Những lầm tưởng về y học vẫn được nhiều người tin là thật

Ngày 18/12/2017 - Đăng bởi Lalung.vn
Thích & chia sẻ:

Trải qua một thời gian dài, có những quan niệm đã ăn sâu vào trong suy nghĩ và trở nên phổ biến đến mức nó nghiễm nhiên được coi là thật. Càng đáng nói hơn khi một vài điều trong số đó, những thứ thậm chí dù đã được cải chính nhưng vì một lý do nào đó, có thể là tâm lý không muốn tiếp nhận điều mới, chúng vẫn được rất nhiều người tin tưởng và thực hành theo đơn cử như quan niệm con người cần uống đủ 8 ly nước mỗi ngày, cạo lông dễ khiến lông dày hơn hay ngẩng đầu để cầm máu cam,… đó chỉ là 3 trong số những lầm tưởng về học vẫn được nhiều người tin là thật. 

Không cần tốn thời gian lên Google, gõ từ khóa và bấm “Search” làm gì nữa, tất cả những sự thật đằng sau những quan niệm sai lầm về y học và sức khỏe con người sẽ được chúng tôi gửi đến bạn trong bài viết ngay sau đây.

 

1) Chúng ta nên uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày

Y học, nghiên cứu, quan niệm y học

@Aqua Mechanical/flickr

Trên thực tế, không hề có một khuyến cáo y khoa nào quy định lượng nước đủ phải đưa vào cơ thể con người mỗi ngày. Thay vào đó, yếu tố này thay đổi tùy thuộc vào lối sống, nơi cư ngụ và tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày là một trong những quan niệm sai lầm được nhiều người tin là thật nhất. Nguồn gốc của lầm tưởng này có thể bắt nguồn từ khuyến cáo được đưa ra vào năm 1945 bởi Ủy ban thực phẩm và dinh dưỡng Mỹ. Khuyến cáo này nêu rõ: "Mức thích hợp cho lượng nước cung cấp vào cơ thể mỗi ngày của một người trưởng thành là 2,5 lít, tương đương 8 cốc chất lỏng. Tiêu chuẩn gốc được quy định là 1 ml cho mỗi calo thực phẩm dùng chung cho nhiều tạng người khác nhau. Hầu hết lượng nước cần thiết trong ngày đã có đủ trong thức ăn đã qua chế biến”. Tuy nhiên, khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thì hai câu cuối cùng trong khuyến cáo này lại bị bỏ qua khiến nhiều người hiểu sai sự thật.

Tiến sĩ Aaron E. Carroll, bác sĩ đồng thời là tác giả cuốn sách “Don’t Swallow Your Gum! Myths, Half-Truths, and Outright Lies About Your Body and Health” cho biết, nước không phải là nguồn cung cấp hydrat duy nhất cho cơ thể. Hơn nữa, lượng nước cần thiết nạp vào cơ thể mỗi ngày còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Một vài trong số những yếu tố này bao gồm cường độ hoạt động, nơi sống và loại thực phẩm sử dụng hàng ngày. Ngoài ra, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy uống nhiều nước có lợi cho sức khỏe. Ngược lại, uống quá nhiều nước có thể làm giảm natri trong máu (hay giảm natri huyết) dẫn đến ngộ độc nước, vã mồ hôi, nôn mửa, co giật thậm chí tử vong trong trường hợp nặng.

 

2) Tóc và móng tiếp tục mọc dài ra sau khi chết

Y học, nghiên cứu, quan niệm y học

@Pixabay, sunshinecity/flickr

Rất nhiều người, trong số đó có không ít bác sĩ tin rằng sau khi chết, tóc và móng tay vẫn tiếp tục mọc dài ra. Điều này trên cơ bản là không thể bởi sau khi tắt thở, mọi hoạt động trao đổi chất hay gọi cho dễ hiểu là hoạt động sống trong cơ thể đều ngừng lại hoàn toàn.

Chuyên gia khảo cổ học William Maples cho biết hầu hết mọi người đều lầm tưởng rằng tóc và móng tay của một người đã khuất vẫn tiếp tục phát triển sau khi chết mà vô tình bỏ qua một cơ sở khoa học quan trọng đó là: Để phát triển, cơ thể cần tạo ra tế bào mới và điều này đương nhiên bất khả thi bởi sau khi chết, trái tim con người đã ngừng đập đồng nghĩa với mọi hoạt động sống đều sẽ ngưng trệ. Người chết cũng khó mà sản xuất ra được glucose thế nên tóc của họ cũng không thể mọc dài ra thêm được.

Thế nhưng một vài trường hợp khẳng định họ đã tận mắt nhìn thấy tóc và móng tay của người thân đúng là đã phát triển dài ra khá nhiều so với thời điểm vừa mới qua đời thì sao? Điều gì đã xảy ra? Theo các nhà khoa học, khi con người chết đi, các mô mềm, đặc biệt là phần da xung quanh móng, đầu bị mất nước và co lại. Hiện tượng này khiến móng tay nhô cao và tóc cũng trông dài hơn. Đó là lý do cho việc các dịch vụ tang lễ thường làm ẩm phần đầu ngón tay người quá cố để tránh hiểu lầm gây hoang mang không cần thiết.

Không chỉ xuất hiện ở tóc và móng tay mà hiện tượng này cũng xảy ra tương tự với râu của đàn ông sau khi chết. Sau khi tắt thở, da trên cằm khô đi, co rút về phía sọ khiến các sợi lông vẫn còn nằm dưới da nhô lên tạo ra hiệu ứng râu mọc dài ra hệt như mấy ngày chưa cạo vậy.

 

3) Cạo lông sẽ khiến lông mọc lại nhanh, cứng và dày hơn

Y học, nghiên cứu, quan niệm y học

@Andrew Dyer/flickr

Đây là quan niệm sai lầm cố hữu trong nhiều năm qua. Trên thực tế, cạo lông không hề làm lông mới mọc lại nhanh, cứng, dày hay trông thô hơn.

Đã có khá nhiều thử nghiệm được thực hiện để phủ nhận điều này. Amy McMichael, Chủ tịch viện da liễu tại Wake Forest Baptist Health, nói: "Vấn đề ở đây chỉ là tâm lý chứ không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cạo lông sẽ khiến chúng dày hơn khi mọc lại cả”.

Năm 1928, một cuộc thử nghiệm được thực hiện với bốn tình nguyện viên đã phủ nhận lầm tưởng này. Bốn người đàn ông này được yêu cầu sử dụng cùng một nhãn hiệu kem cạo râu, dao cạo và nước ở cùng một nhiệt độ. Các nhà nghiên cứu sau đó đã thu thập và đo các sợi râu bị cắt xuống để so sánh sau mỗi lần như vậy. Họ đã đi đến kết luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy việc cạo râu sẽ khiến râu mọc ra nhanh hơn hoặc dày hơn. Một nghiên cứu tương tự tiến hành vào năm 1970 cũng chỉ ra kết quả ra tương tự.

Nói tóm lại, việc cạo lông chỉ loại bỏ phần da chết chứ không hề gây ảnh hưởng đến lỗ chân lông nằm dưới bề mặt da. Do đó, giờ đây, các chị em phụ nữ hoặc những anh chàng lắm lông đã có thể thở phào nhẹ nhõm và yên tâm rằng việc wax lông định kỳ của mình sẽ không ảnh hưởng hay can thiệp gì đến tốc độ và sự tăng trưởng quá lố của “vi-ô-lông” nữa rồi nhé.

 

4) Con cái của những người là họ hàng sinh ra đều sẽ bị dị tật bẩm sinh

Y học, nghiên cứu, quan niệm y học

@Pixabay

Trên thực tế, con cái của những người họ hàng với nhau chỉ có 5-6% nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh, tương tự như thai phụ 40 tuổi.

Năm 2002, tạp chí Tư vấn về Di truyền đã xuất bản một nghiên cứu chứng minh điều này. Nghiên cứu này khẳng định nguy cơ mắc các khuyết tật di truyền nghiêm trọng như xơ nang và nứt đốt sống ở trẻ sinh ra từ những mối quan hệ họ hàng thực sự tồn tại. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc bệnh là khá nhỏ, chỉ từ 3 đến 4%, cao hơn khoảng 1,7 đến 2,8% so với những ca sinh có cha mẹ không phải họ hàng. Con số này gần như bằng với những bà mẹ sinh con ở độ tuổi 40 trở lên.

Nhiều nghiên cứu khác thậm chí còn cho thấy mức độ rủi ro con sinh ra bị dị tật bẩm sinh thậm chí còn thấp hơn. Năm 2009, Alan Bittles, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm so sánh gen học tại Đại học Murdoch, Australia đồng thời cũng là một trong những tác giả của nghiên cứu trên tiếp tục công bố một kết quả khá bất ngờ. Họ cho biết tỷ lệ tử vong của trẻ em sinh ra từ những cặp có quan hệ họ hàng là khoảng 3,5%, tuy có cao hơn so với các bậc cha mẹ không liên quan nhưng đã thấp hơn nhiều so với số điểm 4,4% đã được đề cập trong nghiên cứu được công bố 7 năm trước.

 

5) Phụ nữ có một lớp màng trinh bao phủ âm đạo và nó sẽ bị mất đi trong lần quan hệ đầu tiên

Y học, nghiên cứu, quan niệm y học

@wikimedia

Màng trinh thực chất là một lớp niêm mạc mỏng nằm chắn ngang âm đạo được hình thành từ khi sinh ra. Thế nên, nó hoàn toàn có thể bị mất đi (rách, vỡ) từ khi người phụ nữ còn rất nhỏ bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trong nhiều nền văn hóa, ngay sau khi đám cưới kết thúc, tân lang thường mong đợi sẽ được nhìn thấy tấm giấy màu đỏ lót dưới gường để yên tâm rằng cô dâu của mình là một trinh nữ. Đây hoàn toàn là một quan điểm sai lầm, thậm chí là lố bịch nhưng lại khá phổ biến ở nhiều quốc gia ngày nay.

Bởi trên thực tế, màng trinh chỉ là một lớp màng mỏng và nó có thể bị rách hoặc mất đi bởi nhiều nguyên nhân như đi bộ, đạp xe, chạy bộ hoặc thậm chí nhiều người khi sinh ra còn không có màng trinh. Chính bởi vậy, việc màng trinh không còn nguyên vẹn dù chưa quan hệ tình dục cũng là điều không có gì lạ và nó hoàn toàn không phải là yếu tố nói lên được giá trị hoặc nhân phẩm của người phụ nữ.

Vậy tại sao phụ nữ lại cảm thấy đau và chảy máu trong lần quan hệ đầu tiên? Anna Knöfel, một chuyên gia đến từ Hiệp hội Giáo dục tâm sinh lý Thụy Điển cho biết, thiếu sự chuẩn bị tâm lý và không bôi trơn thường xuyên có thể là nguyên nhân khiến mô âm đạo nhạy cảm tổn thương gây ra cảm giác đau và tệ hơn nữa là xước bên trong, nguyên nhân chính gây chảy máu.

 

6) Ngửa đầu ra phía sau giúp cầm máu cam

Y học, nghiên cứu, quan niệm y học

@Vassia Atanassova,Offnfopt/wikimedia, Jarrod Lombardo/flickr

Ngửa đầu ra phía sau để cầm máu cam sẽ khiến máu độc chảy ngược xuống cổ họng, xoang hoặc đường hô hấp có thể gây ra tình trạng nghẹt mũi, thậm chí ngạt thở.

Đây là một trong những quan niệm sai lầm phổ biến nhất mà tất cả chúng ta đều mắc phải. Tiến sĩ Diane Heatley, phó giáo sư tại Trường Y Wisconsin và Y tế Công cộng nói rằng phương pháp xử lý khi bị chảy máu cam ngửa đầu ra sau không hề giúp ích gì cho việc cầm máu thậm chí còn có thể gây tử vong. Việc làm này sẽ khiến máu độc chảy ngược xuống cổ họng và gây nghẹt thở. Nếu lượng máu chảy nhiều, nó sẽ chảy xuống dạ dày gây kích thích và dễ khiến bệnh nhân ói mửa.

Cách xử lý khi bị chảy máu cam đúng cách là: Người bị chảy máu cam nên ngồi dựa ở một mặt phẳng vững chắc, có chỗ dựa lưng càng tốt và cúi đầu về phía trước. Điều này sẽ làm cho lượng máu nhanh chóng thoát ra ngoài. Sau đó, nhẹ nhàng dùng tay bóp hai cánh mũi lại cho đến máu đông lại và ngừng chảy.

 

7) Lưỡi được chia thành 4 vùng vị giác đảm nhận các vị chua, cay, mặn và ngọt 

Y học, nghiên cứu, quan niệm y học

@MesserWoland/wikimedia, gabymichel/wikimedia, Pixabay

Thực tế: Toàn bộ các phần của lưỡi đều có thể cảm nhận được những mùi vị này nhiều, ít hay bằng nhau.

Đã đến lúc chúng ta nên có một cái nhìn mới và đúng đắn hơn về sơ đồ phân bố vùng vị giác trên lưỡi – thứ đã trở nên quá quen thuộc với nhiều thế hệ trong sách giáo khoa. Trong suốt nhiều năm qua, chúng ta vẫn tin rằng lưỡi có 4 vùng vị giác và mỗi một vùng như vậy đảm nhận cho 4 vị khác nhau đó là vị ngọt, chua, mặn và đắng. Một trong những đột phá đầu tiên trong nghiên cứu về vị giác đã được thực hiện vào năm 1974, khi các nhà nghiên cứu nhận ra rằng sơ đồ lưỡi chỉ là một quan niệm sai lầm đã tồn tại suốt hàng mấy thế kỷ mà không hề có ai phát hiện.

Năm 2006, các nhà khoa học đã xác định được một loại protein trên lưỡi hay còn gọi là nụ vị giác có nhiệm vụ đảm nhận vị chua. Protein này hoạt động như một tế bào thần kinh cảm giác chịu trách nhiệm cảm nhận vị giác. Đến năm 2010, Charles Zuker, trưởng nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Đại học California xác định các nụ vị giác chính là thứ giúp chúng ta có thể cảm giác được nhiều vị giác khác nhau.

Các nghiên cứu này chỉ ra rằng lưỡi của chúng ta có khoảng 8.000 nụ vị giác và mỗi loại đều chứa một hỗn hợp các tế bào thần kinh cho phép con người có thể cảm nhận được một trong năm vị đó là vị ngọt, mặn, cay đắng, vị chua và umami (vị đạm) - vị mới thứ năm vừa được phát hiện.

 

8) Căng thẳng làm tóc bạc sớm

Y học, nghiên cứu, quan niệm y học

@Pixabay

Chúng ta vẫn thường tin rằng căng thẳng, lo âu chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tóc bạc sớm. Đây là quan niệm hoàn toàn sai bởi theo các nhà khoa học, không hề có bất cứ một mối liên hệ rõ ràng nào giữa stress và tình trạng tóc bị “già” đi nhanh chóng cả.

Vẫn xuất hiện đâu đó trong những bộ phim tàu kể về những nhân vật vì đau khổ, tuyệt vọng hoặc quá thương nhớ người yêu mà chỉ trong một đêm tóc đã bạc trắng. Có lẽ đó chính là nguồn gốc khiến mọi người bắt đầu tin sai cổ vào thuyết cứ hễ  buồn lo, căng thẳng là thế nào tóc cũng bạc sớm. May thay là gần đây, các nhà khoa học đã lên tiếng khẳng định đúng là stress có tác động đến màu tóc, có thể khiến chúng ngã nâu dần nhưng mức độ ảnh hưởng này rất nhỏ, thậm chí gần như không đáng để nhắc tới.

Theo David Fisher, giáo sư khoa nhi tại trường Y Harvard, tóc bạc là sự suy giảm tế bào biểu bì tạo hắc tố (melanocyte) tạo ra melanin (hắc tố) có nhiệm vụ tạo màu cho tóc của chúng ta. Hóc-môn tạo ra từ stress có thể ảnh hưởng đến khả năng sống sót hoặc hoạt động của tế bào này nhưng cho đến nay các nhà khoa học vẫn không tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa căng thẳng và hiện tượng tóc bạc trước tuổi.

Tyler Cymet, chuyên gia y tế đến từ Bệnh viện Sinai nói thêm rằng "tóc muối tiêu” tuy được cho là có tính di truyền nhưng nếu duy trì một lối sống tích cực, bổ sung đầy đủ dưỡng chất thì bạn vẫn có thể đẩy lui tình trạng tóc bị lão hóa sớm từ 5 đến 10 năm.

 

9) Hút điếu cày an toàn hơn hút thuốc lá

Y học, nghiên cứu, quan niệm y học

@Pixabay

Đây tiếp tục là một sự thật sai lầm mà hầu hết mọi người đều tin theo. Trên thực tế, lượng khói thuốc hít vào phổi trong một giờ từ điều cày nhiều hơn gấp 100 đến 200 lần khói từ thuốc lá điếu.

Để chứng minh quan niệm hút điếu cày ít gây hại sức khỏe hút thuốc lá, mới đây các nhà nghiên cứu từ Đại học California tại San Francisco (UCSF) đã tiến hành một nghiên cứu mới. Họ thực hiện thử nghiệm trên 13 người có thói quen hút thuốc lâu năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hút điếu cày chẳng những không thể lọc bỏ những chất độc từ khói thuốc mà nguy cơ bị ung thư từ việc hút điếu cày còn cao hơn nhiều lần sử dụng thuốc lá.

Theo nhà nghiên cứu Peyton Jacob III của UCSF, kết quả kiểm tra máu của 13 tình nguyện viên cho thấy, nồng độ các chất độc hại như nicotine và chất gây ung thư benzen nhiều hơn gấp hai lần. Điều này cũng đồng nghĩa với với những người hút điếu cày hàng ngày sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn những người chỉ hút thuốc lá.

 

10) Cần giữ bản thân tỉnh táo khi bị chấn động não

Y học, nghiên cứu, quan niệm y học

@Max Andrews/wikimedia

Nhiều người cho rằng nếu không giữ bản thân tỉnh táo sau vụ chấn động não có thể sẽ khiến bạn gặp những vấn đề nghiêm trọng như kích động, co giật hay hôn mê. Tuy nhiên, giới khoa học đã khẳng định đây là hoàn toàn là lầm tưởng cố hữu không chính xác.

Nguồn gốc của quan niệm này có lẽ bắt nguồn một sự thiếu hiểu biết về các loại chấn thương đầu. Theo các chuyên gia y tế, đúng là chấn thương đầu có thể làm xuất huyết não rồi sau đó là hôn mê hoặc thậm chí tử vong. Nhưng điều này chỉ xảy ra với những chấn thương sọ não nặng và rất hiếm khi xảy ra với những vụ chấn động não bình thường.

Trên thực tế, một khi phải chịu đựng một cơn chấn thương đầu, não chúng ta cần thời gian để chữa bệnh bằng cách tạm “ngưng” hoạt động. Trong những hoàn cảnh như vậy, một giấc ngủ ngon gần như là giải pháp hoàn hảo để não bộ khôi phục lại “sức khỏe”. Do đó, ngủ không phải là một việc gì đó tồi tệ mà thay vào nó được xem là dấu hiệu tích cực. Để chắc chắn hơn, một số nhà nghiên cứu khuyến cáo, người thân của những người đã trải qua chấn thương nên được đánh thức mỗi giờ hoặc hai giờ vào đêm đầu tiên. Ngoài ra, cần kiểm tra xem khả năng giao tiếp, xem họ có thể nói chuyện bình thường không để đảm bảo mọi việc đều ổn.

Trên đây là những lầm tưởng về y học dù đã được chứng minh là không chính xác nhưng vẫn được nhiều người tin là thật và làm theo. Hãy chia sẻ bài viết này để “cảnh tỉnh” người thân và bạn bè, giúp họ từ bỏ những thói quen không tốt để cùng chung tay bảo vệ sức khỏe của những người bạn yêu thương nhé.

 

Và, thêm vài lầm tưởng của chúng ta về sức khỏe:


Bạn đã lầm bao nhiêu điều trong tất cả những điều trên? Hãy chia sẻ để người xung quanh bạn biết và thay đổi ngay nhé!

Bài viết liên quan: