoạt động thay vì “chết” đi.

 

8) Phương pháp xét nghiệm máu hoàn toàn mới

Âm thanh, nghiên cứu khoa học, khám phá

@sciencealert.com

Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm quan trọng giúp chẩn đoán và phát hiện nhiều bệnh lý khác nhau nhờ các chỉ số cung cấp. Tuy nhiên, theo như các nhà nghiên cứu, các phương pháp xét nghiệm máu hiện nay như quay ly tâm tốc độ cao hay gắn thẻ tế bào bằng hóa chất thời gian xử lý dài, năng suất thấp, nhiều nguy cơ làm nhiễm bẩn và làm hỏng các mẫu máu trên đường vận chuyển, chưa kể những công nghệ này cũng không có tính linh hoạt cao, không thể vận chuyển dễ dàng đến địa điểm cần cứu hộ.

Mới đây, các nhà khoa học đã phát triển một phương pháp mới bằng sóng âm thanh để kiểm tra máu. Theo như khẳng định của giới chuyên môn thì công nghệ này sẽ khắc phục hầu như mọi nhược điểm của các phương pháp xét nghiệm máu truyền thống. Máu khi được kiểm tra bằng sóng âm thanh sẽ đưa ra kết quả nhanh chóng, độ chính xác cao. Kỹ thuật mới này cho phép các bác sĩ biết được thông tin về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân thông qua các exosome đã được tách ra từ các các túi ngoại bào lớn hơn. Trong y học, các “gói tin tức nhỏ” - exosome được tế bào thải ra cho thấy rất nhiều điều về sức khoẻ cũng như tình trạng bệnh tật của cơ thể.

Kỹ thuật mới thông qua một thiết bị bao gồm một kênh dẫn vi lưu tiếp xúc với hai bộ cảm biến âm thanh được đặt nghiêng sẽ có nhiệm vụ tách tế bào, tiểu cầu và exosomes bằng sóng âm ở các tần số khác nhau. Sóng âm thanh vô cùng nhẹ và thời gian tiếp xúc với lực âm thanh cũng ngắn, chỉ khoảng 25 phút để xử lý cho một mẫu máu không pha loãng nên điều này sẽ ngăn ngừa bất cứ nguy cơ làm hư hại cho mẫu.

Công nghệ ứng dụng sóng âm để kiểm tra máu không chỉ ít mang tính xâm lấn hơn sinh thiết mô mà nó còn đem lại kết quả vô cùng chính xác. Bên cạnh đó, điểm mạnh của phương pháp này là tính linh hoạt, dễ vận chuyển, nhỏ gọn còn được đánh giá cao và hứa hẹn trong tương lai có thể phát triển thành bộ dụng cụ xét nghiệm máu di động để sử dụng ở bất cứ đâu - từ xe cứu thương cho đến những ngôi làng bị cô lập do thiên tai.

 

7) Âm thanh có thể nâng và giữ vật thể trong không trung

Âm thanh, nghiên cứu khoa học, khám phá

@Live Science

Từ lâu, các nhà khoa học đã luôn ước mơ về một thiết bị có thể nhấc bổng các vật thể lên không trung, ảo diệu như trong những bộ phim viễn tưởng của Hollywood.  Trên thực tế, thiết bị này hoàn toàn có cơ sở khoa học. Năm 2014, các nhà nghiên cứu đến từ một trường đại học của Scotland đã công bố phát hiện âm thanh có thể chống lại trọng lực để nâng và nhấc một vật thể lơ lửng trên không.

Trong điều kiện cho phép, ở đây là không khí, áp suất của sóng âm sẽ tạo ra lực nâng vật thể lên không. Nếu phát triển ở mức độ cao hơn và được áp dụng rộng rãi, biết đâu trong tương lai chúng ta sẽ có những thiết bị lơ lửng trên không. Tuy nhiên, bước đầu các nhà nghiên cứu đã thất bại trong việc xây dựng một thiết bị tạo lực nâng cụ thể bằng âm thanh.

Vấn đề lớn nhất ở đây bước sóng của âm thanh. Sóng siêu âm cần được giải phóng theo một thứ tự nhất định một lực đủ để phá vỡ lực hấp dẫn. Nguồn phát phải tạo ra được lực nâng được triển khai đồng thời mới có thể giữ vật thể trên cao, ổn định hoặc di chuyển theo chiều hướng mong muốn. Điều này đòi hỏi những tính toán toán học vô cùng phức tạp.

Gần đây, một nhóm các nhà khoa học đi sâu vào nghiên cứu và cuối cùng đã tìm ra điểm mấu chốt. Họ đã xây dựng được một mô hình âm thanh 3D thành công với 64 loa phóng thanh cực nhỏ. Trong thí nghiệm, thiết bị này đã nâng thành công một quả bóng bằng nhựa PS nặng 1,46 gram lơ lửng trên không trung. Với ba mô hình khác nhau, các nhà nghiên cứu cho biết việc giữ quả bóng có kích cỡ lớn hơn nhiều so với bước sóng siêu âm dùng để nâng đã không còn là chuyện bất khả thi như trước. 

Hy vọng công nghệ này sẽ được phát triển lên cao hơn nữa để trong tương lai chúng ta có thể chứng kiến những thiết bị siêu ảo diệu tưởng như chỉ có thể tồn tại trong những bộ phim khoa học viễn tưởng.

 

6) Dùng âm thanh dập lửa

Âm thanh, nghiên cứu khoa học, khám phá

@The Guardian

Ban đầu, ý tưởng dùng sóng âm dập lửa của hai chàng sinh viên trẻ theo học tại trường Đại học George Mason ở Virginia (Mỹ) bị từ chối vì nhiều người tin rằng đó là điều không thể. Tuy nhiên, với những gì thu được từ những nghiên cứu trước đây về chủ đề này, hơn ai hết, họ chắc chắn rằng mình có thể tạo ra một bộ dụng cụ đầu tiên trên thế giới có thể dập lửa bằng âm thanh.

Theo học ngành điện và phần mềm thay vì hóa học, dễ hiểu khi ngay từ đầu không mấy ai tin tưởng, thậm chí nhiều người còn chế giễu nhiều thay vì tìm cách hỗ trợ thực hiện ý tưởng tạo ra một thiết bị dập lửa bằng âm thanh. Tuy nhiên, Seth Robertson, 23 tuổi và Viet Tran, 28 tuổi vẫn tiếp tục những nghiên cứu của mình. Sau cùng, chứng kiến những nỗ lực của hai chàng trai trẻ, một giáo sư trong trường đã đứng ra trợ giúp và hướng dẫn về mặt chuyên môn.
Nhận thấy áp lực được tạo ra khi các sóng âm lan truyền trong không gian là rất lớn, cả ba thực hiện một số thử nghiệm dùng sóng âm thanh tần số thấp, trong khoảng 30-60 hertz để ngăn ngọn lửa bùng phát theo cơ chế chặn khu vực chứa oxy tiếp xúc với nhiên liệu cháy. "Sóng âm sẽ tạo ra lực tác động luân phiên và nhất quán. Quá trình này tác động và tách oxy ra khỏi vùng cháy khiến ngọn lửa bị dập tắt ngay lập tức”, Tran nói.
Mặc dù thiết bị dập lửa bằng sóng âm đã được cả hai đăng ký bằng sáng chế nhưng cả Robertson và Tran cho biết sắp tới họ còn phải tiếp tục hoàn thiện để cho ra đời bộ dụng cụ chữa cháy có thể ứng dụng trên các đám cháy với nhiều nguyên nhân khác nhau và quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, phát minh này đã mở ra cánh cửa mới cho việc chữa cháy tốt hơn trong tương lai, vừa tiết kiệm đáng kể chi phí vừa tránh việc sử dụng các loại hóa chất độc hại với môi trường khi dùng bình chữa cháy thông thường.

 

5) Âm thanh có thể làm thay đổi vị giác

Âm thanh, nghiên cứu khoa học, khám phá

Không chỉ dập tắt đám cháy, âm thanh tần số thấp còn có thể khiến chúng ta cảm nhận được sự thay đổi kỳ diệu về khẩu vị. 

Năm 2004, một dự án nghiên cứu về mối liên hệ giữa âm thanh và vị giác đã được công bố bởi một nhà khoa học của trường Đại học Oxford. Theo vị giáo sư này, việc thay đổi mức độ âm thanh có khả năng làm thay đổi vị giác, hay nói một cách khác là làm suy yếu khả năng nhận dạng một số vị của con người.

Hiện tượng này đã được chứng minh với nhiều thử nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm lẫn ngoài thực tế trong các nhà hàng. Kết quả khẳng định rằng âm thanh có liên quan trực tiếp đến khẩu vị của con người. Nó làm thay đổi khả năng nhận thức vị đắng và vị ngọt của hầu hết món ăn, từ bánh ngọt cho đến vị cà phê đắng. Các nhà nghiên cứu gọi đây là "ảo giác” về khẩu vị. 
Điều gây chú ý là những thay đổi này không liên quan đến hương vị của các món ăn. Thay vào đó, nó tác động lên khu vực “đọc” thông tin vị giác của não bộ. Tần số âm thanh cao hay thấp làm thay đổi sự tập trung của não khi phân tích các tín hiệu ngọt hay đắng của món ăn từ đó tạo ra những thay đổi lạ lùng về vị của món ăn.

Thế nên không khó hiểu khi tiếng ồn được ghi nhận là gây ảnh hưởng tiêu cực đến khẩu vị. Năm 2011, một nghiên cứu đã chỉ ra âm thanh đóng một vai trò lớn quyết định sự ngon miệng của thực khách. Trong một nhà hàng, nếu âm thanh quá lớn sẽ khiến khả năng nhận thức vị mặn và vị ngọt của thực khách bị suy giảm. Điều này giải thích tại sao thưởng thức đồ ăn ở các nhà hàng huyên náo, đông người lại khiến bạn có cảm giác không ngon miệng và ngược lại. 

 

4) Chuyển đổi dữ liệu thành âm thanh

Âm thanh, nghiên cứu khoa học, khám phá

@sciencemag.org

Mark Ballora lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Sau đó, trong thời gian nghiên cứu tiến sĩ, ông đặc biệt quan tâm đến việc chuyển dữ liệu, tức những con số thành âm nhạc bằng phương pháp Sonication (dùng sóng siêu âm để nghiền nhỏ hay phá vỡ các vật chất) giúp chuyển đổi các dữ liệu phẳng thành dạng sóng âm.

Trong hai thập kỷ tiếp theo, Ballora đã thành công khi tạo ra các bài hát chứa dữ liệu được chuyển hóa lấy từ một số nghiên cứu đơn cử là từ năng lượng của sao neutron, chu kỳ nhiệt độ cơ thể của loài sóc Bắc cực, ánh nắng mặt trời và dữ liệu của các cơn bão nhiệt đới. Hiện tại, vị tiến sĩ này vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm những dữ liệu đặc biệt để làm phong phú thêm giai điệu và tiết tấu cho các “bài nhạc giao hưởng” của mình. Mặc dù không phải là một công cụ phổ biến trong giới khoa học song phương pháp cũng đã được đưa vào ứng dụng trong lĩnh vực thiên văn học góp phần tạo ra một số tiến bộ đáng chú ý.

Điển hình là trường hợp có thể lắng nghe các vì sao của một nhà thiên văn khiếm thị. Tại Đài Quan sát Thiên văn Nam Phi ở Cape Town, nhà thiên văn học Wanda Merced sau một thời gian theo dõi các dữ liệu từ đồ thị ánh sáng tia gamma được giải phóng từ các vụ nổ siêu tân tinh đã phát hiện ra sóng cộng hưởng, là những thứ được tạo ra bởi những trao đổi năng lượng giữa các hạt bị kích thích. Đây là một phát hiện mang tính đột phá và các đồng nghiệp của cô đã hoàn toàn bỏ lỡ nó. Bởi vì, giống như chính cô lúc chưa bị căn bệnh mãn tính cướp đi thị lực, họ chỉ nhìn vào đồ thị thay vì lắng nghe chúng. 

Phương pháp âm thanh hóa dữ liệu được khởi xướng bởi hai nhà khoa học nói trên hứa hẹn sẽ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, đặc biệt với việc nghiên cứu các hiện tượng thiên văn như sự phun trào năng lượng khổng lồ từ mặt trời, được biết đến như các siêu bão mặt trời. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi thành công dữ liệu thành âm thanh sẽ còn mở ra cơ hội nghiên cứu và nhận biết trong rất nhiều các lĩnh vực khác nhau tưởng chừng không thể đối với những người không may mất đi thị giác.

 

3) Hiệu ứng tiệc Cocktail

Âm thanh, nghiên cứu khoa học, khám phá

@BBC

Mặc dù ngay cả khi đang đứng giữa một bữa tiệc ồn ào, nếu có ai đó gọi tên và muốn nói chuyện với bạn thì bạn vẫn có thể tự điều chỉnh mọi âm thanh xung quanh chỉ để tập trung vào giọng nói đó. Điều này tạo ra sự hứng thú lớn với các nhà nghiên cứu, họ thực hiện nghiên cứu trên 7 bệnh nhân có tiền sử động kinh để tìm ra câu trả lời.

Trên cơ bản, hiện tượng tảng lờ đi những thứ xung quanh để tập trung vào một số thông tin mà chúng ta cho là quan trọng trong tâm lý học gọi là sự chú ý có chọn lọc. Khái niệm này còn được biết đến với tên gọi là “Hiện tượng Cocktail” được đặt tên dựa trên khả năng tập trung duy nhất của não bộ vào một cuộc đối thoại nào đó cho dù bạn đứng giữa một bữa tiệc ồn ào với rất nhiều người trò chuyện.

Quay trở lại với thử nghiệm trên các bệnh nhân động kinh được gắn máy đo sóng điện não vào đầu. Các nhà khoa học mở một đoạn băng ghi lại cuộc đối thoại của nhiều người đang nói chuyện cùng một lúc. Ban đầu, không ai trong số 7 người tham gia thí nghiệm hiểu nổi nội dung cuộc trò chuyện cho đến khi đoạn băng được mở lại và lần này họ được yêu cầu chỉ về một chủ đề cụ thể. Thật ngạc nhiên, dù âm thanh đã bị làm nhiễu, khó nghe hơn lần đầu nhưng tất cả những ứng viên trong cuộc thử nghiệm đều lập tức chỉ ra chính xác nội dung trong đoạn băng. Điều này cho thấy khả năng kỳ diệu của não bộ trong việc bỏ qua những thứ được cho là không cần thiết để tập trung vào những điểm quan trọng. Một khi nhận ra chủ đề cần quan tâm, não lập tức có phản ứng, xử lý thông tin tiếp nhận từ hệ thống thị giác và thính giác, tinh chỉnh từ đó lọc những nguồn vào được cho là vô dụng để hướng về thông tin cần thiết.

 

2) Tiếng ồn hồng

Âm thanh, nghiên cứu khoa học, khám phá

Đối với những bệnh nhân bị mắc chứng mất ngủ, thuật ngữ White Noise (tiếng ồn trắng) đã không còn mấy xa lạ bởi nó đồng nghĩa với một giấc ngủ ngon. Theo các chuyên gia, White Noise là một loại âm thanh nhất quán trong suốt đêm, xoa dịu suy nghĩ giúp người bệnh ngon giấc. Sau đó một thời gian, các nghiên cứu khác tiếp tục tìm ra một loại âm thanh giúp vỗ về giấc ngủ thậm chí còn tốt hơn White Noise đó là Pink Noise hay còn gọi tiếng ồn màu hồng, được đặt theo màu năng lượng xuất hiện trên quang phổ.

Tương tự như tiếng ồn màu trắng, Pink Noise cũng là một tín hiệu ngẫu nhiên, được lọc để có năng lượng bằng nhau mỗi quãng tám gồm nhiều âm thanh khác nhau phát ra cùng một lúc với tần số 20 - 20.000 Hz. Tuy nhiên, so với White Noise có mức năng lượng tương đương mỗi Hz suốt tất cả các tần số thì mức năng lượng của Pink Noise tại mỗi Hz sẽ giảm khi tần số tăng lên. 
Theo một nghiên cứu mới được công bố gần đây, não bộ sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi nghe âm thanh của tự nhiên như tiếng gió thổi nhẹ, lá xào xạc hoặc mưa rơi trên mái nhà. Kết quả cũng chỉ ra con người sẽ dễ dàng chìm vào giấc ngủ ngon và sâu hơn khi được nghe những âm thanh này. Để tìm hiểu mức độ hiệu quả của Pink Noise với giấc ngủ, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thực hiện một thí nghiệm trên 13 người cao tuổi với độ tuổi trung bình khoảng 75 tuổi. 

Trong phòng thí nghiệm, các tình nguyện viên sẽ được nghe Pink Noise trong 2 đêm liên tiếp và làm một bài kiểm tra trí nhớ trước và sau khi thí nghiệm kết thúc. Kết quả cho thấy, tiếng ồn hồng đã cải thiện giấc ngủ của 75% tình nguyện viên, 45% người trong số được hỏi cho biết khả năng ghi nhớ của họ cũng được cải thiện đáng kể sau khi nghe Pink Noise.

Đối với người lớn tuổi, đây quả thật là tin vui. Ngày nay, chứng mất trí nhớ hiện đang là một vấn nạn, đặc biệt là với người cao tuổi – những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Một đội ngũ các nhà nghiên cứu đến từ đại học Hoa Kỳ sau khi thực hiện thử nghiệm tương tự với một số người ở độ tuổi 60 tuổi với Pink Noise cũng cho biết những người không bao giờ nghe tiếng ồn hồng sẽ có nguy cơ mắc các chứng bệnh tuổi già như mất ngủ, mất trí nhớ… cao hơn gấp ba lần so với những người đã từng nghe loại âm thanh này.

 

1) Hội chứng ghét âm thanh

Âm thanh, nghiên cứu khoa học, khám phá

Hầu hết mọi người trong chúng ta đều có thể tiếng động khó chịu khác nhau như tiếng móng tay cào lên bảng, tiếng con nít khóc hoặc tiếng phụ nữ lớn tiếng nhưng sự việc sẽ nghiêm trọng hơn nhiều nếu như cả tiếng húp canh hoặc tiếng động phát ra khi đang nhai cũng có thể khiến một ai đó phát điên. 

Trong y học, những người như vậy có thể đã mắc phải hội chứng misophonia, hay còn gọi là chứng “dị ứng với tiếng ồn” hay “ghét âm thanh” bắt nguồn từ sự bất thường trong não bộ. Với họ, những tiếng động nhỏ nhưng kéo dài và lặp đi lặp lại kiểu như tiếng nhấn bút, tiếng nhai, tiếng gõ bàn phím và thậm chí là tiếng thở cũng khiến họ cảm thấy tồi tệ như đang ở trong địa ngục.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một cuộc thử nghiệm trên hai nhóm người, một nhóm người mắc chứng misophonia và những người khỏe mạnh. Những tình nguyện viên sẽ được nghe những tiếng động kích thích được xếp vào hàng khó chịu nhất. Hình ảnh chụp não của các bệnh nhân cho thấy sự bất thường ở thùy trán (khu vực có nhiệm vụ ngăn chặn sự phản ứng khó chịu của cơ thể với âm thanh), nhỏ hơn và kém phát triển hơn so với những người khỏe mạnh. Ngoài những cử chỉ thiếu kiềm chế, những người mắc chứng trên còn có những các triệu chứng tiêu cực khác về thể chất như nhịp tim đập nhanh và đổ mồ hôi nhiều hơn khi nghe các âm thanh kích thích.

 

Để thêm kích thích, LaLung.vn sẽ gửi đến các bạn những âm thanh ma quái xuất hiện từ không trung gây hoang mang cả thế giới.


Mỗi ngày xung quanh chúng ta có hàng tỷ âm thanh, nhưng không phải ai cũng biết mọi sự thật về chúng. Thế nên hãy chia sẻ bài viết này để mọi người cùng tìm hiểu nhé.

Bài viết liên quan: